Với một tâm thế nhiệt thành và tài năng quản trị độc đáo của mình, Phan Tùng – CEO Abaha, đã khiến dự án khởi nghiệp của mình trở thành cầu nối tạo nền tảng kinh doanh vững chắc, mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp.

  • Anh có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn dắt đến con đường khởi nghiệp của mình?

Xin chào, mình là Phan Thế Tùng. Hiện tại mình đang là Người đồng sáng lập và CEO của Abaha – một startup công nghệ tiên phong trong giải pháp cung cấp các nền tảng Business App. Đây là một loại ứng dụng giúp cho các doanh nghiệp Bán hàng, Marketing, Chăm sóc khách hàng, Quản lý dữ liệu, Tối ưu hóa vận hành,… một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

  • Số lượng doanh nghiệp/startup/dự án anh đã trải qua. Anh ấn tượng nhất với cái nào? Lý do?

Mình đã trải qua 4 công ty và tất cả đều do mình làm chủ. Bản thân mình tự nhận thấy dự án Abaha đã giúp mình có tầm nhìn quốc tế. Bên cạnh đó, đội ngũ Co-founder, nhân sự ở Abaha cùng các yếu tố khác về bối cảnh thị trường đã khiến mình “phấn khích” muốn tập trung phát triển hơn bao giờ hết.

Ý tưởng đầu tiên về dự án khởi nghiệp này xuất phát từ một trong những Founder của Abaha – anh Lê Huy Thực. Bọn mình đã có thời gian gặp nhau, trao đổi và trình bày ý tưởng, và rồi mình nhận ra đó chính là thứ mình đang tìm kiếm. Trước đó vài năm, mình đã mường tượng về một dự án như vậy rồi.

Bên cạnh đó, đối với mình, “con người” cũng là một yếu tố quan trọng và quyết định. Dù sản phẩm có tốt như thế nào, nhưng nhân sự không đủ lực, hoặc nội bộ không đồng lòng thì cũng khó để khởi nghiệp thành công.

“Đội ngũ Co-founder, nhân sự ở Abaha cùng các yếu tố khác về bối cảnh thị trường đã khiến mình “phấn khích” muốn tập trung phát triển hơn bao giờ hết.”

  • Như vậy thì từ lúc thành lập Abaha cho đến thời điểm hiện tại, có bao giờ anh hay cộng sự của mình “mất hòa” chưa?

Có một điều thú vị về bọn mình, đó là: Trong công việc, bọn mình chưa bao giờ cãi nhau. Đơn giản vì bọn mình đều trưởng thành trong nhận thức và có xu hướng nhường nhịn, lắng nghe.

  • Kể 3 từ mà người khác mô tả về anh.

Xét về vị trí CEO của một công ty SME, mình được nhận xét là người khá là “toàn diện”. Mình toàn diện từ leadership, marketing, tài chính đến khâu bán hàng. Vì va vấp nhiều nên anh rất nghiêm túc trong khâu quản trị.

Thứ hai, mình có một thiên hướng “sáng tạo”.

Thứ ba, đó là “nhiệt tâm”. Khi bắt tay thực hiện điều gì, mình đều làm với một nhiệt huyết và tâm trí rất lớn, cùng với việc đặt tâm thiện vào công việc.

  • Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Sở thích của mình chính là công việc đấy! Mình là một người rất yêu công việc.

Ngoài ra, mình cũng thích gặp những người thú vị. Bọn mình hay đùa bảo đó là “nhậu bạn”. Những mối quan hệ ấy khiến mình cảm thấy thoải mái, chất lượng và học được nhiều điều bổ ích vô cùng.

  • Ai là người khiến anh ngưỡng mộ hoặc thần tượng?

Người đầu tiên mình tin tưởng và tôn thờ chính là Đức Phật.

Còn trong công việc, mình khá thích anh Nguyễn Đức Tài, chủ tịch của MWG. Đây là một tập đoàn được quản lý và vận hành rất tốt. Đặc biệt mình rất ấn tượng với triết lý quản trị và chiến lược kinh doanh của họ. Một triết lý khác với các doanh nghiệp nghìn tỷ khác.

  • Câu quote yêu thích của anh?

Câu triết lý của mình là “Tôi sống không phải vì tất cả. Chỉ số ít được chọn”. Mình nhận thấy trong cuộc đời không ai có thể chiều lòng, cung cấp hoặc bán bất cứ thứ gì cho tất cả mọi người. Mỗi chúng ta đều có 24 giờ một ngày; vì vậy, chúng ta nên tập trung làm những việc có ý nghĩa và không để bản thân bị ảnh hưởng bởi những người “chưa tốt” với mình. 

  • Anh có thể chia sẻ giai đoạn khó khăn nhất hoặc biến cố lớn nhất trong sự nghiệp của mình? Và cách để anh vượt qua?

Thật ra mình cũng không rõ bản thân mình đã vượt qua như thế nào. Tinh thần, ý chí và kinh nghiệm của mình được tích lũy nhiều năm, rèn luyện từ những điều nhỏ nhỏ trong cuộc sống. 

Có hai giai đoạn khó khăn chính mà mình nhớ mãi.

Cột mốc đầu tiên là vào năm 2015. Lúc đó, mình đã phá sản.  

Cột mốc thứ hai là vào năm 2020, khoảng thời gian mẹ mình bị bệnh, dịch bùng phát và con mình mới sinh. Thời điểm ấy có quá nhiều thứ phải lo, khiến mình liên tục bận rộn, căng thẳng và mệt mỏi. Khi đấy cũng là lúc Abaha vừa mới thành lập nên công ty cũng gặp không ít khó khăn. Quả là một năm đáng nhớ với các chuỗi sự kiện “nhạy cảm”.

“Thật ra mình cũng không rõ bản thân mình đã vượt qua như thế nào. Tinh thần, ý chí và kinh nghiệm của mình được tích lũy nhiều năm, rèn luyện từ những điều nhỏ nhỏ trong cuộc sống.”

  • Bản thân anh xuất phát từ một người làm Marketing, vậy theo anh thì những yếu tố nào của một Marketer sẽ là thế mạnh trong việc quản trị một doanh nghiệp?

Điểm mạnh đầu tiên thuộc về chi phí. Nhờ những kiến thức về Marketing mà mình có thể giúp công ty tiết kiệm các chi phí quảng cáo một cách tối đa.

Thứ hai là về cách bán hàng. Thực ra rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mà bản thân các CEO, BOD, Founder còn yếu trong lĩnh vực bán hàng và Marketing. Mình có áp dụng những chiến lược bán hàng vào Abaha và mình cảm thấy những chiến lược ấy khá hiệu quả.

Trong thời điểm rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, không bán được hàng thì Abaha vẫn đang “bán hàng”, thậm chí là “tăng trưởng nóng”. Từ tháng 10 năm 2020 bên mình chỉ có 5 người thôi, nhưng bây giờ con số về nhân sự đã tăng lên gần 40 người.

  • Bí quyết “giữ người”, “chiêu mộ nhân tài” của anh là gì?

Bí quyết của mình có hai phần: Thu nhập và Niềm vui.

Ở góc nhìn của mình, mình thấy một số công ty khởi nghiệp chưa vững về cách triển khai thị trường và nhìn nhận sản phẩm. Họ nhận định “thị trường ngách” quá “ngách”, nhỏ và không hấp dẫn. Chính vì điều đó mà họ cảm thấy đó là một thị trường khó cạnh tranh. Giống như khi mình mặc một chiếc áo chật thì mình lớn khó lắm. 

Ngược lại, cũng có các thị trường lớn nhưng rào cản về chi phí gia nhập thị trường thì cực kỳ khắc nghiệt. Vì vậy, cách tốt nhất là tìm kiếm các thị trường lớn, tiềm năng nhưng ít cạnh tranh, tạo nên sản phẩm đặc biệt mang thương hiệu của riêng mình. Như thế bước đi của doanh nghiệp mới thực sự hấp dẫn.

Tiền có thể thu hút được người tài, nhưng thứ để giữ chân họ lại là “đạo đức” và “chuyên môn”. Tạo một môi trường làm việc thân thiện, luôn giúp họ không ngừng học tập và phát triển sẽ là mấu chốt để họ gắn bó lâu dài với công ty.

Mình luôn quan niệm rằng, những người đến với công ty vì tiền thì họ cũng có thể rời công ty vì lí do đó. Phương châm của Abaha là: tuyển nguồn – xây gốc. Chính vì vậy, việc tuyển người phù hợp với giá trị cốt lõi của Abaha luôn luôn được đề cao.

“Phương châm của Abaha là: tuyển nguồn – xây gốc. Chính vì vậy, việc tuyển người phù hợp với giá trị cốt lõi của Abaha luôn luôn được đề cao.”

  • Định hướng trong năm 2022 của anh là gì?

Mục tiêu chính của Abaha trong năm 2022 đó là doanh thu đạt 50 tỷ. Ngoài ra, mình sẽ đánh giá kỹ để triển khai thị trường nước ngoài nhiều hơn. Tìm kiếm những nhân tố tài năng cho công ty trong năm tới cũng là một trong những dự định của mình.

  • Lời khuyên mà anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Muốn khởi nghiệp thành công cần phải có “Tâm – Tầm – Tài”. Tức là: mang một trái tim và bản lĩnh nhiệt tâm và sở hữu một tầm nhìn thực chiến (xa nhưng phải thực chiến) và đội ngũ có tài: có tư duy mở tung ra, không bị một cái nào cố chấp, coi thường hay tinh tướng.

Một CEO giỏi cần 3 thứ: Leadership (Khả năng lãnh đạo), Management (Năng lực quản trị), Marketing.

Một người lãnh đạo phải là một người rất hấp dẫn: khiến cho đội ngũ nhân viên theo bạn, nghe bạn, chiến đấu vì bạn mà không vì bất cứ lý do nào khác.

Một nhà lãnh đạo giỏi phải biết nâng cao năng lực, phát triển đạo đức cho các cá nhân.

Lãnh đạo không phải là người giỏi nhất nhưng phải là người lãnh đạo giỏi nhất, quản trị giỏi nhất và có khả năng sắp xếp một bộ máy hoạt động trơn tru.

Ngoài ra phải có kĩ năng nhìn được người, chọn được người.

BOD cần làm 3 thứ: Chọn người chơi (chọn đúng người) – Tạo luật chơi – Xây dựng môi trường chơi.

Cảm ơn anh về buổi chia sẻ!

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây