Startup của chị Annie Vũ (Vũ Thị Thái An) ra đời tại Anh năm 2017 và chính thức hoạt động tại Việt Nam từ giữa năm 2018, đến nay đã trải qua các vòng gọi vốn từ cả nhà đầu tư thiên thần và quỹ Accelerator. Hãy cùng Táo tìm hiểu câu chuyện sau thành quả của startup này nhé!

Chào chị, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân cũng như dự án/công ty startup của mình được không?

Chị là Vũ Thị Thái An. Chị hiện là CEO và Co-Founder của Tubudd – “Tour bắt đi” – bắt mọi khoảnh khắc, đi mọi nẻo đường.” . Đây là nền tảng kết nối khách du lịch với bạn bè địa phương, hướng đến đi du lịch tự do tự túc không biên giới – dành cho những người đam mê du lịch, đến gần hơn với trải nghiệm “local “ (địa phương) của mình –  “the local point of view”.

Từ khi thành lập đến giờ, chị đã huy động vốn cho dự án/công ty startup của mình như thế nào? (Số vòng gọi vốn, tổng số vốn đã kêu gọi, cách thức huy động vốn,…)

Bên chị có 2 nhà đầu tư thiên thần, rất nhiều grant từ nhà nước. Và có thêm 1 phần vốn đã được huy động từ Vietnam Silicon Valley. Bên chị vẫn còn đang gọi vốn tiếp cho vòng Seed.

Trong quá trình ấy, chị đã tìm kiếm nhà đầu tư/quỹ đầu tư như thế nào và chị đã làm cách nào để duy trì mối quan hệ với họ? 

Đấy là 1 quá trình rất dài. Lúc chị mới về nước, chị nghe người khác mách bảo có nhiều cách: tham gia chương trình, nhờ người quen. Bản thân chị thì những chương trình kết nối nhà đầu tư với startup chị đều tham gia cả. Thậm chí chị tham gia những cuộc thi ngoài nước như bên Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Anh, Mỹ…: tham gia cuộc thi không những mang lại truyền thông mà còn cơ hội gọi vốn cho startup.

Để giữ mối quan hệ với các nhà đầu tư thì chị xem gọi vốn là full-time job: lên list, đi trò chuyện, networking tìm hiểu các nhà, quỹ đầu tư,… nói chung tốn rất nhiều thời gian. 2018-2019 là thời điểm chị dành nhiều thời gian nhất cho việc này. Sau dịch covid chị tiếp tục duy trì mối quan hệ bằng những phương thức như trước kia.

Đâu là lần gọi vốn mà chị cho là thành công nhất, vì sao?

Có lẽ là lần từ 1 người nhà đầu tư thiên thần chứ ko phải 1 quỹ. Tất nhiên từ quỹ cũng rất thành công vì đó là 1 cuộc thi – chị cũng phải trải qua rất nhiều đến đi đến đích là lấy được số tiền đó. Nhưng lần gọi vốn từ nhà đầu tư thiên thần này là thành công nhất vì Tubudd biết anh ấy từ lâu lắm rồi, tức anh ấy rất thích và tư vấn rất nhiều cho Tubudd nhưng mãi đến năm 2019 anh ấy mới vào tiền . Đây là một tín hiệu tốt vì anh đã đồng hành với startup sau 1 năm và phải thấy được tiềm năng của dự án mình rồi mới tiếp tục đồng hành như thế.

Tại sao chị lại lựa chọn gọi vốn từ tổ chức/cá nhân đó (Quỹ đầu tư/Tập đoàn/Nhà đầu tư thiên thần), đó chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên hay đã có sự tính toán, có chủ đích từ đầu?

Chị được biết anh ấy qua Techfest Vietnam. Chị có 1 cuộc trò chuyện bình thường với anh vào thời điểm đó. Anh ấy tỏ ra sự quan tâm đến startup của mình và có khá nhiều cuộc trò chuyện với nhau dù ở 2 thành phố xa nhau – từ đầu mình cũng ko biết anh ấy có chủ đích đầu tư vào dự án hay không nên đây là một sự ngẫu nhiên.

Chị nghĩ rằng yếu tố nào là quan trọng nhất khiến cho công ty của mình gọi vốn thành công?

Chị không nghĩ mình là người quá thành công trong việc gọi vốn nên chị không thể đưa ra 1 yếu tố nhất định. Thậm chí bản thân mình còn đang hỏi người khác câu này. Có thể là team, ý tưởng, execution (cách triển khai), thị trường…, nói chung là những câu trả lời khá chung chung.

Bản thân mình thấy quan trọng nhất là tìm một nhà đầu tư phù hợp với cả công ty mình, gọi là đúng người đúng thời điểm.

Những giá trị mà công ty nhận được từ nhà đầu tư sau khi gọi vốn thành công (ngoài tiền) là gì? 

Bên cạnh việc công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ về tài chính –  vốn là điểm yếu của startup, ngoài ra còn về cơ cấu tổ chức, operation, market, partnership. Đó là những sự trợ giúp rất lớn từ phía nhà đầu tư cho startup sau khi gọi vốn.

Theo chị, sau khi gọi vốn thành công, các nhà sáng lập hay người điều hành doanh nghiệp cần lưu ý những gì để có thể sử dụng vốn một cách hiệu quả và thông minh?

Tìm ngay một người tốt về quản trị và tài chính, vì không phải startup nào cũng nắm tốt ở hai mảng này.

Chị có gặp khó khăn gì sau khi nhận được số tiền đầu tư này hay không? (Về quản trị, tài chính, vận hành…)

Chị có gặp một số lỗi như: Lao đầu vào tiêu tiền, không biết chia tài chính bài bản và thông minh. Sau khi gọi vốn chị thấy khá trân trọng khi có 1 người làm tài chính tốt để giúp mình chia nguồn vốn hiệu quả và thông minh. Đây là yếu tố giúp cho công ty duy trì được lâu.

Theo chị, doanh nghiệp cần đạt được điều gì để có thể gọi vốn cho lần tiếp theo?

Để chuẩn bị gọi vốn tiếp: chị nghĩ nên tìm hiểu trước mình đã đạt được gì, có những gì cần cho vòng tiếp theo bằng việc nhìn nhận từ những lần trước. Đối với mỗi startup có thể là câu chuyện khác nhau: có thể là thị trường, lượng người dùng, vận hành…

Chị cho rằng đâu là thời điểm thích hợp để gọi vốn cho startup?

Bản thân chị đơn giản là: Khi nào thiếu tiền thì gọi vốn thôi (Cười).

Theo chị, các nhà sáng lập cần chuẩn bị những gì để có một buổi pitching thành công? (hiểu biết về doanh nghiệp, tài chính, trình bày ý tưởng…)

Một buổi pitching thành công có ý nghĩa rất lớn đối với startup.

Vì thế nên chuẩn bị 1 cái pitch deck thật đẹp, 1 nội dung pitch thật nhiều ý nghĩa, nắm rõ về tài chính, vận hành như: bao nhiêu người dùng rồi, cần bao nhiêu nữa và cần bao nhiêu tiền để làm gì nữa … Quan trọng là đưa ra những con số hợp lý và cực kỳ thuyết phục đối với nhà đầu tư.

Bài học lớn nhất mà chị có được sau quá trình gọi vốn cho công ty của mình là gì? 

Cần phải hiểu business của mình inside out: hiểu hết những gì mình cần nói. Chị đã gặp nhiều startup không nắm rõ được con số của doanh nghiệp nên mất điểm trong mắt nhà đầu tư.

Mặt khác mình lại gặp những người hiểu mục tiêu rõ ràng – điều đó giúp họ chinh phục được việc gọi vốn từ các nhà đầu tư.

Cảm ơn chị Annie về buổi trò chuyện này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây