Để mở rộng startup của mình, ngoài việc sử dụng dòng tiền từ hoạt động bán hàng như phần 4 có nhắc đến, startup còn có một dòng tiền khác, được rất nhiều nhà sáng lập ưa sử dụng: Vốn đầu tư mạo hiểm.

Vốn đầu tư cho startup chủ yếu đến từ 2 nguồn chính: Nhà đầu tư thiên thần & Qũy đầu tư mạo hiểm.

  • Nhà đầu tư thiên thần: Nhà đầu tư thiên thần là bất kỳ ai có khoản tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư cho startup. Người đó có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc là những chủ doanh nghiệp, nhà sáng lập đã thành công muốn trở thành nhà đầu tư thiên thần để giúp đỡ, hỗ trợ các nhà sáng lập mới, còn ít kinh nghiệm. Các nhà đầu tư này có thể là nhà đầu tư tài chính đơn thuần cung cấp vốn cho startup của bạn hoạt động và không tham gia vào việc điều hành. Nhưng cũng có các nhà đầu tư thiên thần khác không chỉ cung cấp vốn, mà còn là kiến thức, kinh nghiệm, thậm chí những mối quan hệ quý giá để startup có được thêm khách hàng, đối tác. Họ cũng có thể tham gia đảm nhận 1 vị trí cấp cao (C-level) hoặc cố vấn trong startup của bạn. Những người như vậy được gọi là nhà đầu tư chiến lược.
  • Quỹ đầu tư mạo hiểm: Khác với nhà đầu tư thiên thần là dùng tiền của chính nhà đầu tư để đầu tư cho các startup, quỹ đầu tư mạo hiểm là một tổ chức kêu gọi vốn từ các đối tác (Partner) và dùng tiền của các đối tác để đầu tư cho startup. Chính vì thế, các quỹ đầu tư mạo hiểm thường rất khắt khe khi đánh giá, chọn lực startup, vì họ phải cam kết một tỷ suất lợi nhuận cho các đối tác. Và việc gọi vốn từ các quỹ thường thông qua nhiều vòng khác nhau.

Các vòng gọi vốn của startup
  1. Pre-seed: Vòng gọi vốn từ ý tưởng. Vòng này đa phần vốn sẽ đến từ nhà đầu tư thiên thần hay các vườn ươm khởi nghiệp (incubator), các cuộc thi khởi nghiệp. Chủ yếu vốn dùng trong vòng này để khảo sát ý tưởng, xây dựng nguyên mẫu sản phẩm (prototype)
  2. Seed: Vòng gọi vốn để hoàn thiện sản phẩm. Vốn ở vòng này có thể đến từ nhà đầu tư thiên thần, các vườn ươm tăng tốc (accelerator) và quỹ đầu tư mạo hiểm. Các quỹ đầu tư mạo hiểm ở vòng này cũng đầu tư rất hạn chế. Như ở Việt Nam thì khoảng đầu tư rơi vào $50k-$150k ~ 1-3 tỷ VND.
  3. Pre-serie A: Vòng này có thể có hoặc không. Thường là các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc là các nhóm đầu tư gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm, đôi khi là cả nhà đầu tư thiên thần. Số vốn khoảng $500k-$600k ~ 10-12 tỷ VND. Vòng này là bước đệm đến vòng serie A – một cột mốc quan trọng.
  4. Serie A: Vòng này sẽ được các quỹ đầu tư rót khi startup chứng minh được product market-fit và tiềm năng của startup thông qua các chỉ số tăng trưởng. Thông thường, số vốn được rót ở vòng này là trên $1M ~ 23 tỷ VND. Và thường các quỹ sẽ chiếm 20-25% số cổ phần ở vòng này. (Các vòng trước thường là 5-10%, nếu nhiều hơn thì các nhà sáng lập sẽ rất dễ bị pha loãng cổ phần quá mức ở các vòng kế tiếp).
  5. Serie B, C, D, E: Các vòng này chủ yếu là để startup mở rộng thị phần, phát triển sản phẩm mới hoặc mua lại các đối thủ. Các quỹ đầu tư ở vòng này chủ yếu chỉ đầu tư tài chính đơn thuần. Và đôi khi xuất hiện các ngân hàng đầu tư hoặc bộ phận đầu tư của các tập đoàn sẽ xuất hiện ở các vòng này. Trong các vòng này, tỷ lệ xuất hiện các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) các startup cũng cao hơn.
  6. IPO: Mơ ước của các startup. Phát hành cổ phiếu ra công chúng. Các quỹ đầu tư và nhà sáng lập sẽ muốn thoái vốn ở vòng này.

Việc gọi vốn từ các quỹ cũng mất khá nhiều bước khác nhau như:

  • Tiếp cận và gửi pitch deck.
  • Gặp gỡ trao đổi sâu hơn về dữ liệu của startup.
  • Thẩm định và thương lượng về các điều khoản đầu tư.
  • Chốt hợp đồng đầu tư và giải ngân vốn.

Ngoài 2 nguồn kể trên, có một cách thức khác để nhà sáng lập kêu gọi vốn đầu tư, đó là: Huy động vốn cộng đồng (crowdfunding). Hình thức này có đôi chút giống và khác hình thức nhà đầu tư thiên thần: giống ở chỗ khi nhà đầu tư đầu tư startup bằng chính tiền của mình. Điểm khác biệt ở đây là khoản đầu tư được chia ra rất nhỏ và mỗi nhà đầu tư chỉ cần đầu tư một phần rất nhỏ, và cái họ nhận được đôi lúc là cổ phần (equity crowdfunding), đôi lúc là tiền lãi (lending crowdfunding), đôi lúc lại chính là sản phẩm (reward crowdfunding). Hay thậm chí nhà đầu tư có thể cho không khoản đầu tư, như một sự ủng hộ, hình thức này đa phần dành cho các startup có sản phẩm hướng đến xã hội cao (donation crowdfunding).

Để tham khảo thêm các nội dung về gọi vốn cho startup, bạn có thể theo dõi các video dưới đây:

Đây cũng là bài viết cuối cùng trong loạt serie bài viết “How to start a startup” mà cộng đồng Táo Khởi Nghiệp sưu tầm và biên soạn. Rất mong nhận được sự góp ý của tất cả mọi người.

Mọi người có thể xem lại các bài viết của serie How to start a startup tại đây:

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây