Là người có tầm nhìn xa, luôn hướng đến lợi ích chung và không ngừng đổi mới sáng tạo, Kathy Trần – Co-founder & CGO của Babuki – đã tự đặt mình vào những bước chuyển lớn trong sự nghiệp, từ đó đúc rút được nhiều kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân và cộng đồng khởi nghiệp.

1. Chị Kathy Trần có thể giới thiệu sơ lược về bản thân và hành trình dẫn đến con đường khởi nghiệp của mình?

Mình là Kathy Trần, Co-founder & CGO của Babuki, một đơn vị tư vấn doanh nghiệp về Gọi vốn Đầu tư, Mua bán & sáp nhập và Chiến lược kinh doanh. Con đường khởi nghiệp của mình chính thức bắt đầu từ năm 2018, sau khi rời vị trí “Marketing Campaign Manager” – Trưởng phòng chiến dịch Marketing tại Shopee. Nhưng có lẽ ngọn lửa khởi nghiệp đã nhen nhóm trong mình từ rất lâu trước đó. 

Trong suốt những năm đi làm, mình luôn có khao khát phải tạo được ra thành tựu, xây dựng được thành quả mà không cần ai phải quản lý, đốc thúc hay dặn dò mình làm gì. Thậm chí mình đã nhận làm cả những việc của người khác, những việc không có trong phạm vi công việc và không đòi hỏi thêm quyền lợi. Mình chỉ nghĩ đơn giản rằng công ty hay dự án có những bước tiến tốt mới là mục tiêu chính của mình. 

Sau này khi nhìn lại, mình hiểu rằng cái mình nhắm tới đã luôn là “bức tranh lớn”, “mục tiêu dài hạn” chứ không phải là những kết quả hay quyền lợi cá nhân ngắn hạn. Tư duy đó đã gieo những hạt giống đầu tiên cho hành trình khởi nghiệp của mình. Từ khi bắt đầu khởi nghiệp, mình mới thực sự tìm ra bản thân mình, như “cá gặp nước” và lý giải được rất nhiều dấu hỏi về bản thân cũng như thế giới xung quanh mà trước đây, khi còn đi làm thuê, mình chưa hiểu được.

2. Chị đã trải qua những Startup, dự án hay doanh nghiệp nào? Và đâu là điều khiến cho chị cảm thấy ấn tượng nhất? Vì sao?

Hành trình khởi nghiệp của mình rất thú vị và đều bắt nguồn từ những cầu nối. Cầu nối đầu tiên là đầu năm 2018, khi mới trở lại Sài Gòn, mình tìm thuê nhà khá vất vả. Mình cảm thấy cần phải làm gì đó để xử lý những vấn đề mà người đi thuê nhà gặp phải tại các thành phố lớn, ví dụ như thông tin quá nhiều và phân tán, không có cách gì để lọc hay xác minh, không có cách nào để quản lý lịch hẹn xem phòng cũng như quá trình đặt cọc – thuê nhà một cách hiệu quả… Vì vậy, mình bắt đầu tìm hiểu về thị trường bất động sản cho thuê và các giải pháp hiện có. 

Cũng trong khoảng thời gian đó, có hai người khác cũng đang dồn tâm sức giải quyết vấn đề này, từ trải nghiệm tìm thuê nhà khá vất vả của họ khi trở về Việt Nam. Họ tìm kiếm một co-founder trên LinkedIn, và tìm đến người bạn đang ở cùng mình. Người bạn này chính là cầu nối đầu tiên mà mình nhắc tới. Bạn ấy đã kết nối 2 bên, và hành trình của mình với Ohana, startup công nghệ trong lĩnh vực bất động sản cho thuê bắt đầu từ đây. Ohana tụi mình đã gọi vốn thành công ngay ở Sharktank mùa 1, được đầu tư bởi chương trình tăng tốc muru-D thuộc quỹ đầu tư của Tập đoàn viễn thông Úc Telstra và các nhà đầu tư thiên thần đến từ Singapore & Hàn Quốc.

“Tự tìm hiểu và làm tất cả mọi thứ trước khi nghĩ tới chuyện thuê ai đó làm cho mình”

Những điều mình học được trong 3 năm khởi nghiệp cùng Ohana bằng hơn 10 năm trước cộng lại. Mình hiểu được đội ngũ nhân sự có sức mạnh và tầm quan trọng đến thế nào trong sự phát triển của một startup. Sau này, mình luôn chia sẻ với các bạn founder đi sau và các em mentee 2 điều khi khởi nghiệp: một là, tự tìm hiểulàm tất cả mọi thứ trước khi nghĩ tới chuyện thuê ai đó làm cho mình. Bởi vì chỉ khi tự làm, bạn mới có đủ kinh nghiệm và kiến thức để hướng dẫn, đào tạo, bàn luận và hỗ trợ những người kế tiếp, cũng như nhận được sự nể trọng từ họ. Thứ hai, team đồng sáng lập nhất thiết phải dám thẳng thắn tranh luận với nhau cả khi thuận lợi lẫn khi khó khăn, dám nhìn nhận về bản thân mình và chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho bất kì ai khác hay cho hoàn cảnh. Thiếu 2 điều này, startup khó phát triển, chứ chưa nói tới việc thành công.

Ở Ohana, có những thành quả đã đạt được, và chúng xuất phát từ rất nhiều lần thử nghiệm, vô số sai lầm, có sai lầm tốn đến cả chục ngàn đô. Đó là khi mình cùng đội ngũ quá tập trung vào vấn đề phát triển sản phẩm, tìm ra kiếm sản phẩm phù hợp với thị trường. Mà quên mất rằng, việc thương mại hóa sản phẩm, tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp cũng vô cùng quan trọng. Cũng có những bài học sâu sắc về việc tuyển dụng, chọn người, dùng người, quản lý team và xử lý khủng hoảng. Có những thời điểm, tụi mình gần như phải bắt đầu làm lại toàn bộ dự án, coi như khởi động lại từ đầu, vì vấn đề nguồn lực con người, tài chính, hướng đi… Mỗi lần như vậy đều tác động rất lớn tới tinh thần của founders. Vậy nên để đi tiếp trên con đường khởi nghiệp, thực sự phải rèn luyện sức bậtkhả năng tự hồi phục rất lớn. Nếu mỗi sáng bạn bật dậy vì muốn lao đến xử lý một vấn đề của công ty. Hay đêm về bạn nghĩ mãi về những điều còn dang dở cho dù nó khó chấp nhận và khó xử lý tới đâu, cho dù bạn phải hi sinh và chịu đựng những gì, thì khi đó bạn phù hợp với việc khởi nghiệp.

Bước tiếp theo trên chặng đường khởi nghiệp của mình cũng thông qua cầu nối, nhưng lần này không phải một mà là nhiều người. Điều này khiến mình tin rằng cơ hội sẽ đến vào lúc mình không đoán trước được, nhưng để nắm được cơ hội thì chúng ta luôn cần chuẩn bị bản thân thật sẵn sàng. Mình từng lập ra chiến dịch “Thought Partners” trên LinkedIn nhằm hỗ trợ các solo founders, góp với họ một vài góc nhìn khách quan từ bên ngoài mà, vì khởi nghiệp một mình, họ chưa thể chia sẻ được với ai. Qua chiến dịch đó, mình gặp được một người anh làm startup về Du lịch. Sau đó, anh ấy giới thiệu mình để trở thành mentor cho cuộc thi “Y tế thông minh và Cuộc cách mạng 4.0” của Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc thi này có các mentor khác, và thông qua sự giới thiệu, kết nối của họ, mình đã gặp được co-founder ở dự án khởi nghiệp thứ 2 mang tên Babuki. 

Babuki là một cột mốc lớn trong cuộc đời mình. Trong các hoạt động, đối tượng mà Babuki tiếp xúc đa phần là CEO của các doanh nghiệp mà doanh thu mỗi năm lên tới cả  trăm tỉ đồng. Họ có kiến thức sâu và rộng, lại có kinh nghiệm thực chiến trong kinh doanh nhiều năm. Họ hiểu ngành có mức độ cạnh tranh ra sao, hiểu chuyển đổi số là công cuộc thử thách thế nào, và biết một sản phẩm như phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP giải quyết được bao nhiêu phần trăm vấn đề của họ…

“Team đồng sáng lập nhất thiết phải dám thẳng thắn tranh luận với nhau cả khi thuận lợi lẫn khi khó khăn, dám nhìn nhận về bản thân mình và chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho bất kì ai khác hay cho hoàn cảnh”

Đây thực sự là một thử thách lớn với mình, nhưng cũng là điều mình thích thú. Từ trước đến này, mình vốn là người thích thử thách. Cộng với việc thích tư duy sáng tạo, mình chỉ ngại cái cũ và dễ dàng. Mình lao vào học kiến thức về các ngành, về thị trường, về tài chính và quản trị doanh nghiệp, làm Host cho các hội thảo về kinh doanh để lắng nghe những nỗi đau và kinh nghiệm từ các lãnh đạo. Một thời gian ngắn sau đó thì mình có thể viết bài về ngành để đăng lên website công ty và các báo dành cho doanh nhân. Có thể nói, Babuki là một bước thử thách vượt bậc với mình, và có lẽ vì thế, tốc độ học tập của mình một lần nữa lại tăng gấp 5-6 lần.

Điều tuyệt vời nhất ở Babuki hiện giờ có lẽ là cách mà mình làm Marketing, Vận hành và Dịch vụ. Cách làm đó thực sự đồng nhất với con người mình: không màu mè, khoa trương, chú trọng vào chất lượng nội dung và giá trị thực sự đem lại cho đối tác và khách hàng. Nó đòi hỏi sự đào sâu về kiến thức và thấu hiểu sâu sắc về thị trường, khách hàng cũng như sự sáng tạo và chu đáo trong từng chi tiết. “Inbound marketing” là khái niệm mình đã tiếp xúc từ những năm trước, nhưng chỉ với Babuki và trong giai đoạn Covid-19 đầy thử thách như hiện nay, mình mới có cơ hội thực sự đi sâu và ứng dụng tới từng milimet. Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh, lĩnh vực và văn hoá của Babuki khẳng định thêm niềm tin của mình: việc ưu tiên quyền lợi của khách hàng và đối tác, ưu tiên giá trị thực chất đem lại cho họ và việc minh bạch trong các hoạt động chính là chìa khoá cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bản thân cái tên Babuki cũng gắn liền với điều này: “Keys for better business”.

3. Hãy kể 3 từ về bản thân mà chị cảm thấy đúng nhất? Vì sao chị lại chọn 3 từ này?

Đơn giản, tập trung và không cạnh tranh. 3 từ này nói lên đúng tư duy và phong cách sống của mình, và giúp mình phát triển tích cực. Vì đơn giản và không cạnh tranh, mình “sẽ nói không” với nhiều thứ và “sẽ nói đồng ý” với một số ít thứ, nên mình tập trung được vào những điều thiết yếu nhất. 

“Đơn giản, tập trung, không cạnh tranh”

4. Sở thích ngoài công việc của chị là gì?

Có 3 hoạt động mà mình ưu tiên ngoài thời gian dành cho công việc: tập luyện thể thao, kết nối với bản thân và kết nối với bên ngoài. Về thể thao, mình từng dành một năm rưỡi để tìm hiểu và rèn luyện với gym, từ đó hiểu thêm về cơ chế của cơ thể, và có thể nói thể chất và tinh thần mình đã thay đổi vượt bậc nhờ gym. Mình hay nói đùa với mọi người là: “Thông minh thì phải chứng minh chứ đẹp thì không cần, nên nhất định phải đẹp đã!” (cười). Khi chưa giãn cách, mình dành thời gian chạy/ đi bộ mỗi sáng và đi bơi cuối tuần, còn bây giờ thì mỗi khi cuối giờ chiều lại trải thảm ra tập Calisthenics. Khoảng thời gian dành cho thể thao là lúc tái tạo năng lượng tuyệt vời. 

Bên cạnh đó, mình cũng lấy lại năng lượng tinh thần bằng các hoạt động kết nối với bản thân: phản tư (self-reflection), vẽ và tập đàn. Những hoạt động này giúp mình lắng lại, tập trung hơn và nhìn ra được nhiều bài học hữu ích từ mọi thứ mình làm, cũng như đem lại nhiều ý tưởng sáng tạo. Mình không thuộc nhóm thích tụ tập đông người, nên với thế giới bên ngoài, mình tập trung kết nối với thiên nhiên, với sách. Mình thích kết nối 1:1 hay theo nhóm nhỏ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các mentee ở những quán cafe hay quán ăn yêu thích. Khi điều hành doanh nghiệp, mọi thứ diễn ra rất nhanh, đòi hỏi năng lực xử lý và sức bật tốt, vì vậy những sở thích của mình đều hướng tới việc giúp cho đầu óc lắng lại, suy nghĩ thấu đáo hơn và ra quyết định hiệu quả hơn.

5.  Ai là người truyền cảm hứng cho chị nhiều nhất? Vì sao?

Bố mình là người truyền cảm hứng lớn nhất cho mình, dù ông không phải là người làm kinh doanh. Ông là giáo viên dạy Văn – Sử và sau này làm hiệu trưởng của một số trường ở Hà Nội. Bố mình thẳng tính, cực kì liêm khiết và vô cùng say mê ngôn ngữ. Khi mình 4 tuổi, bố mình thường xuyên đọc truyện cổ tích Việt Nam cho mình, và mình thích thú đến nỗi ngày nào cũng đòi bố đọc cho nghe. Rồi một hôm bố mình bảo: “Con học đọc chữ để tự đọc truyện đi!”. Thế là mình học đọc, và trước khi đi học lớp 1 thì đã đọc hết các cuốn trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam rồi.

Bố cũng là người truyền cho mình tình yêu với văn thơ, nên sau này mình học chuyên ngành ngôn ngữ và sáng tạo nội dung. Bố cũng luôn ưu tiên việc học tập cho dù gia đình có trải qua những giai đoạn khó khăn về vật chất đến đâu. Năm mình học lớp 6, bố mình mất, đó là một cú sốc lớn mãi mãi in dấu trong tâm trí mình. Sau này, khi rời Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, trong những lúc khó khăn nhất, mình nghĩ tới tấm gương của bố và lại có thêm sức mạnh để tiếp tục bước đi. Mình tin rằng bố luôn dõi theo mình và có quyền tự hào về con gái.

6. Cuốn sách yêu thích nhất của chị?

Có khá nhiều cuốn mình yêu thích như nhau, nhưng ngoài những cuốn trực tiếp nói về kinh doanh và khởi nghiệp, có thể kể đến cuốn “Cư xử như đàn bà, Suy nghĩ như đàn ông” của danh hài người Mỹ Steve Harvey. Cuốn sách này mình đọc nhiều năm trước, sau khi chia tay người yêu, để tìm câu trả lời cho những câu hỏi “vì sao” trong mối quan hệ, nhưng giá trị của nó đã vượt ra ngoài câu trả lời ấy và làm thay đổi nhân sinh quan của mình. 

Từ việc hiểu phụ nữ và đàn ông có bản năng, mối quan tâm, nỗi sợ và cách tư duy, biểu hiện khác nhau, mình học được cách nhìn con người đa dạng hơn, cố gắng đặt bản thân vào vị trí của người khác, thấu cảm, yêu mến họ theo cách họ mong đợi và phù hợp với mình. Không đánh giá họ bằng cảm quan cá nhân. Điều này được áp dụng cả vào triết lý kinh doanh của mình sau này: mỗi đối tượng xung quanh mình (đồng nghiệp, cấp trên/ cấp dưới, khách hàng, đối tác…) đều có nỗi đau, mối quan tâm và kì vọng riêng. Để mối quan hệ hiệu quả, mình phải hiểu họ muốn gì, sợ gì và nỗ lực không ngừng để hỗ trợ họ. 

Ngoài ra, cuốn sách cũng khuyên một người phụ nữ nên biết cư xử dịu dàng, mềm mỏng bên ngoài, nhưng tư duy & suy nghĩ đơn giản, mạch lạc như đàn ông. Đây là lời khuyên cực kì hữu ích cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm kinh doanh, làm lãnh đạo; vì nó giúp mình có được sự kết hợp cần thiết và hiệu quả. Mình thực sự đã áp dụng phương thức này và thấy cuộc sống dễ dàng, thoải mái hơn rất nhiều! 

Cuốn sách cũng bật mí những bí mật để một người phụ nữ trở nên thực sự duyên dáng và có sức hút, cả về thể chất lẫn tinh thần. Thú vị lắm! Nhờ nó mà mình xây dựng được một cuộc sống đầy sự trân trọng và yêu thương, là động lực rất lớn cho mình trên con đường khởi nghiệp.

“Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó”

7. Câu Quote yêu thích của chị? Vì sao?

“The best way to predict the future is to create it” – Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó. Câu nói này chính là thể hiện tinh thần khởi nghiệp: chủ động làm, chủ động tạo ra thành quả, chủ động chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Sẽ có rất nhiều thời điểm ta dễ dàng đổ lỗi cho vận may rủi, sự bất công bằng… nhưng nếu chủ động làm với cường độ và tần suất liên tục, chúng ta thực sự có thể điều hướng cuộc đời mình.

8. Khó khăn hay biến cố lớn nhất trong chặng đường khởi nghiệp mà chị từng trải qua? Và cách chị đã đối mặt với nó?

Bài học từ sự thành công của các doanh nghiệp lớn đi từ con số 0 lên như MWG, PNJ… đều cho thấy tầm quan trọng của việc dùng người và quản lý con người. Theo mình, đây chính là thử thách lớn nhất. Trong chặng đường khởi nghiệp của mình, có thời điểm, việc thiếu kinh nghiệm, ngân sách, kĩ năng quản lý và xử lý vấn đề này đã khiến dự án chậm lại, đi sai hướng, hoặc thậm chí tan vỡ. Đội ngũ sáng lập viên của mình từng có thời điểm ngồi với nhau từ 2 giờ chiều tới 10 giờ tối chỉ để phân tích vấn đề nhân sự và tìm cách giải quyết.

Có lúc phải ra quyết định dừng hợp tác với nhiều nhân sự do khác biệt về văn hoá, tinh thần hay thiếu hụt về tài chính. Trong khi các vấn đề khác như kĩ thuật, tài chính… có thể được xử lý hay kiểm soát đâu đó, thì nhân sự là yếu tố gần như vượt khỏi tầm tay của tụi mình khi đó. Và tụi mình chấp nhận 2 điều: thừa nhận rằng tụi mình đã sai trong việc chọn người, dùng người, và chấp nhận hi sinh, làm lại từ đầu. Thử thách đó đã cho mình rất nhiều bài học, giúp mình tỉnh táo hơn, và đồng thời cũng rèn luyện mình cứng rắn hơn trước những cảm xúc hay phản ứng từ bên ngoài.

9. Định hướng công việc trong thời gian sắp tới của chị là gì?

Co-founder ở startup đầu tiên từng nói với mình rằng: “Một khi đã bước chân vào con đường khởi nghiệp, bà sẽ nghiện nó và không rời đi được đâu”. Điều đó cho đến giờ vẫn đúng với mình, nên mình sẽ tiếp tục với hành trình khởi nghiệp mà mình đã chọn, tận dụng từng giây từng phút để đem lại dịch vụ tư vấn và giải pháp cho khách hàng, hiệu suất đầu tư hoàn vốn cho doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, mình cũng vẫn dành thời gian hỗ trợ các bạn trẻ: hiện mình là mentor trong dự án SME Mentoring 1 on 1, dự án cố vấn lớn nhất Việt Nam với 10 năm hoạt động, đồng thời vẫn tiếp tục hỗ trợ các mentee khác theo hình thức cá nhân và thông qua các trường đại học như Đại học Y Dược, Đại học Kinh tế TP HCM,… Ngoài ra, mình cũng khá có duyên với các chương trình hội thảo cho doanh nghiệp bằng tiếng Việt và tiếng Anh, như đã từng điều phối hội thảo của Techfest 2020 và các sự kiện của ngành F&B, Dược phẩm, Công nghệ, Marketing… nên trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục điều phối những chương trình có tính chuyên môn. Mình cũng để ngỏ khả năng hợp tác sản xuất nội dung dành cho doanh nhân, doanh nghiệp với các đối tác quan tâm.

10. Lời khuyên của chị dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Có khá nhiều, nên mình sẽ chọn một lời khuyên bao trùm nhất: nếu đã nghĩ tới khởi nghiệp, thì đừng chần chừ, lao vào làm đi rồi sẽ biết hợp hay không. Nếu đã khởi nghiệp, thử đi tới mức tận cùng bạn có thể làm được. 70% sẽ bỏ cuộc, 97% sẽ thất bại, đó là thực tế khi khởi nghiệp, nhưng vẫn có 3% thành công, biết đâu bạn nằm trong số đó, nhờ vào sự kiên cường và một chút may mắn.

Cám ơn chị về những chia sẻ của mình !

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây