Với vai trò là một nhà đầu tư chiến lược cho các startup, anh Đàm Tiến Đức sẽ chia sẻ những thông tin về gọi vốn từ một góc nhìn hoàn toàn mới. Hãy cùng TÁO Startup lắng nghe câu chuyện của anh Đức để hiểu thêm về công việc và những góc nhìn từ anh nhé!

1/ Xin chào anh, anh hãy giới thiệu đôi nét về bản thân cũng như hành trình đến với vai trò nhà đầu tư của mình. Điều gì đã truyền cảm hứng cho anh trở thành một nhà đầu tư chiến lược? 

Anh là Đàm Tiến Đức, hiện đang là Venture Partner tại An Viet Ventures – một quỹ đầu tư nội địa tập trung vào các dự án khởi nghiệp tiềm năng của sinh viên và nhà sáng lập trẻ. Ngoài ra, anh cũng đang đảm nhận một số vai trò khác như Giám đốc dự án (Project Director) tại Tập đoàn Sơn Joton và Cố vấn chiến lược (Strategic Advisor) tại BHub Group – một công ty chuyên về xúc tiến thương mại, truyền thông với các khách hàng là doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ.

Ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã làm việc với vai trò ươm tạo cho các startup. Sau khi được tiếp xúc với rất nhiều dự án khác nhau, cùng với kinh nghiệm của bản thân đã từng khởi nghiệp và đã từng thất bại, anh có thể hiểu được những “nỗi đau”, những bài toán khó mà các startup đang gặp phải. Từ đó, anh mong muốn có thể đồng hành cùng các startup để giải quyết vấn đề và mang lại những điều tích cực cho từng dự án. 

2/ Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã tham gia đầu tư vào những dự án nào?

Anh đã tham gia cố vấn cho những startup ở các mảng khác nhau như Food&Beverage (thực phẩm và đồ uống), Edtech (Giáo dục công nghệ), Medtech (Y tế công nghệ), Fintech (Tài chính công nghệ) và vật liệu xây dựng. Thời gian gần đây,  anh đang làm việc với một số dự án Blockchain và đầu tư cho một startup tên là ACIF – một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng từng tham gia hỗ trợ 2 thương vụ gọi vốn trong chương trình Shark tank mùa 3. Trong các startup này, anh đã tham gia hỗ trợ về các mặt khác nhau như: lên chiến lược kinh doanh, giúp tìm kiếm nhân sự, cùng lên kế hoạch gọi vốn thật bài bản và kết nối đầu ra cũng như kênh phân phối cho startup.

3/ Đâu là yếu tố quan trọng nhất để anh đưa ra quyết định có đầu tư vào một dự án hay không? 

Có 3 tiêu chí quan trọng để anh quyết định việc tham gia đầu tư vào một dự án. Thứ nhất là về thị trường. Câu hỏi anh đặt ra là thị trường mà startup hướng tới có dung lượng như thế nào, có đủ lớn để startup “đánh phá” không? Tiêu chí thứ hai là về điểm khác biệt của sản phẩm, dịch vụ. Điều này sẽ cho thấy đây có phải là một sản phẩm, dịch vụ tiềm năng hay không. Và cuối cùng là tiêu chí về thái độ và năng lực của đội ngũ sáng lập. Để thuyết phục nhà đầu tư chiến lược đồng hành cùng dự án ngay từ ban đầu, đội ngũ founder cần có một điểm thực sự khác biệt, có tầm nhìn đủ lớn và có sự tập trung vào dự án. Nói chung, đối với anh, đầu tư vào một startup là đầu tư vào con người. 

4/ Ai là nhà đầu tư mà anh yêu thích? Vì sao?  

Anh khá tâm đắc với trường phái đầu tư của ông Masayoshi Son – ông chủ của SoftBank. Thương vụ đầu tư thành công nhất của ông Son có thể kể đến là đầu tư vào Công ty Alibaba của tỷ phú Jack Ma, khi công ty này còn là một trang web chưa ai biết đến. Điều khiến anh thích nhất ở vị chủ tịch này là việc ông ấy có một tầm nhìn tốt và luôn sẵn sàng đầu tư vào những startup công nghệ hướng đến những giá trị cho tương lai.

5/ Anh thường tìm kiếm các dự án hấp dẫn để đầu tư bằng cách nào? 

Ngoài công việc tại tập đoàn sơn Joton, anh cũng là cộng sự (partner) cho quỹ đầu tư và cũng có những sự hỗ trợ nhiệt tình cho các startup của quỹ. Bởi vậy, hầu hết các founder sẽ chủ động liên hệ với anh.

6/ Anh đã từng gặp những khó khăn gì trong vai trò là một nhà đầu tư chiến lược? 

Khi là một nhà đầu tư chiến lược, anh sẽ cùng chia sẻ những khó khăn với các startup và tất nhiên cũng sẽ gặp những áp lực về gọi vốn như các founder. Anh cảm thấy khó khăn nhất là khi startup chuyển mình từ sau vòng gọi vốn Seed lên vòng Series A, khi startup cần chứng minh được mô hình kinh doanh của mình có thể mở rộng về quy mô (Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về các vòng gọi vốn tại ĐÂY). Để vượt qua giai đoạn này, anh cùng đội ngũ sáng lập sẽ cùng ngồi lại để đưa ra hướng giải quyết phù hợp, đồng thời anh cũng liên tục liên hệ với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để trao đổi với họ.

7/ Anh cho rằng đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính?

Nhìn chung, nhà đầu tư chiến lược sẽ đồng hành với startup lâu dài hơn so với nhà đầu tư tài chính. Anh có thể đồng hành với các startup từ giai đoạn khởi tạo dự án, hỗ trợ đội ngũ founder lên ý tưởng mô hình kinh doanh và hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, anh cũng sẽ hỗ trợ startup gọi vốn trong những vòng sau và giúp startup kết nối với các nhà đầu tư lớn hơn.

8/ Trong trường hợp founder và nhà đầu tư chiến lược không đồng tình về một quyết định, anh sẽ xử lý vấn đề này như thế nào

Nhà đầu tư chiến lược sẽ đóng vai trò phản biện và đưa ra lời khuyên, cố vấn, để các dự án đi đúng hướng và đi nhanh hơn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều dự án mà founder không đồng tình với ý kiến của nhà đầu tư chiến lược và muốn giữ nguyên ý tưởng của mình. Trong trường hợp này, anh sẽ yêu cầu founder chứng minh bằng thực tế. Startup sẽ cần dùng đến phương pháp “Fail fast, fail cheap”, tức là sẽ đưa ý tưởng vào thử nghiệm trong một khoảng thời gian ngắn. Dù có thất bại, startup cũng phải thất bại thật nhanh và phải học được bài học từ thất bại đó. 

Cảm ơn anh về những chia sẻ của mình!

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây