Từ bỏ một công việc ổn định để trở thành người tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam, anh Nguyễn Ngọc Điệp – CEO & Founder VNP Group đã trải qua 15 năm với rất nhiều cung bậc thăng trầm trước khi đến được thành công ngày hôm nay. Trong buổi phỏng vấn với Táo, anh đã chia sẻ chặng đường của mình với những bài học còn giá trị đến nay.

  1. Anh có thể chia sẻ về hành trình khởi nghiệp và đầu tư của mình trong suốt 15 năm qua được không?

Mình bắt đầu làm việc vào khoảng 2006-2007 và khởi chạy Vật Giá từ 15/7/2007. Mặc dù là dĩ vãng rồi nhưng đến giờ, vẫn rất nhiều người gọi mình là Điệp Vật Giá. Đối với mình, cái tên đó gắn liền với tuổi nông nổi của mình, bởi lúc đó, mình làm hoàn toàn không có hướng dẫn hay định hướng gì cả. Thời đấy cũng chưa có báo chí hay mạng xã hội, vì vậy mình chỉ làm theo tinh thần cái này sẽ có ích, thế thôi. 

Mình có thể chia quãng thời gian của mình làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn mò mẫm, từ năm 2007 đến 2018. Lúc đó mình vào danh sách 30 tỷ phú trên thế giới xem họ làm gì thì thấy có đến 15 ông làm về công nghệ. Trong 15 người này mình thấy cả những ông lớn như Google, Microsoft, Apple… nên mình nhận ra không thể làm theo lĩnh vực của họ vì không cạnh tranh được. Nhìn tiếp thì thấy có Amazon, cũng như khi nhìn sang các nước như Trung Quốc , Nhật, Hàn,… mình nhận ra nước nào cũng có một website thương mại điện tử riêng. Thế là mình quyết định chọn thương mại điện tử, vì đó có vẻ là hướng đi vừa tầm nhất lúc bấy giờ. 

Mình bắt đầu theo kiểu mình có thể làm được cái gì, và hoàn toàn không biết trước mắt cần những gì. Để rồi sau đó, mình mới biết thương mại điện tử là một cuộc chơi hao sức tốn của. Năm 2014, lúc đấy Vật Giá vẫn còn là số 1, nhưng đến 2015-2016 đã bị Lazada “quật” tơi bời đến mức phải rút ra vào năm 2018-2019. Lúc đấy mình rất là buồn, tuy nhiên, cái mình thấy đau đớn nhất không phải là tiền bạc, mà là thời gian trôi đi và không thể lấy lại được nữa. Bây giờ muốn thức đêm 2 3h sáng làm việc hay thức đêm như ngày xưa thì không còn được nữa. Đó chính là giai đoạn mông lung, mịt mờ với không chỉ mình mà cả những người xung quanh. Vật Giá thất bại, mọi thứ cũng sụp đổ theo. Những người đồng đội bên cạnh mình cũng cảm thấy mông lung không biết tương lai như thế nào. 

Ví dụ về Nhanh.vn là câu chuyện điển hình. Sinh ra trong VNP – công ty của mình, Nhanh được mình đầu tư vào mảng Logistics. Nhưng sau khi Vật Giá đổ, Nhanh cũng đổ theo. Sau đó mình bán Nhanh cho Momo, cũng may là bán được giá tốt. Có thể thấy, quãng thời gian từ năm 2006 – 2018 chính là 12 năm đi vào trong tăm tối, đối thủ cạnh tranh nhiều quá nên đến năm 2018 mình quyết định “dừng cuộc chơi”. 

Giai đoạn 2 từ năm 2018-2021, là khi mình quay cuồng tìm hướng đi mới, và cũng rất may là đã thành công. Một phần vì hồi xưa, mình đầu tư rất nhiều. Đầu tư cho dự án về phim, tài liệu, dự án của My Tour, TopCV… những điều đó đã giúp mình có cơ hội nghiên cứu thị trường và có cả những sản phẩm chết nữa. Nhìn lại mình thấy rằng, tìm được một hướng đi và xoay chuyển một công ty là cực kỳ khó. Nếu người nào đang có một hướng đi tốt, đang hái ra tiền và có cơ hội phát triển; đó là điều cực kỳ may mắn. Nhưng khi hướng đi đó có vấn đề, việc xoay chuyển cục diện cũng cực kỳ đau đầu. Đối với mình, đến năm 2018 mình mới có thể xoay chuyển, đó là một điều cho đến giờ mình vẫn nghĩ là rất may mắn. 

VNP bên mình hiện tại đang tập chung 2 mảng chính: cung cấp những giải pháp về dòng tiền như Baokim.vn. Lúc đó mình tình cờ gặp được Đức và cùng sáng lập ra Bảo Kim vào 2019. Đến giờ, Bảo Kim đã trở thành một sản phẩm vô cùng hiệu quả của bên mình khi cung cấp những giải pháp về dòng tiền cho các tập đoàn lớn từ chứng khoán, bảo hiểm, thuế… Mảng thứ 2 của mình là cổng thông tin tìm kiếm trong những lĩnh vực như tài liệu, bất động sản hay việc làm. Nó tương tự một công cụ tìm kiếm như Google nhưng chuyên sâu trong một số mảng nhất định. Mảng này hoàn toàn là công nghệ, nên giờ công ty có gần 200 người nhưng hầu hết là dân công nghệ, thậm chí trong công ty không có sales, không có vận hành. Nên nói thật giờ mình chẳng có việc gì làm cả, may anh Long mời đến đây hôm nay mình mới có việc để làm (cười)

Có thể thấy việc xoay chuyển của mình diễn ra rất nhanh, từ năm 2018 đã ngay lập tức chuyển sang công nghệ, về mảng tài chính bây giờ vẫn đang phát triển rất là tốt, còn về cổng thông tin, mình đang có dự định mở rộng ra 40 nước. Nói về mình bây giờ, có thể nhắc đến những từ khóa như “dòng thông tin tìm kiếm”, hoặc là “dòng tiền”, còn hàng hóa thì mình “say goodbye” rồi (cười).

Giai đoạn 3 là từ năm 2021 đến giờ, đó là khi mình chọn cách thoát khỏi công ty. Mình giao phó toàn bộ cho đồng đội, còn lại khoảng 1-2 tuần mình mới đến công ty một lần. cũng may mình có những người anh em đã gắn bó từ lúc bắt đầu, nên giờ mình có một đội ngũ rất tốt và đủ tin cậy. Bây giờ là khoảng thời gian để mình đi hỗ trợ cho các dự án mình đầu tư. 

Đấy là 3 giai đoạn làm việc của mình, từ mò mẫm, mông lung đến chuyển sang một hướng đi tương đối bền vững và thoải mái, cuối cùng là thoát khỏi tổ chức mà mình tạo ra để tập trung vào những lĩnh vực khác mà mình đầu tư. 

2. Được biết gia đình anh Điệp có truyền thống kinh doanh và bản thân anh cũng học thạc sĩ kinh doanh, vậy lý do nào khiến anh đi theo con đường khởi nghiệp?

Đúng là nhà mình có truyền thống kinh doanh với hơn chục cửa hàng may ngoài Hà Nội, nhưng sau đó mình thấy sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc quá cao. Không chỉ riêng ngành dệt may, chúng ta đang đi đến kỷ nguyên của sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Vì vậy, mình nghĩ bây giờ làm cái gì cũng khó, những lĩnh vực béo bở ở thị trường Việt Nam cũng không mấy ai trụ được. Đó là lý do mình muốn chọn một hướng đi mới, thay vì bám trụ theo một nghề nhất định. Ngày xưa, mình khởi nghiệp vì hai lý do. Một là vì mình không thích sống cuộc sống quá nhàm chán. Trò đời là khi những người nông thôn đang sống rất hạnh phúc lại đi ra thành thị và bị lôi cuốn bởi những cám dỗ ở đó. Nếu quay về nông thôn, cuộc sống của họ sẽ trở nên rất bất hạnh. Mình cũng là một nạn nhân như vậy. Mình không muốn ngày ngày cứ thế đi làm công ăn lương, nên đã chọn cách dấn thân. Thứ 2 là bố mình, một động lực rất lớn với mình. Gia đình mình không may mắn lắm khi bố mẹ ly dị năm mình học lớp 9, và mẹ thường kể cho mình một cách rất chân thực, đến mức mình đã hằn sâu trong tâm trí về việc bố là một người vô cùng tồi tệ. Điều đó đã khiến mình suy nghĩ, mình phải trở thành một người khác hẳn bố, phải cố gắng vươn lên và sống khác. Mình chỉ sống một lần thôi nên cần phải sống cho ra sống. 

3. Vậy lúc bắt đầu khởi nghiệp, anh có nhận được sự giúp đỡ từ gia đình không hay tự lập hoàn toàn?

Thực ra, không ai ủng hộ việc mình đang học thạc sĩ bên kia lại bỏ về khởi nghiệp cả. Công việc lúc đó cũng đang rất tốt, thu nhập ổn định mà khá nhiều người mơ ước. Nhưng thú thật, lúc đó ham muốn của mình vẫn lớn hơn, mình mong muốn đạt được nhiều thứ hơn. Có thể nói, lúc đó mình khởi nghiệp với tinh thần rất trong sáng, nghĩa là muốn là làm thôi, để rồi nhận được một bài học nhớ đời và phải tự xoay như anh kể đấy (cười). Vì vậy, nói đến khởi nghiệp, bản thân mình cần lo được cho gia đình mình thì đi làm thuê cho lành.

4. Quá trình gọi vốn của anh có gặp nhiều khó khăn không? Anh có thể chia sẻ những khó khăn đó là gì không?

Mình có quan điểm: một là không bao giờ đi gọi vốn, hai là không bao giờ đi xin việc. Một điều cần hiểu về gọi vốn là nhà đầu tư thông minh hơn mình rất nhiều, vì vậy mình không thể thuyết phục họ chỉ bằng cách đến kêu gọi. Giống như một cô gái muốn “tán đổ” chàng trai mình thích thì chỉ cần hai việc: một là phải xinh, hai là thả thính thật nhiều. Vì vậy, mình nên tập trung vào công việc của mình và cố gắng làm thật tốt. Khi mình đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, doanh thu ấn tượng, độ nhận diện cao thì tự nhiên các nhà đầu tư sẽ tìm đến mình thôi. 

5. Bên cạnh Nhanh.vn và Bảo Kim, em được biết anh còn đầu tư vào các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác như Anuong.net, anh có thể chia sẻ thêm không ạ?

Nói chung, lúc đấy mình làm đủ mọi lĩnh vực mà. Thế mới nói, đáng sợ nhất là người đang có rất nhiều tiền trong túi và thấy quá nhiều cơ hội trước mắt. Các ông thường không chết khi hết tiền đâu, mà thường các ông sẽ chết khi nhiều tiền. Có ít tiền mình sẽ bắt đầu dè sẻn, tính toán chi tiêu rất kỹ nên cuối cùng cũng chẳng sao cả. Nhưng khi có nhiều tiền trong tay, mình dễ có xu hướng muốn làm nhiều thứ, và khi nhiều vấn đề bùng lên chỉ trong một thời gian ngắn thì sẽ rất dễ mất kiểm soát. Vì vậy, khởi nghiệp trước tiên hãy đi thật chậm, làm thật kỹ và ít thôi, đừng quá vội vàng. Khi kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chết nếu không biết tập trung vào đâu. Đây cũng là bài học mà mình đã thấm đến tận xương tủy. 

6. Làm thế nào mà anh tìm ra được hướng đi mới cho mình?

Nói có thể các bạn không tin, nhưng mình đọc được về Phật Giáo, đôi khi cảm hứng đến từ trong sâu thẳm của mình, một cách rất bất chợt, giống như tự dưng nó đến thôi. Cảm hứng đến đôi khi không cần lý giải, và có lẽ cũng một phần nhờ “trời không phụ lòng người” nữa. Có rất nhiều người mình biết cũng như mình, nhưng họ không thể tìm ra hướng đi mới cho bản thân, nên chỉ có thể nói là mình may mắn. 

7. Vậy đâu là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong chặng đường khởi nghiệp của anh và anh học được điều gì từ trải nghiệm đó?

Khi ngẫm lại, mình thấy việc Vật Giá sụp đổ cũng chưa hẳn là tồi tệ nhất. Khi còn trẻ, mình có một suy nghĩ khá bảo thủ là mình sẽ gây dựng một công ty trường tồn và gắn bó với nó mãi mãi. Sau này vỡ lẽ ra, mình thấy đó mới là khoảnh khắc tồi tệ nhất. Về sau, mình học được câu nói của người Do Thái: Cái gì tạo ra tiền, phục vụ được cho cuộc sống thì làm. Nếu không tạo ra tiền thì công ty, dự án cũng không thể tiếp tục. Câu nói đó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của mình cho đến bây giờ. Mình nhận ra rằng cuộc sống là vô thường, không ai nói trước được điều gì. Vì vậy, những gì đã không còn là thời thế, tốt nhất hãy để nó ngủ yên. Việc của mình là tập trung từng giây, từng phút vào hiện tại. Khi mình không cố chấp với bất cứ điều gì, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

8. Trên vai trò nhà đầu tư, anh có tiêu chí gì đối với các startup/nhà sáng lập không?

Hồi trước, mình chọn nhà đầu tư thường là theo cảm hứng, như công ty có triển vọng không, đang có sản phẩm tốt không. Còn bây giờ, mình có hai tiêu chí chính để chọn. Một là nhà sáng lập phải có tâm, phải là người có đạo đức. Đạo đức là khi ở trong hoạn nạn, họ sẽ chọn chính nghĩa thay vì tiền. Những người có được phẩm chất đó nhất định sẽ thành công. Mọi người cứ nhìn các ông như Đường Tăng, Lưu Bị… tài cán không nhiều nhưng họ có đạo đức nên rất nhiều người giỏi đi theo (cười). Thứ hai, có tâm nhưng phải có tầm. Tầm ở đây là tầm nhìn, tức họ cũng phải có một tầm nhìn tương đối rõ rệt và sáng sủa, cũng như quyết tâm theo đuổi tầm nhìn của mình. Mọi người có bao giờ đặt câu hỏi, tại sao Lưu Bị đánh đâu thua đấy nhưng Trương Phi vẫn theo? Bởi vì đơn giản, ông ta có một tầm nhìn rõ ràng ngay từ đầu, đó là khôi phục Hán Thất. Trương Phi giỏi võ nghệ, nhưng anh ta cũng chỉ là một kẻ đánh đấm đầu đường xó chợ, chẳng biết sẽ đi đâu về đâu hay làm gì với cuộc đời mình. Vì vậy, là một nhà đầu tư, phải có tâm và có tầm. Tầm sẽ giúp anh chiêu mộ người giỏi đi theo mình, còn tâm sẽ giúp anh giữ họ lại.

9. Là một nhà sáng lập đồng thời cũng là nhà đầu tư, có thể thấy anh Điệp khá bận rộn. Vậy anh có bí quyết nào để cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc?

Mình là một người rất ủng hộ quan điểm Tùy duyên của Phật Giáo. Tùy duyên, có nghĩa là lúc 20-30 tuổi, các bạn đang còn trẻ, còn khỏe nên làm gì cũng được. Các bạn chẳng có gì để mất, nên thường sẽ phung phí thời gian và sức khỏe rất nhiều. Nhưng đến tầm 30, 40 tuổi là lúc chúng ta cần bắt đầu ngẫm lại, áp dụng những gì mình học được và bắt đầu tạo dựng một cái gì đó cho riêng mình. Rất nhiều người khởi nghiệp sau 30 tuổi là vì vậy. Sau 40 tuổi, đó là lúc ta cần xác định được hướng đi nào phù hợp nhất với bản thân để tập trung và ổn định dần thay vì tiếp tục mạo hiểm. Đây cũng là giai đoạn ta cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Bố mẹ ta lúc này đã bắt đầu già, phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe; con cái cũng bắt đầu lớn và cần tiền đi học. Lúc đó, ta giống như cái bánh sandwich bị kẹp ở giữa, vì vậy nếu ai không vững tay chèo ở tuổi 40 sẽ rất dễ thất bại. Ngược lại, nếu ta tìm được một hướng đi ổn định và khác biệt, cuộc sống của ta sẽ rất bền vững. 

10. Sở thích của anh Điệp là gì?

Mình có kha khá sở thích, nhưng nếu phải chọn ra, mình nghĩ đó là đầu tư. Mình thích việc đi gặp gỡ, nói chuyện với anh em và hỗ trợ lẫn nhau. Việc là một nhà đầu tư cho phép mình làm những điều đấy. Hồi trước, mình sáng lập ra Vật Giá với bao hoài bão, ước mơ; cống hiến cả tuổi trẻ vào đó, nhưng giờ ngẫm lại điều đó cũng không bằng quyết định đầu tư vào TopCV. Mình đầu tư 10 dự án thì chỉ cần trúng 1 cũng đã được tính là thành công rồi. Vì vậy, nếu có điều kiện, mình khuyên các bạn nên đầu tư càng sớm càng tốt, đặc biệt là về công nghệ. Công nghệ là một lĩnh vực rủi ro cao, nhưng nó cũng đem lại doanh thu khủng.

11. Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp?

Thực ra, chỉ cần các bạn có tầm nhìn thì bắt đầu với lĩnh vực gì cũng tốt cả. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là vốn kiến thức mình tích lũy được bao nhiêu. Các bạn có thể thấy câu chuyện điển hình của Warren Buffett, ông ấy đã dành ra 5-8 tiếng để đọc sách mỗi ngày. Ông ấy đọc mọi báo cáo tài chính, tiếp thu một khối lượng kiến thức khổng lồ như vậy mới có thể trở thành một thần tượng như ngày hôm nay. Vì vậy, lời khuyên của mình cho các bạn là hãy cố gắng tích lũy và học hỏi liên tục. Phải đọc, học và nghiên cứu rất nhiều chúng ta mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho mình.

12. Theo anh, với kinh nghiệm của anh thì anh có bí quyết hay chia sẻ nào để giúp các startup thành công không?

Theo anh, việc thu hút người tài là việc cực kì quan trọng. Nắm phần cốt lõi cho thành công cho một doanh nghiệp. Lịch sử từ phong kiến cho đến hiện đại đều chứng minh điều đó. Việc thu hút được người tài và quản trị họ để dùng được hết tài năng của họ sẽ giúp bất cứ doanh nghiệp đạt được thành công.

Táo Startup xin chân thành cảm ơn những chia sẻ và bài học đáng quý từ hành trình khởi nghiệp của Anh!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây