Từ bỏ công việc ổn định, lương cao ở Hà Nội để vào Nam khởi nghiệp, Trần Đại Dương – CEO và Founder của Interloan – đã tạo nên một doanh nghiệp công nghệ tài chính mang lại nhiều lợi ích và giá trị cho người lao động.

  • Founder giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn dắt đến con đường khởi nghiệp.

Mình là Trần Đại Dương, hiện mình đang là CEO và Founder của Interloan. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương ở Hà Nội, mình gắn bó với lĩnh vực tài chính ngân hàng. 

Công việc đầu tiên của mình là kiểm toán. Tuy nhiên, sau 6 tháng thì mình nhận ra công việc này không phù hợp với bản thân. Cũng tình cờ vào thời điểm đấy, mình có cơ hội tham gia dự án tái cấu trúc ngân hàng của Maritime Bank. Sau dự án, mình đảm nhận vị trí liên quan đến tài chính tại nơi đây từ 2011 đến 2014. 

Trong năm 2014, mình nhận thấy ngân hàng tương đối ổn định, không còn nhiều bứt phá về thị trường hay sản phẩm. Ngược lại, thị trường tài chính tiêu dùng lại cực kỳ hấp dẫn. Đó cũng là cột mốc khởi nguồn cho Home Credit, FE Credit và hàng loạt dự án tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.

Vì khi ấy thị trường tài chính tiêu dùng tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh nên mình đã quyết định rời Hà Nội. Từ khi vào Sài Gòn, mình dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Kể ra mình cũng tham gia tầm 3, 4 dự án, thành công có, thất bại có, nhưng mình vẫn gắn bó với mảng tài chính. Ví dụ như mình từng bắt tay với Agency (đại lý liên quan tới bán hàng, tín nợ cho các công ty tài chính tiêu dùng). Lúc đấy thị trường đang trong đà phát triển nên dự án cũng đã diễn ra tốt đẹp, song vì đặc tính phụ thuộc vào thị trường, nên khi thị trường suy giảm, dự án cũng bắt đầu chậm lại. Ngoài ra, mình cũng tham gia vào các lĩnh vực tài chính khác cho đến năm 2018, mình bắt đầu thành lập và gắn bó với Interloan cho tới tận bây giờ.

  • Anh có thể kể câu chuyện mà Interloan được bắt nguồn như thế nào?

Thật ra câu chuyện của Interloan cực kỳ hấp dẫn nhưng cũng đầy chông gai lắm đấy. (Cười)

Tại thời điểm 2018, thị trường tài chính tiêu dùng đã lớn hơn, vững chắc hơn, số lượng công ty mọc lên ngày càng đáng kể. Tuy nhiên, khi làm trong ngành, mình vẫn thấy thực trạng nhiều cán bộ nhân viên, người lao động với mức thu nhập dưới 10 triệu có nhu cầu thiết thực nhưng không được đáp ứng. Bọn mình đã phỏng vấn hơn 2000 người lao động. Kết quả là họ đều trả lời rằng: trong vòng 6 tháng gần nhất, họ luôn có nhu cầu với một số tiền không quá lớn để phòng hờ cho các trường hợp ốm đau, bệnh tật hay các chuyện khẩn cấp các. Song, nếu mượn ngân hàng thì sẽ khó để được cho vay. Các công ty tài chính thì thường đưa ra các sản phẩm không phù hợp hoặc giá thành tương đối cao. Lúc đấy bọn mình trăn trở nhiều lắm.

May mắn là vào thời điểm đó xuất hiện một giai đoạn tương đối “chín muồi” trên thị trường thế giới, và bọn mình đã nghĩ: “Tại sao không kết hợp công nghệ với ý tưởng để tạo ra sản phẩm ứng lương theo mô hình của công ty Lending.” Về mặt bản chất, mô hình ấy sẽ kết nối mọi người trong cùng một doanh nghiệp. Những người hiện tại đang có tiền hoặc dư tiền sẽ cho những người thiếu tiền “ứng lương”.

Lúc đầu, bọn mình chưa biết có nên thành lập doanh nghiệp hay không, một phần vì tính thực thi của dự án, một phần liên quan đến các vấn đề pháp lý. Thành ra khoảng thời gian đầu bọn mình rất thận trọng trong việc có nên bắt đầu hay không.

Cơ duyên xảy đến khi mình tham dự một cuộc thi do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Sau đó mình gặp Angel Investor (Nhà Đầu Tư Thiên Thần), cũng là Co-Founder hiện tại của mình. Anh ấy là một người dày dặn kinh nghiệm trong mảng thanh toán. Anh đã giúp mình hiểu được rằng mặc dù chưa có hành lang cơ sở pháp lý nhưng hoạt động dân sự giữa cá nhân với cá nhân vẫn hợp lệ theo quy định của pháp luật. Nếu mình làm nghiêm túc và quản lý chặt chẽ thì vẫn có cơ hội gia nhập vào thị trường đầy tiềm năng này. Nhờ sự tư vấn đấy mà bọn mình đã yên tâm thành lập Interloan.

“Lúc đầu, bọn mình chưa biết có nên thành lập doanh nghiệp hay không, một phần vì tính thực thi của dự án, một phần liên quan đến các vấn đề pháp lý. Thành ra khoảng thời gian đầu bọn mình rất thận trọng trong việc có nên bắt đầu hay không.”

  • Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà anh từng trải qua là gì?

Thật ra nói về biến cố thì cũng chưa đến mức đấy đâu. Nhưng mà “sự kiện đặc biệt” thì có đấy. Ngay câu chuyện thành lập Interloan, theo mình, đã là một sự kiện rất đặc biệt rồi.

Một sự kiện “ấn tượng” khác gắn với Interloan cũng xảy ra vào những năm đầu thành lập doanh nghiệp. Khi đấy mình mất gần nửa năm chạy công nghệ, xây dựng nền tảng công nghệ in-house để ra mắt sản phẩm. Tầm tháng 8/2019 bọn mình đã ra mắt được sản phẩm, nhưng cũng chính thời điểm này, vấn đề tiếp tục vòng vốn để tung sản phẩm ra thị trường lại nảy sinh.

Cơ duyên lại một lần nữa đến với tụi mình. Khi đấy bọn mình đã tham gia cuộc thi Fintech Challenge 2019 và qua đó, bọn mình đã gặp được nhà đầu tư cũng như kêu gọi thành công 500.000 đô cho Interloan. Đây chính là cơ sở vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.

Cũng tại năm 2018, thị trường P2P Lending tương đối “lộn xộn”. Có nhiều mô hình khác nhau đồng thời cũng có nhiều doanh nghiệp chưa thực sự làm P2P Lending nhưng họ lại nhận họ đang làm trong lĩnh vực này. Mình cũng thấy kha khá người thực hiện Online Lending và họ tăng trưởng rất nhanh vì ai họ cũng cho vay và tự cho vay. 

Khi đấy, nhiều người thắc mắc tại sao bọn mình không làm theo mô hình như vậy để có thể kiếm tiền nhanh hơn và nhìn hấp dẫn hơn. Thật ra bọn mình hiểu những mô hình như vậy thường lãi suất rất cao, không bền vững và đặc biệt là khác với định hướng cũng như giá trị cốt lõi “giúp đỡ người lao động” của bọn mình. Thế là bọn mình vẫn kiên định kết nối với những doanh nghiệp đã được định hình từ trước, tuy bước tiến chậm nhưng vô cùng an toàn, chắc chắn.

Năm 2019, các cơ quan, bộ ban ngành đã rà soát hoạt động của các doanh nghiệp. Tiếp đến, năm 2020, vì không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn kèm theo đó là các mức phí, lãi họ đặt trên thị trường quá cao khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Thế nhưng, như các bạn có thể thấy, Interloan vẫn hoạt động ổn định và ngày càng tạo dựng được uy tín của mình trong lòng khách hàng. Chính nhờ chiến lược tạo nên những giá trị ngắn hạn cho nhóm khách hàng của mình mà Interloan đã “vô tình” hình thành nên giá trị dài hạn một cách bền vững như ngày hôm nay.

  • Kể 3 từ mà người khác mô tả về anh.

Hơi khó đấy. (Cười)

Bình thường khi gặp mình lần đầu hoặc khi chưa quen biết, mọi người sẽ cảm giác mình là một người “khó tính” và “khó gần”. Thật ra trong công việc mình rất nghiêm túc. 

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc chung thì mọi người thường nhận xét mình là một người thấu hiểu, biết lắng nghe, và có tính hợp tác cao. Mình thường đề cao những lợi ích cho mối quan hệ hợp tác của hai bên, dù là giữa sếp với nhân viên hay đối tác với đối tác.

“Mình thường đề cao những lợi ích cho mối quan hệ hợp tác của hai bên, dù là giữa sếp với nhân viên hay đối tác với đối tác.”

  • Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Mình thích du lịch lắm, nhưng bây giờ thì … chịu rồi!

Mình thuộc dạng “chân đi”, muốn khám phá những địa điểm mới. Ở Việt Nam mình đã đi hết các tỉnh, thành phố; còn khu vực nước ngoài thì mình cũng có cơ hội đặt chân đến một số quốc gia. Nhưng mà, hai năm gần đây vì tình hình dịch mà sở thích đấy đang tạm thời không được đáp ứng.

  • Thần tượng mà anh hâm mộ?

Người mà anh rất thần tượng trong cuộc sống là Elon Musk – Founder của Tesla. Anh ấn tượng bởi năng lượng và tư duy của bác. Thật ra bác làm khá nhiều chuyện mà theo anh thì nó hơi “ngớ ngẩn”, nhưng tầm nhìn của bác thì hoàn toàn vượt ra khỏi giá trị bản thân, tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trên toàn thế giới. Bác hoàn toàn có thể đặt lại các tiêu chuẩn trong nhiều ngành nghề, từ xe điện, vũ trụ cho đến tài chính và khiến cho nhiều người sẵn sàng cống hiến vì tầm nhìn đặc biệt của bác.

  • Anh có thể chia sẻ cuốn sách mà anh yêu thích nhất?

Mình là một người rất thích đọc sách, nhưng cuốn sách mình tâm đắc nhất, đến nỗi mình nhất định phải đọc lại mỗi năm, đó là Mastery (Làm Chủ) của Robert Greene. Có thể mức độ phổ biến của cuốn sách chưa cao, tuy nhiên Mastery  đã vẽ cho mình một hành trình mà đến tận bây giờ mình vẫn còn áp dụng. Mình phải đọc lại cuốn sách để xem hiện tại mình đang ở đâu trên hành trình trí tuệ đó.

  • Câu quote yêu thích của anh là gì?

Thật ra mình không có câu quote yêu thích đâu, vì mỗi quote sẽ thay đổi và đúng trong một thời điểm, hoàn cảnh nhất định. 

Nhưng để thể hiện quan điểm của mình trong lĩnh vực kinh doanh thì mình có một câu nói, cũng là tựa của một cuốn sách. Đó là: “Kinh doanh và thành công bằng sự tử tế”. Trong lĩnh vực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của người tạo nên sản phẩm được đánh giá rất cao. Bởi thường người dùng sản phẩm sẽ không có kiến thức nhiều về các vấn đề lãi suất, các điều khoản, điều kiện, mức phí,… Đôi khi người tạo nên sản phẩm có thể đánh lừa người dùng, và về lâu về dài, người tiêu dùng sẽ nhận ra được điều đó. Mình luôn nhắc nhở bản thân cũng như tập thể Interloan phải thành công, kinh doanh bằng chính sự tử tế.

“Mình luôn nhắc nhở bản thân cũng như tập thể Interloan phải thành công, kinh doanh bằng chính sự tử tế.”

  • Định hướng trong năm 2022 của anh là gì?

Thứ nhất, bọn mình vẫn sẽ tập trung hoàn toàn vào việc thiết kế các sản phẩm dành cho phân khúc người lao động.

Thứ hai, bọn mình muốn dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính, không chỉ riêng năm 2022 mà còn các năm về sau. Mình muốn thúc đẩy tốc độ giao dịch một cách nhanh hơn, hoàn thiện hơn để đem lại những giá trị tốt nhất cho người dùng.

  • Ngày trước, anh có bao giờ nghĩ mình sẽ khởi nghiệp không?

Không đâu. (Cười)

Thật ra hầu hết mọi người trong gia đình mình đều làm công chức nhà nước nhiều hơn là kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Từ nhỏ mình không nghĩ khởi nghiệp sẽ là công việc của mình. Thế nhưng qua thời gian, mình nhìn thấy những cơ hội, cơ duyên để bắt đầu, và mình đã không ngần ngại chớp lấy chúng.

  • Lời khuyên dành của anh cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Mình không phải là người quá nhiều kinh nghiệm dày dặn trong việc khởi nghiệp đâu. Thậm chí, mình nghĩ rất nhiều bạn trẻ bây giờ rất giỏi, họ đều nổi bật cả về kĩ năng lẫn công nghệ.

Tuy nhiên, nếu có đôi lời góp ý cho các bạn đi sau, thì mình muốn nhắn gửi đến các bạn rằng: Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng là tấm gương phản chiếu của Founder và CEO, từ văn hóa đến tính cách của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi mình muốn tạo dựng một doanh nghiệp như thế nào thì bản thân mình phải tương xứng như thế. Ví dụ, một doanh nghiệp quy mô lớn thì bản thân người CEO phải có tầm. Tạo dựng doanh nghiệp tử tế thì người lãnh đạo cũng phải có tố chất tốt bụng, vì lợi ích chung.

Cảm ơn anh về buổi chia sẻ!

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây