Đây là câu hỏi muôn thuở mà những nhà sáng lập đều đau đáu hàng đêm để tìm cho mình một câu trả lời. Rất đáng tiếc đa số họ đều không thành công. Mình cũng đã và đang như thế. Và mình rất đồng cảm khi đọc bài này của bác Paul, nên mình quyết định dịch nó ra cho mọi người cùng đọc.

Paul Graham là một trong những nhân vật quyền lực ở Silicon Valley, là đồng sáng lập Y Combinator — cái nôi của rất nhiều startup thành công ở thời điểm hiện tại như Airbnb, Stripe, Dropbox… Bản thân bác cũng là founder của Viaweb. Viaweb là một công cụ trực tuyến giúp những người không giỏi về lập trình có thể tạo ra các trang bán hàng online, vào năm 1995. Nó tương tự như Shopify, Haravan… Paul là người truyền rất nhiều cảm hứng cho các doanh nhân, founder startup trên toàn thế giới vì phong thái gần gũi, hài hước. Là một người nói chuyện duyên dáng và vô cùng ấm áp khi chia sẻ kinh nghiệm cho các hậu bối.

Cách để anh em tìm ý tưởng khởi nghiệp không phải cứ cố gắng nghĩ về các ý tưởng mà phải tìm kiếm các vấn đề, đặc biệt là vấn đề mà chính anh em đang gặp phải. Những ý tưởng khởi nghiệp tốt nhất thường có ba đặc điểm chung: nó là thứ mà chính các founder muốn dùng, các founder có thể build và không nhiều người thấy nó đáng để làm. Microsoft, Apple, Yahoo, Google và Facebook đều thuộc dạng này.

Vấn đề

Tại sao vấn đề của chính founder lại quan trọng đến vậy? Là vì sau tất cả, có một điều chắc chắn là vấn đề đó thực sự tồn tại. Nghe thì có vẻ quá hiển nhiên khi bảo anh em nên tập trung vào các vấn đề thực sự tồn tại. Vậy mà đa số các startup đi giải quyết các vấn đề chả ai cần cả.

Tôi từng gặp lỗi này. Năm 1995 tôi làm một startup để đưa các triển lãm nghệ thuật lên online. Nhưng tréo ngoe là các triển lãm đâu có muốn được đưa lên online! Ngành nghệ thuật không vận hành theo cách đó. Vậy cớ sao tôi lại mất toi 6 tháng để làm cái ý tưởng ngớ ngẫn đó? Tại vì tôi không quan tâm đến người dùng. Tôi đã nghĩ ra một mô hình không thực tế, và xây mọi thứ trên mô hình sai đó. Tôi thậm chí không nhận ra nó sai cho đến khi thuyết phục người ta mua nó. Tôi theo đuổi mô hình đó và tốn rất nhiều thời gian vào việc viết phần mềm. Tôi nghĩ chắc người ta sẽ muốn nó!

Tại sao rất nhiều founder build những thứ mà chả ai muốn? Tại vì họ cố gắng nghĩ ra các ý tưởng khởi nghiệp. Cách làm này nguy hiểm bội phần: nó không chỉ ít sinh ra ý tưởng hay, mà còn sinh ra rất nhiều ý tưởng tệ nghe có vẻ hấp dẫn, và lừa anh em mất nhiều thời gian vào xây dựng nó.

Tại Y Combinator (YC), chúng tôi gọi chúng là những ý tưởng được nhào nặnhoặc những ý tưởng sitcom. Hãy tưởng tượng có một nhân vật trên một bộ phim truyền hình đang khởi nghiệp. Nhà biên kịch sẽ phải nghĩ ra một startup gì đó cho anh ta làm. Nhưng nghĩ cho ra được các ý tưởng khởi nghiệp tốt thì khó lắm thay. Đâu phải cứ nghĩ là ra được đâu. Do đó (trừ phi nhà biên kịch cực kỳ may mắn) lão ta sẽ nghĩ ra các ý tưởng nghe qua thì có vẻ hay, nhưng thực sự thì rất tệ.

Tôi ví dụ mạng xã hội những người nuôi thú cưng (pet owners). Nghe qua thì không có gì sai cả. Hàng triệu người trên thế giới nuôi thú cưng mà. Họ rất thương yêu bọn thú cưng và chi hàng đống tiền cho chúng. Chắc chắn rất nhiều người trong số họ muốn có một nơi để có thể kết nối với những người nuôi thú cưng khác. Chỉ cần 2 hoặc 3% những người đó là khách truy cập thường xuyên thì anh em đã có hàng triệu người dùng. Anh em có thể offer cho họ những dịch vụ đặc biệt hoặc yêu cầu họ trả tiền cho những tính năng cao cấp.

Điều nguy hiểm là khi anh em đi hỏi những người bạn của anh em đang nuôi thú cưng, họ sẽ không nói “Tui sẽ không bao giờ dùng nó” mà họ sẽ nói là “Ye, có thể tui sẽ dùng đấy”. Thậm chí ngay cả khi anh em đã launch sản phẩm, rất nhiều người sẽ nói rằng nó thực sự hay ho. Họ không dùng sản phẩm, ít nhất là ngay lúc này, nhưng họ nghĩ chắc sẽ có nhiều người khác muốn dùng nó. Nếu toàn bộ dân số thế giới đều trả lời như thế, cuối cùng anh em vẫn chỉ có 0 người dùng.

Câu chuyện cái giếng

Khi một startup tốt ra mắt sản phẩm, chí ít cũng có vài người thực sự cần sản phẩm của họ, tôi không nói những người sẽ dùng nó vào một ngày nào đó trong tương lai, mà là những người sẽ cần dùng nó ngay bây giờ. Số người này ban đầu thường rất ít, vì đơn giản là nếu một sản phẩm rất nhiều người cần mà lại có thể build được bởi một team startup nhỏ thì chắc chắn là nó đã có rồi. Có nghĩa là anh em phải chọn một trong hai thứ sau: build một thứ gì đó rất nhiều người muốn nhưng muốn một chút hoặc build một thứ gì đó ít người muốn nhưng lại cực kỳ muốn nó. Hãy chọn dạng sau. Tôi không nói tất cả ý tưởng như vậy là những ý tưởng khởi nghiệp tốt, nhưng hầu như toàn bộ ý tưởng khởi nghiệp tốt đều thuộc dạng này.

Hãy tưởng tượng một đồ thị có trục x biểu thị cho số người muốn dùng sản phẩm anh em build và trục y biểu thị cho mức độ mong muốn của họ. Nếu anh em lật ngược trục y lại, anh em có thể thấy các sản phẩm có hình dạng như những cái hố. Google là một cái miệng núi lửa lớn khủng khiếp: hàng trăm triệu người dùng nó và họ rất cần nó. Một startup mới đầu sẽ không thể đào được một cái hố khổng lồ như thế. Do đó anh em phải chọn một trong hai dạng hố để bắt đầu. Anh em phải chọn đào một cái hố cạn mà rộng hoặc đào một cái hố hẹp nhưng sâu, giống như cách người ta đào giếng.

Những ý tưởng được nhào nặn thường thuộc dạng đầu (rộng mà cạn). Ai cũng “tỏ ra” quan tâm đến một mạng xã hội những người nuôi thú cưng.

Gần như tất cả các ý tưởng khởi nghiệp tốt đều thuộc dạng sau (hẹp nhưng sâu). Microsoft đã từng là cái giếng sâu lúc hai nhà sáng lập tạo ra ngôn ngữ lập trình Altair Basic. Chỉ vài chục ngàn người có máy tính Altair ở thời đó, nhưng nếu không có ngôn ngữ Basic thì họ phải lập trình bằng ngôn ngữ máy (khó tiếp cận gấp vạn lần so với Basic). Ba chục năm sau, Facebook cũng là cái giếng tương tự. Facebook ban đầu được làm riêng cho sinh viên Harvard, đâu đó vài ngàn người, nhưng vài ngàn người đó lại rất muốn dùng nó.

Hãy hỏi chính mình khi có một ý tưởng khởi nghiệp, rằng: Ai là người cần sản phẩm này, ngay bây giờ? Ai cần nó đến nổi dù nó đang là phiên bản củ chuối, được lập trình bởi một team nhỏ của hai cu nào đó, thì họ vẫn cần dùng nó. Nếu anh em không trả lời được câu hỏi đó, thì ý tưởng đó chắc hẳn là một ý tưởng tồi.

Anh em chưa cần quan tâm đến độ rộng của giếng. Cái anh em cần là độ sâu. Anh em sẽ tự nhiên có được độ rộng cần thiết khi anh em tối ưu độ sâu (và tốc độ đào). Và anh em sẽ luôn có được độ rộng mình cần. Tương quan giữa độ rộng và độ sâu mạnh đến nổi nó chính là tín hiệu tốt nếu ý tưởng đó cực kỳ hấp dẫn với một nhóm người dùng cụ thể nào đó.

Dù nhu cầu của người dùng như một cái giếng chính là điều kiện cần cho một ý tưởng khởi nghiệp tốt, đó vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Nếu Mark Zuckerberg xây Facebook chỉ phù hợp với sinh viên Harvard, thì nó cũng không phải là một ý tưởng khởi nghiệp tốt. Facebook là một ý tưởng khởi nghiệp tốt vì nó bắt đầu bằng một thị trường nhỏ nhưng là điểm xuất phát cho một hướng đi lớn hơn. Các trường đại học đều tương tự nhau nên nếu Facebook phù hợp với sinh viên Harvard thì cũng sẽ phù hợp với sinh viên bất kỳ trường đại học nào khác. Một khi có được thị trường sinh viên, Facebook sẽ mở cửa cho người khác tham gia.

Điều tương tự cũng đã xảy ra với Microsoft: bắt đầu bằng ngôn ngữ Basic cho máy tính Altair, rồi Basic cho các máy tính khác, sau đó là các ngôn ngữ khác ngoài Basic, rồi hệ điều hành, và các ứng dụng, sau đó nữa thì IPO.

Là chính mình

Làm sao để biết ý tưởng này sẽ có một hướng đi đột phá, ý tưởng kia sẽ đẻ một công ty lớn hay chỉ mãi là thị trường ngách? Thường thì anh em không trả lời được. Các founder của Airbnb từ đầu cũng không biết thị trường mà họ đang làm lớn đến đâu. Ban đầu ý tưởng của họ thậm chí còn rất nhỏ. Họ cho các chủ nhà cho thuê những phòng còn trống. Họ không biết ý tưởng kinh doanh sẽ mở rộng đến đâu; ý tưởng kinh doanh tự nó sẽ lớn lên khi đến lúc. Họ chỉ biết là đang làm một cái gì đó. Mark Zuckerberg hay Bill Gates ban đầu cũng thế.

Thỉnh thoảng hướng đi của một ý tưởng nào đó sẽ rõ ràng ngay từ đầu. Đôi lần tôi có thể nhìn thấy rõ một hướng đi mà người khác không thấy. Đó là một trong những điều đặc biệt tại YC. Nhưng nó được thực thi tốt ra sao thì còn tuỳ, và không liên quan đến kinh nghiệm anh em có. Điều quan trọng nhất để nhìn được các hướng phát triển của một ý tưởng ban đầu là những siêu sự thật (meta-fact, những sự thật nhiều tầng) không dễ nhận ra.

Vậy nếu không thể biết trước được ý tưởng có tiềm năng hay không, thì làm sao anh em có thể chọn được ý tưởng tốt giữa các ý tưởng? Sự thật dù rất thất vọng nhưng cũng rất thú vị, đó là: nếu anh em là người được chọn, anh em sẽ có linh cảm về điều đó. Nếu anh em ở đầu một thị trường đang thay đổi nhanh chóng và anh em linh cảm có những thứ nên làm, thì khả năng cao là anh em đã đúng.

Trong cuốn sách Thiền và Nghệ thuật Bảo dưỡng Xe mô tô (Zen and the Art of Motorcycle Maintenance), Robert Pirsig đã viết:

Bạn muốn biết làm sao để vẽ ra được những bức tranh tuyệt đỉnh ư? Dễ thôi. Rèn luyện kỹ năng vẽ đến tuyệt đỉnh và sau đó vẽ ra một cách tự nhiên.

Tôi đã rất đắn đo về lời khuyên đó khi tôi đọc nó từ hồi phổ thông. Tôi không chắc lời khuyên đó có đúng trong lĩnh vực hội hoạ hay không, nhưng nó phù hợp với cái tôi đang nói. Theo kinh nghiệm của tôi, cách để có được những ý tưởng khởi nghiệp tốt là anh em phải trở thành những người có ý tưởng khởi nghiệp.

Ở vị trí đầu của một thị trường không có nghĩa anh em phải là người thúc đẩy thị trường đó. Anh em có thể ở vị trí đầu ngành như một người dùng bình thường. Cũng không có gì quá vĩ đại khi Mark Zuckerberg nghĩ ra Facebook vì đối với một lập trình viên như Mark thì Facebook có vẻ là một ý tưởng tốt vì hắn dùng máy tính rất nhiều. Nếu anh em hỏi những người ở độ tuổi 40 vào năm 2004 rằng họ có muốn đưa thông tin về cuộc sống của họ lên Internet không, chắc họ sẽ cảm thấy ý tưởng đó thật quái dị. Nhưng với Mark thì khác, hắn cắm mặt vào máy tính cả ngày, nên ý tưởng đó đến với hắn cũng tự nhiên như cô tiên.

Paul Buchheit từng nói rằng những người ở vị trí đầu của một thị trường thay đổi nhanh “đang sống ở tương lai”. Kết hợp ý tưởng này với lời khuyên của Pirsig ở trên, ta có:

Sống ở tương lai, và build những thứ đang thiếu.

Đây chính là cách mà rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các startup lớn bắt đầu. Apple, Yahoo!, Google hay Facebook ngay từ đầu đều không có ý định trở thành công ty. Chúng phát triển hơn những thứ mà các founder định build vì có những kẽ hở trên thị trường.

Nếu anh em quan sát cách mà những founder thành công tìm đến những ý tưởng của họ, thì đa số chúng là kết quả của những tác nhân bên ngoài tác động lên một lý trí đã có sự chuẩn bị. Khi Bill Gates và Paul Allen nghe về Atair thì họ nghĩ “Chắc chắn chúng ta có thể viết một trình biên dịch Basic cho nó.” Khi Drew Houston ( — CEO Dropbox) nhận ra anh quên USB ở nhà thì anh nghĩ “Mình thực sự cần đưa các file của mình lên online.” Cả đống người nghe về Atair, cả tá người từng quên USB ở nhà. Nguyên nhân mà những founder này bắt đầu ý tưởng của họ khi gặp các tác nhân bên ngoài chính là những kinh nghiệm đã chuẩn bị giúp họ nhận ra cơ hội khi nó đến.

Từ mà anh em nên dùng để nói về các ý tưởng khởi nghiệp không phải là “nghĩ ra”, mà chính là “nhận ra”. Tại YC, chúng tôi gọi các ý tưởng bộc phát một cách tự nhiên từ suy nghĩ của các founder có kinh nghiệm là các ý tưởng “organic”. Hầu hết các công ty khởi nghiệp thành công đều bắt đầu vậy cả.

Có thể anh em không mong nghe thấy điều này. Anh em đang muốn nghe được một công thức làm sao nghĩ ra ý tưởng khởi nghiệp, thay vì thế tôi lại nói rằng điểm mấu chốt là một lý trí đã được chuẩn bị theo một cách đúng đắn. Có thể anh em thất vọng, nhưng nó là sự thật. Đó là công thức duy nhất, chỉ một mà thôi, và trong tình huống xấu nhất thì nó cần thời gian đến cả năm, thay vì một tuần.

Nếu anh em đang không ở vị trí đầu của thị trường đang thay đổi nhanh chóng, anh em có thể tiếp cận một cái. Ví dụ, bất kỳ người nào hơi hơi thông minh cũng có thể nhảy vào ngành lập trình (mobile app chẳng hạn) trong vòng 1 năm. Một startup thành công sẽ tiêu tốn của anh em ít nhất 3 đến 5 năm cuộc đời. Do đó, dành hẳn 1 năm chuẩn bị là một sự đầu tư hợp lý. Đặc biệt là nếu anh em đang cần tìm một cofounder.

Anh em cũng không nhất thiết phải học lập trình để đến vị trí dẫn đầu của một thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Các ngành khác cũng đang thay đổi nhanh chóng. Dù việc học lập trình là không phải là điều kiện cần, nhưng nó là điều kiện đủ cho một tương lai thấy rõ. Như Marc Andreessen từng nói rằng software đang nuốt chửng cả thế giới, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục xảy ra trong mười năm nữa.

Biết cách lập trình còn có nghĩa là khi anh em có ý tưởng thì anh em có thể build nó liền lập tức. Điều này không bắt buộc (Jeff Bezos chả biết code) nhưng nó là một lợi thế cực lớn. Ví dụ khi anh em có ý tưởng đưa thông tin cá nhân của các sinh viên lên online (như Facebook), thay vì chỉ nghĩ “Ý tưởng hay thật.”, anh em có thể nghĩ “Ý tưởng hay thật, build thử luôn tối nay cho nóng.” Và thậm chí nó còn tuyệt hơn khi anh em vừa là lập trình viên vừa là người dùng sản phẩm của mình, vì mọi suy nghĩ cho tính năng mới lẫn test nó với người dùng chỉ cần diễn ra nhanh chóng trong một cái đầu.

Nhận ra

Một khi anh em sống ở tương lai và nhìn quanh, cách để nhận ra các ý tưởng khởi nghiệp là nhìn xem cái gì đang còn thiếu. Nếu anh em đã thực sự ở rìa của một thị trường đang chuyển dịch nhanh chóng, chắc chắn sẽ có nhiều thứ đang còn thiếu rất dễ nhận ra. Những thứ khó nhận ra chính là những ý tưởng khởi nghiệp. Do đó nếu anh em muốn tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp, đừng chỉ bật bộ lọc “Cái gì đang còn thiếu?” mà hãy tắt tất cả các bộ lọc khác, đặc biệt là bộ lọc “Nó có thể trở thành một công ty lớn được không?” Sau này anh em sẽ có rất nhiều thời gian để xem xét vấn đề đó. Nhưng nếu anh em bật nó từ đầu thì không những nhiều ý tưởng tốt sẽ bị loại sớm, mà còn khiến anh em tập trung vào những ý tưởng tệ khác.

Hầu hết những gì đang còn thiếu sẽ cần thời gian để thấy. Hầu như anh em phải đánh lừa bản thân để tập trung nhìn vào những ý tưởng xung quanh.

Nhưng anh em biết rõ ý tưởng nằm đâu đó ngoài kia. Không gì không thể giải quyết. Công nghệ luôn luôn vận động không ngừng. Chắc chắn rằng người ta sẽ làm hết cái này đến cái kia trong vòng vài năm tới khiến cho anh em luôn ân hận “Tại sao mình không làm nó trước?

Khi những vấn đề dần được giải quyết, chắc hẳn chúng sẽ được xem như hiển nhiên khi người ta nhìn lại. Cái anh em cần làm là tắt các bộ lọc che mất chúng với anh em. Cái cần tắt ngay lập tức là việc chấp nhận thế giới hiện tại một cách hiển nhiên. Thậm chí những người cởi mở nhất cũng thường bị vậy. Anh em không thể bước từ giường đến cửa nếu anh em đứng lại và nghi vấn hết cái này đến cái kia.

Nhưng nếu anh em đang tìm một ý tưởng khởi nghiệp thì anh em phải hy sinh sự hiệu quả của việc chấp nhận hiện tại và bắt đầu đặt câu hỏi lên tất cả mọi thứ. Tại sao hộp thư đến (inbox) của anh em lại đầy ắp? Có phải vì anh em có quá nhiều mail hay bởi vì xoá mail ra khỏi hộp thư đến là quá khó? Tại sao anh em nhận được nhiều mail? Người ta gửi mail cho anh em nhiều để làm gì? Có cách nào tốt hơn gửi mail không? Tại sao xoá mail khỏi hộp thư đến lại khó vậy? Tại sao người ta giữ lại email sau khi đọc? Hộp thư đến có thật sự là một công cụ hiệu quả không? Vân vân và mây mây.

Tập trung vào những vấn đề khiến anh em bực bội. Chấp nhận thực tại không chỉ giúp cho anh em sống hiệu quả hơn mà còn khiến anh em dễ dàng tha thứ những vấn đề bất tiện trong cuộc sống. Nếu anh em biết được mọi thứ con người sẽ dùng vào 50 năm tới, nhưng lại không thể dùng chúng bây giờ, thì anh em sẽ cảm thấy cuộc sống này vô cùng thiếu thốn, tương tự như việc gửi một người về quá khứ 50 năm trước vậy. Khi có một cái gì đó bây giờ khiến anh em khó chịu, có khả năng là do anh em đang sống ở tương lai.

Khi anh em tìm được đúng vấn đề, anh em chắc chắn có thể mô tả nó một cách rõ ràng, ít nhất là với chính mình. Khi bọn tôi làm Viaweb, mọi trang bán hàng online đều được code bằng tay, vì mỗi người thiết kế web làm mỗi trang HTML riêng biệt. Riêng với chúng tôi, những lập trình viên, thì chúng tôi thấy rõ ràng những trang bán hàng đó hoàn toàn có thể được tạo ra tự động bằng phần mềm.

Điều này có nghĩa, rất kỳ lạ, nghĩ ra một ý tưởng khởi nghiệp là một quá trình nhìn nhận sự vật một cách rõ ràng. Điều tréo ngoe của quá trình này là: anh em phải cố gắng nhận ra, một cách rõ ràng, những sự vật mà anh em chưa bao giờ thấy.

Vì cái anh em cần làm ở đây là thả lỏng đầu óc của mình, tốt nhất là không nên tấn công trực diện vấn đề — ví dụ đừng ngồi xuống và cố suy nghĩ về những ý tưởng. Việc tốt nhất nên làm là để mọi thứ diễn ra như thường và để ý những thứ đang còn thiếu. Giải quyết những vấn đề khó bằng sự tò mò, và phân thân mình ra để quan sát chính mình, ghi chú lại những kẽ hở và những điều bất thường.

Hãy cho bản thân thời gian. Anh em có thể kiểm soát được việc rèn luyện lý trí, nhưng khó kiểm soát những tác động bên ngoài khi chúng làm nãy sinh ra những ý tưởng. Nếu Bill Gates và Paul Allen tự ép họ phải nghĩ ra ý tưởng khởi nghiệp chỉ trong một tháng, nếu họ chọn cái tháng trước khi Altair xuất hiện thì sao? Chắc hẳn giờ họ đã khởi nghiệp với một ý tưởng không hấp dẫn bằng. Drew Houston đã khởi nghiệp với một ý tưởng ít hấp dẫn trước Dropbox: một startup chuẩn bị cho kỳ thi SAT. Nhưng Dropbox chắc chắn là một thứ hay hơn rất nhiều vì ý tưởng hay và nó hợp với kỹ năng của anh ấy.

Có một cách rất tốt để giúp bản thân anh em nhận ra ý tưởng khởi nghiệp là hãy chọn những dự án thú vị. Nếu anh em làm thế, anh em sẽ tự nhiên build những thứ đang còn thiếu. Tại vì build những thứ đã tồn tại thì có vẻ như không thú vị bằng.

Cố gắng đẻ ra những ý tưởng khởi nghiệp thì sẽ sinh ra những ý tưởng tệ, nhưng chọn những thứ thú vị như một thú vui để làm một cách tự nhiên thì thường sinh ra những ý tưởng tốt. Khi làm một cái gì đó như một thú vui, anh em có thể làm nhiều thứ với nó, ngoại trừ việc nó không quan trọng lắm. Nó rất thú vị, người dùng thích nó, chỉ là nó không quan trọng thôi. Nhưng nếu anh em sống ở tương lai và build một cái gì đó thú vị mà người dùng thích nó, thì có khả năng cao là nó sẽ quan trọng hơn những người ta nghĩ. Máy vi tính có vẻ như là một thú vui khi Apple và Microsoft bắt đầu làm nó. Tôi đủ già để nhớ về thời đó; thời mà có một cụm từ để gọi những người sở hữu máy vi tính là “hobbyists”. BackRub (tên cũ của Google) có vẻ là một dự án khoa học không quan trọng. Facebook từng chỉ dành cho mấy đứa sinh viên muốn đánh giá xem em gái nào hot hơn.

Tại YC, bọn tôi rất hào hứng khi gặp các startup đang xây những thứ mà chúng ta có thể tưởng tượng ra rất rõ ràng nhưng lại xem chúng như những trò vui. Với bọn tôi thì những dấu hiệu khả quan đó thường chứng tỏ chúng là những ý tưởng khởi nghiệp tốt.

Nếu anh em có thể nhìn lại toàn bộ đoạn trên (và tôi chắc là anh em không làm đâu), anh em có thể chuyển câu “Sống ở tương lai và build thứ đang còn thiếu” thành câu tốt hơn:

Sống ở tương lai và build những thứ thú vị.

Học đại học

Đó là cái mà tôi hay khuyên các sinh viên nên làm, thay vì cứ cố học làm “doanh nhân”. “Doanh nhân” là thứ mà các anh em học được nhiều nhất khi thực hành nó. Những doanh nhân thành đạt là minh chứng cho việc đó. Các anh em nên dành thời gian khi học đại học để khởi động cho tương lai thì hay hơn. Đại học là cơ hội ngàn năm để làm việc đó. Sẽ rất phí nếu anh em hy sinh cơ hội để giải quyết phần khó nhất của việc bắt đầu một công ty khởi nghiệp — trở thành người có khả năng sinh ra các ý tưởng khởi nghiệp một cách tự nhiên — để dành thời gian học làm điều dễ hơn (doanh nhân). Mà anh em cũng sẽ chẳng học được gì về nó cả đâu, cũng như học làm tình trên lớp vậy. Tất cả những thứ anh em học đều là lý thuyết suông.

Đào sâu vào các lĩnh vực khi học đại học là gốc gác của các ý tưởng hay. Nếu anh em giỏi lập trình và bắt đầu học các lĩnh vực khác, anh em chắc chắn sẽ tìm thấy các vấn đề mà phần mềm có thể giải quyết được. Thật ra thì anh em có khả năng cao gấp 2 lần người khác để thấy được những vấn đề trong các lĩnh vực khác: (a) những người trong các lĩnh vực đó không thể giải quyết vấn đề của họ bằng phần mềm giỏi như những người học phần mềm, và (b) vì anh em đến từ một lĩnh vực khác và gần như dốt đặc về lĩnh vực đó, anh em thậm chí chả biết hiện thực của nó để mà chấp nhận nữa kìa.

Cho nên nếu anh em học Khoa học máy tính mà lại muốn bắt đầu khởi nghiệp, thì thay vì học các môn về doanh nhân, anh em tốt nhất nên học các môn đại cương. Hoặc tốt hơn, đi làm cho một công ty biotech. Thường thì các cháu học Khoa học máy tính thường hay thực tập hè tại các công ty phần cứng hay phần mềm gì đó. Nhưng nếu anh em muốn tìm ý tưởng khởi nghiệp, tốt nhất là anh em nên thực tập ở các công ty trong các ngành không liên quan.

Hoặc đừng học thêm môn nào cả, cứ vậy mà build thôi. Không phải ngẫu nhiên mà cả Microsoft hay Facebook đều được bắt đầu vào tháng 1. Tại Harvard có một thời điểm được gọi là Thời kỳ Tự học (Reading Period), là lúc sinh viên không lên lớp vì ở nhà chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ.

Nhưng đừng nghĩ cứ phải build cái gì đó để sau này thành một startup. Nó sẽ khiến startup dễ chết non. Cứ build thôi. Và tốt hơn hết là làm chung với các sinh viên khác. Không phải chỉ có lớp học mới làm cho trường đại học thành một nơi tốt để chuẩn bị hành trang cho anh em tiến vào tương lai. Xung quanh anh em là những người cùng chí hướng. Nếu anh em làm việc chung với nhau, anh em sẽ không chỉ có những ý tưởng đến tự nhiên mà còn có những team được sinh ra tự nhiên, và cái đó mới chính là sự kết hợp đỉnh cao nhất, theo kinh nghiệm của tôi.

Thận trọng với các đề tài nghiên cứu. Nếu anh em có thể viết ra được một phần mềm gì đó mà bạn bè của anh em đều muốn dùng thì gần như chắc chắn đó là một ý tưởng khởi nghiệp tốt. Trong khi các luận án tiến sĩ chắc chắn không thể làm được điều đó. Vì nhiều lý do mà các dự án càng được cân nhắc như là đề tài nghiên cứu thì càng khó trở thành một ý tưởng khởi nghiệp. Tôi nghĩ là do các đề tài nghiên cứu bị bó hẹp quá nhiều thứ nên nó giới hạn các vấn đề có thể giải quyết. Trong khi đó, nếu một sinh viên hay một giáo sư build một cái gì đó như một dự án nhỏ cho vui, thì tự nó đã hướng đến việc giải quyết vấn đề của người ta — cũng có thể do được tự do, không ràng buộc này kia mà lại khiến founder có thêm năng lượng để khiến cho dự án thành công cũng nên.

Cạnh tranh

Các ý tưởng tốt chắc chắn sẽ rất dễ thấy, nên khi anh em nghĩ ra một cái gì đó thì có vẻ như mọi thứ đã quá muộn. Đừng để điều đó cản trở anh em. Cảm giác rằng mọi thứ đã quá muộn là một dấu hiệu của ý tưởng tốt. Dành 10 phút tìm kiếm thông tin trên mạng sẽ cho anh em kết quả. Thậm chí nếu anh em tìm thấy ai đó đang có chung ý tưởng thì điều đó cũng không hẳn là quá trễ. Startup hiếm khi bị giết bởi đối thủ cạnh tranh — hiếm đến mức anh em có thể loại bỏ khả năng đó. Trừ phi tìm thấy một đối thủ cạnh tranh có thể ngăn người dùng chọn sản phẩm của anh em, nếu không đừng bỏ qua ý tưởng đó.

Nếu anh em không chắc chắn thì hãy hỏi người dùng. Câu hỏi sản phẩm của anh em có quá trễ hay không cũng tương tự câu hỏi có ai đang rất rất cần sản phẩm anh em đang làm hay không. Nếu không có đối thủ cạnh tranh nào đang làm, và có một tập user đang rất cần cái anh em đang làm, thì chắc chắn anh em đã gọi là “chuột sa hủ nếp” rồi ha.

Vấn đề cần bàn tiếp theo là cái hủ nếp đó có đủ lớn không, hay quan trọng hơn là: những ai đang ở trong đó. Nếu cái hủ nếp đó đang có rất nhiều người làm những thứ mà chắc chắn sẽ có thêm nhiều người làm nữa trong tương lai thì chắc chắn nó đủ lớn cho dù giờ nó nhỏ thế nào. Ví dụ, nếu anh em đang làm những mobile app mà chỉ có nó mới chạy được trên các điện thoại đời mới nhất, thì chắc hẳn là “hủ nếp” đó đủ lớn.

Tốt nhất là làm những thứ có đối thủ cạnh tranh. Những founder thường quá đề cao đối thủ cạnh tranh. Anh em có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào bản thân của anh em nhiều hơn đối thủ cạnh tranh. Do đó, một ý tưởng khởi nghiệp tốt có đối thủ cạnh tranh thì tốt hơn một ý tưởng khởi nghiệp tệ mà không ai thèm cạnh tranh.

Nếu trong một thị trường “đông đúc”, anh em có một ý tưởng kinh doanh nào đó mà những người khác đã bỏ qua thì anh em cũng đừng có lo nhiều. Nó chính là một điểm khởi đầu tốt. Google cũng từng như vậy . Nhưng mà ý tưởng của anh em phải cụ thể hơn việc “tôi sẽ làm một cái X tốt hơn”. Anh em phải diễn đạt nó ra vấn đề cụ thể nào mà những đối thủ trong đó đang không thấy. Tuyệt vời nhất nếu anh em có thể nói rằng những người kia đã không đủ dũng cảm để làm theo điều mà họ tin, và kế hoạch của anh em là làm những thứ mà đáng ra người ta đã phải làm từ lâu nếu họ dám tin. Google đã làm điều y chang. Những đối thủ trước đó đã né điểm cốt lõi của một bộ máy tìm kiếm — và chúng càng làm tốt cái chúng đang làm bao nhiêu, thì người dùng càng rời bỏ chúng nhanh bấy nhiêu.

Một thị trường đông đối thủ cạnh tranh thực ra là một tín hiệu tốt, điều đó có nghĩa là người dùng thực sự có nhu cầu và chưa một ai có giải pháp đủ tốt. Một startup đừng mong có thể tìm ra một thị trường lớn và chưa có đối thủ cạnh tranh. Nhiều công ty khởi nghiệp thành công thường gia nhập vào một thị trường đã có nhiều đối thủ cạnh tranh và mang trong tay một vũ khí bí mật để chiếm lấy người dùng (như Google), hoặc gia nhập vào một thị trường có vẻ nhỏ ở hiện tại nhưng sẽ bùng nổ trong tương lai (như Microsoft).

Bộ lọc

Có hai bộ lọc khác anh em cũng cần tắt nếu muốn nhận ra ý tưởng khởi nghiệp là: không hấp dẫn, và khó nuốt.

Hầu hết lập trình viên đều ước có thể thành công chỉ bằng cách viết vài dòng code thần thánh, đẩy lên server và người dùng sẽ tự động đổ xô dâng tiền lên cho họ. Họ không thích xử lý những vấn đề chán ngắt hoặc lộn xộn của thế giới thực. Thực ra cũng hợp lý thôi, vì những thứ đó làm vướng chân họ. Nhưng mà những thứ đó lại nhiều, nhiều hơn hẳn những ý tưởng khởi nghiệp dễ dàng đã được người ta làm từ lâu. Nếu anh em đào sâu hơn đến những ý tưởng chán hoặc bừa bộn hơn, chắc hẳn anh em sẽ tìm thấy vài ý tưởng có giá trị đang ở đâu đó đợi anh em.

Bộ lọc khó nuốt quá nguy hiểm nên tôi viết một bài riêng về cơ sở hình thành nó, mà tôi gọi là Điểm mù khó nuốt (schlep blindness). Tôi lấy Stripe làm ví dụ của một startup đã đạt được nhiều thành công khi tắt bộ lọc đó. Nó thực sự là một ví dụ ấn tượng. Hàng ngàn lập trình viên biết vấn đề này; hàng ngàn lập trình viên hiểu sự khó khăn của việc thanh toán online trước khi Stripe ra đời. Nhưng khi họ tìm ý tưởng khởi nghiệp thì họ không thấy cái này, là vì cứ thấy thanh toán online là họ tự động né qua một bên. Và tất nhiên là thanh toán online đối với Stripe thì cũng rất khó nhằn, nhưng không phải là bế tắc. Thực ra vì đa số người khác né vấn đề này rồi, nên Stripe cũng tương đối thuận lợi trong một số vấn đề đáng ra cũng phải đau đớn, ví dụ như thu hút người dùng. Họ không quá khó khăn để tiếp cận người dùng, vì người dùng thực sự đang rất cần thanh toán online.

Bộ lọc không hấp dẫn cũng tương tự như bộ lọc khó nuốt, một bên là anh em khinh không làm, còn một bên là anh em sợ không làm. Bọn tôi đã vượt qua được những điều này khi làm Viaweb. Chúng tôi không thực sự thấy thương mại điện tử (ecommerce) thú vị, mà thực ra chúng tôi thích thú về kiến trúc phần mềm mà chúng tôi xây. Dù vậy chúng tôi cũng đã thấy vấn đề cần chúng tôi giải quyết.

Tắt cái bộ lọc khó nhằn quan trọng hơn tắt bộ lọc không hấp dẫn, vì hầu như khó nhằn là do anh em tưởng tượng. Nó còn tệ hơn việc nuông chiều bản thân nữa. Khởi nghiệp xác định là sẽ phải khó khăn. Dù cái sản phẩm anh em làm không quá khó thì anh em cũng phải sẵn sàng tâm lý để đối mặt với nhiều điều khó khác như thương lượng với nhà đầu tư, thuê và sa thải nhân viên, vân vân và mây mây. Cho nên nếu anh em nghĩ có những vấn đề rất cool mà anh em không muốn làm vì sợ khó thì đừng có lo: tất cả các ý tưởng khởi nghiệp tốt đều rất khó.

Trong khi đó, bộ lọc không hấp dẫn có thể gây ra những điều tệ hại nhưng nó cũng không phải hoàn toàn có hại như bộ lọc khó nhằn. Nếu anh em đang ở rìa của một thị trường đang thay đổi rất nhanh chóng thì anh em sẽ cảm thấy có thể ban đầu nó không hấp dẫn nhưng nó sẽ hấp dẫn hơn khi anh em càng đào sâu vào giải quyết nó. Đặc biệt là với những anh em càng trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm. Và khi anh em thấy nó hấp dẫn thì chắc chắn là anh em càng say mê với nó hơn nữa.

Công thức

Dù cách tốt nhất để mày mò ra ý tưởng khởi nghiệp là trở thành người có khả năng nhận ra nó và sau đó build bất kỳ cái gì mà anh em thấy thích, nhưng đôi khi anh em không có được thứ xa xỉ đó. Đôi khi anh em cần ý tưởng ngay. Ví dụ như anh em đang khởi nghiệp nhưng ý tưởng ban đầu của anh em không ổn, cần ý tưởng mới.

Từ đây đến cuối bài, tôi sẽ nói về mẹo làm sao nghĩ ra ý tưởng khởi nghiệp ngay khi anh em cần nó. Dù theo kinh nghiệm thì tốt hơn anh em nên dùng cách organic ở trên, nhưng anh em cũng có thể thành công theo cách này. Chỉ cần có nguyên tắc một chút là được. Khi anh em đi theo cách organic, thường muốn xác nhận đó là một ý tưởng khởi nghiệp tốt thì cần có những bằng chứng cho thấy có một cái gì đó đang còn thiếu. Nhưng khi anh em phải cố gắng suy nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp ngay, anh em buộc phải hy sinh ràng buộc hiển nhiên đó. Và anh em sẽ nhìn thấy rất nhiều ý tưởng, đa số là ý tưởng tệ, nên anh em phải sàng lọc chúng.

Một trong những điều nguy hiểm nhất của việc không dùng cách organic là nghe về các ví dụ của cách organic. Những ý tưởng organic cũng giống như cảm hứng vậy. Có cả tá những câu chuyện về những startup thành công khi founder có những ý tưởng điên khùng và chợt nhận ra nó thật sự hấp dẫn. Cho nên nếu anh em cũng có cảm giác đó khi đang tìm ý tưởng khởi nghiệp, anh em chắn chắn đã mắc bẫy.

Khi tìm ý tưởng khởi nghiệp, hãy tìm trong những lĩnh vực mà anh em có kinh nghiệm. Nếu anh em là chuyên gia về lĩnh vực cơ sở dữ liệu thì đừng làm một app nhắn tin dành cho bọn teen (trừ phi anh em cũng đang trong độ tuổi teen). Có thể nó là một ý hay nhưng anh em không thể tin vào những nhận định của mình về thị trường đó, nên hãy quên nó đi. Có phải anh em đang thấy khó nghĩ ra các ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến cơ sở dữ liệu? Là bởi vì cái lĩnh vực mà anh em có kinh nghiệm tạo nên rào cản cho anh em. Ý tưởng của anh em về app nhắn tin không chỉ ngu, mà anh em còn không đủ tỉnh táo để phát hiện ra mình ngu.

Anh em phải bắt đầu tìm ý tưởng từ những thứ anh em cần. Chắc chắn phải là thứ mà anh em cần.

Một mẹo mà anh em nên biết là hãy nhớ lại lúc đang làm những công việc trước đây có bao giờ anh em tự hỏi “Sao người ta không làm cái x ta? Nếu họ làm nó thì tui sẽ mua nó ngay và luôn.” Nếu anh em có thể nghĩ ra bất kỳ cái x nào mà người khác cũng muốn như thế, thì đó hẳn là một ý tưởng khởi nghiệp. Anh em biết người ta có nhu cầu về sản phẩm đó, và nó khả thi để build.

Bao quát hơn, anh em hãy hỏi chính mình xem mình có cái gì khác thường khiến cho nhu cầu của mình khác với người khác. Chắc chắn cũng có nhiều người nghĩ như anh em. Và nếu nhu cầu khác thường của anh em cao cấp hơn người khác thì càng tốt.

Nếu anh em đang thay đổi ý tưởng khởi nghiệp thì xem có điều khác thường nào nằm ở ý tưởng trước không. Anh em có nhu cầu nào khi đang build ý tưởng ban đầu đó không? Vài startup nổi tiếng cũng bắt đầu theo kiểu này. Ví dụ Hotmail ban đầu được làm ra như một công cụ để cho founder dùng làm việc trong startup trước đó.

Có một cách khác để suy nghĩ khác thường, đó là phải trẻ. Vài ý tưởng khởi nghiệp giá trị được xuất phát khi founder trong độ tuổi teen hoặc những năm đầu tuổi đôi mươi. Những founder này có thể không có ưu thế trong một vài khía cạnh, nhưng họ lại cực kỳ hiểu những người cùng trang lứa. Những ai không phải sinh viên đại học sẽ khó tạo ra Facebook. Do đó, nếu anh em đang là một founder trẻ (ví dụ 23 tuổi), có thứ gì mà anh em hay bạn bè của anh em muốn dùng mà những công nghệ hiện tại đang chưa đáp ứng?

Điều tốt nhất tiếp theo phục vụ được nhu cầu của chính anh em cũng sẽ phục vụ được nhu cầu của những người khác. Nói chuyện với những người khác về những kẽ hở thị trường xem sao. Cái gì đang còn thiếu? Họ đang muốn làm gì mà chưa làm được? Có thứ gì đang rất lộn xộn hay khiến họ bực bội không, đặc biệt là trong công việc của họ? Cứ trò chuyện bình thường thôi; đừng cố gắng đi tìm ý tưởng khởi nghiệp. Chỉ đơn giản là xem xem có suy nghĩ nào không. Có thể anh em sẽ nhận ra một vấn đề gì đó mà họ không thực sự thấy, vì anh em biết làm sao để giải quyết nó.

Khi anh em tìm thấy một nhu cầu không phải của chính anh em, nó có thể chưa rõ ràng từ đầu. Người ta đôi khi không biết rõ mình cần gì. Trong trường hợp đó tôi thường khuyên các founder của chúng ta nói chuyện như một nhà tư vấn — họ cần phải làm tất cả những gì cần làm để giải quyết vấn đề của người dùng này. Các vấn đề của con người đều tương tự đến nổi gần như toàn bộ code mà anh em viết đều có thể dùng lại được, và cái nào không dùng lại được thì cũng chỉ cần trả một cái giá nhỏ thôi.

Một cách để chắc chắn anh em đang làm tốt công việc giải quyết vấn đề của người khác đó chính là biến những vấn đề của người ta thành của anh em. Khi Rajat Suri của E la Carte quyết định viết phần mềm nhà hàng, anh ấy đã xin làm bồi bàn để xem cách thức nhà hàng hoạt động. Điều đó có vẻ khổ, nhưng đã xác định startup là phải khổ. Chúng tôi sẽ rất trân trọng khi các founder như anh em làm những điều đó.

Thật sự mà nói, một chiến lược mà tôi hay khuyên người ta khi họ cần một ý tưởng mới không chỉ là việc tắt bộ lọc không hấp dẫn và khó nuốt, mà còn phải chủ động tìm kiếm các ý tưởng không hấp dẫn và khó nuốt. Đừng cố gắng để tạo ra một Twitter mới. Những ý tưởng như vậy thường hiếm đến nổi anh em không thể tìm ra chúng nếu cứ chăm chăm tìm kiếm chúng. Hãy cố gắng tạo ra một cái gì đó không hấp dẫn nhưng người ta sẵn sàng trả tiền mua nó.

Một mẹo hay để vượt qua được sự khó nhằn và còn mở rộng bộ lọc không hấp dẫn chính là hỏi chính bản thân anh em xem anh em đang cần người ta build cái gì để cho anh em dùng. Anh em sẵn sàng trả tiền để mua cái gì, ngay bây giờ?

Vì các startup thường sẽ giết các công ty và ngành công nghiệp cũ, tìm xem cái gì đang chết, sắp chết cũng là một mẹo hay, tưởng tượng xem loại công ty nào sẽ có lợi từ những cái chết đó. Ví dụ như ở thời điểm này nghề làm báo truyền thống đang lao dốc không phanh. Nhưng những ngành thay thế ngành làm báo lại đang thu được tiền. Dạng công ty nào có thể sẽ khiến người ở trong tương lai nói rằng “nó đã thay thế nghề làm báo” theo một vài khía cạnh nào đó?

Nhưng mà phải tưởng tượng câu hỏi đó trong tương lai nhé, không phải bây giờ. Khi một công ty hay ngành công nghiệp thay thế những cái khác, nó thường đến từ ngành khác. Cho nên đừng tìm kiếm cái sẽ thay thế cho cái x mà hãy tìm kiếm những cái mà sau này người ta mới nhận ra là nó thay thế cho cái x. Và phải giàu trí tưởng tượng để bao quát về những hướng có thể xảy ra sự thay thế đó. Ví dụ, ngành báo chí truyền thống, có thể nhìn như một cách người đọc dùng để giết thời gian; hoặc một cách để người viết kiếm tiền và thu hút được sự chú ý; hoặc là một phương tiện quảng cáo. Nó có thể bị thay thế bất kỳ điều gì trong những phương diện đó (và thực sự chúng đã bắt đầu bị thay thế gần hết rồi).

Khi các startup dần thay thế những kẻ truyền thống, chúng thường bắt đầu bằng cách phục vụ những thị trường nhỏ nhưng quan trọng mà những tay chơi lớn đã bỏ qua. Nếu những tay chơi lớn có thái độ khinh rẻ những mảng đó thì càng hay, vì điều đó thường khiến chúng lơ là. Ví dụ sau khi Steve Wozniak làm ra được nguyên mẫu của Apple I, ông ấy đã trao cho Hewlett — Packard quyền được sản xuất nó vì ổng biết ơn họ. Nhưng thật may mắn cho ổng vì họ đã từ chối, và một trong những lý do mà họ từ chối là Apple I sử dụng màn hình TV để hiển thị, điều này có vẻ không thể chấp nhận được với một công ty phần cứng cao cấp như HP ở thời điểm đó.

Anh em có thấy nhóm mọt sách nào nhìn lôi thôi lếch thếch nhưng cực kỳ thành thạo như những “hobbyist” nghiện máy vi tính ngày trước, đang bị bỏ qua bởi những ông lớn không? Một startup có tầm nhìn lớn lao thường dễ dàng nắm bắt được thị trường nhỏ bằng cách nổ lực nhiều hơn thị trường đó cần.

Tương tự như thế, vì đa số startup thành công thường cưỡi những con sóng lớn hơn bản thân họ rất nhiều, một mẹo hay khác là tìm những con sóng và xem có thể thu lợi từ nó như thế nào. Giá của việc giải mã bản đồ gen và in 3D đang giảm dần theo định luật Moore. Cái mới nào sẽ khả thi trong vòng vài năm nữa? Cái gì chúng ta nghĩ là không thể sẽ sớm có thể trong một tương lai gần?

Organic

Nhưng mà công thức về những con sóng chỉ là “plan B” trong việc tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp thôi nhé. Tìm kiếm những con sóng về cơ bản là bắt chước cách organic. Nếu anh em đang ở rìa của một ngành thay đổi nhanh chóng, anh em không cần phải tìm kiếm những con sóng; anh em chính là con sóng.

Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp là cả một sự tinh tế, cho nên nhiều người đã thử và thất bại thảm hại. Sẽ không hiệu quả nếu cứ đơn thuần cố nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp. Nếu anh em cố đấm ăn xôi, anh em sẽ gặt hái những ý tưởng tệ hại nghe có vẻ hợp lý. Cách hiệu quả nhất là cách gián tiếp hơn: nếu anh em là người có đúng nền tảng, ý tưởng khởi nghiệp tốt sẽ tự tìm đến với anh em. Nhưng không phải ngay lập tức, mà sau này. Cần thời gian để anh em nhận ra cái gì đang thiếu. Và thường thì các khoảng trống này có vẻ không hấp dẫn các công ty, nó chỉ là một cái gì đó nghe có vẻ thú vị để làm thôi. Cho nên nếu anh em có thời gian và thích build một cái gì đó anh em thấy thú vị thì chúc mừng anh em.

Sống ở tương lai và build những thứ thú vị. Lạ như con quạ, nhưng đó chính là công thức cho anh em.

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây