Tốt nghiệp MBA tại đại học kinh doanh Harvard, từng đầu quân cho những ông lớn công nghệ như Amazon, Netflix nhưng vẫn trở về Việt Nam với dự án khởi nghiệp mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng. Đó chính là câu chuyện của chị Vân Trần cùng startup siêu thị Shoppa. Hãy cùng TÁO Startup lắng nghe những chia sẻ thú vị của chị Vân Trần về bản thân cũng như dự án khởi nghiệp này nhé!

Chào chị Vân, lời đầu tiên, xin chị hãy giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Mình là Vân, người đồng sáng lập (co-founder) của siêu thị Shoppa. Đây là một startup công nghệ trong lĩnh vực thương mại cộng đồng, với mong muốn mang siêu thị đến với mỗi phường/xã trên khắp Việt Nam. Mục tiêu của siêu thị Shoppa mang những sản phẩm trái cây và nông sản với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và giá cả phải chăng đến người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng với thu nhập thấp. Người tiêu dùng có thể lập các nhóm mua chung để mua được giá tận vườn. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Shoppa được phân phối thông qua hệ thống các đại lý, với những người chủ đa số là phụ nữ mà bọn mình gọi là chị Shoppa. Chị Shoppa có thể mở một siêu thị online ngay tại nhà và kiếm thêm thu nhập mà không cần bỏ vốn. 

Bọn mình rất vinh dự Shoppa là một trong những startup đầu tiên ở Việt Nam được nhận vào chương trình Y Combinator (một vườn ươm khởi nghiệp hàng đầu trên thế giới, nơi đã tài trợ cho nhiều công ty khởi nghiệp với tổng giá trị hơn 400 tỷ USD, nhiều “kỳ lân công nghệ” nổi tiếng đã được đỡ đầu tại đây như Stripe, Airbnb, Coinbase, Dropbox). 

Một phần ý tưởng của siêu thị Shoppa là đến từ trải nghiệm của bản thân mình. Hệ thống bán lẻ ở Việt Nam hiện nay tuy đã phát triển nhiều hơn trước, nhưng nhiều người vẫn chưa được tiếp cận với bán lẻ hiện đại (modern trade), một phần vì lý do giá cả, một phần vì các siêu thị không mở ở những khu vực ngoại thành và nông thôn. Trước đây khi mình launch sản phẩm Amazon Prime Now (siêu thị online của Amazon, chuyển hàng nhanh trong vòng 2 tiếng), mình cũng nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này là rất lớn.

Một phần cảm hứng khác là từ những người phụ nữ sống trong gia đình và xung quanh mình. Mình mong muốn tạo ra nhiều cơ hội để các chị Shoppa kiếm thêm thu nhập, tiếp cận công nghệ và giới thiệu những sản phẩm “ngon bổ rẻ” đến cộng đồng của họ. 

Chị Vân đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho chị cảm thấy ấn tượng nhất? Tại sao?

Mình từng phụ trách mảng ngành hàng tiêu dùng nhanh ở công ty tư vấn chiến lược cấp cao Bain & Co. ở Đông Nam Á, trước khi đi học MBA ở đại học kinh doanh Harvard. Sau khi tốt nghiệp thì mình chuyển hướng sang công nghệ, launch sản phẩm Amazon Prime Now (siêu thị nhanh, nhận hàng trong vòng 2 tiếng) ở Mỹ. Sau đó một khoảng thời gian thì mình quyết định về Singapore lead bộ phận chiến lược marketing của Netflix ở Đông Nam Á và Châu Úc. 

Mình cũng rất đam mê về ngành giáo dục. Trước đây, mình đã tham gia xây dựng trường đại học Yale-NUS trong thời gian đầu trường mới hình thành. Khi dịch Covid mới diễn ra, mình đã thành lập một trường học online dạy lập trình cho trẻ em từ 6-14 tuổi tên là Bright School. Ở Bright School, mình dạy trẻ em tiếp cận với programming qua các trò chơi và app mà các em tự sáng tạo và thiết kế. Mình mong muốn mang niềm vui đến quá trình học tập, kích thích sự sáng tạo và giúp các em yêu mến công nghệ ngay từ nhỏ. Dự án này thì mình rất thích, vì cảm giác sung sướng khi thấy các em nhỏ đam mê lớp học coding. Nhiều em đợi từng ngày để được học. có em nhỏ thì thấy anh chị của mình học vui quá và cũng muốn tham gia. Dự án này cũng được thực hiện rất nhanh. chỉ trong vòng 2 tháng, bọn mình đã có hơn 50 học sinh trên khắp Đông Nam Á và Trung Đông, cũng như tạo ra công việc cho 8 giáo viên khi trường học bị đóng cửa. 

Hãy kể 3 từ về bản thân mà chị Vân cảm thấy đúng nhất? Tại sao chị lại chọn 3 từ này?

Quyết tâm – Ham học hỏi – Tự chủ.

Từ bé mình đã được xem là “tiger kid”(*) (thay vì bố mẹ là “tiger mom”) vì mình muốn làm nhiều việc mà bố mẹ mình không hề ép mình làm. Ham học hỏi nên mình thích làm nhiều công việc khác nhau. Làm startup là một trong những môi trường mà mình thấy mình được học nhiều nhất, vì công việc thay đổi theo ngày và đòi hỏi mình luôn phải có tư duy của người mới (beginner mind).

“Quyết tâm – Ham học hỏi – Tự chủ” là 3 từ để nói về bản thân mình.

Sở thích ngoài công việc của chị Vân là gì?

Mình thích đi du lịch, tập thể thao và đặc biệt là chơi tennis. 

Ai là người truyền cảm hứng cho chị Vân nhiều nhất? Tại sao?

Bà và mẹ mình là những người mà mình ngưỡng mộ nhất. Bà mình từng làm một lúc 2-3 công việc để có thể nuôi các con ăn học đến bậc đại học. Mẹ mình là người đầu tiên ở trong làng vào được đại học và thay đổi số phận cho cả gia đình. Bà và mẹ mình là nguồn cảm hứng cho mình để khởi nghiệp với siêu thị Shoppa, để mang cơ hội khởi nghiệp và tự chủ kinh tế cho phụ nữ ở Việt Nam. 

Cuốn sách yêu thích nhất của chị Vân là gì?

“How will you measure your life” (Tựa Việt: Thước Đo Nào Cho Cuộc Đời Bạn?) của giáo sư Clayton Christensen ở trường kinh doanh Harvard. Mình may mắn đã được học với giáo sư và ông là một người mình ngưỡng mộ về cả trí tuệ, đạo đức và ý chí kiên cường. Dù từng bị ung thư và mất đi khả năng nói và đi lại khi bị tai biến, ông đã tự tập luyện để quay lại dạy học vào tuổi 76. Trong cuốn sách này, ông vận dụng những kiến thức kinh doanh và quản trị để nói về cách sống một cuộc đời có ý nghĩa. 

Câu Quote yêu thích của chị Vân là gì? Tại sao?

“If you’re not failing, you’re not pushing your limits, and if you’re not pushing your limits, you’re not maximizing your potential” – Ray Dalio.

Nếu bạn không thất bại, bạn sẽ không thúc đẩy được giới hạn của mình và nếu bạn không thúc đẩy giới hạn của mình, bạn sẽ không tối đa hóa được tiềm năng của mình.

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà chị Vân từng trải qua? Và cách chị đã đối mặt với nó?

Mình bắt đầu khởi nghiệp với Shoppa trong lúc dịch Covid đang ở trong giai đoạn cam go nhất. Để về được Việt Nam, trong năm qua mình đã phải cách ly tập trung hơn 2 tháng. Khi về được Việt Nam thì tỉnh mình định làm chương trình thí điểm lại bị đóng cửa hoàn toàn vì dịch. Vào lúc đấy, mình quyết định đổi hướng chương trình thí điểm đến tỉnh Thái Nguyên, tuy mình chưa từng đặt chân đến Thái Nguyên trước đấy. Mình nghĩ quyết định và hành động nhanh vào lúc đấy đã giúp mình tập trung vào công việc và loại bỏ những lo âu do diễn biến khó lường (uncertainties) của đại dịch Covid.

Kinh nghiệm và bài học đến từ những thử nghiệm trong thực tế

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của chị Vân là gì?

Mình mong muốn mang Siêu thị Shoppa với những sản phẩm chất lượng, giá cả tốt đến với những người có thu nhập thấp, sống ở ngoại thành và các tỉnh thành phố nhỏ.

Lời khuyên của chị Vân dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Tìm co-founder cùng chí hướng và có thể làm việc cùng nhau, có trách nhiệm là một yếu tố rất quan trọng để team có thể tin tưởng và đồng hành cùng nhau trên 1 chặng đường khó khăn. 

Và quan trọng hơn hết là “Just Do It”. Kinh nghiệm và bài học đến từ những thử nghiệm trong thực tế. Thử nghiệm cho sản phẩm, cho khách hàng, và cũng là cho chính bản thân mình.

Cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của chị!

(*) tiger kid: thông thường, “tiger mom” hay “mẹ hổ” là biệt danh dành cho những người mẹ nghiêm khắc, khó tính và kỳ vọng nhiều vào con cái; ở đây, khách mời đã biến tấu thành “tiger kid” để nói về sự tự chủ và nghiêm túc học hỏi của chính bản thân khi còn bé mà không cần bố mẹ bắt ép.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây