Đam mê mạnh mẽ với khởi nghiệp, Nguyễn Văn Trường là một founder tài năng với kinh nghiệm làm việc ấn tượng và bốn lần khởi nghiệp ngay từ những ngày đại học. Hãy cùng Táo Khởi nghiệp lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp đầy thú vị của anh!

Anh có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Anh là Trường, sinh năm 1997. Hiện tại anh đang startup sản phẩm Mgamee chuyên về game marketing. Khách hàng có thể mua và chỉnh sửa game ở trên nền tảng này, còn người bán là các game developer (Người phát triển game – PV). Mgamee hoạt động như một marketplace (Một hình thức thương mại điện tử – PV) chuyên về game marketing (Quảng cáo thương hiệu qua game – PV) thôi.

Vì sao anh chọn con đường startup? Anh nghĩ lý do lớn nhất vẫn là mong muốn được làm điều gì đó cho xã hội. Ngoài ra, bạn bè cũng là một nguồn cảm hứng cho anh. Khởi nghiệp với anh còn là một đam mê nữa. Hoặc đơn giản khi anh thấy một cơ hội, anh sẽ startup thôi.

Anh đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào?

Về quá trình startup của anh, anh từng startup ba sản phẩm trước đây rồi. Ngay từ năm ba đại học anh đã khởi nghiệp với sản phẩm đầu tiên nhưng rất tiếc thất bại. Sản phẩm thứ hai của anh là Ralava – Ứng dụng phân loại rác để tích điểm, đổi quà. Khi vẫn còn hoạt động, Ralava đã kêu gọi được số vốn 2 tỷ cho 10% cổ phần. Tuy nhiên sau khi gọi vốn thì lại thất bại. Sản phẩm này thất bại do nhiều yếu tố, nhưng nó đã hoạt động trong khoảng hai năm. Nói rõ ràng hơn, Ralava vẫn chưa hẳn thất bại nhưng bọn anh cũng không có hướng đi tiếp theo. Còn sản phẩm thứ 3 là một nền tảng về sự kiện nhưng anh đã bán lại rồi. Sự kiện không thật sự là sở thích của anh. Hồi đó làm cho một công ty về tổ chức sự kiện và anh có ý tưởng phát triển nên anh đề xuất sản phẩm này và được founder của công ty, anh Tuấn Hà đầu tư. Nhưng sau đấy có mâu thuẫn nên anh chuyển nhượng lại cho anh Tuấn Hà tiếp tục phát triển dự án. Còn cuối cùng là sản phẩm này về game marketing.

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà anh từng trải qua? Và cách anh đối mặt với nó?

Khởi nghiệp luôn có nhiều khó khăn, nhưng với anh khó nhất vẫn là tìm được một cofounder (Người đồng sáng lập – PV) phù hợp. Anh cần một cofounder có thể đi cùng mình lâu dài, và để được lâu dài anh thấy cofounder cần có các giá trị sau đây: Đầu tiên là sự phù hợp về kỹ năng, thứ hai là phù hợp với văn hoá doanh nghiệp, với đội nhóm. Thứ ba là một niềm đam mê thật sự với sản phẩm. Phải có đam mê và một lý do để bắt đầu thì mới có thể đi xa được.

Anh cũng rất quan trọng thái độ trong công việc và trong thực tế. Ngoài ra, anh thấy việc có một tầm nhìn rộng cũng rất cần thiết. Khi startup thành công, với một cofounder không có tầm nhìn xa có thể sẽ dẫn đến các tranh chấp về tiền, về cổ phần không đáng có; khi thất bại cũng có thể rút sớm chẳng hạn. Tuy nhiên, thái độ, kỹ năng, tầm nhìn, sự phù hợp văn hoá đều chỉ là những yếu tố cần, và không bao giờ quan trọng bằng lý do bạn ấy bắt đầu, bởi nếu lý do bắt đầu không rõ ràng, không đủ lớn thì sẽ rất khó để đi xa. Đó là tất cả những yếu tố anh tìm kiếm ở một cofounder.

Nhưng khó khăn ở đây là gì, ví dụ anh có thể tìm được người phù hợp nhưng người ta lại chưa có đủ kinh nghiệm thì vẫn rất khó, chỉ còn cách training lẫn nhau để cùng đi lên thôi. Thường nhóm không đủ kỹ năng khó có thể đi lâu dài, vì chẳng ai biết gì để hướng dẫn nhau. Tìm được cofounder là một vấn đề khó của các startup. Tất nhiên trong doanh nghiệp luôn có khó khăn, nhưng khó khăn về con người vẫn là khó khăn quan trọng nhất. Business model (Mô hình kinh doanh – PV) có thể thay đổi được, khách hàng mình có thể cố gắng tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu của họ, nhưng để đi được đến những bước đó thì đội ngũ phải rất chắc chắn vì càng đi xa mình càng có thêm nhiều khó khăn hơn nữa.

Anh Nguyễn Văn Trường và đội ngũ

“Anh nghĩ lý do lớn nhất vẫn là mong muốn được làm điều gì đó cho xã hội”

Với việc tìm kiếm cofounder, anh có lời khuyên như thế này: Hoặc làm một mình và thuê người khác về làm hộ, còn nếu đã tham gia cùng cofounder thì ít nhất bạn ấy phải tham gia vào dự án với cam kết rất rõ ràng. Để tìm được người phù hợp tất cả những yếu tố ở trên, cả hai nên từng có trải nghiệm với nhau trong quá khứ, không chỉ trong công việc, tốt nhất là những người đã làm việc với mình từ trước trong 1-2 dự án bên ngoài, hoặc đã trải nghiệm thất bại với mình.

Dù gì, quan trọng nhất vẫn là bạn cofounder đó phải có đam mê đủ lớn thì mới tham gia được. Mà sau khi đã tham gia thì phải phân quyền rất rõ ràng. Cofounder của mình mạnh ở điểm này, để anh ấy làm phần này sẽ phù hợp, ví dụ thế. Thường các startup không có sự chuẩn bị rõ ràng về việc phân quyền sớm muộn gì cũng thất bại bởi nội bộ đấu đá, tranh quyền, tranh phần trăm rất phức tạp.

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của anh là gì?

Do tình hình Covid, khách hàng có xu hướng chuyển lên online nhiều hơn. Đây là một cơ hội nhưng đồng thời cũng là một thách thức, bởi nếu mình không chuẩn bị kịp về mặt con người, tức đội ngũ sáng lập, đội ngũ thành viên, và thứ hai là sản phẩm của mình chưa hoàn thiện thì cũng rất khó để tận dụng hết cơ hội này.

Trong thời gian năm tới anh sẽ quay lại chấn chỉnh đội ngũ, vì hiện tại đang có một số vấn đề về nhân sự. Đồng thời anh sẽ phát triển các sản phẩm, anh muốn tối ưu hoá sản phẩm để phù hợp với thị trường hơn. Đó là định hướng sắp tới của team, mình sẽ đi từ từ và đi cho chuẩn các bước về nhân sự, về sản phẩm, để làm sao đạt được product market fit (Khi một startup đạt được Product/Market Fit là thời điểm họ làm ra một sản phẩm mà khách hàng muốn – PV).

Hãy kể 3 từ về bản thân anh cảm thấy đúng nhất?

Thứ nhất là khá vui vẻ, tuy nhiên trong công việc anh hơi hung dữ một chút. Anh cũng khá sáng tạo. Và thứ ba là full – stack, tức là anh khá đa năng, anh gần như biết tất cả mọi thứ trong doanh nghiệp, trừ những việc liên quan đến tài chính anh không quá giỏi, còn đa số về doanh nghiệp anh cũng biết hết rồi. Những từ vui vẻ, hay là hung dữ đều là do nhân sự nhận xét, còn với từ full stack là do anh toàn phải gánh team. Anh đã trải qua nhiều môi trường rồi. Ví dụ, ra trường anh làm quản lý ở một công ty, thời gian trước anh cũng từng làm ở VinID với vị trí product owner (Product owner là người “sở hữu” sản phẩm. Họ chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề của end-user, từ đó vận hành và cải tiến sản phẩm để đạt được mục tiêu kinh doanh của công ty – PV), và trước nữa anh từng làm Management Trainee (Quản trị viên tập sự – PV) ở Nestle, nên kỹ năng của anh khá đủ về mọi mặt. Để đi sâu vào sẽ còn nhiều vấn đề, nhưng để bao quát tất cả mọi thứ thì anh có thể, trừ những việc liên quan đến lập trình anh không làm được thôi.

Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Sở thích của anh là đọc sách, anh chỉ thích đọc sách thôi. Anh cũng không có sách gối đầu gì cả, chỉ đơn giản là thích sách truyện Trung Quốc. Anh cũng thích đọc sách có ứng dụng thực tế, như là sách về data science (Khoa học dữ liệu – PV) hoặc data visualize (Trực quan hoá dữ liệu – PV). Ngoài ra, anh cũng rất thích đi học, hồi xưa cứ có tiền anh lại dùng để đi học.

Câu quote yêu thích của anh?

“Mỗi khi muốn bỏ cuộc, hãy nhớ lại lý do ta bắt đầu”. Anh quan niệm đã làm là phải làm đến nơi đến chốn và không được bỏ cuộc. Nếu dừng lại, mình không thể biết được kết quả sẽ như thế nào. Thà mình cứ đầu tư, cứ đánh đổi để làm cho có kết quả thì dù thế nào cũng không phải hối hận rằng tại sao lúc đấy mình không làm nốt. Anh chọn câu quote này vì bản thân anh đã trải nghiệm rồi. Anh ngừng lại một số việc ngay trước cửa thành công, nên anh không bao giờ lặp lại việc bỏ cuộc trước khi chưa có kết quả nữa.

Đây cũng là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Ai cũng có cơ hội thành công, nhưng anh thấy đa số đều không tiếp tục. Bộ não của mình luôn đưa ra rất nhiều lý do để không làm tiếp, như là cái này khó lắm, hoặc cái này không ra tiền,… Đó là yếu tố chính khiến mọi người thất bại. Ví dụ như đầu tư chứng khoán, đầu tư đất chẳng hạn, ta có thể thấy tiềm năng tăng trưởng đấy, nhưng lại không bao giờ đầu tư. Quyết định để bắt đầu nó chỉ là một phần nhỏ thôi, đi đến cùng với một điều gì đó mới thật sự khó và không phải ai cũng làm được.

Những người thành công hơn người khác cũng chỉ ở điều này thôi, không phải do họ giỏi hơn hay hiểu biết hơn. Ai là người đến cuối cùng vẫn còn đứng ở đấy, thì người ta sẽ là người hưởng tất cả từ những việc người ta đã làm. Anh quan sát rất nhiều người thành công, họ đều có một ý chí đi đến cùng.

“Mỗi khi muốn bỏ cuộc, hãy nhớ lại lý do ta bắt đầu”

Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Anh nghĩ trước khi khởi nghiệp mình có rất nhiều yếu tố cần suy xét. Thứ nhất, phải tìm hiểu các ưu điểm của bản thân. Các bạn trẻ chỉ nên khởi nghiệp khi họ biết chính xác điểm mạnh của họ là gì. Thứ hai là hướng career path (Con đường nghề nghiệp – PV): Trước khi khởi nghiệp ta phải có kiến thức về thị trường và khách hàng để có định hướng tốt nhất cho startup của mình. Thứ ba là đam mê. Đừng khởi nghiệp chỉ vì bạn thích khởi nghiệp, hay vì tự nhiên có người rủ khởi nghiệp, mà phải vì thật sự có đam mê và thật sự mong muốn đem lại giá trị cho xã hội. Cuối cùng là phải có kiến thức về quản lý. Anh thấy bắt đầu khởi nghiệp mà không có kỹ năng quản lý cũng được thôi nhưng phải luôn ưu tiên kỹ năng này để tập trung đúc rút hàng ngày.

Làm khởi nghiệp mình phải giỏi nhiều kỹ năng, nếu không giỏi có thể tuyển người khác làm thay, phải như thế startup mới có thể phát triển. Nói chung cả kỹ năng mềm và cứng đều phải giỏi, đặc biệt là kỹ năng quản lý phải rất giỏi. Bạn có khởi nghiệp thành công mà không quản lý nổi doanh nghiệp thì chắc chắn bạn sẽ không trụ lâu được, hoặc bạn chỉ đang bán ý tưởng cho người khác làm hộ thôi.

Ngược lại, bạn không nên khởi nghiệp khi bạn chưa rõ mình là ai, chưa rõ bản thân mình muốn gì, giỏi gì. Con đường khởi nghiệp rất mông lung, bạn phải biết rất nhiều thứ nên dần dần bạn sẽ không còn biết chính xác bạn giỏi về cái gì nữa. Ví dụ, một bạn giỏi về giao tiếp nhưng ở trong môi trường khởi nghiệp phải làm được mọi thứ, bạn sẽ sớm quên rằng mình có khả năng giao tiếp và không tiếp tục phát triển kỹ năng này nữa. Như thế sẽ rất khó để phát triển bản thân. Và nếu bạn ấy phá sản, đi làm thuê cũng không ai muốn nhận người như thế cả.

Các bạn trẻ có thể không sợ phí thời gian, nhưng nên suy nghĩ về chi phí cơ hội, đó là điều anh muốn mọi người ghi nhớ. Tiếp theo, nếu không có tiền, anh khuyên không nên khởi nghiệp, nói thẳng luôn. Kể cả ít tiền cũng được, nhưng ít nhất phải đủ để đi lâu dài một chút. Nếu mình startup một sản phẩm không kiếm ra tiền, bạn sẽ chết đói trước khi ra được sản phẩm đấy. Mọi người không thể làm việc không mãi được.

Hơn nữa, mình không nên khởi nghiệp khi chưa tìm được những người đồng đội phù hợp. Nếu cứ cố gắng đi cùng những người không phù hợp thì không thể đi nhanh được. Mình có thể gánh team nhưng càng về sau càng không thể nào gánh nổi, team mình sẽ thất bại. Và nếu mình chưa thật sự hiểu khách hàng cần gì thì cũng không nên khởi nghiệp. Đừng chỉ theo ý thích của mình, phải có kiểm chứng xem ý thích đấy có phù hợp hay khách hàng có thật sự cần điều đó không.

Còn về quản trị, về tiền nong, anh muốn nhấn mạnh đừng nên khởi nghiệp khi bạn chưa thật sự hiểu giá trị của đồng tiền hay chưa tìm hiểu rõ về cách quản lý tiền. Founder không quá giỏi về quản số, quản trị tiền nong cũng sẽ rất khó để phát triển về mặt kinh doanh, vì lãi lỗ thế nào cũng không nắm rõ. Điều này rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngay lập tức. Người ta bảo, vốn đến từ nhiều nguồn. Thứ nhất là tiền, thứ hai là quan hệ, thứ ba là kiến thức và thứ tư là khả năng của bản thân. Nếu chưa đủ tất cả những nguồn vốn này tốt nhất đừng khởi nghiệp, không bao giờ có khởi nghiệp không đồng. Ít nhất phải có một cái gì đó trong bốn yếu tố kia. Kể cả mình có tiền nhưng không có những điều còn lại thì vẫn rất khó, ít nhất cũng phải có một yếu tố nữa, ví dụ quan hệ để bù vào.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ của mình!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây