Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã và đang làm thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của người dùng, đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản nói chung và sách nói riêng. Đón đầu xu hướng phát triển đầy tiềm năng của thị trường này, VoizFM là một trong các ứng dụng sách nói bản quyền đầu tiên tại Việt Nam. Tham gia chương trình Shark Tank mùa 4 và từ chối khoản đầu tư hơn nửa triệu đô từ Shark Bình, VoizFM không những không mất đi phong độ mà vẫn chứng tỏ được sức hút của mình trên thị trường. Hãy cùng TÁO Startup lắng nghe những chia sẻ về hành trình gọi vốn của startup VoizFM thông qua CEO, Founder VoizFM – anh Lê Hoàng Thạch.
1/ Chào anh, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân cũng như công ty startup của mình được không?
Anh là Hoàng Thạch, cựu sinh viên K48 ngành Quản trị kinh doanh Đại học Ngoại Thương TP HCM, hiện anh đang là CEO của VoizFm – một ứng dụng sách nói, podcast hàng đầu Việt Nam hiện nay. Anh từng làm Quản lý Nhãn hàng ở một số tập đoàn lớn như Masan, Unilever, rồi sau đó vì một vài cơ duyên đưa đẩy, anh tham gia vào dự án VoizFM và ở lại cho tới bây giờ.
2/ Anh có thể chia sẻ một số lý do khiến anh chuyển hướng sang làm startup được không?
Thật ra câu chuyện của anh giống như là “nghề chọn người”. Anh khởi đầu công việc ở các tập đoàn, sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm và tự suy xét bản thân thì thấy mình phù hợp làm những công việc tự chủ (tức mình làm mình chịu, chứ không phải muốn làm gì thì làm), nên mới rẽ hướng. Tuy nhiên, anh vẫn luôn trân trọng những kinh nghiệm có được khi đi làm ở các công ty. Những tháng năm làm việc ở tập đoàn đã rèn cho anh kỹ năng quản trị. Đây là một kỹ năng quan trọng và phù hợp để chuyển sang quản lý một startup.
Ở Việt Nam, nhiều founders mắc lỗi là có tư duy phân biệt một cách tiêu cực giữa việc làm chủ và làm thuê. Nhưng đối với anh, không có chuyện làm chủ hay làm thuê bởi mọi thứ chỉ đơn giản là mình làm được cái gì, mình học được gì từ nó và điều gì phù hợp với khả năng của mình hay không. Theo anh quan sát, các founders coi thường chuyện “đi làm thuê” thì thường bị “hổng” kiến thức quản trị khá nhiều, dẫn đến startup của họ thường “đứt gánh giữa đường” do kinh nghiệm quản lý nhân sự, tài chính
3/ Từ khi thành lập đến giờ, anh đã huy động vốn cho công ty startup của mình như thế nào?
Từ lúc thành lập tới bây giờ, công ty đã trải qua 2 lần gọi vốn: Vòng Angel Investor (Nhà đầu tư thiên thần) và vòng Seed. Ở vòng thứ nhất, nhà đầu tư cảm thấy hứng thú với dự án nên cũng bỏ một số vốn tượng trưng nhỏ. Nếu so với thương vụ gọi vốn của các startup khác, số vốn đó cũng khá là nhỏ. Tuy nhiên tại thời điểm đó, với quy mô công ty như vậy, thì số tiền đó có rủi ro cao và mang ý nghĩa là nâng đỡ nhiều hơn.
Ở vòng Seed, công ty đã có một chút ít kết quả về kinh doanh, hoạt động, đã có sản phẩm, insight về người dùng. Vì vậy, các quỹ tham gia vào vòng Seed là các quỹ có quy mô chuyên nghiệp hơn, cụ thể là Quỹ 500 Startups Vietnam và một số các nhà đầu tư cá nhân khác. Họ cảm thấy có hứng thú với mô hình kinh doanh này và nhận thấy mô hình đang đi đúng hướng nên họ đồng ý tham gia.
4/ Trong quá trình ấy, anh đã tìm kiếm nhà đầu tư/quỹ đầu tư như thế nào và anh đã làm cách nào để duy trì mối quan hệ với họ?
Tại vòng Angel, công ty đi tìm những người có mối quan hệ với mình, những người tin tưởng và có cùng đam mê, sở thích với mình. Nhà đầu tư ở vòng này vốn làm trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc, còn dự án thuộc lĩnh vực bản quyền sách. Cả hai bên đều có chung mối quan tâm, và đội ngũ sáng lập cố gắng thuyết phục họ tin vào tầm nhìn, dự định, kế hoạch liên quan tới sản phẩm của mình.
Ở vòng sau, ngoài các đầu mối được nhà đầu tư Angel giới thiệu, đội ngũ sáng lập còn chủ động tìm kiếm thông qua các bài thông cáo báo chí về các thương vụ gọi vốn tương tự như tình hình lúc đó của Voiz FM. Từ đó, một danh sách các quỹ đầu tư tiềm năng đã được lập ra, và các thành viên trong đội ngũ sáng lập bắt đầu nhờ giới thiệu (reference) thông qua các mối quan hệ với những công ty anh em trong cộng đồng startup.
1/ Đâu là lần gọi vốn mà anh cho là thành công nhất, vì sao?
Đối với anh, anh không có khái niệm vòng gọi vốn đối với nhà đầu tư nào là thành công nhất. Tất cả những nhà đầu tư đã tin tưởng vào mình thì đều được coi là thành công, và mỗi người đều có một vai trò riêng trên chặng đường phát triển của mình. Chẳng hạn nếu không có vòng Angel, ý tưởng không thể ra đời. Nếu không có vòng Seed, sẽ không có đủ tiềm lực để mở rộng quy mô dự án, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh.
Từng nhà đầu tư đều có vai trò chiến lược khác nhau. Có nhà đầu tư họ hỗ trợ cho mình về mặt tài chính, có nhà đầu tư lại hỗ trợ về mặt training và mối quan hệ, có nhà tư lại hỗ trợ cho mình về mặt coaching. Vì vậy, không cần biết số tiền đầu tư là bao nhiêu, anh đều dành sự trân trọng cao nhất cho tất cả.
2/ Theo anh, quá trình gọi vốn của VoizFM có điểm gì giống và khác đối với các startup công nghệ khác?
Theo anh, VoizFM có điểm khác so với các dự án công nghệ khác đó là tất cả các founder đều chưa bao giờ gọi vốn trong vòng đầu tiên. Vậy nên khi mới bắt đầu làm, mình phải tự mò mẫm và hỏi mọi người trong cộng đồng startup. Ngoài ra, khi gọi những vòng đầu, dự án cũng chưa có những thông tin kinh doanh nhất định để cân nhắc. Vì vậy, thứ mà mình trình bày sẽ là câu chuyện, tầm nhìn và phẩm chất của các nhà sáng lập.
1/ Theo anh, sau khi gọi vốn thành công, các nhà sáng lập hay người điều hành doanh nghiệp cần lưu ý những gì để có thể sử dụng vốn một cách hiệu quả và thông minh?
Đối với anh, khi mà bắt đầu gọi vốn thì mình phải có một hoạch định từ trước. Hiện nay, anh thấy có một số bạn hay gọi vốn theo kiểu “đến hẹn lại lên”, nghĩa là gọi vòng này xong 1 năm đến 1 năm rưỡi tiếp lại gọi vòng tiếp theo. Họ chỉ gọi vốn mà không biết được doanh nghiệp của mình đang cần gì. Điều đó sẽ khiến các bạn rơi vào trạng thái khó gọi vốn thành công, vì khi nhà đầu tư hỏi mục đích gọi vốn vì cái gì thì nếu các bạn không có một kế hoạch rõ ràng, nhà đầu tư sẽ e ngại.
Bên cạnh đó, trong trường hợp mình “may mắn” gọi được thì sau khi gọi vốn thành công mình sẽ không biết phải làm gì tiếp theo và sẽ dẫn tới việc rò rỉ tiền vốn. Vì vậy, đối với anh, việc sử dụng số vốn một cách hiệu quả phải được hoạch định từ trước vòng gọi vốn chứ không phải là sau khi tiền về rồi mới tính.
2/ Anh có gặp khó khăn gì sau khi nhận được số tiền đầu tư này hay không?
Đa phần các startup đều làm trong những ngành mới, và nó thường xuyên biến động. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng những kế hoạch chi tiết, rõ ràng. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch cũng có những mặt tốt và tồn tại nhất định. Nếu bạn quá tin tưởng vào kế hoạch mình đã lên, thì bạn sẽ trở nên kém linh hoạt và dễ dàng bị đào thải. Nhưng nếu bạn không có một kế hoạch nào thì khi vấn đề xảy ra, doanh nghiệp sẽ trở nên hỗn loạn. Đối với anh, chúng ta vẫn cần có một kế hoạch nền mà kế hoạch đó cần phải luôn thay đổi linh hoạt, biến đổi theo thị trường. Lúc đó, chúng ta mới có thể gọi là sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
3/ Theo anh, doanh nghiệp cần đạt được điều gì để có thể gọi vốn cho lần tiếp theo?
Tùy thuộc vào bản chất của từng startup, chúng ta sẽ xây dựng những kế hoạch khác nhau. Tương ứng với từng mức phát triển thì sẽ có những mục tiêu khác nhau: phát triển, đầu tư vào cái gì? Đầu tư vào những việc đó thì có thể tạo ra ảnh hưởng lâu dài hay không? Không hề có cái gọi là “to-do list” chuẩn mực để chuyển từ vòng gọi vốn này sang vòng gọi vốn khác.
1/ Theo anh, trước khi đi gọi vốn, các startup cần chuẩn bị những gì?
Lời khuyên thứ nhất của anh cho các bạn đó là trước khi gọi vốn, câu hỏi đầu tiên các bạn cần trả lời là: Các bạn có cần phải gọi vốn hay không? Theo anh nghĩ, mọi người đang lạm dụng cụm từ “gọi vốn” khi nghĩ từ đó là chỉ dấu cho sự thành công của một startup. Chẳng hạn như startup nào gọi được vốn thì mới được gọi là một “startup xịn”, “startup thành công”. Đối với anh, có rất nhiều những startup khác chưa bao giờ gọi vốn nhưng vẫn có thể thành công. Hoặc có một số thị trường không quá khó tới mức phải gọi vốn một số tiền lớn để giành giật thị trường đó hoặc tạo ra một sản phẩm càng nhanh càng tốt để chiếm lĩnh thị trường mới. Không phải thị trường nào cũng “hot” và tăng trưởng nhanh như vậy.
Lời khuyên thứ hai đó là các bạn cần phải xác định rõ bản chất của việc gọi vốn. Nhiều người nghĩ rằng gọi vốn là “xịn”, là mình có thể xài tiền của người khác, nhưng về bản chất đó là một cuộc mua bán. Bạn bán quyền sở hữu công ty để đổi lấy một số tiền, giống như bạn tự cắt thịt để ăn vậy. Cho nên, mỗi lần cắt là một lần đau, nếu các bạn không cảm thấy đau, tức là các bạn đang không hiểu về bản chất của việc gọi vốn.
Cuối cùng, lời khuyên thứ ba dành cho các bạn đó là việc trả lời cho câu hỏi: Có nên gọi vốn từ người lạ hay không? Theo anh nghĩ, số tiền ban đầu mà các bạn cần để đưa doanh nghiệp của mình vượt qua giai đoạn ban đầu thường không lớn. Chúng ta hoàn toàn có thể huy động, đi mượn hoặc tìm được những nguồn tiền từ vòng tròn quan hệ của chính mình trước, nhất là trong giai đoạn đầu, vì đó sẽ là những “nhà đầu tư” tương đối dễ tính. Từ đó, bạn sẽ có thêm thời gian để tập trung sáng tạo thay vì phải dành thời gian để “đua” KPI cho nhà đầu tư.
2/ Theo anh, các nhà sáng lập cần chuẩn bị những gì để có một buổi pitching thành công?
Trước khi gọi vốn, các bạn cần phải biết rõ các bạn sẽ kể câu chuyện gì, và chỉ chọn đúng 1 câu chuyện thôi. Đó có thể là câu chuyện của nhà sáng lập, câu chuyện độ lớn thị trường hay câu chuyện phát minh công nghệ… Mỗi startup sẽ có 1 câu chuyện hấp dẫn riêng. Nếu như bạn xác định đúng được câu chuyện muốn chia sẻ, thì xác suất tìm được nhà đầu tư để khép lại vòng gọi vốn sẽ nhanh và dễ thành công hơn.
3/ Theo anh, có những tiêu chí nào về việc tìm nhà đầu tư phù hợp?
Đối với anh, sẽ không có một tiêu chí cố định nào về việc tìm nhà đầu tư phù hợp. Những tiêu chí đó, các founder phải tự đặt ra cho mình và họ phải thực sự hiểu về doanh nghiệp, ngành của mình để có thể đặt ra. Nếu không, các bạn sẽ dễ sa đà vào việc chỉ chạy theo số lượng tiền gọi được, và nó sẽ dễ tạo thành vòng luẩn quẩn khiến việc chọn sai nhà đầu tư, gọi vốn thất bại hoặc bán rẻ hơn giá trị thực sự. Anh nghĩ đây sẽ là một “tử huyệt” nếu đi gọi vốn.
4/ Anh có lời khuyên đặc biệt nào dành cho các startup trẻ hay không?
Có một lời khuyên kinh điển đó là “Không có một bữa ăn nào miễn phí”. Sẽ không có ai đem tiền tới và để đó cho mình làm gì thì làm. Gọi vốn bản chất là thuận mua vừa bán. Vậy nên, cần tỉnh táo trước những con số, không phải cứ thấy startup “hàng xóm” gọi được 1 triệu là mình phải gọi được 2 triệu. Phải luôn luôn nhớ rằng, một lần gọi vốn hoàn tất là một lần “cắt da cắt thịt”, vì thế mọi con số đều phải được tính toán kỹ lưỡng.
Cảm ơn anh về những chia sẻ của mình!
————***————