Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học máy tính trường Đại học Cambridge và lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Bristol ngành Máy học – anh Phạm Nam Long – CEO & nhà sáng lập Abivin đã về nước khởi nghiệp với mong muốn xây dựng và phát triển hệ thống ứng dụng AI – giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đảm bảo hiệu suất trong giao thương. Hãy cùng Táo Khởi Nghiệp lắng nghe những chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của doanh nhân này nhé!

Chào Anh Nam Long, Anh có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi  nghiệp của mình không ạ?

Đầu tiên, tôi muốn gửi lời chào đến cộng đồng Táo Khởi Nghiệp. Tôi là Phạm Nam Long – CEO & Founder Công ty TNHH Abivin Việt Nam. Công ty chúng tôi chuyên cung cấp giải pháp tối ưu Logistics ứng dụng công nghệ AI cho các công ty trong nhiều lĩnh vực. 

Về con đường học vấn, vào những năm cấp 3, tôi là học sinh chuyên Toán của Trường chuyên Sư phạm Hà Nội (ngày trước gọi là khối Phổ thông Toán – Tin). Sau một thời gian, tôi bắt đầu có hứng thú với môn Tin học và tìm hiểu về máy tính, mặc dù thi vào chuyên Toán học. Khi đó, tôi mới nhận ra, các bài toán về tin học là các bài thuật toán được giải bằng máy tính và từ đó, tôi bắt đầu có niềm đam mê với ngành Tin học. Điều đáng tự hào trong thời điểm đó là tôi đã đạt được thành tích giải nhì Olympic quốc gia với chuyên môn Tin học.

Trong thời gian sau đó, tôi may mắn có cơ hội và được gia đình tạo điều kiện để đi du học 2 năm tại Vương quốc Anh. Theo truyền thống từ bé, sang đến đất nước Anh, được sự cho phép của các giáo sư, tôi đã tham gia và đạt được nhiều huy chương vàng, bạc, đồng từ các cuộc thi Toán-Tin học và Vật lý-Tin học cấp quốc gia tại đất nước họ. Nhờ đó, tôi vinh dự có tên trong danh sách 4 thí sinh đại diện cho nước Anh đi thi Olympic quốc tế môn Tin học và đạt Huy chương đồng. Có lẽ nhờ các giải thưởng và thành tích mình đã đạt được, cho nên khi phỏng vấn vào Trường đại học Cambridge, tôi được các giáo sư kiểm tra thêm thông qua các bài test đánh giá và vinh dự được chọn vào trường với học bổng toàn phần cùng các chi phí hỗ trợ cá nhân khác. 

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge với chuyên ngành Khoa học máy tính, tôi có dành thêm 1 năm để học cao học một ngành khá mới vào thời điểm đó, AI Machine Learning and Data Mining (ngành Máy học) tại Đại học Bristol. Đây cũng là thời điểm tôi có điều kiện tập trung chuyên sâu hơn vào ngành và cho đến bây giờ vẫn cảm thấy may mắn vì đã đăng ký học đúng khóa học này, mặc dù thời điểm đó còn có một số ngành học tại các trường khác. 

Trong thời gian đó, tôi bắt đầu nộp CV để trải nghiệm làm việc thực tế và rất may mắn, Google đã nhận tôi làm việc tại trụ sở ở Mountain View (California, Mỹ).

Vậy Anh bắt đầu có ý định khởi nghiệp khi nào? Và đâu là lý do thôi thúc Anh khởi nghiệp?

Như đã nói ở trên, sau 7 năm học tập và làm việc ở Vương quốc Anh, tôi đã chuyển sang sống và làm việc tại Silicon Valley, Mỹ. Thế giới hay gọi đó là “Thung lũng công nghệ”, nơi mà môi trường sống và làm việc của cư dân, doanh nghiệp hầu hết đều là về công nghệ.  

Khoảng thời gian làm việc ở Mỹ – đất nước công nghệ tốt nhất thế giới và đi đầu về kinh tế, thật sự đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn của bản thân. Với những kiến thức và kinh nghiệm đáng giá đã tích góp được, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để quay trở về Việt Nam đóng góp cho nước nhà.

Sau khi trở về nước, tôi có tham gia vào một vài startup trước khi chính thức bắt đầu khởi nghiệp với Abivin, đó là Cốc Cốc và Adatao. Tại mỗi môi trường này, Tôi đều quan sát được một số “bức tranh nhất định” về cách làm việc, cách khởi nghiệp, và cách công ty công nghệ vận hành; đây cũng là tiền đề giúp tôi bắt đầu thành lập công ty công nghệ. 

Có 1 câu hỏi, con người có trí tuệ cao nhất, nhưng khi làm việc với cường độ cao thì việc quên, sai sót là khó tránh khỏi, vậy, bài toán đặt ra – con người kết hợp với máy tính có là giải pháp hữu hiệu hơn không? Tôi chọn hướng này để giải quyết các bài toán thực tế.

Thật sự mà nói, khởi nghiệp không phải là điều dễ dàng, khi mà ý tưởng ban đầu chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt, ý tưởng xuất phát từ một người “thuần về kỹ thuật” và còn thiếu thực tế như tôi thì chưa chắc sẽ được thị trường đón nhận. Sau gần 1 năm tìm các giải pháp khác nhau cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng chi cho ý tưởng, tình cờ chúng tôi gặp được khách hàng đầu tiên – một tập đoàn đa quốc gia, với mong muốn xây dựng hệ thống quản lý tối ưu hoạt động giao hàng. Từ đây, tôi mới nhận ra thị trường hoạt động công nghệ vận tải, công nghệ quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung rất nhiều, kể cả ở Mỹ. 

Tôi bắt đầu có ý định nhắm tới mục tiêu này bằng cách sử dụng các nguồn nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt là khi nhận thấy bài toán về chuỗi cung ứng ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung đang thiếu một nền tảng công nghệ có thể giúp các doanh nghiệp logistics quản lý và tối ưu hóa mọi khâu từ kiểm tra, lập kế hoạch, lưu trữ thông tin, vận hành, giám sát và lập báo cáo. Đó là bài toán mà công ty chúng tôi đã và đang làm như ngày hôm nay – Abivin đã khởi nguồn từ những ý tưởng như vậy.

 Anh có thể kể 3 từ về bản thân mà Anh cảm thấy đúng nhất? Vì sao Anh lại chọn 3 từ này?

Từ đầu tiên trong 3 từ dường như mô tả đúng nhất về bản thân tôi có lẽ là “ Kiên định”. Trên hành trình phát triển Abivin, tôi vẫn liên tục học hỏi và tiếp nhận nhiều vấn đề mới, nhận biết được các giải pháp tối ưu hơn. Sự kiên định giúp tôi luôn hướng đến tầm nhìn – “xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo để quản lý và tối ưu logistics cho các doanh nghiệp”. Tôi luôn theo đuổi mục tiêu này, vì tôi tin rằng thế giới đang cần một hệ thống như vậy – đây chính là hệ thống mà Abivin đang xây dựng và phát triển. 

Từ thứ hai “Nhiều năng lượng tích cực”. Trong quá trình giao tiếp và tương tác với các nhân sự trong công ty, kể cả đối tác và khách hàng, tôi luôn ở trạng thái nhiều năng lực tích cực. Trong mọi vấn đề đều có hai mặt tích cực và tiêu cực, nhưng cá nhân tôi luôn chọn trao đổi, giải quyết vấn đề theo cách tích cực để cuộc giao tiếp hoặc suy nghĩ của bản thân luôn theo hướng đó. Bởi vì nếu nghĩ về rủi ro quá nhiều sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, điều mà chắc chắn ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc. 

Và từ cuối cùng “Sự tỉ mỉ và chi tiết” – tính cách này đã hình thành và theo tôi ngay từ khi còn bé. Tôi là “dân học toán” nên có lẽ sự cẩn thận và chắc chắn luôn là điều tiên quyết đối với tôi trong giải quyết công việc. Chỉ khi thật sự hiểu và nắm rõ vấn đề thì tôi mới bắt đầu đi vào thực hiện chi tiết.

  

Sở thích ngoài công việc của Anh là gì?

Thực ra, tôi thích tập gym, nhưng đôi khi vì điều kiện và tính chất công việc mà không thể tham gia tập luyện thường xuyên được. Đối với lập trình viên, đặc biệt, về lĩnh vực công nghệ như tôi phải thường xuyên ngồi quá nhiều tại phòng làm việc, cần phải có thời gian để đi ra ngoài rèn luyện thân thể nhiều hơn. Sở thích này giúp tôi hiểu hơn về cơ thể mình, đặc biệt là các nhóm cơ, nhịp thở, để biết mình nên điều chỉnh chế độ ăn uống như thế nào cho hợp lý. Việc thực hiện sở thích này thật sự rất hữu ích và giúp tôi cân bằng cuộc sống hơn. 

 Ai là người truyền cảm hứng cho Anh nhiều nhất? Vì sao?

Như vừa rồi tôi có chia sẻ, đó là anh Christopher Nguyễn – sếp cũ của tôi ở Adatao. Anh ấy rất giỏi, tốt nghiệp Đại học Berkeley và Stanford với học vị PhD (tiến sĩ), đây đều là 2 trường top về công nghệ ở Mỹ. Anh ấy đã xuất sắc trở thành giáo sư khi chỉ vừa mới 26 tuổi. Đâu đó, tôi nhận thấy giữa tôi và anh có vài điểm chung về sự tỉ mỉ, chặt chẽ và chi tiết, những yếu tố quan trọng để có thể làm việc trong ngành này.

Cuốn sách yêu thích nhất của Anh? 

Tôi muốn chia sẻ những cuốn sách mà tôi nghĩ nó rất phù hợp cho các startup, và đều được nhiều người đón đọc. Đầu tiên là quyển “The Hard Thing About Hard Thingstác giả Ben Horowitz, với những câu chuyện, tình huống thường không được đăng lên báo chí. Cuốn này rất là phù hợp với các bạn định hướng xây dựng startup B2B (hình thức kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), hoặc startup có môi trường dễ thay đổi quy mô nhân sự. 

Quyển thứ hai là quyển “Zero to One” của Blake MastersPeter Thiel – Co founder của Paypal. Trong cuốn này, Peter muốn chia sẻ cùng độc giả về một thế giới mới với sản phẩm mới mà mình xây dựng nên sẽ như thế nào? Tại sao nó lại thành công và tại sao nó thất bại?

Quyển cuối cùng là “Good to Great” được viết bởi Jim Collins, cũng là một quyển mà tôi nghĩ khá là hay. Nó tổng hợp lại các điểm mà mình phải xử lý, khi đang ở mức “good” và cần làm gì để trở thành “great”.

Câu quote yêu thích của Anh? Vì sao?

Tôi nhớ đến Steve Jobs, vì tôi nghĩ Ông ấy thực sự có khá nhiều câu quote rất là hay, đi vào lòng người. Tôi đặc biệt nhớ một câu nói của ông, đó là: “Sometimes life hits you in the head with a brick. Don’t lose faith. I’m convinced that the only things that kept me going was that I loved what I did.” Đại khái câu này có nghĩa là: Cuộc sống có rất nhiều điều có thể đánh gục bạn, nhưng đừng mất niềm tin. Điều duy nhất bạn nên tin rằng, niềm đam mê, sự yêu thích việc bạn làm sẽ đưa bạn đi tiếp.

Đây là câu nói mà tôi nghĩ hiện tại nó vẫn còn áp dụng đối với mình, nhất là khi phải đưa ra những quyết định dứt khoát, chặt chẽ trong những giai đoạn quan trọng.

Theo Anh, khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà Anh từng trải qua là gì? Và cách Anh đã đối mặt với nó?

Theo tôi, vấn đề khó nhất mà tôi cũng như đối với đa số startup từng trải qua, đó là vấn đề về Nhân sự. Khi bắt đầu khởi nghiệp, việc truyền tải ý tưởng của cá nhân đến với các thành viên trong team để mọi người đều hiểu và có thể cùng nhau vận hành công ty đi đúng hướng là cả một câu chuyện dài. Đặc biệt, khi sự nhiệt huyết giảm xuống do liên tiếp gặp phải khó khăn. Làm việc chung, nhưng mỗi người lại có một kiểu tính cách khác nhau, cách học khác nhau, phong cách làm việc khác nhau thì quả là khó, trong khi, một tổ chức dù có quy trình chuyên nghiệp đến đâu vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào con người. 

Tại Abivin, có những thời điểm mà một số nhân sự chủ chốt thay đổi khiến cho bộ phận nhân sự dao động. Ở thời điểm đó, tôi nghĩ, việc quan trọng nhất là tôi phải giữ được sự bình tĩnh, xử lý từng việc một, hướng dẫn bàn giao công việc một cách bài bản khi nhân sự cũ rời đi, đồng thời, vẫn cần tập trung hướng tới khách hàng vì suy cho cùng, nội bộ có thế nào thì khách hàng vẫn là những người quan trọng nhất. 

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của Anh là gì?

Bài toán sử dụng công nghệ trong Abivin là bài toán dài hạn khi mà hoạt động vận hành logistics, chuỗi cung ứng đã là bài toán hàng nghìn năm nay và vẫn đang được nghiên cứu hoàn thiện từng ngày. Và việc làm thế nào để công nghệ của Abivin có thể lan rộng áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới có lẽ là mục tiêu lớn nhất hiện giờ.

Lời khuyên của Anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Đây là một lời khuyên mà tôi nhận được khi bắt đầu khởi nghiệp, từ một người chú có nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh. Đó là “Làm gì thì làm nhưng đừng có bỏ cuộc, người bỏ cuộc cuối cùng phải là mày”. Công ty muốn tồn tại thì người cuối cùng ở lại phải chính là người đã khởi đầu.

Và, đó là một vài câu chuyện và kinh nghiệm của bản thân trên hành trình khởi nghiệp, tôi muốn chia sẻ đến mọi người. 

Táo Startup xin chân thành cảm ơn những bài học và chia sẻ kinh nghiệm quý giá từ Anh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây