COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng và phá sản. Tuy nhiên, nó cũng tạo nên những câu chuyện về những nhà sáng lập kiên cường vượt qua khó khăn đó, và vẫn vững bước trên con đường khởi nghiệp. Hãy cùng gặp gỡ anh Jonathan Việt Phạm – nhà sáng lập GoEat và Artcific và câu chuyện của anh ấy vượt qua khủng hoảng để tiếp tục hành trình khởi nghiệp.

Chào anh, lời đầu tiên, anh có thể giới thiệu sơ lược về bản thân cũng như hành trình dẫn dắt đến con người khởi nghiệp.

Mình tên là Việt, mọi người thường gọi mình là Jonathan Việt Phạm. Mình sinh sống tại hai quốc gia là Việt Nam và Thụy Sĩ. Chính vì thế, công ty đầu tiên mình khởi nghiệp là GoEat – một công ty tại Thụy Sĩ, cung cấp dịch vụ tìm kiếm nhà hàng và món ăn cho 10 triệu nguời tại thị truờng Châu Âu và Đông Nam Á qua nền tảng web và ứng dụng di động.

Nếu so sánh nó với các thị trường Mỹ thì nó giống Yelp, còn nếu so sánh với thị trường Việt Nam thì chúng ta có thể tưởng tượng nó như là Foody. GoEat sử dụng hệ thống học máy (machine learning) để tạo ra công nghệ gợi ý đồ ăn, thức uống phù hợp với sở thích, nhu cầu của người dùng. Mình tự tin GoEat đã từng dẫn đầu về mảng này ở Châu Âu.

Tuy nhiên, sau khi hoạt động được 3 năm thì bọn mình đã phải tạm dừng hoạt động vì Covid-19, dịch bệnh đã khiến cả châu lục bị phong tỏa và hạn chế đi lại. Vì Go Eat không triển khai dịch vụ giao đồ ăn như GrabFood, Baemin,.. ở Việt Nam nên đây là một gáo nuớc lạnh cho GoEat.

Sau khi kết thúc GoEat, mình trở về Việt Nam và tiếp tục con đường khởi nghiệp với những dự án khác. Một trong những dự án mà mình tham gia vào sau khi về Việt Nam là một công ty giao đồ ăn, với mô hình kinh doanh đồ ăn nấu tại nhà, có tên là Calioo hoạt động tại Hong Kong. Calioo hiện tại đang là một trong những công ty giao đồ ăn cạnh tranh với lại những ông lớn như là Deliveroo hay UberEats tại Hong Kong. Vai trò của mình tại Calioo là CTO. 

Hiện tại, hiện tại thì mình đang làm một dự án về nghệ thuật đương đại giúp bảo tồn văn hóa nghệ thuật của Việt Nam dưới dạng số, nó có tên là Artcific.

Số lượng doanh nghiệp/startup/dự án mà anh đã trải qua. Ấn tượng nhất với cái nào? Lý do?

Truớc khi khởi nghiệp, mình từng làm vị trí Phát triển kinh doanh cho Booking.com và CTO cho một doanh nghiệp ở Việt Nam để xây dựng hệ thống ERP. Mỗi chặng đuờng đều có một cái hay riêng, nhưng dự án khiến mình nhớ nhất cũng như cho mình nhiều kinh nghiệm nhất là GoEat. Công ty đã giúp mình học được rất nhiều bài học từ việc xây dựng sản phẩm từ con số 0, giúp mình hiểu cách vận hành một doanh nghiệp, làm thế nào để tăng truởng, hiểu đuợc cách gọi vốn, mở rộng mối quan hệ và đây là dự án đuợc khởi nghiệp ở Châu Âu. Những cái mà mình đã từng trải qua ở GoEat giúp mình giảm đi cái rủi ro thất bại trong những dự án sau.

Kể 3 từ mà người khác mô tả về bản thân anh.

Từ đầu tiên mà mọi người mô tả về mình là consistency – mình rất là hiếm khi bỏ cuộc, mình thuờng xem vấn đề là một thử thách để tìm ra được câu trả lời mà một khi đã vạch ra đuợc mục tiêu thì phải tìm mọi cách để đạt đuợc. 

Từ thứ hai mọi người hay nói về mình đó là neutral (trung lập), mình vẫn có lập truờng riêng của bản thân nhưng mình cố gắng không đánh giá bất kỳ ai hay vấn  nào mà không nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Và từ thứ ba mình nghĩ là integrity (chính trực), trong chặng đường mà mình khởi nghiệp thì nó cũng có rất nhiều cái giá mình phải mất đi thì trong đó nó có một cái là cái reputation (uy tín). Khi còn ít kinh nghiệm, chúng ta thuờng dễ đánh mất bản thân khi vấn đề đến. Tuy nhiên, mình vẫn phải hết sức giữ được sự liêm chính, không lừa lọc ai, vẫn buớc về phía trước và giải quyết việc đó một cách triệt để dù có mất thời gian.

Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Sở thích ngoài công việc của mình đó là đọc sách, thiết kế, nấu ăn, nuôi cá. Ngoài ra, mình còn thích nhưng môn thể dục như chạy bộ, bóng bàn và thiền.

“Khi còn ít kinh nghiệm, chúng ta thuờng dễ đánh mất bản thân khi vấn đề đến. Tuy nhiên, mình vẫn phải hết sức giữ được sự liêm chính, không lừa lọc ai, vẫn buớc về phía trước và giải quyết việc đó một cách triệt để dù có mất thời gian”

Thần tượng mà anh hâm mộ?

Người mà mình hâm mộ nhất là Jony Ive, tên tiếng Anh của mình là Jonathan Việt Phạm cũng từ đây. Jony Ive là người thiết kế các sản phẩm của Apple, linh hồn của các thiết kế ma mị mà chúng ta có thể thấy. Mình là một “product-driven founder”, nghĩa là mình là một người sáng lập nhưng thích chú trọng vào sản phẩm. Jony Ive và Steve Jobs là những người cho mình được cái tư duy đầu tiên làm thế nào để làm ra được một sản phẩm tốt.

Cuốn sách yêu thích nhất của anh là ?

Ở thời điểm hiện tại thì mình thích nhất là cuốn Zero to One của Peter Thiel-một trong những đồng sáng lập của PayPal.

Câu quote yêu thích của bản thân

Câu quote mình yêu thích nhất đó là “Don’t do different things, do things differently”, có nghĩa là đừng có làm nhiều thứ cùng một lúc mà hãy làm một thứ nhưng khác biệt. Cái lý do mà mình thích cái câu này là bởi vì sự tập trung là một công cụ cực kì mạnh mẽ để tiết kiệm thời gian và tăng năng suất. 

“Don’t do different things,

Do things differently”

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà anh từng trải qua là gì? Và cách anh vượt qua nó?

Thật ra cái thách thức lớn nhất của mình đó là khi doanh nghiệp gặp khó khăn vì những lý do không mong muốn ví dụ như là dịch bệnh, thiếu tài chính,… Tuy vậy, mình tâm niệm, càng những lúc như thế, chúng ta càng phải giữ đuợc bản thân để các mối quan hệ làm ăn, những nhà đầu tư, những người đã từng tin tưởng mình làm việc với mình tiếp tục tin tuởng để qua một chặng đường khác cũng như là phát triển tiếp.

Khi mà công ty của mình gặp Covid-19 dẫn đến đóng cửa, trong tay của mình lúc đó chỉ có nợ thôi. Mình tìm một huớng đi để giải quyết vấn đề để không ai bị thiệt thòi. Bài học của mình là nên chia sẻ khó khăn để mọi nguời cùng hiểu chứ đừng nên vì cái sĩ diện mà tự tạo áp lực cho bản thân. Cái gì nó cũng có giải pháp thôi và khi mà chúng ta càng đi thì chúng ta càng tìm ra được cái cách giải quyết nó hợp lý và nó tốt nhất cho cả hai phía đôi bên. Mình nghĩ rằng là phải gặp biến cố thì mới là khởi nghiệp còn nếu như mà nó suôn sẻ quá thì cũng không còn gì hấp dẫn để kể lại hết. (cười)

Định hướng trong năm 2022 là gì?

Hiện tại thì mình đang đầu tư khá nhiều nguồn lực vào dự án mới, đó là một dự án về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, nó tên là Artcific, có thể xem tại www.artcific.com. Một trong những kế hoạch của mình năm 2022 đó là đưa được dự án này qua nhiều quốc gia khác ngoài Việt Nam. Trong năm đầu tiên thì mình đang focus vào Việt Nam là chủ yếu và trong năm 2022 thì mình hy vọng có thể đem nó ra ngoài thị trường Đông Nam Á.

Vậy anh có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Mình chia sẻ một trong những kinh nghiệm của mình đó là các bạn trẻ nên đi làm việc cho một công ty lớn khác hoặc một công ty khởi nghiệp trong khoảng thời gian từ 3-5 năm trước khi khởi nghiệp thì các bạn sẽ học được rất là nhiều thứ để vận hành một doanh nghiệp. Bởi khi đã là một doanh nghiệp thì còn rất nhiều cái founder phải quan tâm chứ không chỉ còn mỗi sản phẩm, chi phí và những vấn đề phát sinh thì các bạn cần được chuẩn bị tốt nhất cho điều này. 

Mình không ngăn cản các bạn khởi nghiệp nếu các bạn có một ý tuởng tuyệt vời và chỗ dựa vững chải, nhưng đi làm cho doanh nghiệp khác sẽ là một trải nghiệm giúp các bạn rất là nhiều. Thứ nhất, là để tích lũy được tài chính, để mà các bạn không bị phụ thuộc vào bất kỳ cái vấn đề khác nào ví dụ như đôi khi các bạn cần tiền mà các bạn có tiền liền thì các bạn quyết định sẽ rất là nhanh hoặc là đi tìm quỹ đầu tư. Tin mình đi, gọi vốn mất thời gian lắm, không dễ đâu. Cái thứ hai đó là kinh nghiệm quản lý vận hành như lúc nãy mình có nói. Và cái thứ ba đó là mối quan hệ, khi mà đi làm chúng ta có nhiều mối quan hệ hơn để giúp cho chúng ta có một cái chặng đường nó dễ dàng hơn. 

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây