1.Wefit

Ra đời giữa năm 2016 với Founder Khôi Nguyễn – người từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017 và danh sách “30 under 30 Việt Nam” do Forbes bình chọn, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng. WeFit cho phép người dùng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào và tập không giới hạn trong hệ thống, với hơn 20 bộ môn như: Gym, Yoga, Boxing, Zumba,… bằng việc chỉ cần thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống.

Bài học:

1. Danh vọng là đòn bẩy nhưng cũng có thể là cạm bẫy 

Đọc hồ sơ hoành tráng với rất nhiều giải thưởng của người sáng lập wefit thì tôi nghĩ đến bài học mà Giáo sư Christensen đã viết. Rằng khi những người trẻ (bạn của giáo sư ở đại học Harvard) thành đạt quá sớm, thì người đó sẽ chịu một áp lực rất nặng để vượt lên chính đỉnh cao của mình.

Nếu đỉnh cao đó, ngay từ đầu đã cao hơn chính tầm vóc của mình, thì rất dễ có chuyện để tiếp tục thăng hạng người này sẽ rơi vào cặm bẫy của danh vọng thủa ban đầu. Và áp lực tiếp tục thành công thành công hơn nữa sẽ khiến các bạn trẻ thiếu bản lĩnh để đầu tư vào sự vững vàng. Cụ thể là WeFit chưa fix được lỗi của fitness thì đã mở rộng sang beauty để rồi vướng cùng một lỗi, gọi là chết hai lần bởi cùng một cái thòng lọng.

2. Sự phát triển của doanh nghiệp khó có thể vượt hơn sự phát triển tầm vóc của người dẫn dắt doanh nghiệp

Khi dùng đòn bẩy tài chính từ các nhà đầu tư để mở rộng doanh nghiệp thì phải tự đầu tư để phát triển bản thân tương thích và ban điều hành cũng cần có sự phát triển tương ứng với tầm vóc của quy mô tổ chức mà họ điều hành. Đó chính là lý do các quỹ đầu tư luôn “ép” chủ doanh nghiệp phải học và hỗ trợ về năng lực là cấu phần quan trọng trước khi mở rộng quy mô. Nếu chỉ hỗ trợ vốn để scale up và làm marketing mà không giúp chính ban điều hành và các thành viên phát triển thì đó là con đường chết.

Tất nhiên, trước khi chết thì thường đẹp lồng lộn. Vốn đối ứng của một Dream team sẽ là khả năng team tự đầu tư cho chính mình để mở rộng năng lực quản lý, khả năng chịu đựng thất bại và thách thức của thị trường. Có thể tôi chưa đọc hết nhưng mình thấy khả năng chịu áp lực của team hơi đuối cụ thể là họ đã để mất giá trị quý nhất của một người làm kinh doanh ngay từ khi chưa vỡ trận. Mất uy tín.

3. Biết giá trị cốt lõi của mình và tâm thế chủ động chịu trách nhiệm 

Nhiều ý kiến phân tích là doanh nghiệp kinh doanh dựa trên niềm tin vào sự tử tế của khách hàng, còn khách hàng lại quá “khôn” nên doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ở đây tôi chỉ muốn nói là, người làm ăn cần giữ chữ tín và có đạo đức, nhưng khi bạn B2C (Business to customer) thì không thể chọn khách hàng có cùng tầm nhìn và giá trị như khi làm B2B (Business to Business).

Làm B2C phải xây dựng hành lang pháp lý để khách hàng có thể tự do trải nghiệm dịch vụ của mình trong khuôn khổ những điều đã thoả thuận. Và việc mình không lường hết được sự tinh quái của khách hàng mình phải tự chịu trách nhiệm.

Đây cũng là bài học khi đem một mô hình kinh doanh mà không đặt nó trong bối cảnh của việc thấu hiểu hành vi khách hang, không hiểu insight khách hang là một phần của mô hình kinh doanh thì tốt nhất là nhận trách nhiệm thay vì đổ lỗi cho khách hàng.

4. Môi trường khuyến khích khởi nghiệp thành công phải là môi trường êm ái cho sự thất bại

Thủ tướng có nói trong đối thoại doanh nghiệp tuần trước rằng không sợ thất bại, dám đứng lên sau thất bại. Nhưng làm thế nào để xây dựng một cộng đồng êm ái cho sự thất bại? Đơn cử là khi thất bại không bị lôi ra để dè bỉu, dám đối diện với thất bại để học hỏi, và có hành lang pháp lý cho việc thất bại ( đóng cửa doanh nghiệp, tuyên bố phá sản).

Một môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho những thất bại, cũng chính là môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho thành cô

2. Món Huế

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, nhận 30 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, Huy Việt Nam, ông chủ của chuỗi Món Huế, là cái tên đình đám trong lĩnh vực F&B một thời. Theo thông cáo báo chí của doanh nghiệp năm 2015, Nhà đầu tư Mỹ Mark Mobius, người rót 15 triệu USD vào Huy Việt Nam, từng khẳng định sẽ rót thêm vốn bất cứ khi nào công ty này cần. Kết quả kinh doanh của Món Huế 3 năm gần nhất cho thấy song hành với mở rộng quy mô của chuỗi này là kết quả kinh doanh xuống dốc. Giữ nguyên mức doanh thu khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm, Món Huế từ chỗ lãi gần 300 triệu đồng năm 2016 đã lỗ lần lượt 54 tỷ đồng và 50 tỷ đồng vào các năm 2017 và 2018. Lỗ lũy kế của chuỗi này vào cuối năm 2018 là khoảng 107 tỷ đồng. Trước khi đóng cửa hàng loạt, Huy Việt Nam có 200 điểm bán với 10 thương hiệu khác nhau.

Bài học:

1. Đầu tiên, doanh nghiệp cần làm một điểm bán thật tốt, để tìm ra công thức thành công, hoàn thiện sản phẩm và chính sách giá. Từ đó cũng kiểm soát tiêu chuẩn đầu vào và kiểm soát chi phí.

2. Thứ hai, doanh nghiệp nên chậm rãi nhân ra 2-3 điểm bán để vừa làm vừa tinh chỉnh hệ thống quản lý, tiêu chuẩn và chính sách cho đội ngũ, khả năng kiểm soát chất lượng toàn hệ thống.

3. Thứ ba, khi dòng tiền sinh ra từ 3 điểm bán đầu tiên đủ cáng đáng cho điểm bán thứ 4 mà không phải vay mượn thì mới nhân thêm. Sau đó, việc nhân điểm bán cứ như vậy cho đến khi phủ kín địa bàn hiện tại.

4. Thứ tư, khi mở sang địa bàn hay phân khúc khách hàng khác, doanh nghiệp cần làm chậm để tinh chỉnh lại hệ thống và chính sách trước khi mở rộng thêm

3. The KAfe

Góp mặt tại thị trường TP.HCM trong chiến dịch “Nam Tiến”, The Kafe cùng với cựu CEO Chi Anh xuất hiện như một ngôi sao startup. The Kafe với 4 thương hiệu gồm The Kafe, The Kafe Village, The Kafe Box và The Burger Box cùng với 2 dòng đồ uống riêng đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng mới trong thị trường cà phê Việt Nam.

Trong các dự án của các doanh nhân trẻ được rót vốn bởi các quỹ đầu tư ngoại, 5,5 triệu USD rót cho The Kafe có thể không thực sự lớn. Nhưng Cassia Investments, một quỹ góp vốn tư nhân tập trung vào ngành tiêu dùng ở thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc, thực sự đánh giá The Kafe là “một mô hình táo bạo, mới mẻ, một hình ảnh mới cho ẩm thực Việt Nam”.

Bài học:

1. Lựa chọn nhà đầu tư phù hợp

Có những nhà đầu tư gọi là Nhà đầu tư cá mập, chỉ có mục tiêu thâu tóm chứ không có mục tiêu đồng hành. Họ đến để tiếm quyền và với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn từ việc kiểm soát công ty và bán công ty chứ không hướng tới dài hạn.

Nhiều nhà đầu tư tài chính nhắm đến mục tiêu này. Vì thế, thứ tự ưu tiên lựa chọn nhà đầu nên là Đối tác cùng ngành => Quỹ đầu tư cùng ngành => Quỹ đầu tư tài chính.

Trong các thương vụ tư vấn của mình, tôi biết có những doanh nghiệp Việt nhận đầu tư với số tiền lên đến đơn vị 2 con số triệu đô, nhưng đồng thời cũng nhận về sản phẩm mới từ đối tác, công nghệ mới từ đối tác, hỗ trợ quản trị, chuyên gia từ đối tác để phát triển thị trường Việt Nam. Đó sẽ là mục tiêu hướng tới.

Trong khi đó, bản chất của quỹ đầu tư tài chính là họ sẽ có thời hạn đầu tư và áp lực thoái vốn từ chính cổ đông của quỹ, nên họ đến với bạn ngắn hạn hơn nhiều.

2. Cẩn trọng trong đàm phán điều khoản nhận đầu tư

Đây chính là điểm mấu chốt trong thương vụ thất bại của the kafe. Nhận tiền đầu tư sẽ kèm theo hàng loạt các điều kiện của nhà đầu tư, nhất là họ sẽ đưa ra yêu cầu kiểm soát hoàn toàn về tài chính. Trong khi đó, các founders lại thường không giỏi về vấn đề này.

Nhà đầu tư sẽ áp đặt các chỉ tiêu mang tính thâu tóm, và nếu founders không đạt được chỉ tiêu, thì họ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu và thâu tóm công ty. Các start-up thường không xây dựng cho mình chiến lược tài chính chủ động ngay từ đầu, nên khi khát tiền, họ sẽ chấp nhận một cách mù quáng mọi yêu cầu của nhà đầu tư.

Ngoài ra, họ cũng sẽ thường quên đàm phán một gói Incentive (lợi tức, gồm cả lương và thưởng) cho các founders. Gói Incentive là bình thường trong mọi thương vụ, nhưng các nhà đầu tư thường hay lờ đi, còn start-up thì không biết mà đàm phán.

3. Xây dựng cơ chế quản trị công ty quy chuẩn

Không nhiều start-up hiểu thế nào là quản trị công ty. Cơ chế quản trị công ty không ổn sẽ gây ra mâu thuẫn giữa người điều hành với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tài chính thuần tuý.

Khi xảy ra mẫu thuẫn, các cơ chế không rõ ràng đã khiến mâu thuẫn trầm trọng hơn. Và như trường hợp the kafe, người sáng lập Đào Chi Anh đã phải rời khỏi công ty chỉ trong thời gian ngắn ngay sau khi nhận vốn, khiến công ty sụp đổ.

4. Xây dựng được kế hoạch kinh doanh khả thi sau gọi vốn

Kế hoạch kinh doanh nửa vời là vấn đề. Khi chỉ có một mình làm chủ, bạn có thể làm bất kỳ thứ gì bạn muốn. Nhưng khi có nhiều hơn các “ông chủ” bạn cần phải đảm bảo lợi ích của tất cả.

Khi đó, một kế hoạch kinh doanh chi tiết và khả thi và từ đó các bên bám vào đó mà thực hiện sẽ giúp đáp ứng được lợi ích, hoặc ít nhất lấy đó làm căn cứ “đồng cam cộng khổ”. Ngược lại, thì mâu thuẫn sẽ ra tăng.

Nhất là founder nào có tư tưởng “tự dưng có tiền” mà giảm nhiệt huyết công việc. Nhà đầu tư cảm thấy lợi ích của họ bị ảnh hưởng, và họ sẽ hành động. Lúc này cơ chế quản trị không tốt sẽ dẫn tới ngõ cụt cho các bên.

5. Cần có khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh

Nhiều founders sau khi nhận vốn thì hơi vĩ cuồng về khả năng của mình. Họ luyên thuyên về nào là thương hiệu, nào là ý tưởng lớn mà quên mất một điều rằng thương hiệu hay ý tưởng lớn thành công thì đều từ vận hành tốt hàng ngày mà ra.

Công ty phải được thiết kế và vận hành tinh gọn. Nếu không thì quy mô bắt đầu lớn do “vừa nhận được tiền”, mọi thứ tự dưng trở lên hỗn loạn, chi phí phát sinh khổng lồ, hiệu quả ngày càng giảm.

Làm thương hiệu chẳng qua là làm vận hành thật tốt, từ đó thương hiệu sẽ đến. Còn cứ trên mây trên gió thì thất bại sẽ đến.

6. Quản lý tài chính và dòng tiền tốt

Ngày xưa, thời còn làm một mình hoặc hai ba mình, tiền bao nhiêu thì cứ chui vào tài khoản rồi lấy ra chi tiêu, đầu tư và chia nhau. Giờ đây, mọi thứ cần phải chuẩn chỉnh, thế là các founders không biết xoay sở thế nào.

Bên cạnh đó, lại còn vấn đề về thuế: Trước đây bán F&B, toàn khách lẻ nên khai thuế thấp. Giờ đây, phải khai đủ doanh thu, chi phí thuế tăng vọt lên. Founders thấy thu được bao nhiêu thì chi hết bấy nhiêu, chưa thấy lợi ích đâu, chỉ thấy quy mô to thì việc nhiều và hiệu quả thấp. Dòng tiền tự dưng chạy hỗn loạn, không biết đằng nào mà lần.

Không những vậy, có founders thậm chí không đọc được báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động. Sau khi quy mô to, thiếu tiền do hiệu quả xuống thấp, founders lại tính đến chuyện gọi vốn lần tiếp theo. Lúc này, lợi ích của nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng dẫn tới xảy ra mâu thuẫn. Vì thế, startup cần một chiến lược tài chính tốt và thực thi chiến lược tài chính một cách hiệu quả.

Nguồn: Sưu tầm

————————

Tìm hiểu thêm về cộng đồng Táo Khởi Nghiệp tại đây

Tìm hiểu về các dịch vụ mà Táo Khởi Nghiệp cung cấp tại đây.

————***————

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây