Tiếp nối chuyên mục “Chuyện gọi vốn” sẽ là góc nhìn thực tế từ quỹ đầu tư quốc tế qua chia sẻ đến từ chị Khuất Kiều Trang – chuyên viên đầu tư tại KK Fund Việt Nam. Với xuất phát điểm không phải là tài chính, chị Trang đã không ngừng học hỏi và chứng minh câu nói “Không gì là không thể”. Hãy cùng Táo lắng nghe những chia sẻ của chị về lĩnh vực đầu tư nhé!

1/ Xin chào chị, chị hãy giới thiệu đôi nét về bản thân cũng như hành trình đến với vai trò nhà đầu tư của mình. Điều gì đã truyền cảm hứng cho chị trở thành một nhà đầu tư? 

Chị tên là Trang, hiện là chuyên viên đầu tư tại KK Fund. Trước đây, chuyên môn của chị không liên quan đến tài chính – chị chỉ mới chuyển sang tài chính vào tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên trước đó chị từng làm việc với startups và hỗ trợ họ khá nhiều ở mảng marketing và chiến lược doanh nghiệp. Hơn thế nữa chị cũng là chủ của một doanh nghiệp nhỏ nên hiểu được những vấn đề mà những startup phải trải qua.

Cuối năm 2020 chị về Việt Nam, sau khi làm việc một thời gian thì chị được KK Fund mời phỏng vấn: Lúc đấy thì KK Fund cần 1 nhân tố địa phương để giúp xúc tiến những thương vụ mới mới.

Thực ra vì bản thân chị thấu hiểu các vấn đề với các nhà sáng lập nên bên trong chị có một động lực rất lớn thôi thúc chị theo mảng này – ở vị trí đại diện cho quỹ đầu tư nước ngoài.

Đứng trước sự thay đổi về ngành như thế thì chị xác định mình phải học liên tục – thậm chí là học cả đời. Chị quan niệm là học gì cũng phải quy nó về bản chất và mục đích. Có như thế mình mới có đủ động lực và quyết tâm theo đuổi. Chị học bằng cách tự lên lộ trình cho mình. Chị có thể nắm được kiến thức sau 3 tháng vì chị học rất tập trung: bên chị làm ở khá nhiều mảng khác nhau. VD fintech, blockchain, logistics ….chị được giao việc và có thể thích ứng nhanh. Chị khá thích thú khoảng thời gian học, làm như vậy.

2/ Triết lý đầu tư của chị là gì? Đâu là yếu tố quan trọng nhất để chị đưa ra quyết định có đầu tư vào một dự án hay không?

Chị được truyền cảm hứng khá nhiều từ các bác “nhà” chị là bác Koichi Saito, Kuan Hsu. Bác Koichi từng nói với chị là bác chọn Rachel (tên Tiếng Anh của chị) làm việc tức là bác đầu tư vào chị. Bác nhìn thấy ở chị có khoảng không để vươn lên và tiến xa nhiều.

Chị cũng tin vào triết lý đó: “Đầu tư vào con người trước. Cái cốt lõi của doanh nghiệp chính là nằm ở con người sáng lập: Ngay cả yếu tố thị trường, ý tưởng… đi nữa cũng quy về nhà sáng lập” Chị tin vào thứ tự đầu tư là: Đầu tư vào con người, thị trường sau đó mới đến các yếu tố khác.

3/ Ai là nhà đầu tư mà chị yêu thích? Vì sao? 

Chị không “idol” một ai cả. Có thể nói là chị được truyền cảm hứng bởi 2 sếp nhà chị rất nhiều: Hai bác Kuan Hsu, Koichi Saito. Lý do cho câu trả lời này là chị hơi thực tế một chút: ai làm việc cùng với mình mới để lại một sự ảnh hưởng nhất định. Hai bác luôn chịu chấp nhận rủi ro và vượt qua khó khăn, luôn sáng tạo, chịu khó và hỗ trợ nhân viên hết mình. Từ khi vào KK Fund: chị được đề xuất rồi được đưa ra quyết định. Chị rất cảm kích và thích phong cách làm việc đấy.

Khi làm chung với các startup thì bên chị không chỉ là kiểm tra KPI, đặt những câu hỏi về kinh doanh thông thường mà còn là một “người bạn đồng hành” hỗ trợ doanh nghiệp đi lên.

4/ Chị thường tìm kiếm các dự án hấp dẫn để đầu tư bằng cách nào? 

Chị tìm được từ nhiều nguồn: Accelerator, Incubator, hoặc đôi khi là các VC (Venture Capital) cùng nhau tìm kiếm thông qua bạn bè, networking. Cũng có đôi khi là stratups tự tìm đến KK Fund nữa.

Chị có 1 tip cho các startup: nên tìm hiểu về nhà đầu tư trước, làm phân tích SWOT để hiểu nhà đầu tư nào mình cần (be critical).  Đừng chọn bất kỳ một nhà đầu tư nào mình tìm thấy.

Các nhà đầu tư đó có các mối quan hệ với ai? Ví dụ bên chị sẽ có mạng lưới quan hệ với bên Thái, Nhật… nên các startups nào muốn đi vào thị trường Đông Nam Á thì hầu như phải tìm đến KK Fund.

Tiếp theo là tập làm quen với các danh mục đầu tư và tận dụng các mối quan hệ cho startups – như Táo Startup chẳng hạn. Việc gặp các nhà sáng lập của nằm trong danh mục đầu tư dễ dàng hơn nhiều so với gặp các đối tác bên quỹ đầu tư. Sau đó nhờ họ giới thiệu cho nhà đầu tư. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian công sức khá nhiều.

5/ Chị đã từng gặp những khó khăn gì trong vai trò là một nhà đầu tư? 

Với cương vị là nhà đầu tư, chị phải giữ sự tỉnh táo, không bị chi phối bởi thiên kiến cá nhân. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường không ổn định (giá nguyên vật liệu tăng, Covid làm thay đổi hành vi người dùng, mô hình của các startups đã làm cần thay đổi, việc các startups phải tiếp tục đi vay vẫn xảy ra…). Các nhà đầu tư làm thẩm định dự án cũng khá khó khăn, và cũng khó gặp được Startups do dịch.

Nhìn chung đầu tư là câu chuyện của thông tin: thông tin sai thì dẫn đến quyết định sai nên nó vừa khó vừa dễ.

6/ Bài học lớn nhất mà chị muốn chia sẻ cho các nhà đầu tư khác?

Chị nghĩ sẽ có những anh/chị khác chia sẻ tốt hơn chị. Chị muốn chia sẻ cho các bạn đang định hướng vào ngành đầu tư: “Không gì là không thể.”. Chị cũng là người chuyển ngành cách đây một năm nên “khá thấm thía” điều này. Nghĩa là mình phải nỗ lực khá là nhiều. Trong KK Fund, có một số bạn thực tập đã có nền tảng tốt về tài chính. Các bạn có nguồn kiến thức rất lớn nhưng chị vẫn có thể làm tương đương và tiến xa hơn chút. Lý do là làm gì chị cũng có lộ trình hẳn hoi.

Chị khá may mắn từng gặp Chị Thái Vân Linh ở Skill Bridge. Chị Thái Vân Linh đã mentor cho chị: xác định được con đường mà mình có thể đi được, về mặt sắp xếp công việc, cuộc sống.

Chị Linh cũng cho chị một bài học này khá hay: Cố gắng mỗi ngày, từng chút một. Từng chút mà bền bỉ. Dù bạn là startup, hay muốn chuyển sang đầu tư, điều này vẫn đúng.

7/ Lời khuyên của chị dành cho các nhà sáng lập khi đi gọi vốn?

Sẽ có một vấn đề là thường mọi người không hiểu gì đó một cách thông suốt. Nên đối với việc đi gọi vốn, các startup nên tham khảo các nguồn khác, như các vườn ươm khởi nghiệp để được hướng dẫn và hiểu cách pitching một cách thuyết phục. Nếu tự mày mò thì sẽ khá tốn thời gian.

Một số chương trình của các tổ chức còn hướng dẫn đến cả phông chữ trong pitch deck như thế nào cho hợp lý.

Tóm lại là chị nghĩ các startups đừng chỉ tập trung vào bên trong mà hãy tận dụng sự giúp đỡ từ bên ngoài. Có như thế mới không lãng phí nguồn tài nguyên từ xã hội.

Cảm ơn Chị Trang về buổi trò chuyện này

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây