Chuyên môn học vấn sâu rộng cùng với thành tích đồ sộ và nhiều thành tựu đáng nể của cựu sinh viên đại học FPT. Với mong muốn tạo ra sản phẩm thực tế có giá trị tác động tích cực đến lợi ích của xã hội, quán quân Startup Wheel, Founder & CEO của startup tMonitor – anh Vũ Hải Nam, đã từ bỏ học bổng tiến sỹ AI ở Mỹ chọn khởi nghiệp tại nước nhà. Hãy cùng Táo Khởi Nghiệp tìm hiểu và lắng nghe những chia sẻ quý giá trên hành trình khởi nghiệp của anh nhé!

Anh hãy giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Trước tiên mình xin phép gửi lời chào đến cộng đồng Táo Khởi Nghiệp. Mình là Vũ Hải Nam – Founder & CEO của tMonitor, hệ thống về quan trắc chất lượng không khí và giải pháp xử lý khủng hoảng cũng như là tăng năng suất của người lao động.

Nói về con đường khởi nghiệp của tMonitor, mọi người hay nhận xét mình với 2 từ đó là “Tai nạn” và “Bỏ học”, nó có vẻ hơi khác người một tí (cười). 

Thời còn đi học, mình đã có những suy nghĩ và mong muốn có thể tạo ra sản phẩm giá trị có tính kế thừa để lại cho đời, nó liên quan đến lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Tuy nhiên trong quá trình học tập ở trường, mình cảm thấy bản thân chưa có nhiều kiến thức chuyên môn, mạng lưới để có thể tự phát triển doanh nghiệp riêng của mình. Vì vậy, sau khi ra trường mình hay tham gia vào những công ty, tập đoàn phần mềm lớn trên thế giới để có thể học tập và trau dồi thêm kiến thức cũng như là tạo thêm những mạng lưới nhất định cho bản thân. Chỉ khi làm việc trong các tập đoàn đó mình mới có cơ hội chạm tay vào các sản phẩm, thiết bị công nghệ nổi tiếng trên thế giới. Trong khoảng thời gian đó mình cũng đã luôn suy nghĩ về việc tạo ra sản phẩm riêng của mình.

Anh bắt đầu có ý định khởi nghiệp từ khi nào? Và đầu là lý do thôi thúc anh khởi nghiệp? 

Đến năm 2015, đã có 1 vụ tai nạn hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại tòa nhà nơi có văn phòng công ty mình làm việc, tuy nó không gây ra những thiệt hại về của cải vật chất, tính mạng con người nhưng nó đã đặt cho mình câu hỏi “Làm sao để có thể tạo ra hệ thống vật lý luôn luôn theo dõi và có thể dự đoán trước được những hỏa hoạn, khủng hoảng sắp xảy ra để mình có thể ứng phó kịp thời?”. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển, mình có tìm hiểu ra và sử dụng các mạng lưới cảm biến sensor để có thể giữ cho chất lượng không khí tiếp tục. Nhận thấy thời cơ đó, mình quyết định chính thức khởi nghiệp. 

Có thể nói trong quá trình khởi nghiệp, mình đã bỏ qua khá nhiều các chi phí cơ hội và một trong số đó là mình đã bỏ học bổng tiến sỹ ở Mỹ về trí tuệ nhân tạo, chọn đam mê khởi nghiệp. Trong suốt quá trình học tập và làm việc, mình nhận thấy có sự khác biệt và chênh lệch giữa việc nghiên cứu và học tập so với việc áp dụng công nghệ đó vào thực tế để giải quyết vấn đề xã hội. Vì thế cho nên, mình luôn mong muốn có thể tạo ra sản phẩm thực tế giúp ích cho xã hội, khi có cơ hội và thời điểm chín muồi, mình đã bắt đầu thành lập và phát triển tMonitor.

Thực ra thì trong suốt quá trình học tập, mình luôn mong muốn làm thế nào có thể tạo ra sản phẩm trí tuệ và có thể gắn bó với nó. Quãng thời gian học tập và làm việc trong các tập đoàn, mình luôn có ý định có thể tạo ra được sản phẩm là “con đẻ” của mình. Mình luôn trăn trở, suy nghĩ về nó với mong muốn cải thiện và áp dụng nó tốt hơn vào cuộc sống. Khi học đại học mình đã bắt đầu nung nấu các ý tưởng như vậy, cũng như là những giải pháp mình cần thực hiện trong thời điểm đó.

Đội ngũ tMonitor thảo luận dự án công việc.

 Anh đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho anh cảm thấy ấn tượng nhất? Vì sao?

Trong khoảng thời gian mình học tập và làm việc trong các tập đoàn, mình luôn mong muốn có thể tham gia được vào các startup. Ở đó, mình có thể trải nghiệm nhiều yếu tố không chỉ là lập trình. Mình muốn nhìn được bức tranh tổng quan hơn, vì thế những công ty mình tham gia đều là về startup công nghệ, không chỉ của Việt Nam mà còn cả Mỹ. Những startup mình tham gia, mình cảm thấy sự đóng góp của mình có sự nhất định và tạo ra thành tựu nhất định. Nếu có ai đó đã từng làm ở các tập đoan FAANG  thì có thể sẽ có cảm giác như là đang làm việc với đội ngữ top 1% thế giới, cảm thấy đóng góp của họ không có sự ảnh hưởng nhất định, đâu đó cảm giác bị “lép vế” với đồng nghiệp về kiến thức, ngôn ngữ và cả cách sống khi làm việc với người nước ngoài. Tương tự vậy, trong nội tâm mình đã luôn đặt câu hỏi cho bản thân là sẽ làm cho các tập đoàn lớn hay làm cho startup. 

Gần đây nhất mình có làm cho một startup ở Mỹ, công ty họ làm về các máy móc thiết bị trị xạ ung thư thế hệ mới. Có một kiểu ấn tượng rất là hay đó là, khi nghĩ đến Las Vegas, người ta sẽ nghĩ ngay đến thành phố sôi động, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, khi mình tham gia làm việc ở đó thì mình mới nhận ra là Las Vegas là cái nôi của ngành y tế, đặc biệt là về trị xạ ung thư nổi tiếng nhất thế giới. Đây cũng là nơi tập trung rất nhiều kỹ sư nổi tiếng trong ngành này. Dự án đó đã mang lại giá trị và ý nghĩa cho xã hội rất lớn, họ sản xuất ra các thế hệ máy chữa và trị xạ ung thư thế hệ mới với giá thành chi phí rẻ để có thể được đưa vào sử dụng ở các nước đang phát triển. 

Đâu là điều anh cảm thấy tự hào nhất & thất vọng nhất trong quãng đường làm việc đó? Và vì sao?

Quay về khoảng thời gian Việt Nam chỉ vừa xuất hiện vài ca nhiễm Covid-19. Mình có nhận thấy các rủi ro trước mắt về dịch bệnh nhưng mình vẫn quyết định sang Mỹ để làm việc, cuối cùng mình đã bị “lock down” ở đó gần 1 năm mới trở về Việt Nam được. Trong quá trình đó, mình là người Việt Nam duy nhất được làm việc với các giáo sư đến từ đại học Stanford – top các trường đại học danh giá của Mỹ, mình là người trẻ tuổi nhất lúc đó còn lại tất cả đồng nghiệp và người làm cùng đa phần đều là các bậc tiền bối đã có tuổi và cực kỳ có tiếng tăm trong ngành này trên thế giới – ngành trị xạ ung thư.  Qua đó, mình luôn tin rằng trí truệ và nhân lực Việt sẽ góp sức được vào các sản phẩm trí tuệ trên thế giới, chứ không chỉ là các quốc gia lớn khác ngoài kia.

Hãy kể 3 từ về bản thân mà anh cảm thấy đúng nhất? Vì sao anh lại chọn 3 từ này?

Ba từ mình cảm thấy phù hợp và miêu tả đúng về bản thân mình, đầu tiên mình nghĩ đó là “Tạo tác động xã hội”, tức là những sản phẩm mình tạo ra mình luôn mong muốn nó không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc giải trí để mang lại lợi ích cho một công ty hay một cộng đồng nào đó. Mình luôn mong muốn sản phẩm của mình tạo ra lợi ích cho xã hội, tác động đến một xã hội. Cụ thể như sản phẩm tMonitor hiện nay với mong muốn tiến tới việc bảo vệ sức khỏe của mọi người, đặc biệt là các tầng lớp yếu thế trong xã hội như công nhân. 

Từ thứ hai là “Kỹ trị”, mình là người làm về kỹ thuật nên là tất cả những quyết định hay góc nhìn của mình nó sẽ luôn chi tiết và có sự logic dựa trên khoa học và trí tuệ. Đó cũng là điểm mạnh mình cần phát huy khi làm về startup. Ở thời điểm hiện tại, dù là bỏ qua cơ hội học tiến sỹ AI ở Mỹ, nhưng mình vẫn tự tin là có thể tự học được chương trình học bổng tiến sỹ đó thông qua công việc hiện tại của mình. 

Bên cạnh đó cũng có chuyên môn mà khó có thể tự học được, và phải mất nhiều thời gian hơn để lĩnh hội. Hiện nay, mình có đang tham gia lớp học MBA của đại học Harvard, thuộc top các trường đại học danh giá ở Mỹ. Điều mà liên quan đến từ thứ 3 của mình “Luôn luôn học hỏi”, việc học là trọn đời, điều gì khó mà mình không thể tự giải đáp thì có thể nhờ đến sự tư vấn từ những người khác với chuyên môn trình độ cao hơn. Khi tham gia chương trình học của đại học Harvard, mình đã ngộ ra được khá nhiều điều mà mình không thể nào tự học được giống như ngành về kỹ thuật của mình phải đi học hỏi, trao đổi và được hướng dẫn khá nhiều. 

Ảnh: tMonitor vô địch Startup Wheel 2021

“Luôn luôn học hỏi, việc học là trọn đời.”

Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Hồi xưa mình khá hứng thú với việc xoay rubik, và thường đặt ra các mục tiêu để thử thách khả năng giải rubik của mình. Điều mà cũng rèn luyện cho mình về sự tư duy, logic và giải trí. 

Ngoài ra, mình cũng có sở thích khác khá tốn kém đó là mình thích xe máy phân khối lớn, tuy nhiên toàn đi mượn (cười). Thích trải nghiệm và du lịch khắp các nước Đông Dương bằng loại xe này. Và ước muốn mình hiện tại là có thể trải nghiệm chuyến đi từ bờ đông sang bờ tây của Mỹ, nhưng hiện tại mình chỉ mới thực hiện được các chuyến đi dọc miền tây nước Mỹ bằng ô tô.

Ai là người truyền cảm hứng cho anh nhiều nhất? Vì sao?

Thật ra với mình thì không có ai truyền cảm hứng nhiều nhất cả. Có thể mọi người sẽ luôn có thần tượng nào đó để học hỏi theo, từ phong cách sống hay châm ngôn, câu nói. Nhưng đối với mình đó là sự chắc lọc từ những điểm mạnh, những đặc tính riêng của từng người để có thể tạo nên bản chất và con người riêng của mình trên sự tổng hợp hàng loạt các thông tin. Tuy nhiên, để bắt buộc phải chọn một câu nói hay châm ngôn của người nào đó thì mình nghĩ đó là câu nói rất hay của Steve Jobs đại khái là nói về những sự việc, hành động trong quá khứ và tương lai thì đâu đó nó cũng trở thành những chấm nhỏ trong cuộc đời của mình, dù ở hiện tại mình chưa thấy được sự liên kết đó tuy nhiên dần dần những chấm nhỏ đó cũng sẽ trở thành những sự việc có tính liên kết tạo ra cuộc đời của mình. Khi nhìn lại sự việc mình đã quyết định trong quá khứ thì nhận thấy chúng đều có tính tương đồng và kết nối. 

Cuốn sách yêu thích nhất của anh?

Từ xưa, đa số những cuốn sách mình thích đều là về lĩnh vực lập trình và tư duy. Hiện tại, mình cũng bắt đầu đọc và tìm hiểu thêm nhiều về khởi nghiệp và tư duy quản lý. Đặt lên bàn cân mà nói thì mình đều tâm đắc những cuốn sách ấy, mỗi một tác giả và câu chuyện trong số đó, đều có đặc điềm riêng của từng người nên là sẽ rất khó để mà có thể chọn ra được đâu là cuốn yêu thích nhất. 

Câu Quote yêu thích của anh? Vì sao?

Đầu tiên đó là “Thành công không phải là đích đến”, nó là chặng đường để mình hướng tới để phát triển và cố gắng hơn. Câu thứ hai đó là “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, mình phải tự nhận biết được bản thân đang ở mức độ nào, đối tượng khách hàng, đối thủ hay tất cả mọi người xung quanh mình họ đang ở mức nào để mình có vốn tiếp cận phù hợp cho tất cả công việc và trao đổi.

Ảnh: Lễ trao Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2021 (Smart City Award 2021)

“Thành công không phải là đích đến.” 

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà anh từng trải qua? Và cách anh đã đối mặt với nó?

Trong tất cả các vấn đề hiện nay của tMonitor – hệ thống về quan trắc chất lượng không khí để đảm bảo sức khỏe của con người đó là từ lúc bắt đầu khởi nghiệp, ở Mỹ mọi người hay trao đổi và khuyên mình nên sang Mỹ làm. Vì sản phẩm khởi nghiệp của mình nó còn khá mới ở Việt Nam, nên họ khuyên mình nên khởi nghiệp ở Mỹ. Hơn nữa, từ trước đến giờ mình chỉ thường làm ở nước ngoài thôi, mình cũng cảm thấy rằng thị trường Việt Nam mình rất khó để ngành này có thể tham gia vào. Tuy nhiên, nếu giải quyết được vấn đề của Việt Nam thì việc đi ra các nước khác trên thế giới sẽ dễ dàng hơn. Quan trọng hơn nữa là, mình là người Việt Nam và cần chính người con Việt Nam để giải quyết những vấn đề của đất nước mình. 

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của anh là gì?

Sản phẩm của tMonitor là hệ thống nền tảng mở, để có thể tích hợp được cả phần cứng và phần mềm của nhiều hãng khác vào trong thiết bị tMonitor. Ngoài việc, tự sản xuất các thiết bị phần cứng ra thì bên mình cũng có các lộ trình để có thể tích hợp được các thiết bị phần cứng không chỉ về quan trắc chất lượng không khí mà còn về các loại khác như nước, đất đai cũng như tích hợp các thiết bị IoT khác vào hệ thống của tMonitor và cung cấp được nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng. 

Một vài các chương trình liên kết thị trường để tổ chức các buổi Workshop cho các bạn nhỏ và học sinh cũng như là tuyên truyền cho khách hàng về tầm quan trọng của chất lượng không khí. Mình hy vọng vào năm 2022 này cũng như vài năm nữa, những bước đi của công ty sẽ có kết quả hơn để cho mọi người hiểu hơn về tầm quan trọng của sản phẩm liên quan đến chất lượng không khí này.

Mình cũng hy vọng, trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư, có thể tìm ra người phù hợp để có thể phát triển và mở rộng quy trình cho tMonitor hơn.

 

 Hai Founder của tMonitor: anh Trần Đức Nghĩa và anh Nam Vũ

Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Khi nói đến khởi nghiệp, đâu đó mọi người sẽ hình dung ra bức tranh màu hồng về việc tạo ra một sản phẩm có thể trở thành “kỳ lân”, hoặc lợi nhuận cao. Hiện tại, Việt Nam cũng thuộc hàng top trên thế giới về việc tiếp cận xu hướng tiền điện tử và game. Một số bạn khi tham gia khởi nghiệp, mọi người thường thiên hướng về các ngành game đang hot không chỉ Việt Nam mà quy mô trên cả thế giới, và sự hấp dẫn về tiền bạc lại trở thành các thương vụ lừa đảo tràn lan như hiện nay. 

Có thể nói đó cũng là phần thí nghiệm tốt cho khởi nghiệp ngày nay ở Việt Nam, cho nên theo mình khi xác định được ý tưởng khởi nghiệp hãy liên tưởng tới mục tiêu lâu dài của sản phẩm, dù không giúp được nhiều nhưng cũng có được sự ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mình, chứ không phải là những thứ ảo và mang lại những giá trị ngắn hạn. 

Mình cũng hay chia sẻ với các bạn sinh viên trẻ tuổi khi khởi nghiệp, việc đầu tiên đó là lùi bước để có bước đệm giúp mình tiến tới “Lùi một bước tiến mười bước”, lùi lại để có thể quan sát, nhận xét và học hỏi từ những người quanh mình, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và chọn bước đi phù hợp với bản thân.

Đó là cũng là toàn bộ những kinh nghiệm và bài học mình muốn chia sẻ đến mọi người trên con đường khởi nghiệp của mình. 

Táo Khởi Nghiệp xin chân thành cảm ơn những chia sẻ về kinh nghiệm và bài học quý giá từ anh. 

—*—

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây