Việc lái xe điện, chọn đi tàu điện thay vì máy bay hoặc sử dụng ít nhựa hơn – chúng ta biết có nhiều điều chúng tôi có thể làm để giảm bớt gánh nặng cho môi trường. Nhưng bạn có sẵn sàng từ bỏ việc xem hay phát video không?

Việc gửi hàng chục email mỗi ngày, gọi nhanh trên WhatsApp, tải một số ảnh lên các đám mây (cloud), xem một đoạn clip ngắn trên YouTube: Tất cả là một phần của cuộc sống kỹ thuật số hàng ngày trên toàn thế giới. Trên phương diện cá nhân, nó có thể “chỉ là một bức ảnh” hoặc “chỉ là một video vài phút”, nhưng nếu những thứ đó được thực hiện cùng nhau, lưu lượng truy cập internet đồng thời của chúng ta góp phần rất lớn vào sự biến đổi khí hậu.

Tất cả mọi thứ, máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh đều cần điện. Để tạo ra điện đó, trên thế giới vẫn chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thứ sản sinh ra carbon dioxide và góp phần tạo ra khí nhà kính.

Các công nghệ kỹ thuật số thậm chí đã vượt qua ngành hàng không vũ trụ về lượng khí thải carbon. Theo một nghiên cứu gần đây của The Shift project có trụ sở tại Paris, mặc dù tỷ lệ phát thải CO2 toàn cầu được ước tính là khoảng 2,5% và đang tăng lên, gần 4% tổng lượng phát thải CO2 hiện có thể được quy cho việc truyền dữ liệu toàn cầu và cơ sở hạ tầng cần thiết. Tổ chức phi chính phủ (NGO) này đang nghiên cứu các cách để thiết kế lại nền kinh tế thế giới để nó vận hành bằng năng lượng tái tạo.

Các tính toán bao gồm cả chi phí năng lượng để tạo ra cơ sở hạ tầng Công Nghệ Thông Tin (CNTT), sự sử dụng thực tế của cơ sở hạ tầng đó tiêu thụ điện năng nhiều hơn 10% so với việc sản xuất tất cả các thiết bị và công nghệ kết hợp.

Theo dự báo của gã khổng lồ CNTT Cisco, đến năm 2022, khoảng 60% dân số thế giới sẽ kết nối trực tuyến (online) được, và video chiếm hơn 80% tổng lưu lượng truy cập internet. Maxime Efoui-Hess, một chuyên gia về năng lượng và môi trường tại The Shift Project, tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Chúng tôi cần khẩn trương xem xét lại tương lai của việc sử dụng Internet và suy nghĩ về việc cắt giảm nó.”

“Chúng ta có nguồn năng lượng rất hạn chế”, ông chỉ ra rằng “Ngay cả khi chúng ta chuyển sang năng lượng tái tạo ngay bây giờ, Internet đã là một thứ phổ biến trên toàn thế giới, vì vậy nó sẽ yêu cầu mọi quốc gia trên thế giới phải cung cấp năng lượng tái tạo.” Nhưng ông nói rằng mục tiêu này không thể thực hiện được trong thời gian ngắn như vậy, có nghĩa là chúng ta không thể để việc sử dụng internet tăng nhanh như vậy.

Phần lớn nhất trong đó là lưu lượng video: 80% tất cả dữ liệu được truyền trực tuyến là dữ liệu dạng video, với gần 60% là video trực tuyến, nghĩa là video được lưu trữ trên máy chủ và được xem từ xa, thông qua các trang web như Netflix, YouTube hoặc Vimeo.

Vấn đề là việc truyền tải video trực tuyến rất hao tốn dữ liệu. Năm 2018, lưu lượng truy cập video trực tuyến chịu trách nhiệm cho hơn 300 triệu tấn CO2, tương đương với lượng CO2 Tây Ban Nha thải ra trong một năm ở tất cả các lĩnh vực. Độ phân giải của video càng cao thì càng cần nhiều dữ liệu. Một bộ phim mười giờ với độ phân giải cao tiêu thụ nhiều bit và byte hơn tất cả các bài báo Wikipedia bằng tiếng Anh cộng lại.

Cách chúng ta xem video và phim cũng đã thay đổi hoàn toàn. Trong quá khứ, các bộ phim kể một câu chuyện với hình ảnh và âm nhạc chuyển động; ngày nay, video trực tuyến chủ yếu được sử dụng để thu hút sự chú ý của người xem càng lâu càng tốt. “Nó có sự di chuyển, có âm thanh, điều đó hấp dẫn não của chúng ta,” Efoui-Hess nói. “Nhưng nó có thể dẫn đến hành vi gây nghiện.”

Các nền tảng như YouTube, Facebook và Netflix ngày càng khai thác sở thích sinh học này. Chức năng tự động phát cho phép video bắt đầu tự động, không có âm thanh và có phụ đề giúp thông tin dễ dàng tiêu thụ hơn. “Đó chỉ là cách nó hoạt động để khiến bạn xem toàn bộ video.”

Phương tiện là điều rất quan trọng

Liệu sự khao khát ngày càng tăng đối với các video này có thể được thỏa mãn, theo hướng có thể giúp khắc phục các vấn đề về khí hậu? Hay chúng ta phải tiếp tục mà không có phim truyền hình và các thể loại phim yêu thích? Efoui-Hess chỉ ra rằng nếu xem một cái gì đó trên một chương trình phát sóng truyền hình tiêu chuẩn sẽ tốt hơn hẳn. Tương tự, phát sóng cũng tiêu thụ điện, nhưng dữ liệu chỉ được truyền qua một khu vực địa lý hạn chế, chứ không phải là nửa vòng trái đất như trường hợp của video streaming.

Lutz Stobbe, nhà nghiên cứu tác động môi trường của công nghệ thông tin và viễn thông tại Viện Fraunhofer ở Berlin cho biết khi nói về truyền dữ liệu, phương tiện là rất quan trọng, ví dụ như công nghệ cụ thể nào sẽ được sử dụng để đem dữ liệu đến người tiêu dùng.

Truyền tải dữ liệu di động đang tiêu thụ nhiều điện năng nhất. Khi việc truyền tải cơ bản bị cắt đứt, ví dụ như các vấn đề về cấu trúc của các tòa nhà, thảm thực vật và thời tiết đều có thể làm suy yếu sóng điện từ và dẫn đến các video đệm. Vì lý do đó, tín hiệu truyền cần phải được tăng cường đặc biệt là khi tín hiệu được truyền qua khoảng cách quá xa hoặc thông qua các dạng cáp đồng cũ.

“Các bộ khuếch đại công suất thường có hiệu suất điện thấp, tức là khoảng một nửa năng lượng thực tế được sử dụng để truyền dữ liệu bị mất dưới dạng nhiệt”, Stobbe nói. “Công nghệ truyền dẫn hiệu quả nhất là cáp quang, nghĩa là truyền tín hiệu bằng ánh sáng.”

Người Đức chủ yếu lướt internet bằng dây cáp đồng; tính đến năm 2017, chỉ hơn 2% trong số tất cả các kết nối băng thông rộng ở Đức sử dụng cáp quang. Ngược lại, mạng truyền thông di động (mobile communication) đang được mở rộng trên quy mô lớn.

Để giúp tiết kiệm năng lượng, Stobbe hiện đang nghiên cứu một thứ gọi là điện toán cạnh (edge computing), trong đó dữ liệu được lưu trữ cục bộ khiến cho chúng gần với người tiêu dùng hơn, nhất là ở những trung tâm dữ liệu ở các thành phố lớn. Theo cách đó, dữ liệu không phải đi quá xa để đến nơi cần đến.

Công nghệ bị vắt kiệt sức

Stobbe cho biết những hy vọng các thiết bị cho thế hệ tiếp theo giúp tiết kiệm năng lượng hơn sẽ gây thất vọng lớn. Khi nói đến công nghệ, hiệu quả năng lượng đã không được cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua. Đó là lý do tại sao tốt nhất nên sử dụng các thiết bị cũ của bạn càng lâu càng tốt, ông nói.

Những gì còn lại là những điều chỉnh nhỏ với thói quen hàng ngày của chúng ta. Stobbe nói, “Đây là những gì được gọi là vệ sinh kỹ thuật số (digital hygiene). Bạn có thực sự cần phải tải 25 hình ảnh của cùng một nội dung lên cloud không? Mọi bức ảnh, mọi video đều được sao lưu (back-up) liên tục vì lý do an toàn, điều đó gây tốn năng lượng kinh khủng cho mỗi lần. Nếu thay vào đó bạn xóa một vài thứ ở chỗ này chỗ kia, bạn có thể tiết kiệm một lượng năng lượng đáng kể.”

Efoui-Hess cũng ủng hộ những thay đổi nhỏ nhất. “Sử dụng Wi-Fi, không phải mạng di động, xem trên màn hình nhỏ nhất bạn có thể, và nó không thực sự cần thiết khi xem video với độ phân giải cao trên smartphone”, ông chỉ ra rằng việc xem video độ phân giải cao trên smartphones qua mạng di động tiêu tốn nhiều điện năng nhất và điều đó thực sự tệ cho khí hậu.

Để nâng cao nhận thức về tác động của công nghệ trong cuộc sống hàng ngày đối với khí hậu, The Shift Project đã phát triển một tiện ích bổ sung (add-on) cho trình duyệt máy tính để đo lượng khí thải CO2 tạo ra suốt qua trình dùng Internet. Tuy nhiên, NGO này không đặt trách nhiệm duy nhất lên người dùng cuối; họ tin rằng vấn đề nên được thảo luận như một phần quan trọng của chương trình nghị sự chính trị. Nhưng cho đến hiện tại, cả chính phủ và các tổ chức quốc tế đều không nhận ra vấn đề, nói gì đến nỗ lực mang lại sự thay đổi.

Nguồn: DW

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây