Có năng lực về Công nghệ thông tin và thấu hiểu những khó khăn để thông thạo 2 ngoại ngữ Anh và Nhật, Hoàng Hải Trung – Founder tại Assist Việt Nam đã thiết kế phần mềm hỗ trợ xử lý ngôn ngữ nhằm giúp mọi người có thể học hỏi tri thức nhân loại tốt nhất.

Chào anh Trung, anh có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Mình là Trung, sinh năm 1987, hiện tại là CEO của Assist Việt Nam – Công ty cung cấp dịch vụ Trí tuệ Nhân tạo (AI), chuyên về xử lý ngôn ngữ và một số lĩnh vực khác. Mình từng du học tại Nhật Bản và phải học cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh cùng lúc. Con đường học ngoại ngữ của mình vì thế khá vất vả và gian truân (cười). Tuy nhiên khi đã thành thạo cả 2 ngôn ngữ thì mình nhận ra đây chính là tiền đề để mình bắt đầu khởi nghiệp.

Mình thấy lợi thế lớn nhất của việc biết ngoại ngữ là được trau dồi thêm kiến thức về mọi mặt trong cuộc sống. Từ đó, mình đặt câu hỏi rằng: Có cách nào giúp giảm bớt rào cản ngôn ngữ cho tất cả mọi người hay không? Có cách nào để cập nhật thông tin, tiếp cận cơ hội học tập, kinh doanh một cách dễ dàng, nhanh chóng và không tốn nhiều chi phí hay không? Mình mong muốn từ em bé đến cụ già đều có cơ hội tiếp cận, tận dụng sức mạnh tri thức của toàn thế giới một cách nhanh chóng và không vất vả như mình.

Mình đã trằn trọc với những câu hỏi này nhiều năm trời. Cuối cùng, sau nhiều năm làm việc, va chạm trong ngành Công nghệ Thông tin (IT) và Trí Tuệ Nhân Tạo (AI), mình nhận ra rằng, công nghệ này có thể giúp mình đạt được tâm nguyện mà mình đã ấp ủ bấy lâu. Mình và đội ngũ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm chế tạo từ dự án quy mô nhỏ tới quy mô lớn hơn để có một Assist Việt Nam như ngày hôm nay.

Anh đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho anh cảm thấy ấn tượng nhất? Vì sao?

Mình từng làm việc tại 3 công ty khác nhau và Assist Việt Nam là dự án khởi nghiệp đầu tiên cũng như duy nhất của mình. Đi làm khoảng 10 năm cùng rất nhiều dự án, mỗi dự án đều giúp mình học được điều gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, dự án Assist Việt Nam hiện tại tất nhiên là dự án mà mình thích nhất. Có lẽ vì mình đặt nhiều tâm huyết nhất và cũng gặp rất nhiều trắc trở nhưng mình vẫn cố gắng vượt qua để có được sản phẩm như ngày hôm nay.

Hãy kể 3 từ về bản thân mà anh cảm thấy đúng nhất?

“Kiên trì, Khoa học và Khoẻ” là 3 từ mô tả mình trong quãng thời gian vừa rồi.

Với Kiên trì, mình muốn đề cập là dù bạn có làm cho doanh nghiệp hay tự khởi nghiệp thì những vấn đề và thử thách trong công việc luôn luôn thường trực. Một số khó khăn có thể nằm trong kế hoạch và vô số thứ khác sẽ xuất hiện ngoài kế hoạch. Điều đó đòi hỏi bản thân cần có sự bình tĩnh, bền bỉ để nhìn nhận những cơ hội và cần đánh giá điều gì đáng để làm. Khi mình đánh giá là đáng thì phải kiên trì làm đến cùng.

Cùng với đó, kiên trì một cách khoa học rất quan trọng. Điều đó có nghĩa là mình phải có những “back-up plan” để đánh giá những kịch bản gì là “worst”, “good”, “lucky”. Tất cả những kịch bản đó, mình cần xác định rõ để sự kiên trì không phải là ngu ngốc. Kiên trì ở đây không có nghĩa là những vấn đề “ngớ ngẩn” xảy ra và mình chấp nhận nó liên tục. Do đó, con đường để đạt được mục tiêu thì cần sự kiên trì có tính khoa học trong đó.

Từ cuối cùng mô tả bản thân mình là khoẻ. Mọi người có thể sẽ đặt câu hỏi vì sao khởi nghiệp, làm công việc trí tuệ lại cần phải khoẻ. Theo mình, ngay cả khi làm việc trí óc thì sự bền bỉ về thể lực vẫn rất quan trọng. Bất kỳ ngành nghề nào khác cũng đều cần có sức khoẻ.

“CHIẾN THẮNG BẰNG MỌI GIÁ”

Mình đã từng tham gia 2 cuộc thi marathon 21km, từng leo núi Phan Xi Păng, núi Phú Sĩ. Mình cũng có những chuyến đi rất “điên” hồi còn trẻ như là đi tàu hoả vào Sài Gòn, sau đó đi hết các tỉnh dọc đất nước, rồi bắt xe buýt từ Sài Gòn sang Phnôm Pênh, Campuchia, Băng Cốc, và tới tận biên giới Myanmar. Khi đó biên giới chưa cho xe buýt vào nên mình phải quay về. Từ đó, mình nhận ra sự bền bỉ, linh hoạt cũng như tư duy chiến lược của mình bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thể lực. Cơ thể yếu đuối, không khoẻ mạnh không thể khiến cho bộ não tỉnh táo và kiên trì được. Vì thế, mình luôn phân bổ thời gian để tập luyện thể thao và làm việc rất khoa học, qua đó đảm bảo thể trạng tốt nhất khi đưa ra quyết định. 

Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Mình thích đi du lịch, đọc sách và chơi thể thao, đặc biệt là những môn không bị phụ thuộc vào lịch trình của người khác và có thể giữ kỷ luật trong việc tập luyện. Ví dụ như bóng đá, ở tuổi 35 như mình, để hẹn một đội 7 người nhiều khi cả tháng một lần cũng khó. Do đó, để giữ gìn và duy trì sức khoẻ, mình thích những môn có thể tự kiểm soát lịch trình hơn.

Bên cạnh đó, những môn thể thao này còn tạo cho mình sự tĩnh tâm để suy nghĩ về những việc muốn làm và cần làm. Ngay cả khi đang chạy, mình sẽ suy nghĩ xem cần làm thế nào để tốt hơn và có được bỏ cuộc hay không. Trong lúc chạy, mình cũng giải toả stress và suy nghĩ về những điều muốn làm và đạt được. Mình thích rất nhiều môn thể thao nhưng không giỏi môn nào cả (cười).

Ngoài ra, thông qua thể thao và du lịch, mình quen được rất nhiều người bạn mới – những giá trị vốn không dễ để có được, đặc biệt khi còn trẻ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã hạn chế việc du lịch trong thời gian gần đây nên các bạn trẻ khá thiệt thòi vì thiếu đi cơ hội để mở rộng mạng lưới bạn bè.

Mình quan niệm đi du lịch là để học được điều gì đó chứ không phải chỉ là đến những nơi sang chảnh và chụp ảnh. Với mình, những chuyến đi là những chuyến “on-site visiting” chứ không đơn thuần là “leisure”. Và qua đó, mình lại có thêm được những thông tin hỗ trợ cho con đường khởi nghiệp hoặc làm việc sau này.

Cuốn sách yêu thích nhất là gì?

Mình đọc sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật. Cuốn sách mình thích nhất là “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của tác giả Kim Woo Choong – Nhà sáng lập, cựu chủ tịch tập đoàn DAEWOO. Đây là một cuốn sách mình đọc khi mới học lớp 10. Lúc ấy, cảm giác như “mặt trời chói qua tim” vậy, mình đã rất mong một ngày nào đó có thể tạo nên một tập đoàn lớn như thế. Qua cuốn sách này, mình còn hiểu rằng trên thế giới có rất nhiều tập đoàn đang nỗ lực để giúp cho đất nước mình giàu mạnh.

Trong cuốn sách đó mình học được rất nhiều điều. Trước tiên, bạn phải giỏi một ngoại ngữ. Và khi bạn đã giỏi một ngoại ngữ thì bạn sẽ sẵn sàng học ngoại ngữ thứ hai. Ngoài ra mình phải luôn theo sát Công nghệ thông tin nếu muốn cạnh tranh trong thế giới của tương lai. Thông điệp này đã được viết từ những năm 1970s, 1980s nhưng cho đến tận năm 2021 này nhiều người vẫn chưa làm được. Đọc những dòng thông điệp này từ những năm cấp 3 đã giúp mình định hướng và quyết tâm rằng lên đại học mình phải giỏi 2 ngoại ngữ.

“con đường để đạt được mục tiêu thì cần sự kiên trì có tính khoa học”

Thần tượng mà anh hâm mộ là ai?

Với mỗi người, mình chỉ nhìn và học hỏi một khía cạnh. Mình không hâm mộ theo nghĩa là lúc nào cũng nghĩ về một người như thể họ có thể thay đổi cả bầu trời. Mình chỉ hâm mộ một phần nào đó gần nhất với cuộc đời của mình mà thôi.

Ngày còn trẻ, mình có xu hướng ngưỡng mộ một nhân vật và coi tất cả sự kiện liên quan tới nhân vật đó đều là đúng, là tốt. Hiện tại, chỉ một sự vật, sự việc trong cuộc sống hay cách ai đó hành xử cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong mình rồi. ( bản gốc ấn tượng sâu sắc trong cuộc sống của mình)

Câu quote yêu thích của bản thân là gì?

Một nhân vật mà mình hâm mộ từ rất lâu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mình đọc rất nhiều cuốn sách của Đại tướng ( đại tướng có thể đổi thành ông) và cuốn sách mình ấn tượng nhất là “Chiến thắng bằng mọi giá”. Đây cũng là câu quote mình tâm đắc nhất.

Sẽ rất gian khổ để đạt được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác.( em thấy ý câu này hơi vấn đề) Và ngay cả trong những tình huống éo le, khốc liệt nhất thì con người vẫn cần tin vào một điều gì đó để làm cơ sở cho chiến thắng. ( Em biết là không nên đổi ý kiến của khách mời nma ý nó tương tự như kiểu muốn chiến thắng ta cần có một niềm tin làm cơ sở đúng không ạ) Điều này dường như đã nằm sâu trong máu của con người Việt Nam. Khi gặp khó khăn, mình sẽ nghĩ đến câu đó đầu tiên. Mọi thử thách được bày ra còn để kiểm tra xem mình có thực sự thích điều mình đang làm hay không, chứ không chỉ là những điều không may mắn.

(Uyên) Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà anh từng trải qua là gì? Và anh vượt qua nó như thế nào ?

Có rất nhiều biến cố xảy ra với startup của mình. Khi khởi nghiệp, chúng ta không chỉ mãi nghĩ về sản phẩm mà còn học cách trở thành một người quản trị giỏi. Bên cạnh việc phải đối mặt với nhiều vấn đề trở ngại liên quan đến tài chính – kỹ thuật (điều mình muốn nhưng Trí tuệ Nhân tạo chưa làm được), mình còn phải quản trị nhân sự và bán hàng. Dù đã trải qua nhiều vị trí tại những công ty tập đoàn khác nhau nhưng khi startup, mình vẫn phải “xách dép” đi học rất nhiều vì vẫn có những khía cạnh mà bản thân chưa mở mang đủ. Thực tế, có rất nhiều bài toán mà một người mới khởi nghiệp cần giải quyết.

Về kỹ thuật, công thức chung để vượt qua khó khăn là mở rộng “mạng lưới” với những chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực. Lĩnh vực nào mình giỏi thì mình sẽ giúp họ, lĩnh vực nào họ giỏi thì họ sẽ giúp mình. Cố gắng tạo một “mạng lưới” bền vững từ những người giỏi xung quanh sẽ giúp mình học được cách tư duy của họ về một vấn đề. Bản thân ai cũng có lời khuyên và các phương pháp trí tuệ giúp mình vượt qua nhiều trở ngại cá nhân. Mình trân trọng chất xám cũng như sự giúp đỡ của họ trong những lúc ngặt. Với quan điểm bản thân, những người “sáng”, mang lại năng lượng tích cực sẽ là nhóm bạn mục tiêu của mình vì “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Với những người “tối”, tiêu cực hơn thì mình tránh xa và coi đó là dịch bệnh nguy hiểm hơn cả Covid. 

Về nhân sự, mình cần rõ ràng mục tiêu và định hướng với mọi người trong đội để tất cả cùng hiểu và đồng tâm chia sẻ bớt những gánh nặng. Hôm nay trở ngại này, ngày mai trở ngại khác. Khó khăn không bao giờ hết và nó dần trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá startup và đòi hỏi độ “lì” nhất định trong suốt quá trình chiến đấu.

“Hãy tạo một MẠNG LƯỚI của những người giỏi xung quanh mình”

Định hướng trong năm 2021 và 2022 cả anh là gì?

Năm 2021-2022, Covid vẫn được xem là một thử thách song cũng là cơ hội cho công ty chuyên về lĩnh vực phát triển công nghệ cao như Assist Việt Nam. Hoặc là “bứt phá” hoặc là “chết non”. Covid ảnh hưởng mọi thứ trong cuộc sống, ngay cả lĩnh vực công nghệ cũng bị tác động trên nhiều phương diện khác nhau theo cả chiều hướng tốt lẫn xấu. Tác động tích cực thì có thể kể đến việc làm online tại nhà, khi mà các “công cụ” hỗ trợ công việc trở nên quan trọng. Chúng ta dễ bị phân tán bởi rất nhiều yếu tố ngoại cảnh như con cái, việc gia đình nên khó có thể tập trung toàn năng suất với công việc như khi ở văn phòng công ty.

Do đó, việc sử dụng công cụ của Assist sẽ giúp đảm bảo duy trì hiệu suất mà không lãng phí thời gian. Mình nhìn thấy sản phẩm có rất nhiều tác động lên thị trường. Nhiều doanh nghiệp phải tốn một khoảng chi phí đáng kể dành cho nhân sự. Những công ty nhỏ hơn thì có thể tối ưu chi phí bằng cách giảm số lượng nhân viên và kết hợp sử dụng phần mềm để sống sót qua mùa dịch. Tuy nhiên, vì là cơ hội lớn nên công ty quyết định phát triển chuyên sâu về lĩnh vực này. Đối với nhân viên dịch thuật, phần mềm của Assist khiến họ lo lắng vì dễ có nguy cơ mất việc.

Trong năm này và năm tới, mình đang đẩy mạnh 2 sản phẩm chiến lược của công ty là Conviwork và Convilaw. Conviwork là phần mềm dịch văn bản đa ngôn ngữ, còn Convilaw là công cụ dịch văn bản hành chính – pháp luật Việt Nam. Nếu có bất kỳ ai trong cộng đồng Táo Khởi Nghiệp quan tâm hợp tác 2 sản phẩm này thì có thể liên hệ mình.

Mục tiêu của Assist Việt Nam năm 2021 là mở rộng nhóm đối tượng target và cung cấp sản phẩm một cách tốt nhất, tăng trưởng gấp 10 lần số lượng người dùng. Tình hình dịch bệnh rất khó đoán định và nằm ngoài khả năng kiểm soát, vây nên mình cũng cần có những “backup plan” để tồn tại trong thời điểm khó khăn bất ổn này. 

Lời khuyên dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp là gì?

Mình chưa phải là một tấm gương thành công nên nói lời khuyên nhiều khi cũng hơi ngại. Mình mong muốn được chia sẻ với các bạn trẻ kinh nghiệm từ bài học mình có được. Về cơ bản, khởi nghiệp là câu chuyện của nhiều bài toán mình làm cả đời mà “thắng không kiêu, bại không nản”. Mỗi một startup dù thành công hay thất bại thì cá nhân đều học được rất nhiều điều. Nó chỉ là một phần trong quãng đời làm việc 30, 40 năm của mình thôi. Hãy tận hưởng và xem những kinh nghiệm ấy là hành trang vững chắc cho quãng đường dài phía trước – những bài học giá trị.

Ngoài ra sức khoẻ cũng là một phần thiết yếu cần được quản lý kỷ luật tốt để duy trì về thể chất lẫn tinh thần; khi chúng ta có sức khoẻ thì mới có thể đối mặt với những vấn đề một cách tỉnh táo. Mỗi người sẽ có những định nghĩa khác nhau về khó khăn và cách giải quyết cũng như đánh giá mức độ nghiêm trọng khác nhau. Tuy nhiên cho dù định nghĩa như thế nào, chúng ta cũng cần nhìn nhận và đánh giá thực tế những nguồn lực chính (nhân sự – trí tuệ và sức khoẻ, thời gian và tiền bạc) để làm bệ đỡ giải quyết tất cả những bài toán dù là khó nhất.  

Vì Startup của mình còn nhỏ và bài toán của mình chưa thật sự nổi bật nên mình không dám bảo các bạn trẻ phải theo. Các bạn thậm chí có thể giải quyết những bài toán tốt hơn doanh nghiệp của mình rất nhiều bằng những tư duy mới, cách làm mới. Mình mở rộng vòng tròn học tập, óc quan sát để trau dồi kiến thức. Ở tuổi này, bản thân còn đang phải học hỏi từ những người lớn tuổi hơn hay những người nhỏ, thậm chí có khi là từ các bạn trẻ kém mình khoảng 10 tuổi.

Kinh doanh đôi khi cần sự may mắn, đặc biệt trong thời kỳ đầy biến động này. Không ai nói trước được gì về tình hình kinh doanh của tổ chức của mình cả.

Cảm ơn anh về những chia sẻ.

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây