Chàng trai nhỏ với niềm đam mê về ngành kỹ thuật rất lớn khi tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ. Khôi Trần – điểm sáng tiềm năng trong ngành kỹ thuật phần mềm Việt Nam đã có một hành trình khởi nghiệp đầy thú vị. Hãy cùng Táo Khởi Nghiệp khám phá về quá trình ấy.

Anh Khôi có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Mình là Khôi – Founder & CEO của Hitek Group JSC. Hitek là một công ty chuyên về gia công phần mềm cho các thị trường ngoại quốc, đặc biệt là Canada và Hàn Quốc. Mình sinh năm 1996 và xuất thân là dân công nghệ. So với các bạn cùng tuổi, mình được xem là dày dạn kinh nghiệm hơn. Hiện tại, Khôi đã có khoảng 7 năm kinh nghiệm về mảng phát triển phần mềm. Sở dĩ khởi nghiệp sớm vì sau khi học xong lớp 9, mình quyết định đi học Trung cấp nghề lập trình. Năm 2014 mình chính thức tốt nghiệp. Đồng thời bắt đầu công việc đầu tiên như một nhà phát triển phần mềm lúc chưa tròn 18 tuổi.

Mình luôn cố gắng vừa học vừa làm vì xuất phát điểm quá sớm và thiếu nền tảng. Vậy nên gặp không ít trở ngại trong công việc. Sau khi tốt nghiệp, mình đang theo học và gần hoàn thành khoá MBA của đại học Western Sydney. Ý thức được nền tảng thấp nên mình đã tham gia khá nhiều cuộc thi. Lấy mác là “sinh viên” học liên thông, mình may mắn đạt được một số giải thưởng về lập trình. Đơn cử là giải nhất Olympic Tin học sinh viên toàn quốc năm 2019. Mình tin rằng bằng cấp và giải thưởng là vũ khí bổ trợ rất nhiều cho công việc kinh doanh hay thậm chí là kêu gọi vốn đầu tư cho mình sau này.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nhiều từ câu nói của nội mà mình được nghe đi nghe lại lúc nhỏ “Phi thương bất phú” (không kinh doanh thì không giàu được) nên năm 2018, mình bắt đầu ấp ủ xây dựng đội ngũ. Đến năm 2019, công ty chính thức tuyển nhân viên toàn thời gian về làm gia công phần mềm. Đến nay cũng hơn 3 năm, may mắn là công ty vẫn phát triển tốt. Từ đội hình 5 người bây giờ đã lên đến con số 20. Đồng thời được nhận đầu tư. Mình cũng hiểu hơn các vấn đề về giấy tờ, điều vốn dĩ một kỹ thuật viên ít khi để tâm. Công ty cũng dần có các khách hàng lâu dài ở nước ngoài. Khôi thấy mình có nhiều “phen” vô cùng may mắn.

Khôi Trần – Founder & CEO của Hitek Group JSC.

“Mình tin rằng bằng cấp và giải thưởng là vũ khí bổ trợ rất nhiều cho công việc kinh doanh hay thậm chí là kêu gọi vốn đầu tư cho mình sau này.”

Anh đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho anh cảm thấy ấn tượng nhất? Vì sao?

Năm 2014, mình đi làm cho các công ty về lập trình game (Cocos2dx) với vai trò lập trình di động. Đến 2016 thì bắt đầu làm việc cho Fossil – Misfit là một công ty toàn cầu. Đây là doanh nghiệp đã cho Khôi nhiều cơ hội đổi mới nhất. Lần đầu có cơ hội được học và trau dồi vốn tiếng anh. Nhờ vào những lần làm việc với nhiều đội nhóm khác nhau, đồng tận dụng tối đa những cơ hội công tác tại Ấn Độ và Mỹ, Khôi đã phát triển kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Đặc biệt là tăng kỹ năng nghe nói vượt bậc.

Ngoài ra, mình cũng được trải nghiệm làm việc ở môi trường chuyên nghiệp. Món quà lợi hại này Khôi cũng đang áp dụng cho Hitek. Mình tự tin khi nói rằng công ty đang có thế mạnh về công nghệ và tiềm năng lớn. Đây cũng chính là lý do mình nhận được các hợp đồng từ các khách hàng ngoại quốc khó tính.

Hãy kể 3 từ về bản thân mà anh cảm thấy đúng nhất?

Lạc quan, hiểu chuyện và tiếp thu nhanh trong đa số trường hợp.

Sở thích ngoài công việc của anh là gì?

Mình thích nhảy nhót, từng đam mê với bộ môn nhảy Bboy. Khôi từng có suy nghĩ nghiêm túc là sẽ theo đuổi nghệ thuật. Bên cạnh đó cũng đang học thanh nhạc. Hy vọng một lúc nào đó sẽ có thể “sáng đi làm, tối đi hát cho thỏa đam mê ca hát”.

Cuốn sách yêu thích nhất của anh?

Tạo lập mô hình kinh doanh (Business Model Canvas) – cuốn sách đầu tiên mình “chịu tự đọc” khi bắt đầu giấc mơ làm doanh nhân. Khôi nhận thấy đây là một cuốn sách hay và bổ ích cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp.  

Câu Quote yêu thích của anh?

“Không có mô hình kinh doanh nào thất bại MIỄN LÀ đủ tiền”. Mình không nhớ được từng nghe câu này từ ai nhưng lại rất tâm đắc. Một doanh nghiệp đủ tài chính hoàn toàn có thể khởi nghiệp dưới bất kỳ mô hình kinh doanh nào. Sai thì mình đập đi xây lại. Cứ thử nghiệm như vậy cho đến khi thành công, miễn là công ty duy trì đủ kinh phí.

Đây cũng là lý do mình định hướng Hitek từ đầu là một công ty “thuê ngoài”. Khi công ty có đủ doanh thu và vận hành hiệu quả, mình có thể trích lợi nhuận đầu tư cho các sản phẩm. Bằng cách này, phần trăm rủi ro thất bại sẽ giảm xuống gần như là số không. Cho dù sản phẩm có như thế nào đi nữa thì mình vẫn đều có nguồn doanh thu từ outsources (các công việc thuê ngoài – PV).

Khôi Trần cùng đồng nghiệp trong công ty

“Không có mô hình kinh doanh nào thất bại, MIỄN LÀ đủ tiền”

Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà anh từng trải qua? Và cách anh đã đối mặt với nó?

Khó khăn lớn nhất mình từng gặp là trong giai đoạn đầu của outsourcing. Thời điểm đó, mình cần phải có một phương cách tìm ra các nguồn dự án phù hợp. Mình từng thử rất nhiều cách. Con số ít nhất là 10. Cứ như vậy cho đến khi tìm được phương án tốt nhất và giúp mình có nguồn dự án ổn định cho đến bây giờ.

Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của anh là gì?

Công ty Hitek hiện tại đã khá ổn định về mặt outsourcing. Vậy nên mình đã bắt đầu các sản phẩm khác của công ty. Kỳ vọng là sẽ có thể được tung ra thị trường trong thời gian sớm nhất.

Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Khôi cũng chưa hẳn quá giỏi để gửi lời khuyên cho một ai. Nhưng mình có một gợi ý nho nhỏ cho các bạn trẻ: Một trong những lý do giúp mình khởi nghiệp hiệu quả chính là trang bị bộ kỹ năng chuyên môn ổn định!

Điều này giúp bản thân có một số lợi thế nhất định. Thứ nhất, mình có thể đề xuất những loại dịch vụ mà công ty có thể kinh doanh. Thứ hai, công ty có thể tuyển thực tập sinh và huấn luyện cho các bạn. Với mình đây được coi là một giải pháp siêu tiết kiệm cho công ty ở thời gian đầu. Cuối cùng chính là sự tín nhiệm Khôi nhận được từ đội ngũ nhân viên. Với Khôi, việc “gắn kết” giữa con người với con người đối là một trong những yếu tố thiết yếu nhất ở thời gian đầu khởi nghiệp.

Kỹ năng kĩ thuật không đơn giản chỉ về “kĩ thuật”. Nó là các bộ kỹ năng về chuyên môn như tài chính hay marketing. Trong các bài báo khoa học mình từng tiếp cận, có một khái niệm gọi là Skills Theory of Leadership (tạm dịch: Lý Thuyết về khả năng của nhà lãnh đạo). Khái niệm này cho rằng một người muốn phát triển về khả năng lãnh đạo – yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp, sẽ cần phát triển các bộ kỹ năng phù hợp (bao gồm kỹ năng kĩ thuật, kỹ năng về con người, kỹ năng về khái niệm). Đương nhiên, tất cả các bộ kỹ năng này đều cần được tập luyện. Các bạn có thể đọc thêm để tham khảo; biết được những gì bản thân đang có hay đang thiếu để bổ sung và tập luyện thêm nhé.

Cám ơn anh Khôi về những chia sẻ của mình!

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây