Trước hết, ta cần hiểu “Startup là gì?”

Theo khái niệm về startup của Paul Graham – một trong những nhà sáng lập ra vườn ươm nổi tiếng nhất thế giới Y Combinator (nơi sản sinh ra những chú kỳ lân như Airbnb, Stripe,…), startup được định nghĩa là một công ty được thiết kế để tăng trưởng nhanh. Một công ty startup không nhất thiết phải là làm trong lĩnh vực công nghệ, hay nhận được vốn đầu tư mạo hiểm, cái quan trọng nhất là nó có thể “tăng trưởng nhanh”.

AWS của Amazon lại định nghĩa startup thiên về tính công nghệ hơn: “Startup là một dự án kinh doanh có khả năng tăng trưởng nhanh và có thể mở rộng, đồng thời đem lại giá trị lợi nhuận 10x – 100x cho các nhà sáng lập hoặc nhà đầu tư. Lợi nhuận này có thể đến từ việc M&A hoặc IPO, thông thường sẽ là mục tiêu trong tối thiểu 10 năm hoặc ngắn hơn. Dự án kinh doanh này thông thường sẽ gắn với thành tố phần mềm để giúp chúng dễ dàng mở rộng hơn”.

Dù là khái niệm nào, chúng ta có thể thấy từ khóa “tăng trưởng nhanh” sẽ gắn với khái niệm của startup.

Theo Sam Altman, một nhà sáng lập khác của Y Combinator, công thức thành công của 1 startup được tính bằng = ý tưởng x sản phẩm x thực thi x đội ngũ x may mắn. Chỉ số may mắn có thể dao động từ 0 đến 10000.

Cái thú vị của startup là dù bạn trẻ hay già, giàu hay nghèo, ít kinh nghiệm hay nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực bạn định làm startup, bạn vẫn có thể bắt đầu 1 startup.

Tuy nhiên, có một lưu ý cho những nhà sáng lập, đó là đừng bắt đầu startup vì nghĩ nó sẽ khiến mình giàu có. Có rất nhiều cách để có thể giàu có dễ dàng hơn là việc bắt đầu 1 startup. Bạn chỉ nên bắt đầu startup khi bạn bị thôi thúc bởi một vấn đề cụ thể và việc thành lập một công ty là cách tốt nhất để giải quyết nó.

Vậy làm sao để bắt đầu?

Việc đầu tiên cần làm là, hãy kiếm 1 ý tưởng vĩ đại. Mọi người thường nói, ý tưởng chẳng đáng giá 1 xu. Trên thực tế, sẽ rất lãng phí thời gian nếu chỉ quá tập trung vào việc nghĩ ý tưởng mà không đưa ra thử nghiệm trên thị trường. Hãy thử nghiệm triển khai ý tưởng của bạn, có được sự thực thi vĩ đại còn gấp trăm lần so với việc có được ý tưởng vĩ đại.

Vậy tìm kiếm ý tưởng vĩ đại ở đâu? Hãy tìm kiếm nó ở những vấn đề của người thân, bạn bè xung quanh bạn hay thậm chí của chính bản thân bạn đang gặp phải, mà chưa có giải pháp hoặc cách giải quyết triệt để. Nếu bạn có nhiều ý tưởng, hãy chọn ra cái mà bạn cảm thấy đáng để bận tâm nhất.

Vấn đề khó nhất ở đây là, những ý tưởng vĩ đại thường trông khá là ngu ngốc và tệ hại ở thời điểm ban đầu. Từ mạng xã hội sưu tầm Pinterest, cho đến công cụ tìm kiếm Google. Tất cả đều bị coi là sản phẩm tệ hại và nhận được vô số các cái lắc đầu của nhà đầu tư.

Tiếp theo đó, hãy phát triển 1 MVP – sản phẩm ở mức độ tối thiểu có thể mô tả đầy đủ chức năng cơ bản để thực thi ý tưởng của bạn. Nó có thể chỉ đơn giản là một landing page giới thiệu dịch vụ, kết hợp với hệ thống chăm sóc khách hàng bằng Excel và đặt dịch vụ thông qua Google Form hoặc hotline. Để hiểu hơn việc xây dựng một MVP cho startup, bạn có thể tham khảo khóa học Tư duy quản lí sản phẩm của ProductLab – 1 đối tác của cộng đồng Táo Khởi Nghiệp.

Thứ 3, đó là xây dựng đội ngũ sáng lập vĩ đại. Mối quan hệ của các nhà sáng lập được coi là điều quan trọng nhất trong toàn bộ công ty. Thông thường, chúng ta thường chọn bừa đồng sáng lập hay chọn người mà mình chưa hiểu kỹ về họ, hoặc ngược lại là chọn những người có mối quan hệ quá thân thiết về mặt tình cảm như người yêu, người thân ruột thịt, bạn thân,…Việc đó sẽ xảy ra thành tai họa, thậm chí chấm dứt mối quan hệ nếu startup đó có vấn đề. Lựa chọn đúng đắn là nên chọn những người đã từng làm việc với mình, có cùng tầm nhìn, có khả năng bù đắp những khuyết điểm của mình và có năng lực không bị trùng với mình. Số lượng nhà sáng lập từ 2-3 người là tuyệt nhất.

Cuối cùng, đó là hãy thực thi một cách vĩ đại. Nên bắt đầu startup với những thứ thuộc về kinh nghiệm của mình trước đó để có thể làm việc nhanh và hiệu quả hơn. Một trong những vấn đề thường thấy ở các công ty/dự án startup ở giai đoạn đầu là muốn làm quá nhiều thứ cùng một thời điểm. Điều đó sẽ dẫn đến lãng phí thời gian và nguồn nhân lực mà kết quả công việc bị trì hoãn nhiều. “Tập trung”“kiên trì” chính là chìa khóa để thực thi hiệu quả. Ngoài ra, tư duy Agile, Lean là những tư duy mới mà các nhà sáng lập có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả trong quá trình thực thi, triển khai startup ra thị trường.

Tham khảo 2 video về cách “bắt đầu một startup” của Y Combinator

Bài viết tiếp theo sẽ hướng dẫn cách xây dựng sản phẩm sau khi đã định hình ý tưởng startup. Mọi người hãy theo dõi nhé!

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây