Không chỉ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà cả đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức sống, thói quen làm việc và nhu cầu tiêu dùng của con người. Do đó, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không chỉ riêng cho ngành nghề nào.

Theo báo cáo tài chính của 26 ngân hàng đã công bố, có đến 11 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2020 so với cùng kỳ trong đó có một số các ngân hàng lớn như: Vietcombank, VietinBank, MBBank, Sacombank, … Dù chịu tác động lớn bởi Covid-19, nhưng phải nhìn nhận đây chỉ là “cú sốc” ngắn hạn trước mắt, nhưng trong tương lai không thể đảm bảo việc xuất hiện nhiều “cú sốc” như vậy, vậy các ngân hàng sẽ ứng phó như thế nào?

Câu trả lời là chúng ta cần xây dựng “hệ sinh thái số dịch vụ ngân hàng bán lẻ” thay vì  “dịch vụ ngân hàng bán lẻ” bởi đối tượng khách hàng chính của dịch vụ ngân hàng bán lẻ là các khách hàng cá nhân, trong những trường hợp dịch bệnh như Covid 19 xảy ra thì nhu cầu giao dịch sẽ ít đi bởi việc hạn chế tiếp xúc và đi lại.  

Chuyển đổi ngân hàng số được xem là quy trình tích hợp công nghệ vào mọi cấp độ hoạt động ngân hàng, số hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh, vận hành, cung ứng sản phẩm – dịch vụ trên nền tảng số, khai thác tối ưu dữ liệu để tăng trải nghiệm và sự gắn kết của khách hàng. Vì vậy, có thể xem ngân hàng số là đích đến, trong khi chuyển đổi số là một quá trình với nhiều cấp độ, hướng tới ngân hàng số đích thực.

Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho chuyển đổi số, với cơ hội cho phát triển ngân hàng số với 96,5 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (người trưởng thành chiếm khoảng 70%), đồng thời có 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh và 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số.

Trong khi đó, “tiêu dùng số” của người dân ngày càng tăng mạnh. Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, cho thấy nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bứt phá đứng thứ hai (sau Indonesia) so với các quốc gia khác trong khu vực, nền kinh tế số dự báo đạt 12 tỉ đô la Mỹ vào năm nay và cán mốc 43 tỉ đô la vào năm 2025. Các lĩnh vực của nền kinh tế số đang tăng trưởng bao gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Đón đầu xu hướng này phải kể tới Grab với sản phẩm mới mang tên AutoInvest (sản phẩm đầu tư mảng bán lẻ) và nền tảng cho vay dành cho khách hàng.  

Từ tháng 2, ý tưởng cho sản phẩm bắt đầu được triển khai sau khi Grab công bố mua lại startup Bento (công ty tư vấn robot có trụ sở tại Singapore), cho phép tập đoàn cung cấp các giải pháp quản lý tài sản bán lẻ. Theo kế hoạch, AutoInvest được ra mắt vào đầu tháng 9.

Với AutoInvest, người dùng có thể đầu tư số tiền thấp nhất (1 đô la Singapore) và được chọn số tiền họ muốn đầu tư cho mỗi giao dịch Grab. Số tiền này được đầu tư vào các quỹ thu nhập cố định do Fullerton Fund Management và UOB Asset Management cung cấp. Lợi nhuận ước tính khoảng 1,8% mỗi năm sẽ được chuyển trực tiếp vào ví GrabPay của người dùng. Tất cả các khoản phí (sẽ giảm xuống dưới 0,45% mỗi năm) được hiển thị và quản lý trong phần hiệu suất danh mục đầu tư trong ứng dụng. Cuối cùng, khách hàng có thể rút số tiền đã đầu tư vào giải pháp AutoInvest bất kỳ lúc nào và không hề mất phí giao dịch, số tiền này có thể được dùng để chi tiêu cho các dịch vụ của Grab hoặc bất kỳ người bán nào chấp nhận Thẻ GrabPay.

Trong khi đó, với nền tảng cho vay tiêu dùng của nhánh dịch vụ tài chính GRAB (GFG) (sẽ ra mắt tại Singapore cùng danh sách các đối tác ngân hàng được cấp phép vào cuối năm nay), người dùng có quyền truy cập vào các khoản vay cá nhân do các đối tác ngân hàng được cấp phép cung cấp. Các đối tác ngân hàng và GFG sẽ tích hợp giao diện lập trình ứng dụng hỗ trợ người dùng đăng ký khoản vay một cách an toàn trực tiếp trong ứng dụng Grab.

Tháng 10 tới, dòng dịch vụ “mua ngay, trả sau” của GFG cũng sẽ được mở rộng trên các trang thương mại điện tử chọn lọc ở Singapore và Malaysia. Người dùng đủ điều kiện có thể mua sắm trực tuyến và trả góp hàng tháng không lãi suất hoặc trả chậm vào tháng tiếp theo. Cùng với đối tác ví điện tử Ovo của Indonesia, Grab có gần 400.000 khoản vay và giải pháp tài chính cho người tiêu dùng, tài xế và thương nhân trong quý đầu năm 2020.

Sắp tới, GFG cũng lần đầu triển khai gói bảo hiểm nằm viện cho người tiêu dùng ở Indonesia. Kể từ tháng 4 năm 2019, hơn 13 triệu hợp đồng bảo hiểm được phát hành bởi nhóm kinh doanh bảo hiểm người tiêu dùng của Grab.

Cùng với sự gia tăng số người có tài khoản ngân hàng, các giao dịch thanh toán nội địa của thẻ hay giao dịch qua kênh internet cũng tăng rất nhanh. Trong đó, tăng nhanh nhất là kênh giao dịch trên Mobile Banking với mức tăng 196% về số lượng và 225% về giá trị. Người dân thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng ngày sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.

Trước thực tế này, việc phát triển các dịch vụ ngân hàng số thế hệ mới là điều tất yếu để giúp các ngân hàng vượt lên và tạo đột phá. Đây cũng là câu chuyện sống còn của chính các ngân hàng, vì khảo sát cho thấy, một khách hàng thanh toán điện tử có thể sử dụng dịch vụ gấp 3 lần khách hàng truyền thống.

Dưới đây là 5 loại chuyển đổi số phổ biến trong ngành ngân hàng tại Việt Nam:

  • Ngân hàng di động (Mobile Banking)
  • Thanh toán bằng mã QR Code
  • Mã hóa số thẻ (Card Digitization/ Tokenization)
  • Ví điện tử (E-Wallet) 
  • Thẻ thông minh (Chip card)

Theo NHNN, hiện nay đã có tới 94% ngân hàng thương mại bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Tuy vậy cũng còn nhiều lỗ hổng mà ta cần để tâm, cụ thể là hệ thống chính sách (cần kịp thời và phù hợp để các đơn vị phát triển dịch vụ ngân hàng số có cơ sở xây dựng, triển khai các dịch vụ có mức độ số hóa cao) và khung pháp lý, hạ tầng, công nghệ cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán điện tử (cần phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp). 

Nguồn tổng hợp và tham khảo: 

  1. Grab to launch retail investment product, consumer loan platform. (Link)
  2. 5 most popular digital transformations for banking in Vietnam. (Link)
  3. 59% ngân hàng Việt đang chuyển đổi số. (Link)

***********

Tìm hiểu thêm về cộng đồng Táo Khởi Nghiệp tại đây.

Tìm hiểu về các dịch vụ mà Táo Khởi Nghiệp cung cấp tại đây.

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây