Với chuyên môn IT và giàu vốn kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực startup, anh Trần Trung Mạnh – CEO & Founder của GoShip.io, giải pháp giao hàng tối ưu dành cho thương mại điện tử, đã tái sinh thành công doanh nghiệp để một lần nữa chinh chiến trên thị trường. Hãy cùng Táo Khởi Nghiệp lắng nghe những chia sẻ trong hành trình khởi nghiệp của anh nhé!

Anh hãy giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Mình tên là Trần Trung Mạnh – Founder GoShip.io, giải pháp giao hàng tối ưu dành cho thương mại điện tử. Từ lúc ra trường đến bây giờ thì hầu hết các công ty mình làm việc đều là công ty startup, và công ty startup đầu tiên mình làm đó là VNP, hay còn gọi là công ty cổ phần Vật Giá. Sau đó, tất cả các công ty mình tham gia đều là startup, có thể nói mình là người có “máu startup”. 

Chuyên môn chính của mình là về kỹ thuật, trong nhiều năm làm về startup mình đã học được khá nhiều về kinh doanh và marketing. Đến khi, tự mình cảm thấy bản thân có đủ khả năng startup rồi thì đã quyết định tách ra kinh doanh riêng và GoShip là startup thứ 7 của mình. 

Mình là người con đất Thái Bình và đã đặt chân lên Hà Nội học đại học với chuyên ngành điện tử. Trong quá trình học tập đó, mình có cơ hội học qua bộ môn lập trình chip cho các bảng quảng cáo. Sau đó, mình đã bắt đầu bắt đầu thích ngành lập trình và quyết định chuyển ngành sau 2 năm học điện tử. 

Sau khi ra trường mình đã bắt đầu làm việc tại VNP với vai trò là Web Developer (lập trình viên web). Sau khoảng 5 năm làm việc ở doanh nghiệp, mình đã rời đi và làm việc cho các startup khác với vai trò là lập trình viên hoặc Tech Lead, người giữ vai trò dẫn dắt và lựa chọn phương hướng kỹ thuật. 

Anh bắt đầu có ý định khởi nghiệp từ khi nào? Và đâu là lý do thôi thúc anh khởi nghiệp?

Thường thì các startup mình theo làm đều thuộc lĩnh vực Thương mại điện tử. Trong quá trình làm việc mình đã tiếp xúc với đa dạng nhu cầu khách hàng, có cái nhìn về thị trường, nhu cầu thị trường, và sự phát triển thị trường nên bản thân mình thấy thị trường Thương mại điện tử sẽ là tương lai tất yếu. Chính vì thế, ngay khi quyết định tự startup mình đã chọn Thương mại điện tử là lĩnh vực chính để hoạt động. Một vấn đề rất lớn ở thị trường bán lẻ thương mại điện tử tại Việt Nam là mặc dù rất tiềm năng, nhưng vấn đề về giao hàng lại có rất nhiều bất cập. Đó gần như là nỗi đau lớn của ngành này. Đó cũng là lý do mà mình sáng lập ra GoShip hiện tại.

Team Goship thời kỳ đầu

 Anh đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho anh cảm thấy ấn tượng nhất? Vì sao?

Kể đến các startup mình từng tham gia, đầu tiên là Công ty cổ phần VNP – Vật Giá, mình làm việc ở công ty vào năm 2010, lúc đó Vật Giá khá phát triển và đã có vốn đầu tư. Mình cũng rất thích môi trường về khởi nghiệp và trẻ của công ty. Thời điểm đó mình là cậu sinh viên mới ra trường với nhiều bỡ ngỡ và đó là ấn tượng mạnh mẽ đối với bản thân mình. Và Anh Điệp CEO Vật Giá cũng chính người sếp đầu tiên đã ảnh hưởng nhiều đến các quyết định làm việc sau của mình. Vì vậy, có thể nói công ty Vật Giá là công ty có ảnh hưởng nhiều đến mình và làm mình ấn tượng nhất.

Sau khi rời Vật Giá, mình đã bắt đầu trải nghiệm mới với MyTour, cũng là startup về đặt phòng online, khá là có tiếng tăm vào khoảng năm 2012-2014. Mytour cũng được nhận đầu tư từ Recruit Holdings Nhật Bản. Mình làm việc ở môi trường này khoảng 2 năm và rời đi. Sau đó mình đã làm việc với một vài startup khác về các lĩnh vực như thương mại điện tử xuyên biên giới, phần mềm quản lý bán hàng, startup đặt phòng homestay… Sau các trải nghiệm đó mình mới bắt đầu sáng lập ra GoShip.io

Mỗi dự án mình tham gia đều mang lại những trải nghiệm và thú vị riêng, mình đã học hỏi được rất nhiều thứ. Mình cảm thấy bản thân đã hoàn thiện được khá nhiều kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là khả năng quản lý và tầm nhìn về thị trường. Đến khi cảm thấy bản thân đã có đủ kỹ năng và kinh nghiệm, mình muốn bắt đầu làm gì đó cho riêng mình. Khi mình cân nhắc startup, mình đã nhìn thấy thị trường giao hàng. Thị trường này đang chưa có giải pháp nào thật sự tốt mà đáp ứng được nhu cầu về tối ưu hóa chi phí, giảm thiểu rủi ro trong giao hàng, tăng tỷ lệ giao hàng thành công cho người kinh doanh online. Đó cũng là lý do mình sáng lập ra GoShip.io. 

 

Team GoShip ăn mừng thành tựu mới

Đâu là điều anh cảm thấy tự hào nhất & thất vọng nhất trong quãng đường làm việc đó? Và vì sao?

Điều làm mình tự hào nhất là mình có cơ hội được gặp gỡ rất nhiều người trẻ và giỏi trong các startup mình từng tham gia. Hiện tại họ cũng đang rất là thành công, mình đã học hỏi được rất nhiều điều quý giá từ họ.

Điều thất vọng và đáng tiếc nhất trong quá trình khởi nghiệp của mình, đó là không có đủ kinh nghiệm và kiến thức để có thể khởi nghiệp một cách tốt nhất. Trước khi khởi nghiệp mình cũng có một vài dự án thất bại, và thất bại chủ yếu đến từ vấn đề chọn sai thời điểm và quản lý tài chính.

Hãy kể 3 từ về bản thân mà anh cảm thấy đúng nhất? Vì sao anh lại chọn 3 từ này?

Khi nói đến 3 từ để miêu tả đúng về bản thân thì mình cảm thấy, mình là người “Tử tế”. Tử tế trong công việc mình làm hàng ngày, tạo ra 1 sản phẩm tử tế và tử tế trong các mối quan hệ.

Từ thứ hai, đó là “Tham vọng”, có thể là do mình làm việc trong nhiều startup, được gặp nhiều người giỏi và thành công nên điều đó tạo cho mình sự thôi thúc mãnh liệt trong việc hoàn thiện bản thân, chứng tỏ bản thân nhiều hơn. Nhưng đôi khi, chính sự tham vọng ấy cũng gây bất lợi cho bản thân mình. Vì tham vọng nhiều và lớn mà bản thân lại chưa phát triển đủ nhanh thì tự bản thân mình tạo cho mình những áp lực căng thẳng. Lâu dài sẽ cảm thấy bản thân luôn yếu kém và làm mình mệt mỏi.

Từ cuối cùng là “Chính trực”, nghĩa là nói được làm được và có cam kết mạnh mẽ với những gì mình nói và làm, sống có trước có sau, chấp hành các quy định. Do ngày nhỏ hay đọc truyện kiếm hiệp, nên mình rất thích các hình tượng anh hùng áo vải. Từ đó cũng bị ảnh hưởng trong lối suy nghĩ dẫn tới các hành xử trong cuộc sống hàng ngày theo hình tượng anh hùng chính trực trượng nghĩa đó.

Team building đội ngũ GoShip

Anh nghĩ đâu là điểm mạnh & điểm yếu của mình? Vì sao?

Điểm mạnh của bản thân mình đó là mình học hỏi khá nhanh, mình luôn tò mò và muốn tìm hiểu mọi thứ. Bất cứ thứ gì mình thấy bị thu hút là cũng muốn đọc và tìn hiểu nó. Nhưng chính điểm mạnh này đôi khi lại điểm yếu của mình. Tức là, nếu mình đọc và tìm hiểu quá nhiều mà không có sự thấu đáo, cặn kẽ chi tiết thì lại thành lan man, tốn thời gian.

Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Chuyên môn của mình là về công nghệ, nên mình rất thích nghiên cứu và tìm hiểu công nghệ mới. 

Thứ hai là đọc sách, mình thích đọc sách vào thời gian rảnh. Mình đọc sách theo nhu cầu bản thân, tức là khi nào cảm thấy bản thân cần tìm hiểu chủ đề gì thì mới đi tìm sách để đọc.

Cuối cùng là câu cá, vì mỗi lần thực hiện sở thích này, mình được thư giãn sâu. Thư giãn sâu là một trạng thái mà trong đầu hoặc hoàn toàn không nghĩ gì cả hoặc nghĩ về một thứ nào đó rất tỉ mỉ. Ngoài ra còn rèn luyện được sự kiên trì, điều mà cũng giúp ích được mình trong công việc startup. Đó là những sở thích nổi bật của mình. 

Ai là người truyền cảm hứng cho anh nhiều nhất? Vì sao?

Người truyền cảm hứng cho mình nhiều nhất có lẽ là anh Nguyễn Ngọc Điệp – CEO & Founder của VNP – Vật Giá. Anh Điệp là một người trẻ mà mình rất ngưỡng mộ. Năm 2010 là thời điểm mình vừa tốt nghiệp và về làm cho VNP, lúc đó anh Điệp dù rất trẻ tuổi nhưng đã là người khá thành công trong lĩnh vực mà bản thân mình rất yêu thích, đó là Internet – Thương mại điện tử. Anh Điệp hay chia sẻ mọi thứ từ công việc cho đến những cuốn sách anh đọc, hay những triết lý mà anh tâm đắc. Có thể nói, anh Điệp là người mình rất quý trọng và truyền cảm hứng cho mình rất nhiều cho công việc của mình sau này.

Người thứ hai, gần đây mình mới có cơ hội được tiếp xúc đó là Founder của FUTA Group. Chú là một doanh nhân lớn của Việt Nam. Chú cũng có nhiều ảnh hưởng lớn đến mình ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là cho mình cái nhìn sâu sắc hơn về  bản chất của tham vọng, ước mơ và sự tử tế. Những giá trị đó rất gần với những thứ mình tâm đắc nên mình rất ngưỡng mộ chú. 

Về sau này, mình có đọc nhiều sách về các doanh nhân Trung Quốc khởi nghiệp. Bởi vì, điểm chung của hầu hết các doanh nhân Trung Quốc đó là họ đều có xuất thân thấp kém, hoàn cảnh vô cùng khó khăn và trải qua quá trình khởi nghiệp đầy gian khổ cho tới bây giờ họ đều trở thành những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Có thể kể đến như:

  • Vương Vệ: Sáng lập công ty vận chuyển SF Express.
  • Lưu Cường Đông: Sáng lập công ty thương mại điện tử JD.com
  • Trình Duy: Sáng lập Didi Chuxing 
  • Mã Vân: Sáng lập Alibaba
  • Hứa Gia Ấn: Sáng lập Hằng Đại
  • Mã Hóa Đằng: Sáng lập Tencent

Cuốn sách yêu thích nhất của anh?

Mình thích đọc sách, nên mình đọc rất nhiều cuốn sách với nhiều chủ đề khác nhau. Có một vài cuốn mình thích như:

“Lean Startup” – “Khởi Nghiệp Tinh Gọn”, đây là cuốn sách yêu thích nhất ở thời điểm bắt đầu khởi nghiệp. Vì trước đây mình thường làm việc cho các công ty startup với trò là lập trình viên hay techlead, do đó mình hiểu được cách một công ty vận hành cơ bản ra sao. Nhưng mình luôn băn khoăn về việc 1 startup có thể tối ưu nguồn lực thế nào để đạt được tăng trưởng cao. 

Kể từ khi mình khởi nghiệp với Goship.io, mình bắt đầu tìm đọc nhiều hơn các đầu sách về logistics, chuyển phát nhanh và thương mại điện tử. Nhưng do lĩnh vực này còn khá mới nên đầu sách rất hạn chế, đặc biệt là các đầu sách về “case study”. Nên mình tìm đến nguồn sách từ Trung Quốc. Dù sao Trung Quốc đã thành công với Thương mại điện tử và có rất nhiều công ty chuyển phát nhanh tỷ đô. Một số đầu sách mình đã đọc và rất thích có thể kể đến là:

  • Vương Vệ – Vua chuyển phát nhanh: Nói về quá trình sáng lập SF Express trong bối cảnh xã hội Trung Quốc chưa thừa nhận công việc giao hàng tư nhân và coi đó là một nghề “ngoài vòng pháp luật”.
  • Thời Đại Chuyển Phát Nhanh 3.0: Nói về lịch sử phát triển và hình thành của ngành chuyển phát nhanh cũng như câu chuyện về 5 công ty Chuyển phát nhanh lớn nhất Trung Quốc.
  • Trí tuệ Lưu Cường Đông, Sáng lập Kinh Đông, Trí tuệ Kinh Đông: Đây là 3 cuốn sách mình đọc về JD.com. Mình học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức quản lý 1 doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh khởi nghiệp ở thị trường sơ khai và cạnh tranh rất lớn.
  • Huyền thoại Tencent: Nói về hành trình sáng lập Tencent của Mã Hóa Đằng và tư duy đằng sau thành công vượt bậc của Tencent.

Ngoài ra còn một số sách về các điển hình thành công nữa nhưng các cuốn sách kể trên là hay nhất. Qua đó, mình nhận thấy là sự phát triển của Thương mại điện tử và Chuyển phát nhanh thật sự kỳ diệu. Điều đó làm cho mình có niềm tin rất lớn vào công việc mình đang làm.

Founder GoShip thăm trụ sở Alibaba tại Hàng Châu, Trung Quốc

“Not all who wander are lost” – “Không phải ai lang thang cũng là kẻ lạc đường”

Câu Quote yêu thích của anh? Vì sao?

Có một câu nói mà mình rất tâm đắc, nó luôn nhắc nhở mình từ lúc bắt đầu sự nghiệp cho đến bây giờ, đó là “Hãy nỗ lực hết mình để tạo ra thứ mà người ta hay gọi là may mắn”. Nhiều người có xu hướng khi nhìn vào một người thành công thì thường nghĩ người đó gặp may. Nhưng họ không hề thấy được phía sau sự may mắn đó lại là sự nỗ lực, mồ hôi và nước mắt người đó phải đánh đổi. Nếu không nỗ lực làm việc thì sẽ thiếu hụt các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm, để khi cơ hội đến mình sẽ không có đủ khả năng để nắm bắt được nó. Vậy cho nên, trong mọi hoàn cảnh, nỗ lực luôn là nền tảng cơ bản để giúp mọi người phát triển và thành công. 

Founder GoShip làm việc cùng Tổng giám đốc YTO Express tại Thượng Hải

  “Hãy nỗ lực hết mình để tạo ra thứ mà người ta hay gọi là may mắn.”

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà anh từng trải qua? Và cách anh đã đối mặt với nó?

Biến cố lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp của mình đó là công ty hết vốn. Vào đúng thời điểm hết vốn, mình lại gặp được một người có tầm nhìn lớn về lĩnh vực mình đang làm. Tuy nhiên họ yêu cầu mình phải sáp nhập công ty. Mình cũng mất 1 thời gian đắn đo và cân nhắc kỹ lưỡng. Sau đó mình đã quyết định tạm dừng công việc chính tại GoShip để qua điều hành mảng kinh doanh Chuyển phát nhanh của tập đoàn. GoShip trở thành một bộ phận nhỏ trong mảng kinh doanh đó. Sau khoảng 14 tháng làm việc, do các bất đồng về tầm nhìn ban đầu không đúng như hai bên đã thỏa thuận thì mình đã quyết định rời đi. Goship không có người điều hành nên tập đoàn đã hoàn trả lại toàn bộ cho mình, bao gồm cả nhân sự cũ. Đó là thời điểm cuối năm 2019 đầu năm 2020, mình bắt đầu lại Goship với tâm thế quyết chiến thì đại dịch Covid-19 ập đến. Khó khăn liên tiếp và dồn dập và đó là thời điểm đó mình cảm thấy mệt mỏi nhất, cũng là quãng thời gian đáng nhớ nhất.

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của anh là gì?

Định hướng hiện tại của mình chỉ là tập trung phát triển kinh doanh cho GoShip.io. Mình cũng đang cân nhắc tham gia phỏng vấn 1 số vườn ươm khởi nghiệp (Accelerator startup) để có thêm sự hỗ trợ bên ngoài. Hiện tại Goship cũng có 1 số quỹ đầu tư tiếp cận, nhưng mình chưa tiếp nhận bất kỳ nguồn vốn nào. Mình muốn tự phát triển đến một lúc nào đó mình không thể sử dụng vốn cá nhân được nữa, thì mình mới bắt đầu đi gọi vốn bên ngoài để đảm bảo việc phát triển tốt nhất cho GoShip đúng với định hướng của mình.

Về kỳ vọng, mình mong muốn GoShip sẽ có được tối thiểu 3-5% thị phần giao hàng trong nước và bước đầu triển khai dịch vụ giao hàng quốc tế. Hiện tại mình chưa chia sẻ được nhiều, thị trường luôn biến đổi, startup là luôn phải thích nghi với sự biến đổi không ngừng đó. Tuy nhiên, năm 2025 sẽ là một năm mình đặt nhiều kỳ vọng với các mục tiêu kể trên.

Founder GoShip tham dự hội thảo Home Delivery tại Singapore

Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Mình cũng chưa gọi là thành công lắm (cười), nên không muốn đưa ra lời khuyên gì quá lớn lao. Trong quá trình khởi nghiệp, mình cũng đã va vấp và thất bại rất nhiều. 

Từ những thất bại của mình, mình có vài kinh nghiệm muốn chia sẻ cho những bạn trẻ đi sau đó là: Làm gì cũng được, nhưng phải có sự đam mê, nỗ lực và kiên trì  hết mình để kết quả công việc hoàn thành tốt nhất. Thất bại cũng được, thành công cũng được, nhưng nhất định không được nản lòng.

Đặc biệt, “Không đứng núi này trông núi nọ”, vì mình thấy một số bạn trẻ ngày nay với tâm lý và tâm tính dễ bị xao động, cho nên khi làm một công việc mà chưa thành công, hoặc thất bại nhỏ là các bạn đã nản lòng rồi. Như vậy thì rất khó để đặt chân tới sự thành công thật sự. 

Mình cũng có biết câu nói khá hay của nhà văn Tolkien, nổi tiếng với tác phẩm “Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn”. Đó là câu “Not all who wander are lost – Không phải ai lang thang cũng là kẻ lạc đường”. Khi bạn có mục tiêu, biết rõ con đường mình phải đi mà trong quá trình đi tới mục tiêu đó, dù bạn phải trải qua vô vàn thất bại, thử nghiệm liên tục những ý tưởng mới, thực hiện các ý tưởng rồi lại thất bại, thì các bạn cũng đừng nản lòng. Mỗi lần bạn thất bại, giống như là việc bạn đang đi lạc. Bạn đi lạc càng nhiều thì bạn sẽ loại bỏ được những con đường sai. Chỉ cần ý chí bạn không thay đổi, thì bạn không phải là người lạc đường. Bạn chỉ đang lang thang trên con đường tìm ra sự thành công cho riêng mình.

Và đó là hành trình khởi nghiệp của bản thân, mình muốn chia sẻ đến với mọi người.

Cộng đồng Táo Khởi Nghiệp xin chân thành cảm ơn những chia sẻ và những bài học hữu ích từ hành trình khởi nghiệp của anh Mạnh nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây