NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ TIÊN PHONG TRÊN THỊ TRƯỜNG MỸ PHẨM

Nhận thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam chưa phát triển, khái niệm micro-influencer cũng chưa được nhiều người biết đến, cùng lúc đó chính chị cũng đang đầu tư vào một số platform về micro influencer, Mai Sao đã tận dụng cơ hội này và cho ra mắt Lixibox.

Bắt đầu bằng việc xây dựng giải pháp công nghệ, nỗ lực số hoá đều xoay quanh ba mục tiêu, trước nhất là đảm bảo khách hàng có trải nghiệm mua sắm trực tuyến thực thụ; thứ hai là tự động hoá để tăng năng suất và sự sáng tạo; thứ ba là tạo sự khác biệt nhờ dữ liệu và nền tảng.

Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, Lixibox đã đầu tư xây dựng website và mobile app để tối ưu trải nghiệm người dùng. Mai Sao tin rằng công nghệ là nền tảng cho một khởi đầu chắc chắn cho bất kỳ ngành nào.

Lixibox tập trung tối đa vào trải nghiệm mua sắm, nơi mà khách hàng có thể trải nghiệm các thương hiệu và sản phẩm mới với mức giá hợp lý, quy trình mua sắm hiện đại, thông tin đa chiều từ chính những người mua sắm trước đó và cả những chia sẻ sâu hơn của cộng đồng làm đẹp chuyên nghiệp.

Với tư thế của nhà đầu tư đi làm startup, cách thức làm việc và mọi quyết định của Mai Sao đều dựa trên dữ liệu số, xuất phát từ việc thấu hiểu các “nỗi đau” của khách hàng và giải quyết những khó khăn của thị trường mỹ phẩm.

CHIẾN LƯỢC ĐỂ TRỞ NÊN KHÁC BIỆT

Lixibox là công ty hiếm hoi sở hữu CDP (Customer Data Platform) đúng nghĩa ở Việt Nam.

Nói về bài học đắt giá nhất khi khởi nghiệp ở Việt Nam sau 5 năm, chị cho biết: “Khi đã lấy được các con số, nhìn lại, tôi quyết định vứt hết tã sữa, còn lại chỉ có băng vệ sinh và mỹ phẩm. Thị trường mỹ phẩm Việt Nam lúc đấy chưa ai biết áp dụng hệ thống công nghệ. Lúc ấy rất nhiều người ngăn cản tôi, bảo rằng “sản phẩm nào cũng đánh nhau gay gắt về giá từ 10 ngàn, đừng nói làm đẹp hơn, tốt hơn sẽ có người mua”. Mình vẫn đâm đầu vào làm, vì biết có người sẽ trả giá tốt hơn cho dịch vụ. Thị trường Việt Nam đáng được hưởng dịch vụ tốt hơn.

Ban đầu, Lixibox rất khó kéo khách hàng vào so với các sàn thương mại điện tử khác, nhưng khi khách đã đến với Lixibox rồi thì rất thích vì sản phẩm và dịch vụ không chỉ tốt mà còn đẹp, chất lượng cao.

Chúng tôi tạo ra môi trường thoải mái, tiện lợi cho người mua, nên khách hàng trung thành rất nhiều. Tầm nhìn của Lixibox cao hơn rất nhiều tầm nhìn của các sàn thương mại điện tử hiện nay đang có trên thị trường.

Về cán cân chất lượng và giá, đó chính là mục tiêu của Lixibox mang tới, để giá thành ngày càng thấp. Quá trình marketing tính hết vào giá thành, nhưng Lixibox giải quyết được bằng công nghệ. Ngày nào cũng phải marketing liên tục, lấy số mà dập vào và có những cú hích mỗi quý, đó là cách cực kỳ hiệu quả.

Cái giá đắt nhất chính là phần công sức của toàn đội ngũ và CEO, vì mọi thiết kế từ tổng quan đến chi tiết, CEO đều phải nhảy vào làm cùng, thử sai, tối ưu liên tục mới ra được kết quả. Nhưng đó là lựa chọn, vì không thể nào đi xa nếu không có một nền tảng vững mạnh và hiệu quả”.

Nhờ nền tảng công nghệ và chuyển đổi số, Lixibox đã tồn tại tốt trong thời điểm Covid-19 và tự tin chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới, mở rộng thị trường, mở rộng tệp khách hàng, thêm các cửa hàng mà không gặp khó khăn với các đối tác vận chuyển, kho, online, offline…

CƠ HỘI KÊU GỌI ĐẦU TƯ RỘNG MỞ NHƯNG KHÔNG DỄ DÀNG

Chia sẻ về cách để mời gọi các nhà đầu tư cá mập và những yếu điểm lớn nhất của startup Việt Nam, khiến chị dành nhiều tâm sức cho giới startup công nghệ, Mai Sao cho biết: “Với tôi, ban cố vấn hay nhà đầu tư có thể thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng quan trọng là phải nghĩ xem có thể dùng tên của người đó để kêu gọi nhà đầu tư tiếp theo không? Nếu là nhà tư vấn, cũng phải mài cho bằng được cái tên đó để tìm kiếm đầu tư cho vòng sau.

Hiện các công ty hầu hết đều phải có mối quan hệ với các cơ quan chính phủ, Uber, Grab từng thử ở San Francisco nhưng bị cấm, họ đã tìm mọi cách để tồn tại và phát triển vượt bậc đến hôm nay. Ở đâu cũng có hành lang pháp lý khác nhau, mình là nhà sáng lập, phải mở đôi mắt thật to để nhìn ra những khó khăn, nếu không giải quyết được bằng pháp lý thì giải quyết bằng tiền”.

Lý do chọn khởi nghiệp ở Việt Nam theo Mai Sao, đây là lợi thế cho các startup, khi thị trường Việt Nam còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Thứ hai là khách hàng còn quá dễ tính, họ chưa được trải nghiệm những dịch vụ đỉnh cao nhất, cũng chưa đòi hỏi cao những dịch vụ về công nghệ, nên “đất diễn” cho các startup còn quá nhiều, startup sẽ giúp cho khách hàng được trải nghiệm tốt hơn. Thứ ba, data ở thị trường này còn quá rẻ, đó là 3 lợi thế cho startup.

“Đó cũng là lý do tôi nỗ lực mời gọi khá nhiều nhà đầu tư có tiếng về đây, có người là tỷ phú Mỹ, họ rất thích môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam và độ hấp dẫn của thị trường.

Tuy nhiên những startup Việt Nam có điểm yếu lớn nhất ngay từ đầu tư tới sau này, khi đã phát triển, là người sáng lập và cả cộng sự chưa chú trọng trải nghiệm khách hàng. Trải nghiệm khách hàng bây giờ có thể rất khác cách đây 5 năm. Đó là lực cản lớn nhất khiến cho nhiều startup Việt Nam chưa phát triển được sang các nước khác.

Điểm yếu nữa là trong văn hoá công ty, truyền thống “kính trên nhường dưới”, lớp lang thứ tự còn hiện hữu quá rõ ràng. Điều này dường như kìm nén mọi người, khiến họ chưa thực sự trở thành một phần của công ty, của sản phẩm, để từ đó có thái độ làm công việc của mình tốt hơn nhiệm vụ được giao. Ở Silicon Valley, tinh thần này là phổ biến. Hạn chế nữa là thị trường Việt Nam còn quá đơn giản.

Nguồn: The Leader

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây