Vấn đề ô nhiễm không khí đã và đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách không chỉ ở cấp quốc gia mà là toàn dân phải tham gia giải quyết. Hiểu được hiểm họa khôn lường mà ô nhiễm không khí mang lại tMonitor cho ra đời ứng dụng công nghệ cảm biến giúp giám sát chất lượng không khí nhằm nâng cao, cải thiện chất lượng sống. Hãy cùng Táo Khởi Nghiệp lắng nghe những chia sẻ quý báu của Anh Nam – Nhà sáng lập tMonitor về hành trình phát triển sản phẩm tMonitor nhé!

  1. Lời đầu tiên, Anh hãy giới thiệu sơ lược về bản thân cũng như sản phẩm tMonitor đến với Cộng đồng Táo Khởi Nghiệp.

Xin chào, Táo Khởi Nghiệp. Anh là Nam. Hiện nay, Anh đang là Founder và CEO của tMonitor một hệ thống quan trắc chất lượng không khí và có các giải pháp để tăng năng suất lao động cũng như bảo vệ sức khỏe con người. tMonitor là một sản phẩm “Made in Vietnam” bao gồm cả hệ thống phần mềm và thiết bị phần cứng.

Là một startup Việt Nam về công nghệ, tMonitor mong muốn giải quyết vấn đề thực tế về sức khỏe và nâng cao nhận thức của mọi người về việc hít thở không khí trong lành.

 tMonitor mong muốn giải quyết vấn đề thực tế về sức khỏe và nâng cao nhận thức của mọi người về việc hít thở không khí trong lành

  1. Quá trình phát triển sản phẩm cũng như động lực nào giúp Anh có ý tưởng tạo ra tMonitor như hiện này?

tMonitor ra đời khởi nguồn từ sự cố cháy nổ trong tòa nhà văn phòng nơi công ty anh đang đặt trụ sở. Sự kiện cháy nổ tuy không gây ra các thiệt hại về tính mạng con người. Nhưng nó đặt cho Anh câu hỏi là “làm sao để xây dựng một hệ thống có thể quan trắc chất lượng không khí 24/7” và “làm sao mình có thể dự đoán được khủng hoảng xảy ra trong tương lai để có hành động và giải pháp giảm thiểu thiệt hại xảy ra”. Từ những câu hỏi trên và kinh nghiệm trong quá trình làm việc tại tập đoàn nước ngoài Anh nhận thấy đây là thời điểm chín mùi để khởi nghiệp một sản phẩm kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Thời điểm này, Anh cũng quyết định tạm gác việc học tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo tại Mỹ để khởi nghiệp. Sau đó, từ năm 2015, team anh bắt đầu tập trung nghiên cứu để phát triển hệ thống phần mềm và hoàn thiện phiên bản thử nghiệm phần cứng. Từ 2015 đến 2019 thì team anh bước đầu tạo được hệ thống quan trắc hoàn chỉnh và có hệ thống dữ liệu “big data” (1) về quan trắc chất lượng không khí đặc thù cho môi trường nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam và Châu Á. Sau đó đến 6/2019, Công ty cổ phần tMonitor chính thức thành lập để phát triển và hoàn thiện hơn sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường.

  1. Dữ liệu lớn là một thuật ngữ cho việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được. Dữ liệu lớn bao gồm các thách thức như phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư (Theo Wikipedia)

Buổi họp của team tMonitor về tính năng sản phẩm

  1. Điểm giống và khác nhau giữa sản phẩm của tMonitor và sản phẩm của đối thủ cạnh tranh là gì?

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại thiết bị quan trắc không khí cơ bản. 

Loại thứ nhất là các thiết bị quan trắc chất lượng không khí cố định, loại nhà trạm này có kích thước to bằng cả căn phòng. Hệ thống quan trắc chất lượng không khí này có độ chính xác như trong phòng thí nghiệm. Chi phí trang bị trạm thiết bị này tầm 500 nghìn đô và hiện nay có rất ít trạm quan trắc này. Số lượng trạm quan trắc chất lượng không khí loại này trên mỗi quốc gia không nhiều vì chi phí quá đắt. Và nó chỉ phản ánh được chất lượng không khí trong một khu vực nhỏ nào đó thôi. 

Loại thứ hai là loại mà tMonitor đang phát triển. Thiết bị quan trắc không khí này sử dụng cảm biến (sensor) giá rẻ chỉ từ vài chục đô đến vài trăm đô. Và nó có thể đo đạc chất lượng không khí ở một độ chính xác nhất định và có thể triển khai trên diện rộng, ở một mạng lưới rộng lớn hơn. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm quan trắc không khí trên thị trường tập trung quan trắc chất lượng không khí ở ngoài trời và đo đạc một số thông tin không khí cơ bản như nhiệt độ, độ ẩm. Đối với tMonitor, hiện nay sản phẩm tập trung vào chất lượng không khí trong nhà, trong nhà máy, xí nghiệp, trường học, văn phòng và quan trắc được 13 chỉ số chất lượng không khí đặc thù cho từng ngành.

Hệ thống tMonitor giúp theo dõi 13 chỉ số chất lượng không khí theo các ngưỡng an toàn

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo là một trong những điểm mạnh nhất của tMonitor. Hiện nay, tMonitor cũng đang là nhà vô địch Châu Á Thái Bình Dương của IBM (2) về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. So với các sản phẩm khác trên thị trường thì tMonitor là sản phẩm duy nhất có hệ thống quản lý khủng hoảng. Ngoài phân tích các chỉ số, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đánh giá nguy cơ cháy nổ, khí độc bằng các cảm biến. Khi đó hệ thống xử lý khủng hoảng tự động kích hoạt và gửi cảnh báo tới người có trách nhiệm qua email, tin nhắn…

  1. IBM, viết tắt của International Business Machines, là một tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ

Ví dụ khi có đám cháy xảy ra mọi người thường xô lấn, chạy và dẫm đạp lên nhau để thoát khỏi đám cháy thì sẽ dễ gây ra thiệt hại lớn hơn. Với hệ thống quản lý khủng hoảng của tMonitor thì sẽ được xử lý theo những kịch bản đã được định nghĩa sẵn và những dữ liệu khủng hoảng như có đám cháy, khí độc rò rỉ tMonitor sẽ có báo cáo cụ thể và gửi lại cho bên bảo hiểm.

Ngoài ra, hiện nay, các sản phẩm quan trắc không khí của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam đang chưa có dữ liệu đặc thù của khu vực nhiệt đới gió mùa của Việt Nam cũng như Châu Á. Toàn bộ dữ liệu trí tuệ nhân tạo đưa ra lời khuyên của họ đang ở dữ liệu vùng ôn đới nên chưa được hiệu quả và phù hợp với thị trường. Trong khi đó, sản phẩm của tMonitor đã có dữ liệu chất lượng không khí đặc thù cho khu vực nhiệt đới gió mùa. Và team anh cũng đang tập trung phát triển hệ thống quan trắc chất lượng không khí trong nhà. Đặc biệt là đưa ra các giải pháp tích hợp với hệ thống phòng cháy chữa cháy, smart home (nhà thông minh), smart factory (nhà máy thông minh) để có thể xử lý khủng hoảng cháy nổ bằng cách điều khiển các thiết bị phần cứng như quạt thông gió, các hệ thống điều hòa, cửa rèm chống cháy để xử lý triệt để các vấn đề xảy ra. Ngoài ra, là sản phẩm “Made in Vietnam” nên tMonitor hoàn toàn tự mình nắm giữ công nghệ để có thể dễ dàng điều chỉnh độ chính xác của hệ thống cảm biến sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Đây là điểm mạnh hơn của tMonitor so với các sản phẩm của nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu đầu tư vào thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Bảng phân tích xu hướng, đánh giá và xác định các vấn đề, nguy cơ tiềm ẩn

  1. Khách hàng mục tiêu của sản phẩm? 

Hiện nay, mô hình kinh doanh mà tMonitor hướng đến tập trung vào B2B (3). Cụ thể là các nhà máy xí nghiệp, trường học, hệ thống sản xuất. Chẳng hạn như xưởng sản xuất, nhà máy may mặc hay trang trại chăn nuôi khi họ có nhu cầu quan trắc chất lượng không khí vì nó có ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của người lao động và tạo môi trường tốt nhất trong nhà kho để lưu trữ và bảo quản hàng hóa. 

(3) B2B (là viết tắt của từ tiếng anh Business to Business), có nghĩa là doanh nghiệp với doanh nghiệp. Đây là hình thức giao dịch giữa những doanh nghiệp với nhau. Chẳng hạn như các giao dịch giữa nhà sản xuất và các nhà bán buôn hoặc nhà bán buôn với cửa hàng bán lẻ

Đồng thời, tMonitor cũng có trao đổi với chính phủ theo hình thức B2G (4) để hợp tác với cơ quan nhà nước. Mục đích để lắp đặt trạm quan trắc ngoài trời giúp theo dõi điều kiện chất lượng không khí và đánh giá xem các hoạt động xây dựng nhà máy mới hoặc các nhà máy cũ đang hoạt động có thải ra các chất thải gây ô nhiễm môi trường. 

(4) B2G (viết tắt Business to Government) là mô hình kinh doanh trong đó bên bán là doanh nghiệp và bên mua là các tổ chức chính phủ của các quốc gia

Đối với khách hàng B2C (5) là cá nhân, gia đình thì hiện tại tMonitor chưa có đủ điều kiện để triển khai. Cụ thể còn chưa đủ các điều kiện như đối tác sản xuất, đối tác phân phối bán hàng, logistics, chăm sóc khách hàng. Hi vọng, trong 3-5 năm nữa khi đã phát triển hoàn chỉnh mô hình B2B thì sẽ có đối tác hỗ trợ bán sản phẩm trực tiếp đến người dùng cuối thông qua đại lý phân phối hoặc thông qua trang thương mại điện tử bán hàng trực tuyến.

(5) B2C là viết tắt của từ Business to Customer chỉ những doanh nghiệp bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng cuối cùng. C trong B2C là người tiêu dùng cuối cùng (End-user). Nghĩa là C còn bao gồm cả những doanh nghiệp mua sắm hàng hóa về để tiêu dùng. Chẳng hạn như doanh nghiệp mua bàn ghế phục vụ cho công việc văn phòng.

Mô tả cách thức sử dụng sản phẩm

Sản phẩm của tMonitor là sản phẩm nhỏ gọn, có thể để trên bàn hoặc treo trên tường như một thiết bị bị gia dụng. Người dùng có thể để ở khu vực mình muốn quan trắc chất lượng không khí. Thiết bị được đặt một vị trí cố định và chỉ cần cắm điện vào là có thể theo dõi chỉ số chất lượng không khí trên màn hình sản phẩm. Ngoài ra, người dùng cũng có thể theo dõi các thông tin chất lượng không khí trên ứng dụng của điện thoại thông minh hoặc truy cập vào hệ thống website xem lại lịch sử chất lượng không khí ở khu vực liên quan, nơi lắp đặt thiết bị quan trắc.

Thiết bị quan trắc không khí của tMonitor hoạt động 24/7 và cung cấp toàn bộ các thông tin về chất lượng không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, các chất độc và nhận biết các khí như SO2, CO, O3, CO2 với độ chính xác cao tại khu vực cần quan trắc chất lượng không khí để đưa ra lời khuyên cảnh báo cho người dùng. Ví dụ, khi người dùng thực hiện việc nấu ăn và có khí độc phát ra thì họ nên làm gì? Nếu thời tiết ngoài trời đang tốt thì họ chỉ cần mở cửa sổ. Nếu điều kiện không khí ở ngoài trời có vấn đề thì hệ thống quan trắc của tMonitor đang tích hợp với hệ thống smart home của tòa nhà sẽ cảnh báo và khuyên người dùng nên bật quạt thông gió hoặc điều hòa để giải quyết vấn đề. Những lời khuyên của tMonitor sẽ được cá nhân hóa tùy thuộc vào đối tượng, người dùng và mục tiêu sử dụng sản phẩm của người dùng. Chẳng hạn nếu người dùng đang muốn có môi trường năng động có thể giúp họ thỏa sức sáng tạo, và họ đặt sản phẩm của tMonitor trong phòng làm việc thì toàn bộ chỉ số theo dõi, lời khuyên của hệ thống sẽ phù hợp cho môi trường năng động để họ thỏa sức sáng tạo. Còn khi đặt trong phòng ngủ với mục đích có giấc ngủ tốt và họ muốn theo dõi chỉ số không khí phù hợp sức khỏe trong một không gian nhỏ và yên tĩnh thì toàn bộ thông tin đó trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cá nhân hóa cho từng người với từng mục đích sử dụng phù hợp.

Bảng theo dõi chỉ số không khí

  1. Giá trị lớn nhất mà sản phẩm của tMonitor muốn mang lại cho khách hàng

Hiện nay, mọi người đang chuyển từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”, và chất lượng cuộc sống cũng đang dần được nâng cao. Tuy nhiên, về vấn đề chất lượng không khí thì mọi người chưa có nhận thức đúng. Mặc dù sau khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, mọi người cũng đã bắt đầu thực hiện đeo khẩu trang và quan tâm hơn chất gì lơ lửng trong không khí có tác động trực tiếp đến cơ thể. Nhưng nếu không phải do dịch bệnh hoặc là chất độc mà con người hít thở vào mà có thể bị ngất hoặc tử vong thì hầu hết các vấn đề khác về không khí mọi người chưa thực sự quan tâm. Lấy ví dụ như trên bao thuốc lá có dán hình cấm hút thuốc lá và các cảnh báo hút thuốc gây ung thư nhưng mợi người vẫn lờ đi và sử dụng. Sau 5-10 năm khi ung thư phát tác lúc đấy mọi người mới nhận thức được tác hại. Đặc biệt, ngày nay, mỗi  người dành khoảng 90% thời gian cho hoạt động trong nhà và không khí trong nhà thường ô nhiễm gấp 2 đến 5 lần không khí ở ngoài trời do hoạt động đặc thù trong sinh hoạt như nấu ăn, dọn dẹp. Hoặc trong nhà máy có khí độc có hại cho cơ thể. Trừ khi có phát sinh vấn đề nghiêm trọng về hô hấp thì con người mới quan tâm đến chất lượng không khí. Mặc dù, mỗi ngày trung bình một người hít thở khoảng 20 nghìn lần và con người không thể nhịn thở quá 3 phút. Nhưng vẫn rất ít người quan tâm đến chất lượng không khí. Vì vậy, tMonitor mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về chất lượng không khí và giúp mọi người quan tâm hơn việc hằng ngày mình hít thở cái gì, có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình như thế nào và ảnh hưởng đến năng suất lao động và khả năng sáng tạo ra sao. tMonitor cũng muốn luôn đồng hành mỗi người để đưa ra cái nhìn tổng quan và sâu sắc nhất, có thể biến sự vô hình trong không khí thành sự hữu hình, nhìn được. Khi nhìn được các chất trong không khí thì chúng ta mới có kế hoạch xử lý các vấn đề ô nhiễm không khí.

  1. Thách thức lớn nhất của Anh khi phát triển sản phẩm tMonitor?

Là một sản phẩm “Made in Vietnam”, vừa làm phần cứng và làm cả phần mềm, vừa có tích hợp trí tuệ nhân tạo thì tMonitor gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Đội ngũ nhân sự ban đầu của tMonitor xuất phát điểm là những người làm về phần mềm. Team anh đã có 4 năm để thu thập dữ liệu xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo. Tất cả vấn đề liên quan đến kĩ thuật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây team Anh đều có thể giải quyết được thông qua năng lực bản thân, thông qua việc trao đổi với chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, đối với phần cứng, team anh hầu hết đều là “tay ngang”.  Tư duy làm về phần cứng khác biệt hoàn toàn so với phần mềm nền anh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thời kì đầu, anh và team luôn nghĩ rằng là cái gì không biết thì hỏi. Nhờ sự tư vấn của các đối tác thiết kế phần cứng nên bước đầu xây dựng hệ thống phần cứng đáp ứng được nhu cầu cơ bản. Ở thời điểm hiện tại, sau khi hoàn thành thiết kế thì tMonitor gặp các vấn đề về việc sản xuất phần cứng. Ở Việt Nam, chi phí sản xuất phần cứng khá cao, trong khu ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam chưa phát triển. Đặc biệt, nhà máy lớn khi nhận đơn hàng gia công về phần cứng thì startup quá nhỏ để họ có thể hỗ trợ và làm việc được. Và chi phí về tồn kho khi muốn mua hàng hóa phần cứng này rất là lớn. Đặc biệt trong thời kì Covid-19, việc đóng cửa biên giới các nước gây nên vấn đề thiếu chip toàn cầu đã ảnh hưởng rất nhiều tới thời gian mua linh kiện phần cứng cũng như hoàn thành lắp ráp phần cứng. 

tMonitor hiện tại cũng đang tìm kiếm các giải pháp giải quyết vấn đề thiếu chip này. Từ năm 2022, tMonitor đã chính thức thành đối tác của Qualcomm Việt Nam. Qualcomm đã hỗ trợ rất nhiều cho tMonitor từ việc phát triển nghiên cứu hệ thống phần cứng cũng như giới thiệu đối tác để sản xuất phần cứng và đưa ra thị trường.

  1. Tại sao Anh lại chọn Việt Nam là thị trường phát triển sản phẩm tMonitor?

Đầu tiên, khi Team anh ở Mỹ được nhiều người khuyên nên phát triển sản phẩm ở Mỹ. Vì thị trường Việt Nam chưa đủ nhận thức và có đầy đủ cơ sở hạ tầng và điều kiện phát triển để đón nhận sản phẩm của tMonitor. Trong khi, ở thị trường Mỹ người dùng đã có nhận thức về chất lượng không khí đối với đời sống. Đặc biệt, chính phủ Mỹ có quy định rõ ràng về các vấn đề như tòa nhà xanh, trường học xanh, môi trường xanh để đảm bảo sức khỏe con người. Tuy nhiên, Anh quan niệm rằng mình là người Việt Nam và mong muốn giải quyết vấn đề của người Việt Nam. Hơn cả, Việt Nam là một thị trường vừa khó tính, vừa khó thuyết phục người dùng sử dụng sản phẩm về môi trường. Nếu như tMonitor phát triển thành công ở thị trường Việt Nam thì khi triển khai ở các thị trường nước ngoài nơi mà các quốc gia đã có tiêu chuẩn về môi trường thì sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, hệ thống quan trắc không khí ở nước ngoài đã phát triển và có số lượng dữ liệu lớn để dùng. Trong khi, Việt Nam là “thị trường xanh” và chưa có ai khai thác nên tMonitor quyết định chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên để tập trung phát triển. Sau khi ổn định, tMonitor mới mở rộng mạng lưới tiến ra thị trường Mỹ.

  1. Định hướng sản phẩm năm 2022?

Hiện nay, tMonitor mong muốn đảm bảo tối đa sức khỏe của mọi người, đặc biệt là tầng lớp yếu thế chẳng hạn như công nhân. tMonitor muốn sản phẩm của mình được lắp đặt nhiều nhất có thể ở các xí nghiệp, công xưởng để có dữ liệu tốt nhất đưa ra được bản báo cáo kế hoạch đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Ngoài ra, tMonitor cũng có vài dự án cho giáo dục cho học sinh từ học sinh tiểu học trở lên để các em có nhận thức về chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống hơn.

  1. Anh có điều gì đặc biệt muốn chia sẻ với Cộng đồng Táo Khởi Nghiệp? 

Mỗi công ty khi startup sẽ có câu chuyện và lý do riêng để dấn thân khởi nghiệp. Hy vọng rằng cộng đồng khởi nghiệp có thể chia sẻ với nhau các khó khăn và bài học kinh nghiệm rút ra từ hành trình khởi nghiệp. Từ đó, có những giải pháp để giúp đỡ nhau và cùng phát triển. Anh luôn quan điểm khởi nghiệp luôn cô đơn. Đặc biệt khi làm startup cho lĩnh vực môi trường và phần cứng càng cô đơn hơn, chưa được sự đón nhận của xã hội và nhà đầu tư. Đối với anh startup là 1 chặng đường đủ dài, đủ xa và là một giấc mơ đủ lớn để cho mọi người có thể cùng tham gia vào và cùng giúp tMonitor có thể phát triển hơn.

Và cũng cảm ơn Táo Khởi Nghiệp đã tạo cơ hội và là sân chơi vừa và nhỏ ở thời điểm hiện tại để mọi người có thể kết nối và giao lưu với nhau.  

Cảm ơn Anh Nam về những chia sẻ quý báu của Anh với Táo Khởi Nghiệp!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây