Tốt nghiệp ở Thụy Sĩ, chinh chiến trên thị trường khách sạn và sự kiện quốc tế nhiều năm, chị Ann Nguyễn trở về nước với tinh thần chiến đấu với một thử thách lớn hơn đó là chứng minh mình ở lĩnh vực khởi nghiệp và giúp khách sạn và sự kiện Việt Nam vươn tầm thế giới.

Chị Ann có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Nếu là kinh doanh thì chị đã bắt đầu từ 6, 7 tuổi, đến lớp 11, 12 chị với bạn chị làm chỉn chu hơn, còn có nghiên cứu về dòng tiền trong kinh doanh. Nhưng nói về khởi nghiệp thì dự án đầu tiên chắc là VDES. Chị đi du học ở Thụy Sĩ gần 4 năm, trong 4 năm này chị cũng làm thực tập sinh cho một số khách sạn ở Thụy Sĩ, Indo, Việt Nam. Chị học xong về nước, tiếp tục làm cho các khách sạn quốc tế tại Việt Nam. Sau đó thì chị quay về Bali, làm cho một công ty nội địa, cũng trong khoảng 4 năm. Tại công ty này, chị mở chuỗi biệt thự cao cấp, một chuỗi thương hiệu khách sạn và làm bánh. Cuối cùng thì chị về nước, khởi nghiệp bằng VDES, song song với đó thì chị cũng tư vấn cho những chuỗi khách sạn 5 sao khác ở Việt Nam. 

Kiến thức và trải nghiệm của chị thuần về khách sạn, tuy nhiên mỗi khách sạn chị chọn để làm việc tại đó đều là những khách sạn đang tái cấu trúc. Chị làm lại mọi thứ lên từ quy trình, SOP, khách hàng, các kênh bán hàng, … Từ đó, quen với những điều như tự thiết lập, lên kế hoạch cho mọi thứ, lên chiến lược và đảm bảo có thể thực hiện nhanh nhất có thể để tung ra thị trường. Thường những dự án như vậy thì rất áp lực, nhưng là một nền tảng cho chị khi khởi nghiệp, giúp chị dễ thích nghi hơn.

“Quen với những điều như tự thiết lập, lên kế hoạch cho mọi thứ, lên chiến lược và đảm bảo có thể thực hiện nhanh nhất có thể để tung ra thị trường. Thường những dự án như vậy thì rất áp lực, nhưng là một nền tảng cho chị khi khởi nghiệp, giúp chị dễ thích nghi hơn.”

Điều khiến chị thay đổi từ làm cho doanh nghiệp lớn sang khởi nghiệp?

Chị thích thử thách bản thân mình. Khi chị học khách sạn thì mọi người đều nghĩ cuối cùng chị sẽ trở thành tổng giám đốc của một khách sạn nào đó. Nhưng khi chị đã trải qua tất cả các vị trí rồi, chị tự hỏi mình “Tiếp theo thế nào?” Nếu tiếp tục theo con đường đó, chị sẽ lên giám đốc vùng, nhưng đây lại không phải con đường mà chị muốn hướng tới. Tại thị trường Việt Nam, chị tự hỏi mình có thể làm gì, mình có thể đóng góp những gì, mình có nên tiếp tục làm khách sạn hay không? Chị cũng đi nói chuyện với rất nhiều người. Nếu quay lại con đường cũ, chị cũng không học và phát triển thêm thêm được gì, rồi chị nghĩ lại về ngành mà mình học tại Thụy Sĩ, thực ra lúc đó chị học chuyên về tổ chức sự kiện. 

Chị nhìn xung quanh thì chị thấy khách sạn Việt Nam thua thiệt các khách sạn ở Indo, Thái Lan từ khâu trình bày ý tưởng và sản phẩm với khách hàng, nên ít ai chọn tổ chức sự kiện tại khách sạn Việt Nam, họ không biết Việt Nam có gì. Thêm nữa, các khách sạn ở Việt Nam khá độc lập, mạnh ai người đó làm, họ cũng có chơi theo nhóm, nhưng là nhóm nhỏ và chỉ giúp đỡ hỗ trợ nhau trong nhóm nhỏ đó. Dẫn đến là những người nào họ quen rồi, họ có nhiều hợp đồng, họ có thể định giá rất cao. Còn những người giỏi, nhưng họ đến sau, thì cũng rất khó cho họ để vào thị trường. Bản thân người dùng cũng như vậy, người Việt Nam phải đến rồi, xem đánh giá thì họ mới đến, chứ họ sẽ không đến với những khách sạn mới. Rồi chị mới nghĩ đến làm sao để nâng tầm những nhà sản xuất dịch vụ tại Việt Nam, giúp được cả ngành du lịch, đem sản phẩm của mình có thể cạnh tranh được với các bên khác ở trong thị trường rồi làm sao kể kết nối các bên cung cấp dịch vụ ở Việt Nam với nhau. Đó là những gì mà chị mong muốn.

Làm thế nào mà chị tìm được những người bạn đồng hành cùng mình?

Khi về lại Việt Nam thì chị đã đi rất lâu rồi, nên cũng không quen nhiều, nhưng chị có những người bạn mà chị đã quen mười mấy năm. Lúc đó, tụi chị mới họp lại thì có bốn người, làm được một thời gian thì sẽ thấy ai hợp, ai không hợp, đến bây giờ thì chỉ còn lại chị với chồng chị. Chị thấy chọn người đồng hành là do cơ duyên và đúng người đúng thời điểm. Có những người gặp lần đầu thì họ chỉ hợp để cùng với mình làm điều gì đó trong thời gian ngắn, nhưng sau một thời gian, họ phát triển hơn, và mình cũng vậy thì có thể là mình lại hợp nhau. Chuyện rời đi của các anh trong nhóm chị cũng có nhiều yếu tố, định hướng của các anh không còn phù hợp nữa, các anh có đam mê khác và sự phát triển của các anh với sự phát triển của công ty bị chệch hướng nhau.

“Chọn người đồng hành là do cơ duyên và đúng người đúng thời điểm”

Chị đã trải qua nhiều dự án khác nhau thì đâu là dự án khiến cho Chị cảm thấy ấn tượng nhất? Vì sao?

Mỗi dự án mà chị làm hoặc tham gia thì đều có những cái riêng và đều gây ấn tượng cho chị. Như lần đầu tiên chị đi làm, bài học chị nhận ra là khi muốn chứng minh bản thân mình, mình phải làm việc rất chăm chỉ, rất nỗ lực. Lúc đó, chị làm ở nhà hàng, một ngày có khi chị làm việc tới 10 tiếng, có ngày chân chị chảy máu, nhưng chưa là gì so với những người ở đó cả. Vì là chỗ đầu tiên chị làm, nên nó giúp chị nhận ra sự khác biệt giữa việc đi học và đi làm. Đi làm thì nên biết nhìn trước, nhìn sau, nên gây dựng mối quan hệ để tốt cho công việc và sự phát triển của mình tại thời điểm đó và trong tương lai nữa. Lần đầu tiên chị mở khách sạn, hay đi làm ở Bali, thì nó luôn có những điểm nhấn để chị nhớ mãi. 

Hay như VDES đi, trước đây chị làm doanh nghiệp, người ta có tiền và đưa cho mình làm, mình ở cương vị làm sao để đáp ứng được mong muốn của người ta, mình làm việc với một tâm thế khác, dù cho mình biết có thiệt hại gì đó, nhưng cũng không sao cả, khách vẫn sẽ trả tiền cho mình và thiệt hại đó cũng không phải của mình. Còn làm khởi nghiệp thì khác, đó là tiền của mình, là tim của mình. Nếu mai thức dậy, mình không có tiền, mọi thứ sẽ khủng hoảng, không trả tiền và chăm sóc cho nhân viên được, không làm việc được với các nhà cung cấp. Thay vì trước đây áp lực của mình là làm sao để hoàn thành nhiệm vụ, thì bây giờ nhiệm vụ của mình là làm sao để việc đó xảy ra, làm sao để tối ưu hóa mọi thứ.

Vậy chị nghĩ sao về các mô hình Startup gọi vốn đầu tư, cũng không phải là tiền của mình nhưng mình cũng cần có trách nhiệm với nó, thì nó khác gì so với chuyện mình tự điều hành đồng tiền của mình hay không?

Chị nghĩ nó cũng tương tự, nhưng mình đang ở vị trí nào. Khi mình nhận vốn đầu tư, mình cũng cần cam kết với người ta như khi đi làm, nhưng câu chuyện là nếu mình khởi nghiệp thất bại thì bản thân mình cũng không có gì. Nên mình hiển nhiên sẽ có trách nhiệm hơn, bảo vệ tài sản của người ta và bảo vệ tài sản của chính mình. Đó là điểm sẽ khác việc đi làm công ăn lương, dù cả hai đều cần mình cam kết. Để xây dựng lòng tin với đối tác, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng có thể vì một sai lầm, trong một đêm thôi, mình sẽ mất sạch tất cả những sự tin tưởng mà rất lâu mới có được đó.

Hãy kể 3 từ về bản thân mà Anh/Chị cảm thấy đúng nhất?

Chị nghĩ là: Liều lĩnh, Cứng đầu và Năng lượng. Tuy nhiên để nói về điều ấn tượng nhất thì chị nghĩ là “Năng lượng”. Đa số mọi người nhìn chị, dù trong thời gian mình thảm hại nhất, thì mọi người vẫn cảm thấy năng lượng tích cực từ chị. Vì chị hiểu rõ nếu chị từ bỏ, mọi người trong công ty cũng sẽ từ bỏ, đối tác thì chán nản. Có thể nếu VDES thất bại, chị sẽ làm dự án khác, nhưng nếu chị để các đối tác nghĩ về mình là một người theo hướng ngược lại, có thể chị sẽ không giữ được họ ở lại với mình.

Sở thích ngoài công việc của Anh/Chị là gì?

Hồi xưa thì thích đi du lịch, một năm chị thường đi 2 lần. Một phần để xả stress, trải nghiệm đồ ăn vì thích ăn, một phần nữa thì muốn trải nghiệm, nhìn thấy những điều mới, học được những thứ mới. Sau khi có con rồi thì chị thích chơi với con, đọc sách với con. Khả năng sau Covid, con chị cũng đã lớn rồi thì chị có thể kết hợp cả hai.

Ai là người truyền cảm hứng cho Anh/Chị nhiều nhất? Vì sao?

Thật sự là chị không có vì ai cũng có thể truyền cảm hứng cho chị cả. Ví dụ như sếp chị đi, tinh thần của chỉ hay nụ cười của chị, không thể dừng lại được. Hay về nhân viên của chị, có những người sức khỏe không tốt, nhưng họ vẫn cố gắng, họ không dùng lý do đó để biện minh cho những việc chưa hoàn thành của chị. Hay như ba hay mẹ chị, dù khác thế hệ và định hướng, nhưng vẫn có những khía cạnh tốt để chị học hỏi và truyền cảm hứng cho chị rất nhiều.

Cuốn sách yêu thích nhất của Anh/Chị?

Sách thì cuốn nào chị cũng thấy hay, như cách chị nhìn nhận con người vậy. Sau khi có con thì chị ít đọc sách về phát triển con người hơn, chủ yếu là về cách phát triển các đứa nhỏ hoặc đọc về các báo cáo thị trường.

Câu Quote yêu thích của Anh/Chị?

Dũng cảm thì không phải là không sợ và đi tiếp mà là dù sợ hãi nhưng vẫn làm.

Love the life you live live the life you love – Mình phải yêu thích nó thì mình mới sống với nó được

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà Anh/Chị từng trải qua? Và cách Anh/Chị đã đối mặt với nó?

Chị nghĩ Covid là biến cố lớn nhất trong việc khởi nghiệp của chị. Khi lần đầu tiên Covid bùng nổ ở Việt Nam thì cả nhóm chưa biết làm gì, chưa chuẩn bị kế hoạch gì để đối phó với Covid. Thậm chí nhiều lúc tài khoản âm luôn mà không biết xoay xở như thế nào. Lúc đó thì chị nói chuyện với rất nhiều người, đối tác và những người đang trong hoàn cảnh như vậy, thì có người cho mình sự động viên về tinh thần, có người cho mình động viên về tài chính. Trải qua thời gian đó thì chị học được là cái gì mình muốn làm chưa chắc đã là cái ưu tiên. Đối với dự án của chị, cái chị muốn là đầu tư nhiều về công nghệ, nhưng trong thời điểm xảy ra Covid, mình không có nhiều tiền để đầu tư công nghệ, mình bắt buộc phải tập trung nhiều hơn về kinh doanh, về đối tác. Nhưng chị cũng không hề hối tiếc về sự đầu tư vào công nghệ trước đó, vì có những thành quả trong quá khứ thì mới có những kết quả như bây giờ.

“Cái mình muốn làm, chưa chắc đã là cái nên ưu tiên”

Nếu được làm lại một bước thì chị muốn làm lại bước nào trong cuộc đời mình?

Để nói về việc hối tiếc trong quá khứ thì sẽ có rất nhiều bước muốn sửa, nhưng mà như chị nói cũng có những lúc trong quá khứ như vậy thì mình mới có được kết quả như bây giờ. Nếu chị sửa lại một bước nào đó trong quá khứ, có thể lúc đó chị sẽ tốt, nhưng tiếp theo có thể chị sẽ mắc phải một sai lầm to hơn nữa. Mình có thể phạm sai lầm, đó là điều rất bình thường, quan trọng là nhận ra nó, thừa nhận nó, sửa nó trong tương lai và không để nó xảy ra lần nữa chứ không phải là ôm mong muốn sửa nó trong quá khứ.

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của Anh/Chị là gì?

VDES ở ngành sự kiện thì cũng bị ảnh hưởng nhiều vì Covid, tuy nhiên không phải bất động luôn như ngành du lịch mà là vì pháp lý và các quy tắc bảo vệ an toàn từ nhà nước. Đa số các sự kiện của VDES đều là sự kiện quan trọng hoặc mang tính cá nhân cao nên họ đã có tiền dành cho những sự kiện đó. Hiện tại thì VDES đang ưu tiên hỗ trợ khách hàng và các đối tác để cải thiện quy trình và làm mọi thứ trở nên hiệu quả hơn sau khi quay lại. Một số nhà cung cấp dịch vụ quy trình quá cồng kềnh thì hiện tại họ đã đóng cửa rồi. Nhưng lại có những nhà cung cấp dịch vụ mới bước vào thị trường để khi thị trường phục hồi lại họ có thể đi lâu dài. 

Thứ hai là chị cũng làm việc với các công ty dẫn đầu trong thị trường để đẩy thị trường phục hồi nhanh nhất có thể. Nếu thành công thì có thể Việt Nam sẽ dẫn đầu về độ phục hồi ngành du lịch sự kiện trong Đông Nam Á. Mình chuẩn bị tốt thì quốc tế sẽ đổ tiền về Việt Nam nhiều. So với Thái Lan hay Singapore thì Việt Nam đang mở cửa chậm hơn, tuy nhiên gần đây thì chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vacxin để chuẩn bị cho việc mở cửa lại.

Lời khuyên của Anh/Chị dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Bản thân chị thì chị không khuyến khích mọi người khởi nghiệp. Nếu khởi nghiệp khi bạn biết bạn muốn gì và bạn biết thị trường cần gì thì hãy làm. Còn nếu khởi nghiệp theo trào lưu hay khởi nghiệp vì không muốn làm từ 8h sáng đến 5h chiều thì đừng làm. Vì cuộc sống khởi nghiệp có rất nhiều bất ngờ, ngày nào cũng như vậy. Có thể sáng sớm thức dậy tràn đầy năng lượng, đến trưa thì nhận tin hệ thống sập, đến tối thì khách hủy hợp đồng, rồi ngày mai lại có những chuyện khác. Khởi nghiệp không phù hợp với những người yếu tim, những người chưa sẵn sàng và những người chưa biết mình muốn gì. Khởi nghiệp là một chuyện, nhận được đầu tư là một chuyện, và phát triển được công ty lại là một chuyện khác và các bạn có sẵn sàng trải qua những câu chuyện đó hay không? 

Cảm ơn chị về bài chia sẻ!

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây