Không dừng lại ở đỉnh vinh quang, anh Nguyễn Văn Tuấn – cựu Phó TGĐ của VC Corp vẫn quyết tâm khởi nghiệp ở tuổi ngoài 40 với mong muốn được tiếp tục xây dựng và cống hiến. Hãy cùng Táo Startup học hỏi quá trình xây dựng một VC Corp hùng mạnh và tìm hiểu quá trình khởi nghiệp của anh Tuấn sẽ khác các founder trẻ như thế nào nhé!

1. Anh có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Con đường của anh cũng như bao người khác thôi, học đại học sau đó đi làm, nhưng mà trước khi rời đại học thì anh cũng cùng một số bạn bè là mở công ty. 

Anh là người có nền tảng công nghệ, chuyên về lập trình. Thật ra ngày xưa anh thích hội hoạ hơn và có ý định làm kiến trúc sư. Nhưng sau đó anh lại đam mê máy tính khi được gia đình mua cho một cái để làm quen với AutoSketch. Anh cứ mày mò sử dụng máy tính, bẻ khoá phần mềm, thậm chí là kiếm được tiền bằng cách là bẻ khoá phần mềm, sau đó ghi ra đĩa CD để bán cho những ai có máy tính mà cần mua phần mềm. Trước khi học đại học anh đã học FPT Aptech về lập trình viên quốc tế, sau đó  đi làm ở các công ty về mảng lập trình web. Trong quá trình học đại học phải vừa học vừa làm nên suốt ngày đi muộn. Hồi còn đi học anh có 8 môn một kỳ mà bị cấm thi đến tận 7 môn vì không kịp đến lớp điểm danh. (cười) Nhưng cũng may là anh được các thầy quý nên mới được đồng ý thi. Tuy là bỏ học nhiều nhưng mà thành tích của anh vẫn ổn, cũng thành công tốt nghiệp á khoa. 

Năm ba đại học anh cùng 5 người bạn cùng lớp mở công ty về làm web, nhưng công ty này chỉ hoạt động được hơn 2 năm thôi. Sau đó anh có một số công việc khác và  đến tận năm 2007 thì  gia nhập VC Corp. Hồi đấy VC Corp mới có khoảng ba mấy người thôi và cũng không có nhiều hoạt động, nhưng mà sau hơn 14 năm anh làm ở VC Corp thì bây giờ đã có hơn 2000 người rồi. Ở VC Corp anh tập trung xây dựng mảng thương mại điện tử và có một số dự án nổi bật như là Mua rẻ.vn, Rồng bay.com, Én bạc.com, rồi Mua chung.com, và gần đây là Bizfly. Đó là toàn bộ quá trình đi làm của anh. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn – Cựu Phó TGĐ của VC Corp

2. Những dự án đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh? 

Anh cảm thấy rất may mắn khi hầu hết các dự án anh làm đều rất thành công và dẫn đầu thị trường trong thời gian hoạt động của nó.

Một dự án nổi bật của anh là Rồng bay, anh mở vào năm 2007. Hồi đó anh thấy thị trường rao vặt rất có tiềm năng nên đã đầu tư làm một dự án về mảng này. Anh nhớ là chỉ sau 5 tháng mở thôi thì Rồng Bay đã trở thành trang web đứng đầu thị trường rao vặt, chủ yếu là do bọn anh biết xác định rõ nhu cầu khách hàng là “đói tin”. Họ cứ phải truy cập nhiều trang rao vặt mới tìm thấy sản phẩm hay dịch vụ mình cần, do vậy nên anh đã thực hiện chiến lược kéo tin từ các trang khác về để biến Rồng bay là nơi nhiều tin nhất nhằm thu hút người truy cập, rồi từ đó tăng lượng người đăng tin bán hàng và người mua.

Sau đó anh có Én bạc, vào năm 2008. Hồi đó Internet chưa tốt như bây giờ, và các trang web thời trang trông rất chán, ảnh load chậm và bị hạn chế số lượng ảnh, mà thời trang thì phải xem ảnh nhiều mới khoái, vì vậy bọn anh quyết định sẽ làm một trang web bán hàng chuyên về thời trang, cho phép up hàng trăm ảnh và tối ưu công nghệ để ảnh load nhanh, tạo thuận lợi cho người mua hàng xem nhanh các sản phẩm. Vì ban đầu chưa có nhiều người bán, nên để thu hút người mua nhiều hơn thì bọn anh đã quyết định sẽ tập trung lựa chọn đầu tư cho 20 shop uy tín nhất, dồn quảng cáo và traffic cho 20 shop này để họ bán được nhiều hàng nhất và để người mua yên tâm mua được hàng với chất lượng tốt và giá ổn nhất, qua đó tạo được niềm tin cho cả người bán lẫn người mua, qua đó dần thu hút các shop khác và nhiều người mua hơn. Giống Rồng bay, Én Bạc cũng chỉ cần 6 tháng là trở thành một trang web bán quần áo đứng đầu rồi, và từ đó mở rộng ra các ngành hàng khác cũng rất thành công như ô tô xe máy, bất động sản,…

Đến tháng 9/2009, anh mở một dự án nữa là Mua chung. Anh cảm thấy rất tự hào khi nói về Mua chung vì sản phẩm này đã thật sự tạo ra một cuộc cách mạng mới trong văn hoá mua hàng online tại Việt Nam thời điểm đó. Hồi đó mọi người vẫn chưa tin tưởng việc thanh toán online và ship hàng, nhưng sau khi Mua chung được mở ra thì đã có hàng trăm website đã mở theo và làn sóng này thúc đẩy việc mua sắm trên mạng, tạo tiền đề cho việc mua bán hàng và thanh toán online bùng nổ như hiện tại.

Cuối cùng là Bizfly. Bây giờ các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, … thi nhau đốt tiền, một năm người ta phải đốt đến hàng nghìn tỷ, và VC Corp không muốn tham gia cuộc chơi đốt tiền, và thực ra cũng không nhiều tiền vậy để mà đốt (cười). Nên bọn anh đã đóng các trang bán lẻ và sàn thương mại điện tử từ trước như Mua chung và tập trung vào Bizfly là một dự án về chuyển đổi số bên ngoài doanh nghiệp như là CRM, chatbot, Email marketing automation, smart web, loyalty,…Bizfly cung cấp rất nhiều giải pháp khác nhau để hỗ trợ cho bất kì ai kinh doanh online, khác với một số bên chỉ tập trung làm CRM hay là chatbot không. Đây là đầy đủ một hệ sinh thái cho khách hàng. Và với Bizfly thì mọi thông tin dữ liệu đều được lưu trữ tại một chỗ và phân tích bằng AI nên rất hiệu quả và giúp mình nhanh chóng nắm bắt và xử lý được vấn đề. Về cơ bản, Bizfly giống như nước Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai vậy, họ bán vũ khí cho cả đôi bên và thu được rất nhiều lợi, còn bọn anh thì cung cấp giải pháp quản lý cho cả người dùng, sàn điện tử, người bán hàng online….

3. Động lực để anh startup sau một sự nghiệp rất thành công ở VC Corp? 

Anh luôn xây dựng các dự án trong VC Corp như một startup, một là để đảm bảo để các bạn có thể nỗ lực thể hiện hết khả năng của mình và hai là để các dự án không ảnh hưởng lẫn nhau. Anh cũng luôn truyền cho các bạn văn hoá phải sống như một startup: biết tiết kiệm, phải luôn cố gắng biến từ zero từ one, chứ không phải là chỉ trông chờ vào tài nguyên của VC Corp. Mình đẩy họ vào con đường chông gai thì như thế là mới có thể sống tốt qua những thời kỳ khó khăn. Anh là người thích đi xây dựng những cái mới. VC Corp đã trở thành một công ty lớn, có nền tảng tốt rồi, anh nghĩ các bạn ấy từ chạy, tự vận hành cũng ổn. Còn anh lại mong muốn có những điều mới mẻ nên mới bắt đầu khởi nghiệp. 

Chia sẻ thật thì không phải anh khởi nghiệp một công ty mà là nhiều công ty cùng một lúc. Anh mở theo mô hình Holdings, một phần vốn sẽ về các công ty con ở dưới. Hiện tại thì anh đang startup hai công ty đều về lĩnh vực về tài chính, chính xác hơn là Fintech (PV: công nghệ tài chính). Xu thế Fintech đang rất bùng nổ trên toàn cầu, thì Việt Nam không thể tránh khỏi cú huých đấy. Vẫn còn rất nhiều người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận hành chính của ngân hàng, họ cần các giải pháp đơn giản hơn, dễ tiếp cận hơn. Nói chung mình cũng có kinh nghiệm và mối quan hệ bên ngoài rất tốt nên xây dựng dự án cũng rất là nhanh. Hiện tại mọi thứ anh thấy đang triển khai rất thuận lợi. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn luôn tích cực chia sẻ chia sẻ kinh nghiệm đến cộng đồng

4. Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà  anh từng trải qua? Và cách anh đã đối mặt với nó?

Một cái khó khăn lớn nhất là khi mà mình đóng dự án, thì đó là điều khiến mình trăn trở nhất. Nhưng mà anh có một triết lý đó là mình phải “Move fast, and break things”, tức là mình làm gì cũng phải làm rất nhanh, thử mọi thứ một cách nhanh nhưng mà khi có dấu hiệu không ổn thì cũng phải bỏ đi rất là nhanh, tránh tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”. Anh nói đơn giản mình một năm chỉ có 12 tháng thôi, nếu mình làm nhanh thì mình có thể ví dụ thử sai được đến 6, 7 lần, còn nếu mà mình làm chậm thì chỉ được thử 1,2 lần thôi, như thế sẽ mất rất nhiều cơ hội. Nó gần giống chiến lược của Samsung thôi. Trước đây họ ra rất nhiều mẫu điện thoại, sau đấy họ thấy mẫu nào phù hợp với thị trường thì họ giữ lại còn lại thì họ bỏ rất nhanh.. Nếu 2 năm mới ra một mẫu mới thì nhỡ đâu sáng tạo đấy của mình là sai thì sao? Samsung đã dần thành công cũng vì thế, bây giờ anh thấy Samsung đã thoát khỏi cái bóng của Apple và anh thấy họ đã tạo ra được những sản phẩm rất sáng tạo và được thị trường đón nhận.

Trong việc khởi nghiệp cũng vậy thôi, mình cũng phải thử liên tục. Anh có dự án tên là Solo: vấn đề với Solo là tốc độ phát triển quá nhanh, nên anh bị mất kiểm soát. Anh không kiểm soát được chất lượng, đến mức mà khách hàng phải đợi 10 ngày mới nhận được hàng; rồi hàng mình kiểm soát trong kho không tốt, khi nhà cung cấp đến xem họ không thể biết được sản phẩm mình nhập bán được bao nhiêu, tồn bao nhiêu,..Nó gây ra một tình trạng rất lộn xộn, hàng cung cấp thì không chất lượng, nhà cung cấp thì chán bỏ đi. Và dự án này lỗ nhiều, anh nhớ mỗi tháng lỗ đến 6 – 7 tỷ. Anh thấy như thế là không ổn, nên anh quyết định đóng dự án. Thất bại này cho thấy là khi mà mình làm được một dự án, mình phải kiểm soát được nhịp tăng trưởng của nó. Solo tăng trưởng nhanh quá, đang từ có 20 – 30 mà lên 200 – 300 nhân sự một dự án đó. Đầu mục sản phẩm cũng lên đến tầm 6,7 nghìn và hệ thống quy trình của mình chưa sẵn sàng nên dẫn đến việc thất bại. 

Bản thân anh là một người hiếm khi “say No”, anh “say yes” với tất cả mọi việc

5. Hãy kể 3 từ về bản thân mà anh cảm thấy đúng nhất?

Anh thì hơi trầm, ít nói, anh không phải tuýp người quảng giao. Khi tham gia các sự kiện hội thảo anh thường chỉ tìm một góc để đứng, chứ không chủ động đi giao lưu với mọi người. Đặc điểm thứ hai đó là anh khá là hiền, mặc dù mọi người bảo anh nhìn rất khó tính (cười). Theo anh, một người lãnh đạo thì không nên như thế, lãnh đạo thì cần phải có một sự rắn hơn, nhưng vì anh là người sống tình cảm nên là đôi khi các quyết định của mình vẫn chưa thật sự rắn. Và thứ ba, anh thì lại là hơi khác mọi người một chút đó là anh là dạng người phát triển não phải, vì anh thuận tay trái. Nhiều người vẫn nói não phải là bay bổng, sáng tạo nhưng mà anh lại là người khá là lý trí, chứ không dựa trên cảm xúc nhiều.

6. Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Anh xem phim, đọc sách, và anh thích nhất là chơi với con. Chơi đùa với trẻ con rất là thú vị và giúp mình giải toả căng thẳng rất tốt

7. Cuốn sách yêu thích nhất của anh?

Anh chỉ hay đọc sách chuyên môn, chứ ít khi anh đọc các sách về self – help lắm. Hồi học sinh thì anh đọc tiểu thuyết, cả tiểu thuyết ngôn tình và kiếm hiệp, sách của Nguyễn Nhật Ánh, sách trinh thám của Sidney Sheldon. Đi làm rồi thì là sách về marketing, truyền thông, khủng hoảng truyền thông, các sách về văn hoá doanh nghiệp. 

Có bạn hỏi các sách chuyên môn hay mà anh hay đọc thì có “21 quy luật marketing bất biến” cho marketing, hay là mình cũng có thể tham khảo từ “Đừng đi ăn một mình”. Bộ sách “Vua bán lẻ” về Walmart cũng rất hay. Nhưng mà so với việc đọc sách thì anh đọc case study nhiều hơn. Anh vừa đọc vừa phân tích xem công ty này có vấn đề gì, họ xử lý như thế đã ổn hay chưa. Hầu hết anh tìm case study từ các trang đưa tin về kinh doanh của nước ngoài như là Business Insider. 

8.   Ai là người truyền cảm hứng cho anh nhiều nhất? Vì sao?

Anh thì không biết điều này là dở hay là tốt, nhưng anh thật sự không có văn hóa thần tượng hay là bắt chước ai. Kể cả anh làm sản phẩm cũng thế, anh không cần biết những sản phẩm tương tự họ như thế nào, anh chỉ theo tư duy suy nghĩ là mình làm như thế nào cho nó phù hợp với thị trường thôi. Anh cứ có một kiểu riêng riêng vậy thôi.

9. Là Project Manager của rất nhiều sản phẩm trong VC Corp, bí quyết để anh có thể lên ý tưởng và quản lý nhiều sản phẩm chất lượng và phát triển nhanh như thế?

Từng dự án anh xây dựng đều giống như một startup, và anh dùng văn hoá tạm ứng niềm tin và trao quyền tối đa để cho các bạn ở dưới chạy dự án. Anh sẽ chỉ ở bên ngoài chứ không tham gia quá sâu, hầu hết là do các bạn trưởng nhóm tự lên quyết định và quản lý team. Anh chỉ là người cố vấn, người dẫn dắt thôi, chứ anh không phải người làm chính, các bạn ấy mới là người làm chính. Có người cần nhiều nhân viên nhưng mà có người lại chỉ cần ít nhân viên thôi, đó là do phong cách của mỗi người. Có người thích team phải 20 người, mỗi người có trình độ bình thường thôi cũng được, nhưng mà có những người bảo là tôi chỉ thích quản lý 5 người thôi nhưng ai cũng phải giỏi cơ. Anh không có giới hạn nào cho phong cách quản lý của các bạn ấy. Từ việc mình tin tưởng, trao quyền cho người ta thì họ sẽ tự biết phát huy.

Chỉ nghe đơn giản vậy thôi nhưng thực ra anh cũng phải học mãi thì anh mới làm được việc đấy. Trước anh cũng người ta làm hỏng nên việc gì anh cũng làm hết từ cả những việc nhỏ nhất. Nhưng sau đấy thì anh cũng biết sức người có hạn, mình cái gì cũng nhúng tay vào thì không thể nào làm hết được tất cả công việc, và nếu cái gì mình cũng làm thì các bạn ở bên dưới sẽ không thể nào trưởng thành được. Dần dần anh mới học cách buông dần ra, và anh để các bạn ấy sai, sai một hai lần cx được, để cho các bạn ấy trưởng thành lên. Đến lúc đấy thì mình mới mới có thời gian để xây dựng tiếp các đội nhóm khác được.

10. Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ?

Đừng ngại hỏi, đừng ngại dấn thân vào những điều mới mẻ, đừng giấu dốt. Bản thân anh là một người hiếm khi say “No”, anh say “yes” với tất cả mọi việc. Kể cả khi anh chưa biết nên làm như thế nào, mà người ta đã trao cho mình cơ hội thì anh cũng không từ chối. Người ta đã tin mình sẽ làm được thì người ta mới trao cơ hội đúng không, nên thay vì từ chối mình cần tìm cách nào để mình giải quyết công việc nhanh nhất có thể. Mỗi một lần mình làm như thế là mình học được rất nhiều. Anh nghĩ các bạn trẻ cũng nên có tinh thần như vậy, đừng kiểu “Đây không phải việc của tôi thì tôi không làm”. Chắc hơi khó tin với vị trí của anh, nhưng có lần anh vẫn phải thức đến 2,3 giờ sáng để làm slide báo cáo trước quốc hội. Kể cả những việc đơn giản như làm slide anh vẫn rất vui vẻ làm thôi.

11. Nếu anh được quay trở lại quá khứ, anh sẽ mong muốn thay đổi điều gì, và tại sao?

Anh nghĩ là anh sẽ không thay đổi gì cả, những gì anh đã từng trải qua thì dù thành công hay thất bại thì đều để lại trong anh những suy nghĩ, kinh nghiệm quý báu mà anh vô cùng trân trọng. Nếu quay lại thì anh vẫn sẽ đi con đường anh từng đi thôi.

Cám ơn anh Tuấn vì những chia sẻ của mình!

Xem chi tiết cuộc trò chuyện tại đây:

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây