Tiếp nối phần 1 với những khái niệm cơ bản về startup, phần 2 của loạt bài viết “How to start a startup” sẽ nói về vấn đề được coi là quan trọng nhất của startup ở giai đoạn đầu: Sản phẩm.

Làm thế nào để xây dựng sản phẩm?

Từ phần 1, chúng ta biết rằng, chúng ta cần có một ý tưởng tuyệt vời để bắt đầu và từ ý tưởng đó, chúng ta sẽ phát triển lên thành một sản phẩm. Có một khái niệm mà bất cứ nhà sáng lập nào nên biết và ghi nhớ trong quá trình phát triển sản phẩm cho startup của mình: MVP.

MVP là viết tắt của cụm từ Minimum Viable Product, có nghĩa là “sản phẩm khả dụng tối thiểu”, là sản phẩm ở mức tối thiểu quá nhất để mô tả chức năng và cách sản phẩm của bạn giải quyết vấn đề của thị trường. Hãy nhìn qua một số ví dụ về MVP nhé:

Airbnb năm 2008, khi mới thành lập

Có một phần mềm tên là Waybackmachine, giúp chúng ta có thể xem được các website đình đám như Airbnb, Facebook phát triển như thế nào qua các thời kỳ. Ở đây, tôi các đưa các bạn quay trở về năm 2008 khi Airbnb mới ra đời. Khi đó, Airbnb vẫn còn là cái tên nguyên thủy của mình Airbedandbreakfast. Airbnb thời điểm đó chỉ là một trang website vô cùng thô sơ như bên trên mà tôi dám chắc sinh viên bất kỳ trường đại học hay cao đẳng về lĩnh vực công nghệ nào ở Việt Nam cũng có thể làm cái tương tự hoặc đẹp hơn. Nhưng Airbnb bắt đầu như thế, trang website vô cùng thô sơ với các tính năng tìm kiếm địa điểm, chọn địa điểm. Sau đó, nhân viên của Airbnb sẽ liên hệ với chủ địa điểm để đặt phòng cũng như liên hệ với khách để thu tiền. Hoàn toàn rất nhiều công đoạn thủ công ở giai đoạn ban đầu. Thậm chí, đến bây giờ, bạn không nhất thiết phải lập một website mà đôi khi chỉ đơn giản là một cái group FB như group “Airbnb host in Hà Nội”

Khách hàng chỉ cần đăng yêu cầu và các host sẽ gửi thông tin về địa điểm thông qua bình luận. Dĩ nhiên bạn sẽ khó kiểm soát các giao dịch cũng như chất lượng phòng của các host trên group. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều giải quyết nhu cầu của khách hàng là tôi cần thuê địa điểm rẻ hơn khách sạn, và cung cấp giải pháp đáp ứng nhu cầu đó. Toàn bộ chuỗi quy trình kết hợp với các công nghệ đó để xử lý nhu cầu khách hàng được gọi là MVP. Từ ý tưởng, bạn hãy phát triển thành MVP rồi đưa ra thị trường để kiểm nghiệm sản phẩm của mình.

Vậy làm sao để hình thành MVP?

Như tôi có nói ở trên MVP bao gồm chuỗi quy trình thực hiện giải pháp + công nghệ để giải quyết vấn đề của thị trường. Để có được chuỗi quy trình này, bạn cần có được hiểu biết và chuyên môn trong lĩnh vực mà startup bạn đang giải quyết. Ví dụ, trong video về phát triển sản phẩm của YC, giảng viên là nhà sáng lập của Homejoy – 1 startup về kết nối người dọn dẹp vệ sinh. Bản thân nhà sáng lập Homejoy đã thử đọc sách, nghiên cứu cách để dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ nhưng vẫn không hiệu quả. Cuối cùng, cô ấy quyết định ứng tuyển một công việc ở một công ty dọn dẹp vệ sinh chuyên nghiệp để hiểu quy trình ở đây và hiểu cả những vấn đề đang tồn đọng ở các công ty dọn dẹp vệ sinh truyền thống. Sau đó, cô ấy áp dụng nó vào sản phẩm Homejoy của mình và đạt được thành công đáng kể. Vì vậy, để làm startup trong bất cứ lĩnh vực nào, bạn cần nỗ lực để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Sau đây là một chuỗi các câu hỏi tham khảo bạn cần xây dựng thực hiện trước khi bắt tay làm sản phẩm:

  • Bạn đang giải quyết vấn đề gì?
  • Khách hàng của bạn là ai?
  • Làm sao khách hàng tìm thấy bạn?
  • Bạn muốn lấy thông tin gì của khách hàng khi họ đăng ký tài khoản hay mua hàng?
  • Nội dung hiển thị là gì hay bạn giao tiếp, thông báo cho khách hàng như thế nào khi họ đăng ký tài khoản hay mua sản phẩm của bạn.
  • Sau khi mua hàng, liệu họ có thể lại phản hồi không? Làm sao để họ để lại phản hồi chính xác nhất?
  • ….

Một chỉ số mà cần lưu tâm khi phát triển sản phẩm, đó là CLV – “Customer Lifetime Value” – Tổng giá trị hay tổng doanh thu mà bạn có được trong suốt vòng đời 1 khách hàng. Đây là chỉ số quan trọng khi bạn chọn lựa phân khúc khách hàng khi phát triển sản phẩm của bạn cho phân khúc khách hàng đó.

Một công thức phát triển sản phẩm được ưa chuộng là:

Đưa sản phẩm thật nhanh ra thị trường, thu nhận phản hồi từ thị trường. Học hỏi và điều chỉnh. Đó là cách các startup hàng đầu như Facebook, Grab, Airbnb áp dụng.

Tham khảo video về cách phát triển sản phẩm của Y Combinator:

Bài viết tiếp theo sẽ hướng dẫn cách tìm kiếm đồng sáng lập, xây dựng đội ngũ ban đầu của startup. Mọi người hãy đón xem nhé!

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây