Cuộc đua cung cấp các công cụ tín dụng và tiết kiệm cơ bản cho 1,7 tỉ người không thể tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng trên toàn thế giới làm biến đổi cuộc sống, làm thế giới trở nên giàu có hơn. Nó cũng đặt nền móng cho một số loại hình  tài sản mới trong thế kỷ này.

HAI NĂM TRƯỚC, AMYLENE DINGLE sống cùng chồng và con gái 7 tuổi ở Payatas, khu phố nghèo ở Manila nổi tiếng với bãi rác chưa qua xử lý lớn nhất Philippines.

Chồng của Amylene là bảo vệ trong một tòa nhà chính phủ, kiếm được 4.000 peso mỗi tuần, tương đương 80 USD. Bà luôn muốn khởi nghiệp, nhưng bản thân lại thất nghiệp, không có tiền tiết kiệm, không có lịch sử tín dụng và không thể làm thẻ tín dụng hoặc vay ngân hàng.

Vận may của Dingle xoay chuyển nhanh chóng sau khi bà nhìn thấy quảng cáo trên Facebook của Tala, công ty khởi nghiệp tại Santa Monica, California (Mỹ), cung cấp khoản vay nhỏ thông qua ứng dụng trên điện thoại. Sau khi cho phép Tala truy cập vào điện thoại của mình để ứng dụng có thể phân tích dữ liệu di động nhằm đánh giá độ rủi ro của người vay, bà nhận được khoản vay 20 USD trong vòng 30 ngày.

Bà trả 15% tiền lãi và sử dụng số tiền còn lại để mua thịt nguội, bánh mì kẹp thịt và xúc xích rồi mang đến tận nhà khách hàng, bán giá cao hơn 40% so với giá gốc. Dingle lời được 4 USD sau khi trả lãi vay và một khoản phí xử lý nhỏ.

Hiện nay, Tala cho Dingle, 42 tuổi, vay 250 USD hằng tháng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh thực phẩm đang phát triển mạnh của bà. Lợi nhuận 70 USD mỗi tuần giúp tăng gần gấp đôi thu nhập của gia đình và nhờ đó họ có thể chuyển đến một ngôi nhà hai phòng ngủ yên tĩnh, sạch sẽ ở quận Batasan Hills, thành phố Quezon. Tala cũng đang phát triển mạnh.

Được Shivani Siroya – 37 tuổi, cựu chuyên viên phân tích phố Wall, từng làm việc tại Liên Hiệp Quốc – thành lập năm 2011, công ty huy động được hơn 200 triệu USD từ các nhà đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ, bao gồm cả quỹ Revolution Growth của tỉ phú Steve Case. Với doanh thu ước tính hơn 100 triệu USD trong năm 2019, Tala được định giá gần 800 triệu USD.

Các công ty như Tala luôn đi đầu trong cuộc đua cung cấp các dịch vụ tài chính sơ cấp cho 1,7 tỉ người không có tài khoản ngân hàng trên toàn cầu. Cung cấp cho họ những khoản tín dụng, tiết kiệm và bảo hiểm cơ bản là một trong những thách thức cũng như cơ hội lớn của thế kỷ. Có khả năng tiếp cận hệ thống tài chính, mọi người có thể mua xe hơi hoặc nhà.

Họ không phải tìm đến những kẻ cho vay nặng lãi khi lâm vào hoàn cảnh y tế khẩn cấp. Họ hạnh phúc hơn, sống lâu hơn. Năng suất lao động của họ cao hơn, và năng suất lao động tăng sẽ giúp đất nước thoát nghèo. Phục vụ những người không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản sẽ tạo ra số khối tài sản lớn nhất trong nay mai. Đó vừa là sự bắt buộc về đạo đức của chủ nghĩa tư bản vừa là con đường dẫn đến một trong những thị trường chưa được khai thác quan trọng nhất.

Bên cạnh những người chi trả mọi thứ bằng tiền mặt vì không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản, một lượng người thậm chí còn lớn hơn, khoảng hơn bốn tỉ người, “không thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính cơ bản.” Họ là những người có thể có tài khoản ngân hàng nhưng phải vật lộn để kiếm tiền, gánh chịu các khoản phí tăng cao khi chi phiếu bị từ chối và phải tìm đến các lựa chọn thay thế lãi suất cao như các khoản vay theo ngày.

Theo báo cáo của Accergy năm 2015, các ngân hàng truyền thống cũng có thể tăng doanh thu hằng năm thêm ít nhất 380 tỉ USD nếu họ phục vụ những người không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản. Các hiệu ứng cấp số nhân thật đáng kinh ngạc. Theo ước tính của McKinsey năm 2016, GDP các nước ở thị trường mới nổi sẽ tăng 3.700 tỉ USD vào năm 2025, tương đương 6%, nếu họ áp dụng một giải pháp đổi mới duy nhất – chuyển từ tiền mặt sang tiền kỹ thuật số lưu trữ trên điện thoại di động.

Diego Zuluaga – nhà phân tích từ trung tâm Nghiên cứu các Giải pháp Thay thế Tiền tệ và Tài chính (Center for Monetary & Financial Alternatives) thuộc viện Cato, hiện đang nghiên cứu các tác động có thể có của nền tài chính toàn diện đầy đủ – cho biết: “Nếu chúng ta có thể cung cấp cho những người không thể tiếp cận, và không thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính cơ bản ở các nước đang phát triển khả năng tiếp cận các khoản tín dụng và đầu tư như ở các nước giàu, bạn có thể dễ dàng tạo ra thêm 100.000 tỉ USD các loại hình tài sản tài chính trong 50 năm tới.”

Ranh giới cuối cùng của tài chính - ảnh 2

Shivani Siroya, nhà sáng lập Tala, tại trụ sở công ty khởi nghiệp của cô ở Santa Monica, California. Cô sử dụng dữ liệu trên điện thoại di động để xác định khả năng thanh toán nợ cho những người bị các ngân hàng ở các nước đang phát triển từ chối.

SIROYA, NHÀ SÁNG LẬP TALA, LỚN LÊN CÙNG CHA MẸ – những chuyên gia người Ấn Độ nhập cư vào Hoa Kỳ – ở khu phố Park Slope hiền hòa của Brooklyn và học trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc tại Manhattan. Cô tốt nghiệp ĐH Wesleyan, ĐH Columbia và làm việc ở vị trí nhà phân tích ngân hàng đầu tư tại Credit Suisse và UBS.

Từ năm 2006, công việc của cô là đánh giá tác động của tín dụng vi mô ở vùng hạ Sahara và Tây Phi cho Liên Hiệp Quốc. Cô dõi theo những phụ nữ nộp đơn xin vay ngân hàng vài trăm đô la Mỹ và bị từ chối hết lần này đến lần khác. “Các nhân viên ngân hàng nói với tôi: ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ phục vụ phân khúc này,’” cô nói.

Ngân hàng thấy rủi ro, cô thấy cơ hội. Khi còn làm việc cho Liên Hiệp Quốc, cô từng phỏng vấn 3.500 người về cách họ kiếm tiền, chi tiêu, vay mượn và tiết kiệm. Hiểu biết đó giúp cô cho ra mắt Tala: Người cần vay có thể chứng minh uy tín của mình thông qua các thói quen hằng ngày, hằng tuần lưu lại trên điện thoại của họ. Người nộp đơn được xem là đáng tin cậy hơn nếu có những hoạt động như thường xuyên gọi điện cho mẹ và trả các hóa đơn tiện ích đúng hạn. “Chúng tôi sử dụng dấu vết kỹ thuật số của họ,” Siroya cho hay.

Tala đang mở rộng nhanh chóng. Họ hiện có bốn triệu khách hàng ở năm quốc gia, với tổng số tiền cho vay hơn một tỉ đô la Mỹ. Công ty có lợi nhuận ở Kenya, Philippines và tăng trưởng nhanh ở Tanzania, Mexico và Ấn Độ.

CHA MẸ CỦA RAFAEL VILLALOBOS JR. SỐNG TRONG NGÔI NHÀ ĐƠN SƠ mái tôn ở thành phố Tepalcatepec, tây nam Mexico, nơi một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ. Cha anh đang làm việc cho một nông trại ở tuổi 71, còn mẹ anh đã nghỉ hưu. Họ không có bất kỳ khoản tín dụng hoặc bảo hiểm nào. Số tiền 500 USD do con trai gửi về hằng tháng, trích từ tiền lương của một quản trị viên đại học cộng đồng ở Moses Lake, Washington, “nuôi họ ăn, theo đúng nghĩa đen,” anh nói.  

Cha mẹ của Rafael Villalobos Jr. sống trong ngôi nhà đơn sơ mái tôn ở thành phố Tepalcatepec, tây nam Mexico, nơi một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ. Cha anh đang làm việc cho một nông trại ở tuổi 71, còn mẹ anh đã nghỉ hưu. Họ không có bất kỳ khoản tín dụng hoặc bảo hiểm nà. Số tiền 500 USD do con trai gửi về hằng tháng, trích từ tiền lương của một quản trị viên đại học cộng đồng ở Moses Lake, Washington, “nuôi họ ăn, theo đúng nghĩa đen,” anh nói.  

Để chuyển tiền về Mexico, anh thường phải xếp hàng tại ki-ốt của MoneyGram trong một cửa hàng tiện lợi và trả 10 USD phí chuyển tiền, cộng thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Năm 2015, anh tìm ra Remitly, công ty khởi nghiệp ở Seattle cho phép anh chuyển tiền với chi phí thấp ngay trên điện thoại của mình, chỉ trong vài giây.

Hằng năm, người nhập cư từ các nước đang phát triển chuyển khoản tổng cộng 530 tỉ USD về quê. Nguồn tiền này chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế ở những nước như Haiti, nơi kiều hối chiếm hơn 1/4 GDP. Nếu những ai đang chuyển tiền thông qua các kênh giao dịch truyền thống, với mức phí trung bình 7% mỗi giao dịch, cùng chuyển sang dùng Remitly với mức phí trung bình 1,3%, họ sẽ tiết kiệm tổng cộng 30 tỉ đô la Mỹ hằng năm. Đó là chưa tính thời gian tiết kiệm được khi không phải lái xe và chờ đợi.

Matt Oppenheimer, 37 tuổi, nhà đồng sáng lập và là CEO của Remitly, có ý tưởng thành lập dịch vụ chuyển tiền của mình khi làm việc cho ngân hàng Barclays ở Kenya, nơi anh vận hành các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ngân hàng trên điện thoại di động trong một năm, từ năm 2010.

Sinh trưởng tại thành phố Boise, Idaho, anh nhận bằng tâm lý học tại ĐH Dartmouth ở Hanover, New Hampshire và bằng MBA tại Harvard, trước khi gia nhập Barclays ở London. Khi chuyển đến Kenya, anh chứng kiến cách các phương thức chuyển tiền tạo ra sự khác biệt giữa những ngôi nhà có và không có hệ thống ống nước trong nhà. “Tôi thấy rằng 200 đô la, 250 đô la, 300 đô la Mỹ ở Kenya tạo ra sự khác biệt rất lớn,” anh nói.

Oppenheimer rời Barclays năm 2011 và cùng Shivaas Gulati, nhà đồng sáng lập 31 tuổi, người nhập cư Ấn Độ với tấm bằng cử nhân CNTT từ ĐH Carnegie Mellon, trình bày ý tưởng của mình tại chương trình ươm mầm khởi nghiệp Techstars ở Seattle, nơi họ gặp Josh Hug, 41 tuổi, nhà đồng sáng lập thứ ba.

Hug bán công ty khởi nghiệp đầu tiên của mình cho Amazon và những mối quan hệ của ông đưa họ đến Bezos Expeditions, công ty quản lý tài sản cá nhân của Jeff Bezos. Quỹ này trở thành một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Remitly. Đến nay, Remitly đã huy động được 312 triệu đô la Mỹ và có mức định giá gần một tỉ đô la Mỹ.

Oppenheimer và nhóm của anh có thể duy trì mức phí thấp một phần nhờ sử dụng máy học và các công nghệ khác để ngăn chặn những kẻ khủng bố, những kẻ lừa đảo và những kẻ rửa tiền từ các quỹ chuyển tiếp. Các thuật toán đặt ra ít câu hỏi hơn cho những khách hàng gửi số tiền ít hơn. Khách hàng gửi số tiền lớn hơn sẽ nhận được nhiều câu hỏi hơn. Remitly luân chuyển 6 tỉ USD mỗi năm, nhận tiền của người gửi từ 16 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Úc và Anh và chuyển đến cho người nhận tại 45 quốc gia.

Trong nửa đầu năm 2019, họ bổ sung thêm 15 quốc gia vào danh sách địa điểm nhận tiền, bao gồm Rwanda và Indonesia. Công ty vẫn chưa có lãi, nhưng doanh thu ước tính của năm ngoái là 80 triệu USD. Oppenheimer nhìn thấy cơ hội tăng trưởng rất lớn. Remitly chỉ mới phục vụ chưa tới 1% trong tổng số 250 triệu người nhập cư trên toàn thế giới.

NĂM 2012, DORCAS MURUNGA SỐNG Ở GACHIE, khu phố đầy rẫy tội phạm ở ngoại ô Nairobi. Cô kiếm được 80 USD mỗi tháng từ công việc trông trẻ và dọn dẹp nhà cửa, chồng cô là công nhân lắp đặt thang máy với thu nhập 120 USD. Anh trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình, còn cô tiết kiệm tiền.

Cô kể mỗi khi có tiền mặt, cô lại tiêu pha bốc đồng vào quần áo, đồ ăn vặt và rượu. Cô xoay xở dành ra được 5 USD số dư tối thiểu cần thiết để mở tài khoản tiết kiệm tại Equity Bank, Kenya, nhưng phải trả phí 3 đô la Mỹ hằng tháng. Để gửi tiền, cô mất hai tiếng đi xe buýt, cả đi lẫn về, và một tiếng xếp hàng chờ đợi tại ngân hàng.

Cô đóng tài khoản chỉ sau một năm. Như phần lớn người Kenya, Murunga hiện sử dụng M-Pesa, dịch vụ chuyển tiền qua tin nhắn văn bản của Safaricom. Năm 2012, Safaricom, công ty con thuộc tập đoàn viễn thông khổng lồ Vodafone của Anh, giới thiệu M-Shwari, tài khoản tiết kiệm và dịch vụ cho vay tích hợp trong M-Pesa.

Hai năm sau, họ bắt đầu cung cấp loại tài khoản có tính năng khóa số dư của khách hàng trong thời gian cố định, với lãi suất cố định. Quyết tâm cải thiện tình hình tài chính, Murunga cam kết tiết kiệm một đô la Mỹ mỗi ngày thông qua tài khoản bị khóa của cô.

Cô kể, mỗi khi ham muốn mua rượu vodka hoặc giày dép ùa đến, cô lại gửi tiền qua điện thoại. Cô cắt giảm được 2/3 chi tiêu, chỉ còn 10 đô la Mỹ mỗi tuần. Đến năm 2016, cô tiết kiệm 300 đô la Mỹ mỗi năm. Cô bắt đầu mở cửa hàng làm túi xách, và dùng tiền tiết kiệm chi trả cho các khóa học thiết kế. Vợ chồng cô cũng đầu tư vào bất động sản và dành hơn 200 USD mỗi năm để giúp đỡ bạn bè và gia đình.

Nick Hughes, giám đốc của Vodafone, quản lý nhóm năm người có nhiệm vụ tạo ra các sản phẩm không dây có tác động đến xã hội, nảy sinh ý tưởng về M-Pesa ( Pesa có nghĩa là tiền trong tiếng Swahili), dịch vụ cung cấp tiền qua điện thoại di động đầu tiên ở châu Phi, vào năm 2003. Ý tưởng của Hughes là thiết lập hệ thống chuyển tiền kỹ thuật số hoạt động trên điện thoại di động cá nhân.

Kể từ thời điểm ra mắt năm 2007, M-Pesa đã bùng nổ về quy mô và mức độ phổ biến. Tài xế taxi tại Kenya không vui khi hành khách cố gắng trả tiền mặt. 96% hộ gia đình tại Kenya hiện giao dịch qua M-Pesa. Trước M-Pesa, chỉ 27% trong tổng số 38 triệu người Kenya có tài khoản ngân hàng. Dân số Kenya đã tăng lên 51 triệu người, và 83% có tài khoản thanh toán hoặc tài khoản tiết kiệm. Dịch vụ mở rộng đến tám quốc gia, bao gồm Ai Cập và Ấn Độ. Miễn phí với số tiền gửi dưới 50 xu. M-Pesa tính phí 1% đến 2% với số tiền lớn hơn.

Thông qua các công ty con khác nhau, M-Pesa thu về cho Vodafone khoảng 840 triệu USD phí thường niên. Việc M-Pesa được chấp nhận rộng rãi tạo tác động lớn đến bối cảnh khởi nghiệp ở Nairobi. Các nhà cung cấp hàng tiêu dùng lâu dài giới thiệu các chương trình chi trả theo khả năng để thu hút thêm hàng triệu khách hàng mới.

Ví dụ, công ty ba năm tuổi Deevabits, có trụ sở tại Nairobi, bán hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà trị giá 80 USD cho các ngôi làng hẻo lánh hiện không có điện. Mọi khách hàng đều dùng M-Pesa để chi trả số tiền ban đầu. Họ trả phần còn lại thông qua M-Pesa với số tiền tăng thêm 50 xu mỗi ngày trong tám tháng.

“Sự hiện diện của M-Pesa làm thay đổi phương thức kinh doanh tại Kenya,” David Wanjau, 32 tuổi, nhà sáng lập và là CEO của Deevabits, nói. “Chúng tôi không thể hoạt động mà không có M-Pesa.”

DIXIE MOORE TỪNG BỊ CĂNG THẲNG VÌ CÁC KHOẢN THANH TOÁN từ đầu đến cuối tháng. Là mẹ đơn thân của hai đứa con nhỏ ở tuổi 25, cô kiếm được 12,25 USD mỗi giờ nhờ làm trợ lý quản lý tại một nhà hàng thuộc chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Bojangles ở Canton, Georgia.

Năm 2011, cô trả 30 USD hằng tháng để duy trì tài khoản thanh toán tại Wells Fargo, nhưng khi một chi phiếu bị từ chối và nhiều khoản phí thấu chi khiến cô có số dư âm 1.200 USD, cô bị đóng tài khoản. Cô thường xuyên phải trả 6 USD để đổi chi phiếu lương sang tiền mặt. “Tôi lâm vào khó khăn,” cô nói.

Và rồi một người bạn nói với cô về MoneyCard, sản phẩm mang thương hiệu Walmart do Green Dot – công ty có trụ sở tại Pasadena, California và là nhà cung cấp thẻ ghi nợ trả trước lớn nhất tại Hoa Kỳ – vận hành. Hiện tại, chủ của cô chuyển lương trực tiếp vào thẻ và cô dùng thẻ này thanh toán mọi thứ, từ hàng tạp hóa đến khám nha khoa. “Đây thực sự là điều may mắn,” cô nói.

Green Dot cung cấp giải pháp tài chính cứu nguy cho những người như Moore. Trước khi bắt đầu sử dụng thẻ hai năm trước, cô là một trong số 7% hộ gia đình tại Hoa Kỳ – tương đương khoảng 14 triệu người trưởng thành – có thu nhập hoàn toàn bằng tiền mặt. Do cựu DJ Steve Streit lập năm 1999, công ty ban đầu tập trung vào thanh thiếu niên muốn mua sắm trực tuyến.

Nhưng năm 2001, nhận thấy một cơ hội lớn hơn, Green Dot đã chuyển trọng tâm sang những người trưởng thành hiện dùng thẻ của công ty do điểm tín dụng xấu hoặc không thể gánh các khoản phí của ngân hàng thương mại. Lợi thế của thẻ rút tiền mặt: khi người dùng tiêu hết tiền trong thẻ của họ thì cũng giống như hết tiền giấy.

Họ tránh được các khoản phí thấu chi có khi lên tới 35 USD cho một lần vi phạm. Thẻ cũng giúp người dùng có thể mua hàng trực tuyến. Ông Streit, 57 tuổi, cho biết, gần 40% trong số năm triệu khách hàng của Green Dot là những người trước đó không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản.

Năm 2007, ông ký một hợp đồng với Walmart, nhờ đó mang lại cho chuỗi siêu thị này thêm 130 triệu khách hàng: thẻ tiền mặt với mức phí hằng tháng chỉ 3 USD (hiện nay là 5 USD). Mức phí này thấp hơn mức gần tám đô la Mỹ mà những người mua thẻ tại các cửa hàng như CVS phải trả hằng tháng. Doanh số bán thẻ Walmart tăng đột biến giúp bù đắp lại khoản thâm hụt do mức phí hằng tháng thấp hơn.

Năm 2010, Streit đưa công ty lên sàn. Tuy Green Dot đạt doanh thu một tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, nhưng giá cổ phiếu của công ty đã giảm 40% trong tháng 8 vừa qua sau khi hạ thấp doanh thu kỳ vọng, với lý do là số lượng đối thủ có nguồn tài trợ dồi dào đang gia tăng. Nhưng tin xấu của Green Dot lại là tin tốt cho những người không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản tại Hoa Kỳ.

Các dịch vụ tiền mặt trên nền tảng điện thoại thông minh của các công ty khởi nghiệp nhận vốn đầu tư mạo hiểm như Chime, ngân hàng kỹ thuật số sáu năm tuổi có trụ sở tại San Francisco, và công ty thanh toán kỹ thuật số Cash App thuộc Square, đang ký hợp đồng với hàng triệu khách hàng. Michael Chu, giáo sư trường kinh doanh Harvard, cựu đối tác của KKR, nhà đồng sáng lập Compartamos – công ty cho vay tài chính vi mô lớn nhất ở Mỹ Latinh, có trụ sở tại Mexico City – nói cơ hội phục vụ những người không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản tại Hoa Kỳ là “rất lớn”.

Thế nhưng, nghịch lý là quốc gia giàu có nhất thế giới lại đặt ra một số rào cản lớn nhất cho những nhà đổi mới trong lĩnh vực tài chính. Một điều khoản bổ sung trong luật tiểu bang nhằm bảo vệ người vay khỏi những kẻ cho vay vô đạo đức, và luật liên bang về chống rửa tiền khiến các công ty khởi nghiệp lọt vào một mê cung đầy những điều luật ngăn cấm.

Một vấn đề khác: Công nghệ chuyển tiền giữa các tổ chức tài chính Hoa Kỳ lạc hậu, chậm chạp và tốn kém. Trong khi M-Pesa chuyển tiền từ điện thoại di động đến khắp Kenya chỉ trong vài giây mà hầu như không tốn phí, một giao dịch chuyển tiền điện tử từ Miami đến New York có thể mất hai ngày và chi phí lên tới 40 USD.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh toàn cục thì đây là chỉ những trở ngại nhỏ. Fed hứa sẽ xây dựng hệ thống chuyển khoản mới với nhiều cải tiến của Hoa Kỳ vào năm 2024. Các doanh nhân sẽ vận động hành lang – hoặc cải tiến – các sách lược của họ quanh các rào cản quan liêu. Chung quy, sẽ có đến hàng tỉ đô la Mỹ được tạo ra – và vô số cuộc đời được cải thiện.

**********

Xem bài viết gốc tại đây

Tìm hiểu thêm về cộng đồng Táo Khởi Nghiệp tại đây

Tìm hiểu về các dịch vụ mà Táo Khởi Nghiệp cung cấp tại đây.

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây