Theo thống kê của Tổng cục du lịch năm 2018, hiện Việt Nam có 28,000 cơ sở lưu trú du lịch với 550,000 phòng; trong đó số cơ sở từ 3-5 sao chỉ là 965 cơ sở (3.4%) với 126,734 phòng (23%); nghĩa là 77% số phòng còn lại là từ 2 sao trở xuống. Đây quả thực là một thị trường mênh mông mà hiện giờ chưa ai khai thác một cách chuyên nghiệp, nghĩa là thiếu sự nhận diện thương hiệu, thiếu sự đồng bộ về chất lượng ví dụ như wifi, khăn và khăn trải giường sạch, nước uống an toàn, … Tại Đông Nam Á, phân khúc khách sạn bình dân, trung cấp đang tăng trưởng đều đặn. Dữ liệu của Euromonitor International cho biết thị trường 6 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã tăng 18% lên 9,5 tỷ USD trong 5 năm qua.

Nhận thấy lỗ hổng thị trường này, hai start-up mới của ngành khách sạn là RedDoorz và OYO đã đẩy mạnh đầu tư vào thị trường này, hứa hẹn một cuộc chiến quyết liệt trong tương lai.

Reddoorz chào sân vào cuối tháng 3/2019, trước OYO tầm 3 tháng. Khi ra mắt, chuỗi khách sạn theo mô hình nhượng quyền đến từ Singapore có 40 khách sạn ở TP HCM. Đến nay, hệ thống này đã có hơn 70 khách sạn tại đây và đặt mục tiêu mở rộng ra thêm 3 thành phố là Vũng Tàu, Đà Nẵng và Hà Nội để nâng tổng số khách sạn RedDoorz lên con số 200 ngay trong năm nay. RedDoorz được sáng lập bởi Amit Saberwal vào tháng 10/2015 và đang có hơn 700 khách sạn tại Singapore, Indonesia, Phillipines, Việt Nam. RedDoorz đã gọi được tổng cộng 69,4 triệu USD từ 500 Startups, International Finance Corp (thuộc World Bank) và một quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu.

Cuối tháng 6/2019, OYO cũng gia nhập thị trường Việt Nam. Ngày ‘lộ diện’, chuỗi khách sạn lớn nhất Ấn Độ có trong tay 90 khách sạn nhượng quyền tại 6 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang và tuyên bố sẽ rót 50 triệu USD và muốn có 20.000 phòng vào cuối năm tới. OYO vừa vươn lên vị trí chuỗi khách sạn lớn thứ 3 thế giới, dựa vào số lượng phòng. Đến tháng 6/2019, hệ thống có trên 850.000 phòng, vượt qua các công ty như IHG, Accor, Wyndham và chỉ còn đứng sau Marriot và Hilton về số phòng. Hiện tại, hậu thuẫn OYO Hotels gồm Airbnb, SoftBank Vision Fund, Greenoak Capital, Sequoia Capital, và Hero Enterprise.

Cả hai không trực tiếp sở hữu mà hợp tác nhượng quyền với chủ sở hữu khách sạn rồi thu phí nhượng quyền hoặc ăn chia doanh thu. Theo OYO, dưới thương hiệu đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy phòng của doanh nghiệp dự đoán sẽ tăng hơn 30%, doanh thu trên số phòng sẵn sàng bán (RevPAR) và lợi nhuận tăng 2,5 lần. Các khách sạn khác nhau về chất lượng nhưng hai công ty này sẽ giúp nâng cao chất lượng chuẩn chung của cả ngành khách sạn Việt Nam dưới hình thức nhượng quyền này. Điều trùng hợp là cả OYO và Reddoorz đều chọn màu đỏ làm nhận diện thương hiệu, từ logo đến chi tiết trang trí trong phòng nghỉ.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam https://bit.ly/2Mt4gIl ; vnexpress https://bit.ly/2MudunD; FB Rethure

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây