Lời dẫn: Kể từ khi ra đời tiền kỹ thuật số đã nhận được sự chú ý và quan tâm đặc biệt của các Ngân Hàng Trung Ương. Có thể nói rằng, các NHTW chính là nơi cảm nhận được rõ rệt nhất sức ép của làn sóng tiền kỹ thuật số và đồng tiền pháp định (fiat currency) đang vận hành trong nền kinh tế. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi thấy rằng các Ngân Hàng Trung Ương thực thi một chiến lược kép: vừa câu giờ để làm chậm sự xâm lấn của tiền kỹ thuật số vào nền kinh tế đồng thời đưa ra các đồng tiền kỹ thuật số do chính họ phát hành nhằm gây ảnh hưởng và tiến tới là kiểm soát hoàn toàn cuộc chơi tiền kỹ thuật số.

Tiền kỹ thuật số được phát hành bởi Ngân hàng Trung Ương (Central bank digital currency – CBDC) là một chủ đề đang được các Ngân hàng TW và các quốc gia quan tâm trong vài năm gần đây. CBDC là một dạng mới của tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số, phân biệt với dữ trữ bắt buộc hay số dư thanh toán của các ngân hàng thương mại tại NHTW. CBDC có rất nhiều loại, bao gồm phạm vi phát hành (rộng rãi hay hạn chế); thời gian vận hành/ hoạt động (từ 8/5 như hiện tại cho đến 24/7) và tính phát sinh lãi suất (có hoặc không).

Hai loại CBDC phổ biến và thường được nghiên cứu nhiều nhất là Bán buôn (wholesale) và Bán lẻ (retail). Phiên bản wholesale CBDC được giới hạn phát hành cho một nhóm người dùng hoặc tổ chức. Phiên bản retail hay general purpose CBDC được phát hành rộng rãi trong xã hội.

Việc phát hành CBDC sẽ không làm thay đổi bản chất của cơ chế vận hành chính sách tiền tệ, bao gồm cả công cụ thị trường mở của NHTW. Tuy nhiên nếu CBDC được phát hành không đảm bảo bằng tiền pháp định, có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính do mất kiểm soát với số cung tiền. Ngoài ra, CBDC cũng có thể đem đến các công cụ mới để điều tiết chính sách tiền tệ cho NHTW như tỷ giá giữa CBDC và các đồng tiền khác.

1. Tình hình nghiên cứu về CBDC trên thế giới

Theo thời gian, nhiều quốc gia nhận thấy tiềm năng ứng dụng lớn của công nghệ Blockchain và bắt đầu các nghiên cứu áp dụng cho các hệ thống thanh toán quan trọng. Nhiều Ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tiến hàng nghiên cứu, thử nghiệm hoặc đưa công nghệ Blockchain vào ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, từ thanh toán, quản lý rủi ro, quản lý định danh, bảo lãnh tính dụng đến phát hành tiền số. Một số trường hợp tiêu biểu như là:
– Trung Quốc đang triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain để ban hành tiền số quốc gia;
– Nga đang nghiên cứu thử nghiệm ban hành tiền số bằng Blockchain để phục vụ trong thanh toán quốc tế cũng như nội địa;
– Ngân hàng Negara Malaysia cũng đã thành lập một nhóm 9 ngân hàng để phát triển ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính.
– Thái Lan có dự án Inthanon.
– Singapore đang được coi là một trong những nước dẫn đầu về công nghệ Blockchain với dự án Ubin.
– Tháng 5/2018, ngân hàng JPMorgan nộp bằng sáng chế hệ thống TTĐTLNH sử dụng công nghệ Blockchain.
– Một nhóm 9 ngân hàng Nhật bản đã thực hiện thử nghiệm hệ thống TTĐTLNH vào tháng 10/2018 (Hệ thống Zengin-net).
– Hiệp hội ngân hàng Ý (ABI) công bố kết thúc việc kiểm thử hệ thống TTĐTLNH trên nền tảng Blockchain vào tháng 10/2018.

2. Wholesale CBDC

Phiên bản CBDC này kết hợp với công nghệ sổ cái phân tán (DLT) đang được các NHTW trên thế giới nghiên cứu ứng dụng trong hoạt động thanh toán điện tử liên ngân hàng (interbank payment system). Các thiết kế phát hành wholesale CBDC bằng công nghệ Blockchain cho hệ thống TTĐTLNH hứa hẹn đem đến khả năng hoạt động 247, tiết kiệm chi phí vận hành và xây dựng hệ thống, đem đến các tính năng thanh toán DvP (Delivery versus paymen – thanh toán tiền đổi hàng), PvP (payment versus payment – thanh toán tiền đổi tiền), quyết toán tức thời,…

Việc xây dựng một hệ thống TTĐTLNH ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ tăng cường sức mạnh của hệ thống thanh toán xương sống của nền kinh tế, đem đến sự thuận lợi trong lưu thông tiền tệ giữa hệ thống ngân hàng, từ đó tiến đến nền kinh tế số hóa hoàn toàn. Một số nền tảng blockchain được ưu tiên nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực này là Hyperledger Fabric và Corda R3.

3. Retail/ General purpose CBDC

Loại CBDC này có thể coi như một phiên bản mở rộng hơn của Wholesale. Thay vì giới hạn phạm vi phát hành trong một mạng đóng (permissioned) các ngân hàng thì NHTW phát hành ra toàn xã hội trên một mạng lưới public (tương tự như các đồng crypto public hiện nay). Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về việc kiểm soát rủi ro, quản lý cũng như thiết kế của một đồng CBDC bán lẻ. Lợi ích của việc phát hành loại CBDC này có thể thấy là khả năng minh bạch hóa toàn bộ nền kinh tế, giúp tăng sức mạnh của NHTW trong việc phân phối nguồn lực và tài nguyên của quốc gia, khiến cho việc điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô tốt hơn. Tuy nhiên, điểm yếu sẽ là các vấn đề như an toàn bảo mật (rủi ro tấn công mức độ toàn hệ thống công nghệ); các thay đổi về mặt chính sách sẽ có tác động gần như ngay lập tức do tính chất của tiền kỹ thuật số; việc thanh toán/ chuyển tiền xuyên biên giới sẽ được thực hiện dễ dàng hơn dẫn đến việc can thiệp của các thế lực nước ngoài cũng dễ hơn;…

4. Kết luận

NHTW cần nghiên cứu nhiều hơn về lợi ích cũng như tác động của CBDC để có các phương án triển khai hay phòng chống phù hợp, đặt mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng cuối và bình ổn kinh tế lên đầu tiên. Từ đó đưa ra các lựa chọn về thiết kế của một đồng CBDC sao cho hợp lý. Trước mắt trong tương lai gần có thể tiến tới nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm wholesale CBDC trong TTĐTLNH. Tuy nhiên, với sự phát hành của đồng Libra – một đồng tiền stablecoin toàn cầu thì việc các NHTW các nước đẩy mạnh nghiên cứu về tiền kỹ thuật số trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để bảo vệ an ninh tiền tệ quốc gia.

Nguồn: FB Trung Anh

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây