Sau quãng thời gian 10 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, anh Tú đã có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều các Startup về công nghệ tại Nhật. Từ đó, với vốn kiến thức sẵn có về kinh doanh, anh Tú đã hợp tác cùng nhóm bạn của mình để phát triển sản phẩm công nghệ tại Việt Nam. Hãy cùng TÁO Startup lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp vô cùng thú vị của anh Tú Phạm và những lời khuyên bổ ích từ anh nhé!

Chào anh Tú, lời đầu tiên, xin anh hãy giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Anh là Phạm Minh Tú, hiện tại anh đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Sau khi làm qua một vài công ty, hiện anh đang làm công việc Tuyển dụng nhân sự ngành Công nghệ (Tech Recruiter) cho một công ty quốc tế tại Nhật Bản. Khi làm công việc này, anh đã có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều Startup về công nghệ và mọi người đều có những ý tưởng mang lại ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Chính vì vậy, anh luôn tìm cách để bắt đầu một công việc kinh doanh cho riêng mình và sản phẩm mà anh đang phát triển là về thiệp nhóm điện tử Thankdy.

Ý tưởng này cũng bắt nguồn từ nhu cầu của chính cá nhân anh. Khi có một người trong công ty rời đi, anh cùng các đồng nghiệp muốn gửi tặng anh ấy một tấm thiệp chung có chữ ký của tất cả mọi người trên đó. Trong hoàn cảnh mọi người đều phải làm việc tại nhà do đại dịch và không thể trực tiếp viết lên một tấm thiệp chung, anh đã nảy ra ý tưởng thiệp nhóm điện tử này và cũng nhận được sự ủng hộ từ các đồng nghiệp trong công ty. Đó là lý do mà anh và nhóm của mình đã quyết định phát triển sản phẩm này tại Việt Nam và hiện nay, sản phẩm cũng đã có những lượt sử dụng đầu tiên.

Nói về gia đình, bố anh cũng là một người đam mê startup. Hồi trẻ, khi Việt Nam mới bắt đầu mở cửa, bố anh là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam ra nước ngoài, tìm những hàng hóa độc đáo để nhập về bán. Bố anh đã làm rất nhiều ngành nghề và những công việc khác nhau, cũng có được thành công nhất định. Mẹ anh cũng là chủ doanh nghiệp. Cả hai bố mẹ đều luôn tìm những thứ mới để làm, tìm những ý tưởng độc đáo và đột phá để kinh doanh. Chính vì thế nên anh cũng mang trong mình một niềm đam mê nhất định về lĩnh vực này. 

Anh đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho anh cảm thấy ấn tượng nhất? Tại sao?

Thankdy là dự án Startup đầu tiên của anh. Anh đã đi làm được khoảng 6 năm, cũng trải qua nhiều công ty nhưng đây không phải con đường anh mong muốn. Anh muốn khởi nghiệp và tự kinh doanh để có thể chủ động hơn trong cuộc sống của mình.

“Anh muốn khởi nghiệp và tự kinh doanh để có thể chủ động hơn trong cuộc sống của mình”

Hãy kể 3 từ về bản thân mà anh cảm thấy đúng nhất? Tại sao anh lại chọn 3 từ này?

Ba từ đó là cần cù, tò mò và ung dung. Thứ nhất là cần cù, bởi vì một khi anh thích gì thì anh sẽ làm đến cùng. Thứ hai là tò mò, anh luôn thích đọc và rất thích tìm hiểu những thứ mới. Và từ cuối cùng là ung dung. Nhà anh theo đạo Phật nên anh luôn tâm niệm rằng mọi thứ đến và đi đều có lí do của nó, bởi vậy không cần lo lắng quá nhiều về tương lai hay dằn vặt quá nhiều về quá khứ, chỉ cần tận hưởng khoảnh khắc hiện tại mà thôi. 

Sở thích ngoài công việc của anh là gì và sở thích ấy có ảnh hưởng như thế nào đến ý định khởi nghiệp của anh? 

Anh là một nhạc công Jazz bán chuyên nghiệp và đã từng biểu diễn với rất nhiều nghệ sĩ lớn tại Việt Nam về thể loại nhạc Jazz. Jazz là một thể loại nhạc rất kén người nghe. Hồi xưa bố anh từng sang Nga và nghe được thể loại nhạc Jazz, lúc bấy giờ thì ở Việt Nam chưa có. Khi Việt Nam có quán nhạc Jazz đầu tiên của nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh, bố anh đã cho anh đi nghe, hồi đó anh mới chỉ 3 tuổi. Đến giờ anh vẫn luôn nung nấu ước mơ sau này có thể làm một dự án về bộ môn nghệ thuật mà mình yêu thích.

Sở thích này có ảnh hưởng rất nhiều đến những ý định khởi nghiệp của anh. Khi khởi nghiệp, anh muốn làm những công việc đem lại hiệu quả về lâu dài để có thể tự do về tài chính và theo đuổi con đường nghệ thuật trong tương lai. Anh muốn mở một CLB nhạc Jazz (Jazz Club) mà ở Việt Nam chưa có. Anh nghĩ rằng thường các nghệ sĩ sẽ hơi bay bổng và không chú tâm về vấn đề tài chính cho lắm. Anh mong mình có thể mạnh về cả hai khía cạnh này, để vừa đóng góp cho xã hội bằng các sản phẩm công nghệ mà anh cùng các bạn đang phát triển và sau này khi đã có tiềm lực về tài chính thì có thể đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật ở nước nhà.

Anh Phạm Minh Tú biểu diễn cùng nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn

“Không có thời điểm nào là hoàn hảo”

Ai là người truyền cảm hứng cho anh nhiều nhất? 

Bố anh chính là người truyền cảm hứng cho anh nhiều nhất. Đến bây giờ, bố anh vẫn khởi nghiệp. Ông vẫn mở công ty mới và dường như luôn tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ. Ông có thể làm những việc mà chưa chắc thanh niên bây giờ có thể làm được. Bố anh đã từng thất bại nhiều và cũng thành công nhiều. Niềm đam mê startup của bố anh chưa bao giờ hết và bố luôn là nguồn cảm hứng lớn của anh. 

Cuốn sách yêu thích nhất của anh là gì?

Cuốn sách mà anh yêu thích nhất là Lost and Founder của Rand Fishkin – nhà sáng lập của Moz, một công ty chuyên về Tiếp thị số (Digital Marketing) và Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) ở Mỹ. Quyển sách này là những lời khuyên cơ bản nhất của Rand dành cho những người đang có ý tưởng Startup: từ giai đoạn đầu thì bạn làm những gì, qua từng giai đoạn, khi công ty lớn dần thì bạn cần xử lý ra sao. Quyển sách cũng nói về những thất bại ông đã từng trải qua và những cái bẫy thường gặp. Cho đến giờ anh vẫn thường xuyên đọc lại, bởi vì từ cuốn sách này, anh có thể liên hệ rất nhiều đến những công việc mà mình đang làm. 

Câu Quote yêu thích của anh là gì? 

“Problems are just opportunities that haven’t presented themselves” (Tạm dịch: Những vấn đề trước mắt chỉ là những cơ hội chưa được thể hiện ra”). Đây là câu quote yêu thích nhất của anh đến từ bộ phim DareDevil của Marvel.

Những vấn đề trước mắt chỉ là những cơ hội chưa được thể hiện ra”

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà anh từng trải qua? Và cách anh đã đối mặt với nó?

Hầu như bất cứ ngày nào, tuần nào anh cũng gặp phải những vấn đề mới. Vấn đề lớn nhất mà anh đang gặp đó chính là làm cách nào để đem sản phẩm của mình đến với người dùng tại Việt Nam. Trên thực tế, ý tưởng này không phải là một ý tưởng mới. Anh đã thấy ý tưởng này được triển khai thành công ở Mỹ, ở Nhật,… Tuy vậy, ở Việt Nam còn chưa có nhiều người biết đến nó và việc mà anh muốn làm đó là quảng bá sản phẩm để mọi người biết đến nhiều hơn. Anh và các bạn đang tự đầu tư cho dự án của mình, mọi người đều phải cùng cố gắng hết sức vì đây là giai đoạn quyết định của dự án. 

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của anh là gì?

Trong thời gian sắp tới, anh muốn lan tỏa sản phẩm đến các cộng đồng như nội bộ công ty hay nội bộ trường học, để mọi người có thể sử dụng trong những dịp đặc biệt, những ngày lễ hay các buổi tri ân,… Mục tiêu của anh là có thể quảng bá sản phẩm rộng rãi, và sau đó có thể tích hợp thương mại điện tử trên trang web, tức là ngoài thiệp ra thì còn có thể tặng cả hoa và quà đi kèm. 

Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Anh muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng “There’s no perfect moment” – Không có thời điểm nào là hoàn hảo. Nếu bạn có một ý tưởng hay, một ý tưởng mà bạn tâm huyết và đặt niềm tin vào nó, và ý tưởng ấy cho bạn cảm giác muốn thực hiện nó, thì hãy cứ làm đi và không cần phải tính toán quá nhiều. Nếu đã khởi nghiệp, chắc chắn chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn và cả thất bại, nhưng nếu từ bỏ, chúng ta sẽ luôn nuối tiếc về điều đó.

Cảm ơn anh về những chia sẻ của mình! 

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây