Sau khoảng thời gian du học tiến sĩ tại Úc, cựu sinh viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, tiến sĩ Tùng Lê, Chairman & Founder của Công ty Cổ phần EyeQ Tech đã về nước khởi nghiệp với mong muốn cải thiện được tình trạng giao thông nước nhà. Hãy cùng Táo Startup lắng nghe những chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của vị khách mời trong số hôm nay nhé!

Chào anh Tùng Lê, anh có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình không ạ?

Lời đầu tiên mình xin gửi lời chào đến Cộng đồng Táo Khởi Nghiệp. Mình là Tùng Lê – hiện là Chairman & Founder của Công ty Cổ phần EyeQ Tech – công ty trí tuệ nhân tạo chuyên về nhận dạng mặt người, hành động, sản phẩm.

Mình từng có khoảng thời gian học PhD (Tiến sĩ) ngành Khoa học Máy tính tại trường Đại học New South Wales (UNSW) ở Úc – được xếp hạng trong top 50 Chương trình PhD ngành Khoa học máy tính trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, mình quyết định tiếp tục ở lại Úc thêm 4 năm để đi sâu làm về mảng Startup. Và, startup mình tham gia thời điểm đó là SkedGo, đây là 1 startup về MaaS (Mobility as a service) – nền tảng tích hợp nhiều hình thức dịch vụ vận tải khác nhau vào một dịch vụ di động có thể truy cập theo yêu cầu, nền tảng đã từng phục vụ hơn 1 triệu người dùng – là 1 con số khá tự hào của cả team.

Dù đã đảm nhiệm và kinh qua rất nhiều vị trí như viết thuật toán, thiết kế app Android và quản lý nhân sự, nhưng mình cảm thấy vẫn chưa đủ và đã quyết định khởi nghiệp làm điều mình muốn. Ngày xưa, trước khi rời Việt Nam, mình muốn thực hiện rất nhiều thứ, nhưng có 1 điều quan trọng nhất mình muốn thực hiện lúc đó là khi trở về Việt Nam mình sẽ thiết kế “ứng dụng đi chung xe” để làm giảm và giải quyết vấn đề kẹt xe. 

“Trước khi du học, tôi vẫn còn nặng nợ với việc giải quyết kẹt xe ở VN nên tôi muốn trở về thực hiện giấc mơ. Tôi không muốn từ bỏ giấc mơ đó. Nhưng ít ra bây giờ, khi tôi đã thực hiện và đã thất bại nhưng tôi vẫn thấy hài lòng bởi tôi đã gắng hết sức, làm đến cùng ý tưởng mà tôi ấp ủ.” – Theo tờ “MBA-MCI.edu.vn”

Sau đó, thì mình muốn làm những giải pháp B2B thông minh, giúp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, luôn có nhiều vấn đề mà lại thiếu nguồn lực để giải quyết.

Vậy, Anh bắt đầu có ý định khởi nghiệp từ khi nào? Và đâu là lý do thôi thúc Anh khởi nghiệp?

Mình nghĩ có khá nhiều động cơ đã thôi thúc mình khởi nghiệp, thời còn trẻ khi vừa mới tốt nghiệp đi làm cho tập đoàn Đan Mạch tại Việt Nam, lúc đó mình chưa hẳn có ý định khởi nghiệp mà mình chỉ muốn đi làm trong các tập đoàn doanh nghiệp đó. Với các quy trình doanh nghiệp quá cứng nhắc và “nặng nề”, việc thăng tiến làm lãnh đạo để thúc đẩy được sự cải tiến thì chắc “dài cổ”. Và mình thì không thể nào “sống sót” được trong môi trường như vậy với tính cách như mình, cuối cùng mình quyết định thoát ra khỏi môi trường tập đoàn để khởi nghiệp. 

Khởi nghiệp được 1-2 dự án ở Việt Nam nhưng đều không có kết quả thuận lợi, nên mình đã sang các nước bạn để học hỏi xem họ khởi nghiệp ra sao. Và mình đã chọn con đường du học tiến sĩ để đi ra nước ngoài nhanh nhất, để có thời gian nghiên cứu trải nghiệm và có thể nhìn ra thế giới. Sau khi kết thúc chương trình nghiên cứu, vì muốn làm ra những thứ “xài” được, mình lại chọn làm cho công ty khởi nghiệp để có thể học hỏi chuyên sâu các vấn đề khởi nghiệp. 

Như vậy, có thể nói “máu” khởi nghiệp bắt đầu sau  khi mình đi làm cho công ty nước ngoài ở Việt Nam khoảng gần 2 năm.  


Anh đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho Anh cảm thấy ấn tượng nhất? Vì sao?

Startup mình từng tham gia là TripGo, trong startup này mình đảm nhiệm vai trò như là một thành viên chủ chốt của công ty. Bên cạnh đó, các startup do mình sáng lập ra là PinBike, ShareCarForAds và EyeQ. 

Điều khiến mình ấn tượng về startup nước ngoài, TripGo của Úc chẳng hạn, sự ảnh hưởng mà họ gây ra cho thế giới và tạo giá trị cho thế giới rất lớn. Bởi vì việc đi lại ở nước ngoài khá bất tiện, quãng đường rất xa phải mất nhiều lần nối tuyến bằng các phương tiện giao thông khác nhau thì mới có thể đến được chỗ làm việc. Và ứng dụng của đội ngũ thì có thể áp dụng trên rất nhiều nước như Úc, Mỹ, Canada, Châu Âu,v.v. Vào năm 2012 ở Brazil, tụi mình cũng đã phục vụ cho Rio Olympics với hơn 3 triệu người dùng sử dụng ứng dụng, có thể nói sức ảnh hưởng lúc bấy giờ khá lớn cũng là một điểm đáng mừng cho toàn đội ngũ TripGo.

Còn về điều khiến mình ấn tượng nhất đó thì có lẽ đó là công ty ShareCarForAds, team mình đã đạt được doanh thu hơn 1 triệu đô sau khoảng gần 1 năm, tức là đã confirm được product-market fit. Đó là điều mình ấn tượng nhất là bởi vì từ trước giờ chỉ làm cho doanh nghiệp khác, công ty khác, mà chưa bao giờ tự sáng lập ra công ty với sản phẩm được thị trường chấp nhận nhanh như vậy. Và đó cũng là điều đáng tự hào đối với mình.

Anh có thể kể 3 từ về bản thân mà Anh cảm thấy đúng nhất? Vì sao Anh lại chọn 3 từ này?

Về 3 từ có vẻ miêu tả đúng về bản thân mình nhất có lẽ là:

Đầu tiên là từ “Fair”, đây là tính cách tốt mình “được” tiêm nhiễm được từ người Úc. Họ không làm cái gì mà họ cảm thấy phải xấu hổ về nó. Làm ăn không đưa tiền dưới gầm bàn, kể cả tư hay công, cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng. 

Từ thứ hai là “Optimistic”, cho dù khởi nghiệp có lúc thăng lúc trầm, và văn hóa làm ăn ở Việt Nam có khi không phù hợp, nhưng mình tin rằng xã hội nào cũng sẽ đi lên.

Từ cuối cùng là “Open-minded”, không ngừng học hỏi kiến thức mới, luồng tư tưởng mới, thảo luận và trao đổi các ý tưởng với những người xung quanh.

Sở thích ngoài công việc của Anh là gì?

Ngoài công việc ra mình thường dành thời gian phân tích các mô hình kinh doanh của các công ty khác, với mình đó cũng là một thú vui (cười). Còn lại chủ yếu thì mình hay đọc HackerNews – một trang web tin tức xã hội phục vụ các lập trình viên và doanh nhân, cung cấp nội dung liên quan đến khoa học máy tính và tinh thần kinh doanh.

Ngoài việc đọc ra, mình khá hứng thú với thể thao mạo hiểm, có thể nói đa số các bạn đam mê khởi nghiệp cũng sẽ rất thích loại hình thể thao này, bởi vì khởi nghiệp cũng có thể được ví như một môn thể thao mạo hiểm (cười). Thời trẻ bên Úc, mình đã tham gia khóa học phi công máy bay hạng nhẹ nhưng chưa đủ giờ bay, nên chưa được công nhận kỹ năng thành thạo như một phi công thực sự để có thể tự bay. 

Sau khi trở về Việt Nam, mình thường đi leo núi, bên cạnh đó mình đã từng học lướt ván diều và nhảy dù. Đọc sách, không biết có phải là sở thích không hay chỉ là thói quen của bản thân, vì bất kể lúc nào có thời gian mình đều tìm đến sách để đọc.

Ai là người truyền cảm hứng cho Anh nhiều nhất? Vì sao?

Người truyền cảm hứng cho mình nhiều nhất có lẽ là anh Elon Musk. Mình đã theo dõi anh ấy từ năm 2008, khi phóng tên lửa Falcon 9 còn thất bại ở lần thứ ba và công ty suýt phải rơi vào tình trạng phá sản và ngưng hoạt động. 

Khi đọc các câu trả lời phỏng vấn của anh ấy về “First principles” – tư  duy nguyên tắc đầu tiên, thì lúc đó mình đã đặt cược “đây sẽ là most influential”- tư duy có sức ảnh hưởng nhất trong thời đại chúng ta. Vâng, có thể nói mình đã tiên đoán được điều này từ năm 2008, khi mà Elon còn chưa được nhiều người biết đến như bây giờ. 

Đó là lần đầu tiên trong đời, mình thấy một người không thuộc cơ quan của Mỹ hay Châu Âu, mà họ lại dám khẳng định và dùng hết toàn bộ tài sản để dốc mình làm việc lớn đóng góp cho thế giới như vậy. 

Cuốn sách yêu thích nhất của Anh?

Có khá nhiều cuốn sách mình yêu thích nhưng điển hình là cuốn “Tiểu sử Steve Jobs” được viết bởi Walter Isaacson, cuốn sách nói về mô hình kinh doanh và tư duy sản phẩm của Steve Jobs khi làm app iTunes và iPod, thật sự mà nói nó rất sâu sắc và xuất sắc.

Những cuốn mà các doanh nhân nên đọc phải kể đến là “Zero to One” của tác giả Peter Thiel hay “Lean Startup” được viết bởi Eric Ries. Nội dung hai cuốn này trái ngược nhau có thể giúp người đọc bao quát được các ý tưởng khi khởi nghiệp. Hoặc cuốn khác là “Business Model Generation” được chắp bút bởi Alexander Osterwalder & Yves Pigneur. 

Còn khi công ty đã đến giai đoạn scale up và gọi vốn VC, thì nên đọc quyển “Damodaran on Valuation“, quyển này khó đọc vì chủ yếu về tài chính, nhưng đã tới giai đoạn growth thì đương nhiên phải “do homework”.

Câu Quote yêu thích của Anh là gì?  Vì sao?

Mặc dù đi du học và chịu ảnh hưởng các nước ngoài khá nhiều, nhưng câu quote thích nhất của mình lại là của một người Việt: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi” – nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Suy nghĩ trong thâm tâm về nó thì sẽ thấy rất đúng. Chỉ có những người “có một tấm lòng”, không tham sân si, người ta mới dễ “để gió cuốn đi”.

Anh có thể chia sẻ về khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà Anh từng trải qua? Và cách Anh đã đối mặt với nó như thế nào?

Trên chặng đường khởi nghiệp của mình, biến cố lớn nhất là lần phá sản dự án ShareCarForAds, mặc dù doanh thu có lúc đã lên tới hơn 1 triệu đô/năm. Gọi nó là “biến cố” là vì lòng tin của mình vào người khác bị người khác lợi dụng, đạp đổ một cách dễ dàng vì lợi ích của họ, mặc dù là người mình rất tin tưởng.

Để giải quyết hậu quả việc đó, mình kết hợp sử dụng khả năng đàm phán và kiến thức pháp luật để giảm thiểu thiệt hại cho nhiều phía.

Sau khi giải quyết xong, mình đi học các khóa về tài chính để mình không bị “ngố” nữa, vì mỗi lần “ngố” là mỗi lần trả giá đắt.

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của Anh là gì?

Tiếp tục phát triển mạnh dựa trên AI hiện tại ở EyeQ, đưa nó trở thành một phần “boring” trong cuộc sống hàng ngày. Boring theo nghĩa như là điện, doanh nghiệp (hoặc người dùng cuối) tức là ai cũng có thể sử dụng hằng ngày mà không cần phải nói về nó. Đó là mục tiêu lớn nhất của EyeQ hiện tại.

Lời khuyên của Anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Mình không có nhiều lời khuyên nhưng có đôi điều muốn chia sẻ đến các bạn trẻ khởi nghiệp, đó là hãy “chín chắn” và đọc nhiều về các mô hình kinh doanh – có thể nói điều tiên quyết khi muốn bắt đầu một startup, ngay cả khi bạn rất giỏi về công nghệ, kỹ thuật. Hoặc nếu bạn là dân học về kinh doanh thì cũng nên học tới mức độ hiểu sâu và kỹ về các vấn đề tài chính, dòng tiền,v.v. Thì lúc này bạn mới nên bắt tay vào khởi nghiệp. 

Và, đó là một số mẩu chuyện nhỏ trên hành trình khởi nghiệp mình muốn chia sẻ đến mọi người. 

Táo Startup xin chân thành cảm ơn những chia sẻ và bài học đáng quý từ hành trình khởi nghiệp của Anh!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây