Trên hành trình khởi nghiệp, mối quan tâm mà nhà sáng lập trẻ của WOAY luôn canh cánh trong lòng đó là cộng sự viên. Và việc tích lũy kinh nghiệm từ chuỗi khó khăn – thử thách – thành công đã góp phần tạo nên thành tựu của bản thân anh hiện tại. Vậy anh đã đối mặt với những vấn đề ấy ra sao và vượt qua nó như thế nào? Hãy cùng Táo Khởi Nghiệp lắng nghe những tâm sự và chia sẻ về hành trình lập nghiệp của anh Hồ Tiến Lộc nhé!

Anh có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Lời đầu tiên mình xin gửi lời chào đến cộng đồng Táo Khởi Nghiệp. Mình tên là Hồ Tiến Lộc, hiện là Founder kiêm CEO của WOAY – nền tảng thiết kế game cho các hoạt động Marketing (thường xuyên hoặc định kỳ) của doanh nghiệp. Woay sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể tự thiết kế một chương trình game riêng của họ thông qua sản phẩm của mình (App.woay.vn). Đặc biệt, WOAY cũng muốn công nghệ làm game trong mảng tiếp thị và quảng cáo trở nên gần gũi hơn với các doanh nghiệp, mà họ không cần phải biết lập trình cũng như là không cần tốn chi phí thuê nhân sự viết game và nhân sự giỏi để mà sản xuất ra chương trình.

Hình ảnh sản phẩm của WOAY

Anh đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho Anh cảm thấy ấn tượng nhất? Vì sao?

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình cũng giống như bao bạn trẻ khác, có hứng thú với nghề làm việc tự do (Freelancer). Mình chỉ duy trì công việc này cho đến năm 2016, vì mình có nhiều mối quan tâm khác cho nên gần như không có đủ thời gian dành cho nó. Hồi đó, trường mình theo học là trường Cao đẳng Công Nghệ Thông Tin thành phố Hồ Chí Minh với chuyên môn là Thương Mại Điện Tử (làm về web, phần mềm), nên lúc đó mình đã chọn làm công việc tự do về mảng sản xuất trang web. Song song trong khoảng thời gian đó mình có làm trong một công ty startup đó là LOZI, có thể gọi là phiên bản 1.0 của LOSHIP hiện tại.

Các thành viên của LOZI 1.0 (văn phòng TP.HCM) thảo luận công việc

Lúc đó, tụi mình làm về cộng đồng ẩm thực, nó giống như một trang Pinterest về Ẩm Thực dùng để chia sẻ hình ảnh đồ ăn theo dạng mạng xã hội, nơi mà bạn có thể tự ghim những hình ảnh món ăn của mình thành bộ sưu tập, và bạn có thể chia sẻ chúng với những người trên cộng đồng đó. Lúc đó mình là người đã đưa tên công ty lên top 3 từ khóa tìm kiếm của Google, dù có khá là nhiều thương hiệu cạnh tranh lúc bấy giờ, chắc phải hàng trăm nhưng nổi bật thì có Foody và Địa điểm ăn uống. Mình làm việc ở LOZI được khoảng 2 năm, đồng hành với công ty từ lúc khởi sự và chưa thực sự có tiếng vang lớn trên thị trường cho đến lúc được nhiều người biết đến. Lúc này mình cảm thấy sứ mệnh và mục tiêu ở công ty này mình đã hoàn thành, vì vậy mình đã quyết định rời đi.

Sau đó, vào năm 2015, mình có thành lập một công ty riêng với tên gọi YOSU hiện vẫn đang hoạt động. Đây là công ty chuyên vận hành về mảng thiết kế trang web, lĩnh vực này vốn cũng là thế mạnh của mình và cũng là ngành “rất đỏ” trên thị trường.

Đến khoảng năm 2019, mình đã tiếp tục sáng lập ra WOAY, là sản phẩm mà mình vẫn còn làm cho đến nay. Ở WOAY, mình sẽ đi một “cuộc chơi” hơi khác biệt một tí, một cuộc chơi Startup – ý tưởng & sản phẩm đột phá, tốc độ tăng trưởng nhanh. Và đó là toàn bộ hành trình khởi nghiệp cũng như là những kinh nghiệm đáng giá mà mình đã tích lũy được.

Đâu là điều Anh cảm thấy tự hào nhất & thất vọng nhất trong quãng đường làm việc đó? Vì sao?

Về thất vọng, trên hành trình khởi nghiệp, mình có cơ hội va chạm với nhiều thứ khác nhau và căn bản là phải linh hoạt với chuyện đó. Việc trải qua những cảm xúc tiêu cực cũng giúp mình trưởng thành hơn. Mình không có điều gì thất vọng nhất, nhưng trên hành trình đó điều mà gây tổn thương cho mình đó chính là về vấn đề nhân sự. Với vai trò là điều hành công ty, nhiều khi mình đã rất quan tâm và đầu tư về mặt tài chính lẫn thời gian vào nhân sự, cũng như tập trung nâng cao phát triển kỹ năng của họ. Nhưng một ngày họ rời đi, thì có khá là nhiều cảm xúc đã tác động đến mình. Ở thời điểm hiện tại thì, mình cảm thấy điều này đã trở nên khá là bình thường, và cần thiết cho một doanh nghiệp.

Mình nghĩ có hai lý do phổ biến dẫn đến việc này đó là “Nhân sự không theo kịp tốc độ phát triển doanh nghiệp” hoặc ngược lại “ Tốc độ phát triển của doanh nghiệp chậm hơn so với nhân sự”. Với góc nhìn như vậy mình cảm thấy mọi thứ sẽ thoải mái hơn, và dễ hình thành các câu chuyện cơ sở về nhân sự viên sau này hơn, kể cả chính bản thân mình cũng có nhiều bài học từ vấn đề này.

Về tự hào, với mình nó cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, trên hành trình khởi sự có rất nhiều người đã “chung thuyền” và đồng hành với mình từ những ngày đầu. Giờ đây, họ đã thăng tiến, phát triển và có chỗ đứng ở Woay. Nhân sự thường sẽ có sự thay đổi ra vào, mặc dù phần nào cũng có sự tác động đến mình, bên cạnh đó nó cũng giúp cho mình rút ra được nhiều bài học hơn để hiểu hơn về các nhân viên hiện tại cũng như biết được rằng, họ cần gì và họ sẽ phát triển như thế nào trong tương lai.

“Cảm xúc tiêu cực giúp tôi trưởng thành hơn.”

Anh có thể kể 3 từ đúng nhất về bản thân?

Theo cảm nhận cá nhân, mình nghĩ ba từ miêu tả đúng về con người mình nhất đó là:

Đầu tiên “Simple & Lean”, mình là người rất đơn giản và tinh gọn. Mình đơn giản ngay trong cách làm việc cũng như trong cách ứng dụng vào trong cuộc sống.

Thứ hai là “Zero to Hero”, mặc dù có thể hiện tại mình chưa là “Hero” nhưng đây thực sự điều mà tính cách mình và kiểu làm việc mình muốn hướng đến.

Trên con đường “Zero to Hero” đó mình đã lựa chọn làm Startup (nói chung) và làm CEO (điều hành, nói riêng) – bởi lẽ đây là lựa chọn giúp mình có thể thoải mái bay và làm được nhiều thứ lớn hơn bản thân mình. Lúc mà mình đang trên hành trình thì mình không nghĩ là sẽ làm được, nhưng mà đến lúc mình làm được rồi thì sẽ cảm thấy rằng nó thực sự mang tính chinh phục, vì nó rất khó để mà đạt được.

Thứ ba là “Workaholic”, mình là người khá là say mê, chịu khó trong công việc và mình cũng dành nhiều thời gian cống hiến vào nó. Như người Việt Nam mình có câu dân gian “ Cần cù bù thông minh” (cười). Mình cũng muốn mở rộng tính chất công việc ra hơn nữa để có thể hiểu rộng và tích lũy được nhiều kiến thức hơn. Đó cũng là một tính cách mà bạn trẻ cũng cần có để trang bị cho bản thân. Bởi vì khi mình tò mò với nhiều thứ, có sự quyết tâm và niềm say mê thì khả năng mà mình đạt được kết quả nó cũng khả dĩ hơn.

Bên cạnh đó, việc lên kế hoạch, thành lập đội nhóm và phân tích dữ liệu cũng là những điểm mạnh mà cá nhân mình luôn muốn phát huy tối đa hơn trong công việc.

“I will do it best, even if it takes time.”- “Tôi sẽ làm điều đó tốt nhất có thể, ngay cả khi nó tốn thời gian.”

Sở thích ngoài công việc của Anh là gì?

Nói ra thì có vẻ hơi buồn cười một tí, nhưng sở thích ngoài công việc của mình là “ngủ” (cười). Khối lượng công việc nhiều, mình phải dành khá nhiều thời gian vào nó, cho nên việc thức khuya ngủ muộn, hay tình trạng thiếu ngủ là điều thường xảy ra với mình.

Bên cạnh đó, mình rất ưa thích sự khám phá và trải nghiệm sự mới mẻ. Du lịch, là sở thích mình vẫn chưa làm được nhiều. Mình muốn khám phá văn hóa, con người nhiều hơn trên mọi miền tổ quốc, dù đã nghe qua lời kể nhưng mình muốn có được trải nghiệm thực tế.

Hơn nữa, các hoạt động mới mẻ và cảm giác mạnh như là Nhảy dù, đua xe F1. Mình cũng có hứng thú, dù chưa có dịp trải nghiệm, nhưng nhìn mọi người tham gia thì mình cảm thấy nó lạ và thú vị. Mình sẽ thử khi có dịp ra Hà Nội công tác.

Cuối cùng, Golf cũng là bộ môn thể thao mình muốn thử, nhưng hiện tại thì điều kiện và thời gian chưa cho phép mình để thực hiện.

Ai là người truyền cảm hứng cho Anh nhiều nhất?

Có hai “tệp” nhân vật mà mình muốn nhắc tới khi nói đến người truyền cảm hứng cho mình.

Về phạm vi gần, người mà mình muốn kể đến đó là các cộng sự của mình, đặc biệt là một core-member mới của công ty, anh Nguyễn Thành LongGiám đốc điều hành (Managing Director) của WOAY. Gần đây, anh ấy là người đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho mình nhiều nhất. Người mà cũng đã từng chinh chiến ở nhiều startup, đam mê công nghệ, tự kinh doanh làm chủ với nhiều kinh nghiệm và có góc nhìn rộng ở nhiều khía cạnh khác nhau. Thật sự mà nói, mình đã học hỏi và ngộ ra rất nhiều điều thông qua sự hỗ trợ của anh.

Một đồng sự khác mình muốn nhắc tới đó là Nguyễn Quang Thiện – CTO của WOAY. Tụi mình có điểm chung là đều say mê với công việc, chịu khó lăn xả nhưng điều mình thấy khó nhất là duy trì tinh thần làm việc này. Nhưng may mắn rằng những cộng sự bên cạnh mình luôn làm cho mình cảm thấy có động lực và duy trì tâm thế tích cực điều mà có lợi cho việc phát triển công ty.

Về phạm vi xa, mình nghĩ người cũng có tầm ảnh hưởng đến mình đó là bạn sếp cũ, Nguyễn Hoàng Trung – CEO của LOZI. Mặc dù, mình rất ít khi gặp Trung, đặc biệt là sau khi mình rời LOZI, nhưng có những năng lượng tích mà mình vẫn giữ lại được từ môi trường đó, với con người đó. Nhìn thấy được sự thành công và phát triển của doanh nghiệp mà bạn gây dựng. Đó cũng là động lực giúp mình xây dựng và phát triển Woay theo con đường dài và bền vững hơn.

Cuốn sách yêu thích nhất của Anh?

Mình không thường đọc sách, nhưng mình sẽ tìm đến sách khi thật sự khao khát muốn có được nội dung mà mình đang muốn tìm kiếm. Có 3 quyển mà mình tâm đắc và ấn tượng nhất là:

Quyển đầu đầu tiên, “Tỷ Phú Bán Giày” của tác giả Tony Hsieh. Vào dịp Tết 2020, khoảng giai đoạn mà WOAY phiên bản 1.0 gặp biến cố – hơi bị chán nản một tý. Lúc này mình không biết nên làm gì và phải làm như thế nào, cứ thế tâm trí mình đã đặt hàng loạt các câu hỏi nghi ngờ về bản thân mình và có nên tiếp tục không. Và mình đã tìm đến tựa sách này như một giải pháp. Đây là quyển sách nói về hành trình tìm ra chân lý của Hạnh phúc, Đam mê và Lợi nhuận.

Quyển thứ hai, mình đọc cùng thời điểm của WOAY 1.0 – “Dốc Hết Trái Tim” được viết bởi chủ tịch kiêm CEO Starbucks Howard Schultz. Mình tìm đến nó khi khao khát được sự động viên và “Dốc Hết Trái Tim” đã giúp mình phần nào biết cách chiếm trọn cả trái tim và tâm trí vào WOAY. Và cũng giúp mình đưa ra lựa chọn nên có WOAY 2.0.

Cuối cùng, có lẽ cũng là quyển “gối đầu giường” của nhiều bạn muốn phát triển kỹ năng cá nhân như mình với tựa đề của hai quyển sách là “Quyết Đoán” và “Thay Đổi” được chắp bút bởi “Dan Heath & Chip Heath”. Đúng như tựa đề, nội dung của từng cuốn sách viết về kỹ năng mềm trong cuộc sống, công việc giúp mình hiểu rõ hơn về sự “Thay Đổi” (khi cần thiết) và “Quyết Đoán” hơn. Đó là hai thứ mà mình thiếu và cần bổ sung, học hỏi thêm nhiều hơn. Ngoài ra, tác giả còn rất nhiều đầu sách về phát triển kỹ năng cá nhân khác.

Câu Quote yêu thích của Anh?

Câu châm ngôn mà mình tâm đắc nhất là “Muốn làm hay, đầu tiên cần làm đúng”, mình biết được nó thông qua một người đồng nghiệp làm về nông sản cộng đồng. Trong công việc, bạn ấy là người khá chỉn chu, tươm tất trong công việc. Đó là một trong số những châm ngôn ý nghĩa mà mình học hỏi được từ bạn ấy.

                    “Muốn làm hay, đầu tiên cần làm đúng.”

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà Anh từng trải qua? Và cách Anh đã đối mặt với nó?

Đưa mối quan hệ vào trong công việc. Mình không biết nó có được gọi là biến cố hay không, nhưng lúc đó sự việc này đã tác động lên mình hơi tiêu cực một tý. Trở lại thời điểm WOAY 1.0, câu chuyện về một cộng sự đã chọn không đồng hành cùng mình trên hành trình khởi nghiệp. Cốt lõi vấn đề là về mặt địa lý, nhưng có lẽ cách mà người đó phản ứng với sự việc này đã làm mình cảm thấy có hơi tiêu cực đối với bản thân. Tụi mình đã không thể thống nhất với nhau về cách thức phối hợp và đi đường dài, cũng là điều đã dấn đến kết quả của sự dừng hợp tác đó. Mối quan hệ của tụi mình cũng đã rạn nứt từ đó, mặc dù trước đó hai đứa rất thân, mãi tới bây giờ mới có dấu hiệu chữa lành, nhưng vẫn chưa hoàn toàn được khôi phục hẳn.

“Khó khăn là 1 lẽ. Level thì vẫn cần phải Up.”

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của Anh là gì?

Về mặt cá nhân, mình vẫn sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian và tâm tư vào WOAY. 

Về mặt phát triển công ty, thì doanh nghiệp đang trên vòng gọi vốn và kêu gọi đồng sự về mảng phụ trách và bán hàng (Head of Sales) cũng như là các nhà đầu tư. Nhằm mục đích mời họ tham gia đầu tư vào dự án của công ty.

Về tầm nhìn và chiến lược, vào năm 2025, công ty sẽ dẫn đầu ở thị trường Việt Nam. Hơn nữa, mình cũng muốn mở rộng thị trường quốc tế sang các nước Đông Nam Á để có thể nhân rộng giải pháp của doanh nghiệp ra nhiều quốc gia. Và đó là cách mà công ty đang vận hành và muốn hướng tới trong tương lai. Bên cạnh đó, để xúc tiến quá trình nhanh hơn thì doanh nghiệp cần có thêm sự hỗ trợ của các nguồn lực liên quan về mặt tài chính.

Đội ngữ WOAY 2.0

Lời khuyên của Anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Mình cũng chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp nên cũng không hẳn là cho lời khuyên. Là một điều mà mình muốn chia sẻ với mọi người thì đúng hơn. Điều này mình đã học được từ dịp tham gia một sự kiện vào đầu năm 2022.

Khi mọi thứ xung quanh thay đổi quá nhanh, đặc biệt là Covid-19 ập đến khiến cho mọi thứ phải thích nghi và thay đổi. Điều đó đồng nghĩa chúng ta được tiếp xúc với rất nhiều thông tin mới mẻ, nhiều giải pháp đột phá, nhiều xu hướng mới, v.v… Cho nên hãy thận trọng với việc mà bạn định làm.

Đừng sợ hãi và không “FOMO” – không nhảy vào những điều mà bạn không hiểu.

Đừng thờ ơ với những đột phá mới. Đừng “JOMO” và không làm gì cả.

Tốt nhất là “CURIOUS” – Tò mò, hiếu kỳ, ham học hỏi và trở nên giỏi hơn.

Đó là 3 từ khóa chính mà bản thân mình muốn nhắn gửi đến mọi người cũng như là các bạn trẻ khởi nghiệp ngày nay.

Team Táo rất cảm ơn anh Tiến Lộc về những chia sẻ rất chân thật và thú vị của anh.

—-*—-

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây